Cách chữa khàn tiếng cho trẻ sơ sinh

Khàn tiếng là hiện tượng thường gặp ở trẻ sơ sinh, thường được phát hiện khi trẻ khóc với dấu hiệu điển hình là giọng bé yếu, hơi khàn hoặc khác biệt so với mọi ngày. Việc tham khảo cách chữa khàn tiếng cho trẻ sơ sinh là điều cần thiết, giúp cha mẹ khắc phục tình trạng này hiệu quả trong thời gian ngắn.

1. Tại sao trẻ sơ sinh lại bị khàn tiếng?

Theo các chuyên gia, nguyên nhân phổ biến của tình trạng trẻ sơ sinh bị khàn tiếng là cảm lạnh đi kèm với các cơn ho. Ngoài ra, một số nguyên nhân khác của tình trạng này gồm có:

  • Trẻ bị nhiễm trùng đường hô hấp trên: Khi trẻ mắc một số bệnh nhiễm trùng do virus và vi khuẩn có thể dẫn đến viêm thanh quản, dẫn đến tình trạng khàn tiếng. Do tình trạng bệnh có thể diễn biến từ nhẹ đến nặng, bởi thế trẻ cần được theo dõi sát sao cũng như nhập viện để điều trị nội trú tùy theo mức độ nghiêm trọng.
  • Trẻ khóc quá nhiều: Trẻ sơ sinh có thể khóc nhiều vì một lý do nào đó, từ đây khi dây thanh quản chịu quá nhiều áp lực sẽ dẫn đến khàn tiếng.
  • Nốt sần: Trong trường hợp dây thanh âm hoạt động quá nhiều sẽ thường dẫn đến các nốt sần và sưng ở mép. Mặc dù, vấn đề này không quá nghiêm trọng nhưng có thể là nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh bị khàn tiếng mạn tính.
  • Trào ngược dạ dày thực quản: Nhiều người thường nghĩ rằng vấn đề này chỉ xảy ra ở người lớn nhưng thực chất bệnh hoàn toàn có thể xuất hiện ở trẻ sơ sinh do hệ thống tiêu hóa vẫn chưa đạt đến mức phát triển hoàn toàn. Khi trào ngược xuất hiện thường xuyên, kéo dài, axit liên tục tiếp xúc với cổ họng có thể tương tác với dây thanh quản khiến bé sơ sinh bị khàn tiếng.
  • Bé bị kích thích: Trong trường hợp trẻ hít phải khói bụi từ ô nhiễm không khí trong nhà, ngoài môi trường, khói thuốc lá từ những người xung quanh,... cũng có thể gây kích ứng dây thanh quản non nớt và dẫn đến khàn tiếng.

2. Khi nào cần trị khàn tiếng cho bé sơ sinh?

Trong trường hợp trẻ sơ sinh bị khàn tiếng đi kèm với các vấn đề sau, bạn hãy đưa trẻ đến bệnh viện để được các bác sĩ chuyên khoa thăm khám và có giải pháp điều trị cho bé:

  • Trẻ khàn tiếng kèm đau họng trong thời gian dài.
  • Trẻ ho liên tục, không thấy có dấu hiệu thuyên giảm.
  • Bé thở bất thường, có thể tạo ra âm thanh khò khè khi thở.
  • Trẻ có dấu hiệu chán ăn hoặc bỏ ăn, quấy khóc khi ăn.
  • Bác sĩ sẽ kiểm tra cổ họng bé để chẩn đoán nguyên nhân cơ bản của khàn tiếng và đưa ra phương án điều trị phù hợp.

3. Cách chữa khàn tiếng cho trẻ sơ sinh?

Việc áp dụng cách trị khàn tiếng ở trẻ em ra sao tùy thuộc vào nguyên nhân, thời gian khàn tiếng, tuổi và tiền sử bệnh lý của bé. Một số phương pháp thường được áp dụng phổ biến trong trường hợp này gồm có:

3.1. Điều trị dứt điểm các bệnh liên quan đến tai, mũi, họng ở trẻ

Trong trường hợp trẻ quấy khóc kéo dài dẫn đến khàn tiếng, rất có thể nguyên nhân do trẻ mắc các bệnh liên quan đến tai, mũi, họng. Lúc này, cha mẹ cần đưa trẻ đi khám để kiểm tra và điều trị càng sớm càng tốt.

