Cách điều trị thoát vị đĩa đệm?

Cách điều trị thoát vị đĩa đệm phụ thuộc vào mức độ bệnh và tình trạng cụ thể của từng bệnh nhân. Bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp phù hợp nhằm giảm đau, giảm chèn ép dây thần kinh và ngăn ngừa biến chứng. Đọc bài viết để hiểu rõ hơn về các phương pháp điều trị tình trạng này.

Được giải đáp bởi Bác sĩ chuyên khoa II Hoàng Thị Hiền - Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

Hỏi

Chào bác sĩ, bác sĩ cho em hỏi cách điều trị thoát vị đĩa đệm? Em cần kiêng ăn và hoạt động gì thưa bác sĩ? Em cảm ơn bác sĩ.

Khách hàng ẩn danh

Chào bạn, với câu hỏi “Cách điều trị thoát vị đĩa đệm?”, bác sĩ xin giải đáp như sau:

Thoát vị đĩa đệm là căn bệnh tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe và khả năng vận động của con người.

Nguyên nhân chính gây bệnh là do nhân nhầy đĩa đệm ở khớp xương bị lệch ra khỏi vị trí hoặc bị mòn dần theo thời gian, làm cho các khớp xương chèn ép vào dây thần kinh, gây cảm giác đau nhức kéo dài.

Hiện nay, thoát vị đĩa đệm có thể khắc phục bằng các phương pháp như: Trị liệu thần kinh cột sống, áp dụng các bài tập vật lý trị liệu, dùng thuốc tây, tập yoga, phẫu thuật,... Tùy thuộc vào tình trạng thoát vị đĩa đệm mà thời gian hồi phục sẽ nhanh hay chậm.

Các phương pháp tập luyện như:

  • Tập thể dục đều đặn, các bài tập: Thái cực quyền, bơi lội, yoga,... là cách giúp tăng cường sự dẻo dai cho khớp, phòng ngừa thoát vị đĩa đệm khi còn trẻ.
  • Duy trì trọng lượng cơ thể ở mức hợp lý.
  • Ngồi làm việc giữ thẳng lưng, sau khoảng 1 – 2 giờ phải đứng dậy đi lại, tập vài động tác nhẹ, tránh ngồi lì và không vận động.
  • Không mang vác, nâng vật quá sức.
  • Chế độ ăn uống khoa học bổ sung canxi, vitamin D Glucosamine và Chondroitin nuôi dưỡng khớp khỏe mạnh.
  • Không hút thuốc, không dùng chất kích thích, hạn chế rượu bia.
  • Kiểm tra sức khỏe định kỳ hàng năm.

Để cung cấp thêm thông tin cho người bệnh, dưới đây là phần giải đáp thêm về cách điều trị thoát vị đĩa đệm.

1. Bệnh thoát vị đĩa đệm là gì?

Thoát vị đĩa đệm xảy ra khi một hoặc nhiều đĩa đệm giữa các đốt sống bị tổn thương, thoát ra khỏi vị trí ban đầu, gây chèn ép tủy sống hoặc rễ thần kinh. Tình trạng này dẫn đến đau nhức, tê bì và rối loạn cảm giác tại vùng bị ảnh hưởng.

Bệnh thoát vị đĩa đệm được phân chia dựa trên vị trí bị chệch của đĩa đệm:

2. Bệnh thoát vị đĩa đệm có nguy hiểm không?  

Thoát vị đĩa đệm có thể chèn ép rễ thần kinh, gây đau nhức và ảnh hưởng nghiêm trọng đến vận động. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể tiến triển nặng, gây khó khăn khi cử động cổ, tay, chân và thậm chí dẫn đến tàn phế vĩnh viễn.

  • Nếu đĩa đệm chèn ép tủy cổ, tình trạng này có khả năng dẫn đến tê liệt và tàn phế.
  • Nếu các dây thần kinh ở vùng thắt lưng bị chèn ép, bệnh nhân sẽ gặp phải tình trạng đại tiểu tiện không tự chủ, các chi teo dần và mất khả năng đi lại.

3. Cách điều trị thoát vị đĩa đệm

Dựa vào tình trạng bệnh lý, mức độ ảnh hưởng đến sinh hoạt và lao động, nhu cầu của người bệnh, bác sĩ sẽ tư vấn phương pháp điều trị phù hợp bao gồm bảo tồn hoặc phẫu thuật.

3.1 Dùng thuốc

Nhiều người thường thắc mắc thoát vị đĩa đệm uống thuốc gì khi mắc bệnh. Trong đó, acetaminophen, thuốc chống viêm không steroid hoặc corticosteroid, giãn cơ và thuốc chống đau thần kinh…là một số loại thuốc được sử dụng để cải thiện triệu chứng lệch đĩa đệm.  

Tuy nhiên, những loại thuốc này nếu sử dụng quá mức có thể gây ra các tác dụng phụ không mong muốn như chóng mặt, buồn nôn, dị ứng…Thậm chí, có thể dẫn đến viêm loét dạ dày, suy giảm chức năng gan thận, loãng xương. Do đó, bệnh nhân cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.

Người bệnh có thể sử dụng cách điều trị thoát vị đĩa đệm bằng thuốc nhưng cần tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng.
Người bệnh có thể sử dụng cách điều trị thoát vị đĩa đệm bằng thuốc nhưng cần tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng.

3.2 Vật lý trị liệu

Trong quá trình điều trị, ngoài việc sử dụng thuốc giảm đau và chống viêm, bệnh nhân có thể kết hợp vật lý trị liệu để hỗ trợ giảm đau, cải thiện vận động và hạn chế chèn ép dây thần kinh. Các bài tập kéo giãn cột sống, tăng cường cơ lưng và điều chỉnh tư thế đúng giúp giảm áp lực lên đĩa đệm, tránh tổn thương thêm do tư thế sai khi làm việc và sinh hoạt.

Tuy nhiên, bệnh nhân không nên tự tập luyện mà cần thực hiện dưới sự hướng dẫn của bác sĩ hoặc kỹ thuật viên chuyên môn. Tập sai cách có thể làm bệnh nặng hơn, khiến đĩa đệm thoát vị thêm hoặc gây tổn thương cột sống. Vì vậy, việc tập luyện cần đúng phương pháp để đạt hiệu quả cao mà không làm tăng nguy cơ biến chứng.

3.3 Phẫu thuật

Mổ hở, mổ nội soi để lấy thoát vị đĩa đệm là những phương pháp phẫu thuật thoát vị đĩa đệm phổ biến hiện nay. Tuy nhiên, những phương pháp này vẫn có nhiều hạn chế và tiềm ẩn nguy cơ gây biến chứng nghiêm trọng bao gồm nhiễm trùng, dị ứng với men tiêu nhân nhầy, liệt dây thần kinh và thậm chí là tử vong.

Nhìn chung, cách điều trị thoát vị đĩa đệm tùy thuộc vào mức độ bệnh và tình trạng của người bệnh. Tuy nhiên, để đảm bảo hiệu quả và an toàn, bệnh nhân nên tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa trước khi thực hiện bất kỳ phương pháp điều trị nào.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