Hỏi
Chào bác sĩ,
Tôi bị tràn dịch khớp gối, đi nhiều bị sưng và cứng đầu gối. Bác sĩ cho tôi hỏi cách điều trị tràn dịch khớp gối? Bác sĩ cho tôi xin toa thuốc. Cảm ơn bác sĩ.
Dương Thị Thu Hồng (1969)
Trả lời
Được giải đáp bởi Bác sĩ chuyên khoa II Hoàng Thị Hiền - Bác sĩ Đa khoa - Khoa Khám bệnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.
Chào chị,
Với câu hỏi “Cách điều trị tràn dịch khớp gối?”, bác sĩ xin giải đáp như sau:
Dịch trong ổ khớp là thành phần đặc biệt có tác dụng bôi trơn và giảm ma sát cũng như nuôi dưỡng các sụn trong khớp. Tuy nhiên, đôi lúc lượng dịch trong khớp gia tăng quá mức sẽ dẫn đến tình trạng tràn dịch khớp gối gây hạn chế vận động hay thậm chí phá hủy khớp. Tràn dịch khớp gối là tình trạng gia tăng lượng dịch bất thường trong khớp gối sau chấn thương hoặc các nguyên nhân bất thường trong khớp làm hạn chế vận động khớp gối. Mặc dù không phải là một bệnh khó chữa nhưng nếu không được chẩn đoán và điều trị sớm có thể dẫn tới các biến chứng nguy hiểm.
Một số nguyên nhân thường gặp của tràn dịch khớp gối gồm có: Tràn dịch sau các chấn thương: Các loại chấn thương sau khi chơi thể thao hay vận động quá sức hoặc tai nạn lao động, sinh hoạt khiến sụn khớp bị tổn thương, giãn hoặc đứt dây chằng chéo trước, dây chằng chéo sau hay rách sụn chêm, gãy xương,... Tràn dịch trong các bệnh lý về khớp: Một số bệnh lý mạn tính có thể dẫn đến tràn dịch khớp gối có thể kể đến như thoái hóa khớp, nhiễm trùng khớp, gout hoặc viêm khớp dạng thấp, rối loạn đông máu,... Nhiễm khuẩn: Vi khuẩn cũng có thể là nguyên nhân dẫn tới tràn dịch khớp gối, một số loại vi khuẩn thường thấy là: Vi khuẩn lao, Mycoplasma,...
Bình thường thì chị cần đến các cơ sở y tế để được các Bác sĩ chuyên khoa thăm khám, chỉ định làm các xét nghiệm cơ bản: Xét nghiệm máu, chụp X quang hoặc chụp MRI, siêu âm khớp gối. Từ đó các Bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp điều trị tràn dịch khớp gối phụ thuộc vào mức độ và giai đoạn bệnh của chị. Tuy nhiên đang trong giai đoạn giãn cách xã hội, việc thăm khám tại cơ sở y tế là hạn chế, chị có thể điều trị tại nhà: Bao gồm thuốc giảm đau (paracetamol 1-2g/ngày), có thể kết hợp với thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs) như: Etoricoxib 30 mg-60 mg/ngày, hoặc Celecoxib 200mg/ngày, hoặc Meloxicam 7,5-15mg/ngày. Các thuốc này điều trị không quá một tuần, kết hợp với nghỉ ngơi, tránh đi lại nhiều nhằm giảm thiểu trọng tải mà khớp gối phải chịu đựng, chườm đá và kê cao chân sẽ giúp tuần hoàn phía chi dưới được thuận lợi và giảm sưng nề. Nếu tình trạng của chị vẫn không được cải thiện, chị cần đến bệnh viện để được thăm khám cụ thể và xét chỉ định chọc hút dịch khớp, tiêm corticoid để điều trị, nội soi khớp gối nếu cần.
Nếu chị còn thắc mắc về việc tràn dịch khớp gối, chị có thể đến bệnh viện thuộc Hệ thống Y tế Vinmec để kiểm tra và tư vấn thêm. Cảm ơn chị đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Vinmec. Chúc chị có thật nhiều sức khỏe.
Trân trọng!
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.