Đau răng khôn là nỗi ám ảnh của nhiều người vì tính chất và mức độ đau có ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống hằng ngày của bệnh nhân. Bài viết dưới đây sẽ giới thiệu đến bạn đọc một số cách chữa đau răng số 8 hiệu quả.
1. Nguyên nhân răng khôn gây đau
Răng khôn là răng mọc lên cuối cùng khi con người đã trưởng thành ở mỗi bên hàm và còn gọi là răng số 8. Số lượng răng khôn của mỗi người không giống nhau và thời gian mọc lên cũng khác nhau. Đây là răng hầu như không có chức năng ăn nhai nên trong một số trường hợp có thể tiến hành nhổ bỏ. Có một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng răng khôn bị đau như:
Đau trong quá trình mọc răng khôn
Răng khôn cần đâm xuyên qua nướu để lộ lên khỏi mặt nhai. Tuy nhiên ở lứa tuổi mọc răng khôn thì nướu của bệnh nhân không còn mềm dẻo như ở lứa tuổi trẻ em, do đó thường cảm thấy đau dữ dội trong suốt quá trình này. Ngoài ra, đây là răng hàm mọc trong cùng khi đã trưởng thành nên diện tích của hàm dưới không còn phát triển được nữa nên dẫn đến dễ xô lấn, chèn ép vào các răng bên cạnh nên những cơn đau răng khôn thường nghiêm trọng hơn nhiều so với khi mọc các răng khác, thậm chí kéo dài nhiều ngày làm cho người bệnh không thể ngủ hay ăn uống được.
Răng khôn bị sâu
Răng khôn mọc lên phía trong cùng của hàm nên gây khó khăn trong quá trình vệ sinh răng miệng, dẫn đến tích tụ mảng bám và gây ra sâu răng. Khi bị sâu, răng khôn có thể gây ra những cơn đau nhức nghiêm trọng, thậm chí có thể ảnh hưởng đến răng lân cận. Một số dấu hiệu gợi ý răng khôn bị sâu như:
- Xuất hiện các lỗ sâu có kích thước nhỏ hoặc lớn, màu nâu, đen hoặc ố vàng trên bề mặt răng khôn.
- Bệnh nhân cảm giác đau nhức, khó chịu, cơn đau tăng khi ăn đồ ăn nóng, hoặc lạnh.
Đau răng khôn không rõ nguyên nhân
Trong trường hợp bình thường, nếu răng khôn mọc ngay ngắn thẳng hàng thì các triệu chứng trên ít khi xảy ra. Tuy nhiên, đối với hầu hết các răng khôn (Đặc biệt là răng khôn hàm dưới) đều bị bị thiếu chỗ nên dẫn đến mọc lệch, mọc ngang hoặc thậm chí mọc ngược đâm vào những chiếc răng bên cạnh, đâm vào máu hoặc nướu gây đau nhức.
2. Khi bị đau răng số 8 nên làm gì?
Khi bị đau răng khôn, nhiều người thường nghĩ ngay đến việc phải tiến hành nhổ bỏ đi thay vì thực hiện các điều trị khác. Điều quan trọng nhất khi bị đau là phải thực hiện các biện pháp giúp giảm đau, kháng viêm trước khi tiến hành nhổ bỏ răng khôn. Một số biện pháp sau có thể giúp bệnh nhân giảm đau nhanh khi bị đau răng số 8:
Vệ sinh răng miệng kỹ càng
Khi bệnh nhân bị đau răng khôn thường kèm theo tình trạng viêm nướu và các vùng mô mềm xung quanh, do đó vệ sinh răng miệng sạch sẽ đóng vai trò vô cùng quan trọng. Bệnh nhân cần thực hiện chải răng ít nhất 2 lần/ngày vào buổi sáng và buổi tối trước khi đi ngủ. Đồng thời thực hiện thêm các phương pháp khác như sử dụng nước súc miệng sát khuẩn và chỉ nha khoa loại bỏ thức ăn thừa cùng mảng bám ở kẽ răng.
Nên lựa chọn các loại bàn chải lông mềm và sử dụng lực chải răng nhẹ nhàng để tránh làm tổn thương phần nướu đang bị viêm. Ngoài ra có thể dùng gạc thấm với nước muối sinh lý để lau nhẹ nhàng lên vùng nướu viêm để làm sạch.
Chườm lạnh với đá
Chườm đá lạnh là một trong số các phương pháp giảm đau hiệu quả, đặc biệt trong các trường hợp đau do mọc răng khôn hoặc sưng đau do răng mọc lệch, sau nhổ răng khôn. Bệnh nhân có thể thực hiện tại nhà bằng cách:
- Bọc 2-3 viên đá nhỏ vào trong khăn mềm
- Chườm khăn có chứa đá lạnh lên vùng má gần vị trí mọc răng khôn trong khoảng thời gian từ 2 - 5 phút. Cần lưu ý khi chườm lên có cảm giác tê thì bệnh nhân cần bỏ ra, tránh chườm liên tục có thể dẫn đến bỏng lạnh.
- Thực hiện 2 - 3 lần mỗi ngày sẽ giúp làm giảm đi các cơn đau nhức do răng khôn.
Sử dụng thuốc giảm đau
Câu hỏi thường được nhiều người đặt ra là đau răng số 8 uống thuốc gì? Câu trả lời là bệnh nhân có thể sử dụng thuốc giảm đau như Paracetamol (Acetaminophen) để làm dịu đi các cơn đau nhằm giúp cơ thể cảm thấy thoải mái hơn. Tuy nhiên, bệnh nhân không nên quá lạm dụng thuốc mà cần phải giải quyết triệt để các nguyên nhân để giúp chấm dứt hẳn cơn đau.
3. Khi nào nên thực hiện nhổ răng khôn?
Một số trường hợp cần tiến hành nhổ răng khôn như vị trí, hướng mọc của răng không thuận lợi gây ảnh hưởng đến các răng hoặc mô mềm vùng lân cận như:
- Răng khôn mọc lệch, có chiều hướng nằm nghiêng hoặc nằm ngang gây ảnh hưởng đến răng kế cận
- Răng khôn có chiều hướng thuận lợi như mọc thẳng, đủ chỗ, không gặp bất cứ cản trở gì nhưng không có răng đối diện ăn khớp. Tình trạng này kéo dài sẽ khiến răng khôn có xu hướng trồi lên tạo bậc thang với răng kế cận làm nhồi nhét thức ăn, cản trở khớp cắn và gây trở ngại trong quá trình vệ sinh răng miệng.
- Răng khôn mọc lên kèm theo các biến chứng như xuất hiện u, nang. Các vấn đề này thường được quan sát và phát hiện thông qua các phương tiện cận lâm sàng như phim X-quang. Nếu không được nhổ bỏ và giải quyết biến chứng kịp thời thì có thể gây ra nhiều vấn đề nguy hiểm khác.
- Khi răng khôn mọc lên có thể gây nhồi nhét thức ăn với răng bên cạnh cũng có thể được bác sĩ nha khoa chỉ định nhổ để ngăn ngừa các biến chứng xảy ra.
- Bệnh nhân thực hiện các phương pháp khác như chỉnh nha, phục hình răng.
- Răng khôn mọc ở những người có bệnh toàn thân nặng.
Răng khôn thường mất một thời gian dài để mọc lên hoàn toàn, trong quá trình đó có thể gây ra cảm giác đau nhức hoặc xuất hiện một số triệu chứng bất thường. Khi đó, bệnh nhân không nên tự giải quyết ở nhà mà cần đi đến bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám và xử trí kịp thời.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.