3.2. Không để trẻ sơ sinh khóc nhiều

Việc trẻ sơ sinh khóc nhiều, đặc biệt là gào khóc và khóc thét lên là nguyên nhân dẫn đến khàn tiếng do dây thanh quản của trẻ bị tổn thương. Bởi vậy, bố mẹ hãy dỗ dành trẻ bằng cách ôm trẻ vào lòng hoặc làm bất cứ điều gì để đánh lạc hướng để bé không khóc quá nhiều.

3.3. Không cho trẻ sơ sinh ăn quá no mỗi bữa

Với trẻ sơ sinh, hệ tiêu hóa của trẻ vẫn còn yếu, hoạt động chậm nên bố mẹ cần chú ý đến liều ăn của trẻ mỗi bữa để tránh bị quá tải. Việc ép trẻ phải ăn nhiều, ăn no sẽ gây ra tình trạng trào ngược dạ dày, vô tình làm ảnh hưởng đến hệ hô hấp của bé. Cha mẹ nên chia nhỏ bữa ăn cho bé thành nhiều bữa trong ngày, sao cho hệ tiêu hóa của trẻ hoạt động hiệu quả nhất.

3.4. Vệ sinh khoang miệng cho bé cẩn thận khi bị khàn tiếng

Khi trẻ sơ sinh bị khàn giọng, lúc này niêm mạc thanh quản của trẻ rất dễ bị tổn thương. Đây là cơ hội để các loại vi khuẩn gây bệnh tấn công và gây nên các bệnh về đường hầu họng. Vì vậy, cha mẹ cần chú ý hơn đến việc vệ sinh sạch sẽ vùng khoang miệng cho bé mỗi ngày bằng cách sử dụng nước muối sinh lý 0.9% để rơ lưỡi và khoang miệng sau mỗi bữa ăn.

3.5. Bổ sung đủ nước cho cơ thể bé

Với trẻ sơ sinh dưới 6 tháng, mẹ cần chú ý tăng cữ bú khi trẻ bị khàn giọng để bé được cung cấp đủ lượng nước mà cơ thể cần. Bởi khi trẻ bị khàn tiếng cổ họng thường bị khô, đau rát dẫn đến tình trạng mất nước. Do đó, việc bổ sung nước cho bé lúc này chính là một trong những chữa khàn tiếng cho bé hiệu quả.

3.6. Duy trì độ ẩm trong phòng

Đây là giải pháp giúp cho không khí xung quanh bé có đủ độ ẩm cần thiết để giúp cổ họng của bé không bị khô. Từ đó sẽ góp phần ngăn ngừa tình trạng khô dây thanh âm, phòng ngừa khản tiếng cho bé yêu.

Bạn nên sử dụng máy tạo độ ẩm đặc biệt những khi thời tiết hanh khô. Khi độ ẩm không khí đạt mức bão hòa sẽ hứa hẹn đem đến bầu không khí trong lành, dễ chịu cũng như bảo vệ hệ hô hấp cho các thành viên trong gia đình. Mức ẩm lý tưởng tốt cho sức khỏe của các thành viên thường là độ ẩm 30 - 50 %. Do đó, bạn có thể sử dụng máy đo độ ẩm để xác định mức ẩm cụ thể trong phòng tùy từng điều kiện môi trường khác nhau.

Trên đây là những nguyên nhân, cách chữa khàn tiếng cho bé mà các bậc phụ huynh có thể tham khảo. Hy vọng những thông tin này sẽ phần nào giải quyết những băn khoăn, lo lắng của cha mẹ khi có con bị khàn tiếng. Tuy nhiên, bạn vẫn nên cho trẻ thăm khám tại các cơ sở y tế để được chẩn đoán và có phương pháp điều trị khàn tiếng cho bé tốt nhất.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe