Phù chân ở người già ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống sinh hoạt hằng ngày, gây trở ngại lớn cho việc đi đứng. Ngoài ra tình trạng phù chân còn là dấu hiệu của một số bệnh lý mãn tính khác như bệnh tim, gan, thận, mạch máu,... Vậy phù chân ở người già có chữa khỏi được không? Nguyên nhân và cách chữa phù chân ở người già như thế nào?
1. Những nguyên nhân gây bệnh phù chân ở người già
Phù nề là tình trạng chân bị sưng phù lên do quá trình tích tụ chất lỏng nằm trong mô ở chân. Tuy nhiên, do rất nhiều nhóm nguyên nhân có thế gây ra tình trạng này như:
- Sức khỏe yếu kém và mắc các bệnh lý khác
Sức khỏe yếu kém và nguy cơ mắc một số bệnh mãn tính là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến phù chân ở người già. Một số bệnh lý nghiêm trọng như: gan, thận, suy tim, viêm tắc tĩnh mạch máu,.. Khi nhiều tuổi hệ xương khớp rất yếu nên dễ gây chấn thương. Ngoài ra người cao tuổi do ngồi hay đứng yên một chỗ quá lâu cũng có nguy cơ cao bị phù chân. Đặc biệt là những người bị mắc tiểu đường hoặc các bệnh thần kinh bị nhiễm trùng có thể làm cho mắt cá chân/bàn chân bị sưng phù lên.
- Chế độ dinh dưỡng
Thực đơn ăn uống hằng ngày không phù hợp có thể khiến người già bị sưng phù bàn chân hoặc nặng là phù nề. Những người có thói quen ăn nhiều muối sẽ có nguy cơ cao mắc phù chân hơn người bình thường hoặc do thiếu vitamin B1 sẽ làm cho chân có cảm giác bị tê bì như kiến bò, hay gặp chuột rút, nặng có thể làm giảm khả năng phản xạ.
- Do đang sử dụng thuốc
Nếu người bệnh đang sử dụng một số loại thuốc điều trị như: Thuốc điều trị tăng huyết áp, thuốc chẹn beta, Clonidine, thuốc chẹn kênh canxi, Hydralazine, Minoxidil,... đây được xem là một số loại thuốc làm tăng việc giữ nước và muối gây phù nề.
2. Triệu chứng phù chân ở người già
Dưới đây là một số biểu hiện điển hình của bệnh phù chân ở người già.
- Da căng, chân bị sưng/sưng húp hoặc đổi màu.
- Dùng tay ấn vào chỗ phù nề sẽ bị lõm vài giây.
- Các khớp trở nên cứng.
- Tăng cân, kích thước vùng bụng tăng lên.
- Da trở nên dày và cứng, kèm ngứa.
- Khó khăn khi đi lại và vận động.
- Các bộ phận sinh dục bị phù to, tràn dịch màng tinh hoàn.
3. Cách chữa phù chân ở người già
Tùy vào mỗi giai đoạn phát triển bệnh, mức độ nặng nhẹ khác nhau mà bệnh phù chân ở người già sẽ có phương pháp điều trị phù hợp. Khi phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời, các triệu chứng bệnh sẽ thuyên giảm đi nhanh chóng, thậm chí có thể chữa khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên, người bệnh nên tuân theo một số điều chú ý sau:
- Thường xuyên đi lại hoặc massage các khớp giúp cho việc lưu thông máu tốt hơn. Những vùng chân bị phù nề nên được massage nhẹ nhàng và vận động các cơ bắp gần nơi bị phù giúp cho các chất lỏng dư thừa di chuyển.
- Tránh thay đổi nhiệt độ đột ngột do đây cũng là nguyên nhân khiến bệnh phù nề ở người già trở nên nghiêm trọng. Do đó, người già không nên tắm nước quá lạnh hoặc quá nóng, luôn giữ ấm cho cơ thể khi nhiệt độ lạnh.
- Bổ sung lượng nước cần uống mỗi ngày, tốt nhất nên hỏi ý kiến bác sĩ lượng nước cần bổ sung, tránh thiếu hoặc dư thừa nước.
- Có 1 chế độ ăn uống dinh dưỡng – khoa học, giảm lượng muối, bổ sung nhiều vitamin, khoáng chất, chất oxy hóa có trong các thực phẩm như: rau xanh, đậu xanh, măng tây, bí ngô, hành tây, dứa, nho, tỏi, củ cải đường,... là một trong những cách giảm phù chân ở người già hiệu quả.
- Kê cao chân ít nhất ngang tầm với tim mỗi ngày 3 - 4 lần kéo dài 30 phút.
- Mỗi ngày tập thể dục từ 10 - 15 phút và mỗi ngày 3 - 4 lần để cải thiện lưu thông máu ở chân.
- Tránh đứng hoặc ngồi quá lâu, nên đứng dậy đi lại cứ mỗi 1 -2 giờ để giảm sưng chân và đào thải chất lỏng dư thừa, lưu thông máu, tăng cường hệ tim mạch khỏe mạnh.
- Giữ gìn khu vực bì phù nề được sạch sẽ, nên mang tất, giày mặc quần áo dài để bảo vệ và ngăn ngừa thương tích gây nhiễm trùng.
Trên đây là một số cách làm giảm phù chân ở người già. Nếu đã áp dụng các cách chữa phù chân trên nhưng không hiệu quả, hãy lập tức đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất càng sớm càng tốt, tránh dẫn đến những biến chứng lâu dài.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.