Phù chân là tình trạng tăng kích thước ở bàn chân, cổ chân hay cẳng chân. Phù chân có thể xuất hiện do nhiều nguyên nhân cả sinh lý và bệnh lý. Vậy có những cách nào để làm giảm phù chân hiệu quả là gì?
1. Phù chân là gì?
Phù nề chân là hiện tượng tích tụ chất lỏng trong các mô ở vùng chân, có thể ở bàn chân, mắt cá chân hoặc cẳng chân khiến chúng sưng phù, gia tăng kích thước.
Phù chân có thể gây một số bất tiện trong sinh hoạt hàng ngày, đau nhức, tê bì thậm chí có thể mất vận động chân. Đây có thể là hiện tượng sinh lý của cơ thể, cũng có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý. Vì vậy, cần phát hiện sớm và chẩn đoán sớm các nguyên nhân gây phù nề để kịp thời chẩn trị.
2. Nguyên nhân gây phù chân
Một số nguyên nhân gây phù chân thường gặp:
- Sử dụng các loại thuốc tránh thai, các loại hormon nội tiết thay thế làm thay đổi nội tiết, tăng ứ đọng dịch tại mô. Ngoài phù chân có thể gây phù mặt, phù tay,...
- Quá trình mang thai: Càng về những tháng cuối của thai kỳ, thai lớn sẽ gây chèn ép tĩnh mạch chủ dưới và gây tăng áp lực thủy tĩnh, tăng ứ đọng dịch ở chi dưới. Tình trạng này sẽ thuyên giảm sau khi sinh xong. Tuy nhiên, nếu phù chân kèm đau đầu, tăng huyết áp, tiểu ít,... thì thận trọng bệnh lý tiền sản giật. Để giảm bớt khó chịu, đau mỏi và nặng chân khi mang thai, có thể massage chân nhẹ nhàng, chườm lạnh, nâng cao chân khi nghỉ ngơi. Đồng thời thực hiện chế độ ăn nhạt, vận động đi lại nhẹ nhàng, tránh ngồi lâu.
- Sau chấn thương: sau các chấn thương làm bong gân, gãy xương hay tổn thương khớp, mô mềm thì sẽ xuất các phản ứng viêm, máu sẽ dồn xuống chân làm thay đổi áp suất lòng mạch, dịch sẽ di chuyển ra các mô ngoại bào gây phù. Để khắc phục tình trạng này, nên nghỉ ngơi và tránh áp lực lên vùng chấn thương, có thể nâng cao bàn chân lên và chườm mát khu vực bị thương để giảm đau, giảm sưng phù.
- Bệnh lý suy tĩnh mạch: suy van tĩnh mạch có thể gây phù chân kèm một số triệu chứng nổi gân xanh tĩnh mạch ở da, ngứa, đau, loét - nhiễm trùng. Đối với các bệnh lý do suy hay viêm tắc tĩnh mạch cần được chẩn đoán và điều trị chuyên khoa.
- Bệnh lý viêm tắc tĩnh mạch, huyết khối ở lòng mạch: gây tắc nghẽn, phù chi bên bệnh. Cần giải quyết sớm nguyên nhân gây viêm, giải quyết huyết khối để phòng ngừa các tai biến nguy hiểm như đột quỵ, nhồi máu cơ tim.
- Bệnh lý tắc nghẽn ở hệ bạch huyết: làm ảnh hưởng đến lưu thông dịch bạch huyết, đặc biệt tắc nghẽn ở vùng chậu hông sẽ gây phù nghiêm trọng ở chi dưới. Thường gặp trường hợp này ở những bệnh nhân béo phì, nhiễm ký sinh trùng giun đũa, bệnh nhân ung thư.
- Bệnh lý suy thận: khi chức năng thận suy giảm, cơ chế lọc ở thận cũng sẽ giảm, từ đó gây ứ đọng nước và dịch ở phần thấp của cơ thể, nặng nề hơn gây phù toàn thân.
- Bệnh lý suy gan: ở bệnh nhân suy giảm chức năng gan (trong bệnh lý xơ gan, viêm gan do rượu, do virus, béo phì,...) sẽ làm hạn chế dòng máu chảy vào gan làm tăng huyết áp, phối hợp với sự sản sinh albumin là phù chân.
- Bệnh lý suy tim: Phù chân có thể là dấu hiệu cảnh báo của suy tim, khi sức bơm máu từ tim giảm sẽ làm ứ đọng máu, dịch ở các vùng xa như chân. Trong suy tim, phù chân thường xuất hiện vào buổi tối kèm thêm một số triệu chứng như ho, khó thở, mệt mỏi, hạn chế vận động,...
- Lạm dụng các loại thuốc nhuận tràng và thuốc lợi tiểu, uống nhiều rượu bia, các chất kích thích ma túy cũng là nguyên nhân gây phù. Sau khi ngưng thuốc hoặc các chất kích thích cơ thể sẽ tự điều chỉnh, làm mất tình trạng này.
- Chế độ ăn quá nhiều muối và carbohydrate làm thận không kịp thải trừ, gây tích tụ, ứ nước ở phần dưới cơ thể.
- Ngoài ra, thời tiết nóng bức, làm việc trong môi trường ngồi lâu kéo dài, các tư thế ngồi xổm, hay đi giày cao gót cũng khiến mạch máu giãn nở, gây phù.
3. Cách giảm phù chân
Tùy từng nguyên nhân gây phù chân mà sẽ có các biện pháp giảm phù nề khác nhau. Một số cách có thể làm giảm phù nề chân nguyên phát tạm thời như:
- Ngâm chân xen kẽ giữa nước ấm và nước lạnh: nước nóng sẽ làm các mạch máu giãn nở, trong khi nước lạnh làm co mạch. Việc ngâm chân sẽ cải thiện tuần hoàn làm giảm việc ứ đọng máu hay dịch ở phần thấp của chi dưới. Thực hiện bằng cách ngâm chân trong nước nóng 3-5 phút, sau đó chuyển sang ngâm nước lạnh từ 30-60 giây, luân phiên trong vòng 15-20 phút.
- Luyện tập thể thao, vận động hợp lý: vận động vừa sức hợp lý sẽ loại bỏ lượng dịch dư thừa gây phù ở chân, giúp lượng máu ứ đọng chảy ngược về tim, lưu thông tuần hoàn.
- Đối với các bệnh lý viêm tắc, suy giãn tĩnh mạch gây phù chân có thể dùng các loại tất nén để làm giảm tạm thời các triệu chứng đau nhức, phù nề.
- Nâng cao chân hơn vị trí của tim, nằm ngửa, gác cao chân khi ngủ có thể giảm sưng phù.
- Hạn chế lượng muối đưa vào cơ thể, bổ sung Magie; không sử dụng các loại thực phẩm chế biến sẵn, các loại bánh ngọt, đồ ăn nhanh,... Tăng cường rau xanh, trái cây, các loại thức ăn tự chế biến, hạn chế muối.
- Massage giúp cải thiện hệ tuần hoàn, kích hoạt hệ thống bạch huyết, loại bỏ lượng dịch dư thừa ra khỏi chân, giảm sưng phù. Không massage mạnh tay, hay sử dụng áp lực lớn tránh tổn thương mô cũng như mạch máu.
- Sử dụng giấm táo để giảm phù chân bằng cách ngâm khăn trong dung dịch giấm táo với nước ấm tỷ lệ 1:1, sau đó quấn khăn quang vùng chân bị phù. Trong giấm táo chứa hàm lượng kali cao, làm cân bằng nồng độ trong lòng mạch và mô ngoại bào, từ đó làm giảm sưng phù.
- Uống đủ nước và bổ sung nước cũng giúp loại bỏ độc tố, muối và lượng dịch thừa ra khỏi cơ thể. Uống nhiều hơn 2 lít nước mỗi ngày để giảm tình trạng phù nề.
Tóm lại, khi phù chân cần xem xét tìm hiểu nguyên nhân để giải quyết triệt để. Không tự ý sử dụng các biện pháp giảm sưng phù ở những trường hợp chưa rõ nguyên nhân, bệnh nhân có các bệnh lý tim mạch, nội tiết hay các bệnh lý khác đi kèm.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.