Bệnh đau cơ xơ hóa là căn bệnh đặc trưng bởi những cơn đau khắp cơ thể, gây nhiều ảnh hưởng tới sức khỏe thể chất và tinh thần, chất lượng cuộc sống, công việc của bệnh nhân. Vậy cách điều trị đau cơ xơ hóa như thế nào?
1. Bệnh đau cơ xơ hóa là gì?
Đau cơ xơ hóa (tiếng Anh là Fibromyalgia) là tình trạng xuất hiện các cơn đau nhức, ê ẩm khắp cơ thể đi kèm rối loạn giấc ngủ, nhận thức và tâm trạng. Các triệu chứng của bệnh dễ bị nhầm lẫn với một số tình trạng khác như suy giáp, rối loạn sức khỏe tâm thần hoặc bệnh tự miễn.
Bệnh đau cơ xơ hóa có thể xảy ra ở cả trẻ em và người lớn, ở cả nam giới và nữ giới. Tuy nhiên, bệnh phổ biến hơn ở những phụ nữ tuổi trung niên (30 - 50 tuổi). Nếu để bệnh kéo dài mà không điều trị thì bệnh nhân sẽ gặp nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng về chất lượng cuộc sống, công việc cũng như các mối quan hệ xã hội.
2. Cách điều trị đau cơ xơ hóa
Hiện chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu hoàn toàn với bệnh đau cơ xơ hóa. Việc điều trị bệnh không chỉ cần dựa vào thuốc mà cần kết hợp nhiều phương pháp khác nhau. Các triệu chứng bệnh thường được điều trị bằng thuốc, thay đổi lối sống và vật lý trị liệu. Người bệnh cần dành nhiều thời gian kiểm soát triệu chứng để cải thiện chất lượng cuộc sống.
2.1 Thuốc điều trị bệnh đau cơ xơ hóa
Các loại thuốc giúp làm giảm triệu chứng đau đớn, cải thiện vấn đề thay đổi tâm trạng và giấc ngủ của bệnh nhân. Một số nhóm thuốc phổ biến được sử dụng để trị chứng đau cơ xơ hóa là:
- Thuốc giảm đau
Với các cơn đau nhẹ, những loại thuốc giảm đau không kê đơn có thể hữu ích cho bệnh nhân. Người bệnh có thể sử dụng các thuốc giảm đau như ibuprofen và paracetamol để cảm thấy dễ chịu hơn.
- Thuốc chống trầm cảm
Nhóm thuốc chống trầm cảm có cơ chế hoạt động là tăng các hormone trong não như serotonin để giúp hệ thần kinh trung ương phản ứng với cơn đau tốt hơn. Đồng thời, thuốc chống trầm cảm cũng giúp thay đổi tâm trạng, các vấn đề về giấc ngủ cho bệnh nhân. Các loại thuốc thường dùng là cymbalta, paxil, savella,...
- Thuốc chống động kinh
Một số loại thuốc điều trị chứng động kinh cũng có hiệu quả trong giảm đau và cải thiện giấc ngủ ở bệnh nhân đau cơ xơ hóa. Các thuốc này ngăn các dây thần kinh nhạy cảm gửi quá nhiều tín hiệu cảm giác đau đến não.
Cụ thể, Gabapentin giúp giảm đau, mệt mỏi và cải thiện giấc ngủ. Pregabalin cũng giúp giảm mệt mỏi và các vấn đề về giấc ngủ. Tuy nhiên, chúng cũng đi kèm tác dụng phụ là gây tăng cân và mờ mắt.
- Các chất ức chế tái hấp thu serotonin chọn lọc (SSRI)
SSRI có thể giải quyết triệu chứng đau, trầm cảm hay các vấn đề về nhận thức liên quan tới bệnh đau cơ xơ hóa. Thuốc làm tăng nồng độ serotonin - 1 chất hóa học trong não có tác dụng điều chỉnh việc truyền đi thông điệp giữa các tế bào thần kinh.
Bệnh nhân có thể được sử dụng thuốc fluoxetine hoặc paroxetine. Tuy nhiên, nhóm thuốc này có tác dụng phụ gồm buồn ngủ, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, khô miệng, ảnh hưởng đến ham muốn tình dục và cảm giác thèm ăn.
- Các thuốc khác
Bệnh nhân đau cơ xơ hóa cũng có thể được chỉ định sử dụng: Thuốc giãn cơ, corticoid tiêm vào các điểm đau, thuốc kháng dopamine, thuốc kích thích thần kinh trung ương,...
Lưu ý:
Theo các bác sĩ, không có một loại thuốc trị bệnh đau cơ xơ hóa nào phù hợp hoàn toàn với tất cả mọi người. Đơn thuốc sẽ được chỉ định tùy theo độ tuổi, tiền sử bệnh, triệu chứng, các loại thuốc đang dùng và phản ứng của bệnh nhân với việc điều trị.
Để tránh tác dụng phụ của thuốc, bệnh nhân nên bắt đầu dùng các thuốc trên với liều thấp. Sau đó, người bệnh có thể tăng dần liều lượng để cơ thể làm quen với thuốc từ từ. Nếu liều cao không được dung nạp tốt thì nên giảm liều dần trở lại. Khi ngừng điều trị bệnh nhân cũng không được dừng thuốc đột ngột mà nên giảm liều từ từ. Mọi sự điều chỉnh về liều dùng thuốc đều cần theo chỉ định cụ thể của bác sĩ.
Đồng thời, để tránh nguy cơ xảy ra tương tác thuốc, người bệnh đau cơ xơ hóa cần báo cho bác sĩ về các loại thuốc mình đang sử dụng.
2.2 Các phương pháp điều trị đau cơ xơ hóa khác
Ngoài việc sử dụng thuốc, bệnh nhân đau cơ xơ hóa còn có thể điều trị bệnh bằng các cách sau:
- Tâm lý trị liệu: Bệnh đau cơ xơ hóa thường được điều trị bằng liệu pháp hành vi nhận thức. Hình thức tư vấn này giúp bệnh nhân học cách đối phó với tình trạng bệnh của mình và biết cách kiểm soát cơn đau. Phương pháp này có hiệu quả tốt nhất ở giai đoạn bệnh khởi phát;
- Vật lý trị liệu: Người bệnh có thể được điều trị bằng liệu pháp vận động, nhiệt trị liệu, thuỷ trị liệu, châm cứu, xoa bóp,... Các phương pháp này đều có hiệu quả giảm đau khá tốt;
- Tự chăm sóc: Bệnh nhân nên tập thể dục, tìm cách giảm căng thẳng để kiểm soát và điều trị bệnh đau cơ xơ hóa.
3. Chế độ ăn uống cho bệnh nhân đau cơ xơ hóa
Hiện chưa có 1 chế độ ăn kiêng hoàn toàn nào cho người bệnh đau cơ xơ hóa. Tuy nhiên, một chế độ ăn uống cân bằng, lành mạnh gồm sự kết hợp của protein và chất béo lành mạnh có thể giúp duy trì năng lượng cho bệnh nhân và chống lại tình trạng mệt mỏi.
Chế độ ăn chống viêm kiểu Địa Trung Hải có thể có tác dụng tốt đối với bệnh nhân đau cơ xơ hóa. Chế độ ăn này bao gồm ăn nhiều trái cây, rau củ, các loại đậu, thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật, giảm lượng đường, ngũ cốc tinh chế, thực phẩm chế biến sẵn. Đồng thời, bệnh nhân nên tránh những thực phẩm là tác nhân tiềm ẩn có thể làm triệu chứng bệnh tồi tệ hơn như sữa, cà phê, bột ngọt hay chất làm ngọt nhân tạo.
4. Chế độ sinh hoạt cho bệnh nhân đau cơ xơ hóa
Để hạn chế diễn tiến của bệnh đau cơ xơ hóa, người bệnh nên:
- Tập luyện thể dục thể thao đều đặn: Phương pháp này mang lại nhiều lợi ích đối với bệnh nhân đau cơ xơ hóa. Ban đầu, việc tập thể dục có thể làm tăng triệu chứng đau đớn. Tuy nhiên, tập luyện thường xuyên lại làm giảm các triệu chứng này. Người bệnh có thể tập aerobic cường độ thấp, đi bộ, chạy bộ, chơi tennis,... Các chuyên gia vật lý trị liệu có thể hướng dẫn người bệnh thực hiện những bài tập phù hợp. Ngoài ra, các tư thế kéo giãn cơ thể cũng rất hữu ích;
- Duy trì một lối sống lành mạnh: Bệnh nhân nên ăn uống lành mạnh, hạn chế uống cà phê, bỏ thuốc lá và rượu bia;
- Ngủ đủ giấc: Thiếu ngủ thường làm cho các cơn đau cơ xơ hóa trầm trọng hơn, có thể dẫn đến mệt mỏi và trầm cảm. Do đó, bệnh nhân nên tìm hiểu về các phương pháp giúp bản thân dễ ngủ hơn vào ban đêm và hạn chế ngủ ngày. Người bệnh cũng nên thực hành thói quen ngủ tốt, ví dụ như đi ngủ và thức dậy trong một khung giờ cố định để thiết lập cho cơ thể 1 lịch trình nhất định của giấc ngủ;
- Giảm căng thẳng: Bệnh nhân nên dành nhiều thời gian để thư giãn suốt cả ngày nhưng cố gắng không thay đổi thói quen hàng ngày. Người bệnh hãy thử các kỹ thuật kiểm soát căng thẳng như bài tập hít thở sâu, thiền định. Đồng thời, bệnh nhân không nên ôm đồm quá nhiều công việc để tránh bị quá tải, mệt mỏi, mất sức,...
Mặc dù bệnh đau cơ xơ hóa không gây tử vong nhưng các tác động lâu dài tới thể chất và tinh thần của bệnh có thể dẫn tới những biến chứng nghiêm trọng. Hiệu quả điều trị bệnh tùy thuộc tình trạng của mỗi người nhưng nhìn chung những bệnh nhân trị liệu sớm sẽ có tiên lượng tốt hơn. Do đó, khi có triệu chứng cảnh báo, bệnh nhân nên đi thăm khám, điều trị ngay.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.