Cách chữa đau khớp ngón tay tại nhà đơn giản mà hiệu quả

Chữa đau khớp ngón tay tại nhà là một chủ đề thu hút sự quan tâm của nhiều người, đặc biệt là những ai thường xuyên phải làm việc bằng tay và gặp phải tình trạng này. Đau khớp ngón tay không chỉ gây ra sự khó chịu mà còn ảnh hưởng đến khả năng thực hiện các công việc hàng ngày. Dưới đây là một số cách chữa đau khớp ngón tay tại nhà đơn giản, hiệu quả và an toàn.

Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của bác sĩ Vũ Đức Việt thuộc khoa Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.

1. Nguyên nhân gây đau khớp ngón tay

Trước khi tìm hiểu các cách chữa đau khớp ngón tay tại nhà, hãy cùng tìm hiểu nguyên nhân gây ra tình trạng này.  

Đau và cứng khớp ngón tay, bao gồm các khớp ngón cái, ngón trỏ, ngón giữa, ngón áp út và ngón út, có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Dưới đây là bốn nguyên nhân chính:

1.1 Chấn thương

Chấn thương là một nguyên nhân phổ biến gây đau nhức ở khớp ngón tay. Các dạng chấn thương thường gặp bao gồm căng cơ, bong gân, và trật khớp. Triệu chứng có thể từ đau nhẹ đến nặng và kèm theo sưng, giảm tính linh hoạt và cứng khớp. 

Chấn thương là một trong những nguyên nhân thường gặp nhất dẫn đến tình trạng đau nhức khớp ngón tay.
Chấn thương là một trong những nguyên nhân thường gặp nhất dẫn đến tình trạng đau nhức khớp ngón tay.

Cách điều trị chấn thương khớp ngón tay: Nghỉ ngơi, chườm đá, băng ép và nâng cao tay bị thương để giảm sưng nề. Ngoài ra trong những trường hợp chấn thương phần mềm nặng hoặc gãy xương, trật khớp, bác sĩ có thể cố định lại xương, nắn khớp đúng vị trí, đeo nẹp cố định ngón tay và sử dụng các loại thuốc giảm đau như NSAIDS.

1.2. Viêm xương khớp

Viêm xương khớp là một dạng viêm khớp phổ biến, có liên quan đến quá trình lão hoá của cơ thể. Triệu chứng bao gồm sưng, đau ở các khớp bị ảnh hưởng, và cảm giác cứng khớp khi thức dậy vào buổi sáng.

Điều trị viêm xương khớp: Sử dụng thuốc giảm đau và giảm viêm, tiêm corticosteroids, tiêm huyết tương giàu tiểu cầu, thậm chí phẫu thuật để gỡ bỏ sụn bị tổn thương, đóng cứng khớp, thay khớp nhân tạo.

1.3. Viêm khớp dạng thấp

Bệnh viêm khớp dạng thấp là một bệnh tự miễn, có thể ảnh hưởng đến nhiều khớp, bao gồm cả khớp ngón tay. Triệu chứng bao gồm đau các khớp nhỏ nhỡ, cứng và giới hạn vận động của các khớp.

Phương pháp điều trị: Sử dụng thuốc chống viêm, tập vật lý trị liệu và nhiều phương pháp khác để giảm đau và cải thiện chức năng của các khớp.

1.4. Nang bao hoạt dịch

Nang bao hoạt dịch thường xuất hiện trên mu bàn tay hoặc ngón tay và có thể gây đau, sưng và hạn chế vận đọng

Cách điều trị: Bác sĩ có thể giải phóng dịch khỏi nang bao hoạt dịch bằng cách dùng kim hoặc  tiến hành phẫu thuật để loại bỏ nang.

Ngoài ra, đau khớp ngón tay còn bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác như tổn thương mô mềm, bệnh gout, nhiễm trùng và các bệnh lý khác. Để chẩn đoán và điều trị đúng, việc thăm khám bác sĩ và sử dụng các phương pháp hình ảnh như MRI, X-quang là cần thiết.  

2. Mẹo chữa đau khớp ngón tay tại nhà

2.1 Chườm nóng/lạnh bằng gạc

Để chữa đau khớp ngón tay tại nhà, việc chườm nóng hoặc chườm lạnh có thể giúp giảm sưng và đau. Người bệnh có thể sử dụng một trong hai phương pháp này riêng biệt, tuy nhiên nên kết hợp cả hai để đạt hiệu quả tốt nhất.

  • Chườm lạnh: Thường được áp dụng trong trường hợp sau chấn thương, viêm khớp, gân cơ cấp tính. Chườm lạnh trong vòng 10-20 phút. Chườm lạnh giúp giảm sưng và tê nhức.  
  • Chườm nóng: Thường áp dụng với các tổn thương mạn tính như viêm khớp dạng thấp, thoái hóa khớp, chườm nóng vào ngón tay với khoảng thời gian tương tự. Chườm nóng giúp tăng cường tuần hoàn máu và làm giảm cảm giác cứng khớp.

Thực hiện quy trình này đều đặn 2-3 lần mỗi ngày để đạt hiệu quả tốt nhất.

2.2 Xoa bóp và bấm huyệt

Xoa bóp và bấm huyệt là hai phương pháp từ y học cổ truyền đã được sử dụng từ hàng ngàn năm để giúp giảm đau và cải thiện sức khỏe tổng thể.  

Khi thực hiện xoa bóp và bấm huyệt, người thực hiện sẽ áp dụng áp lực nhất định lên các huyệt vị trên cơ thể. Việc này giúp cải thiện sự lưu thông của khí huyết trong cơ thể, từ đó giảm thiểu đau nhức và cảm giác tê cứng trong các khớp.

2.3 Vật lý trị liệu ngón tay

Vật lý trị liệu ngón tay là một phương pháp khác nhằm chữa đau khớp ngón tay tại nhà, giúp cải thiện lưu thông máu và giảm viêm, sưng ở các khớp ngón tay. 

Vật lý trị liệu ngón tay là phương pháp hiệu quả giúp giảm đau khớp ngón tay và cải thiện chức năng vận động ngay tại nhà.
Vật lý trị liệu ngón tay là phương pháp hiệu quả giúp giảm đau khớp ngón tay và cải thiện chức năng vận động ngay tại nhà.

2.4 Chế độ dinh dưỡng  

Bên cạnh các phương pháp tác động trực tiếp lên vị trí đau, chế độ dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong việc quản lý và điều trị các vấn đề liên quan đến xương khớp. Người mắc các bệnh về xương khớp cần lên danh sách chế độ dinh dưỡng một cách khoa học và lành mạnh, đồng thời lựa chọn các thực phẩm có lợi cho sức khỏe.

Việc bổ sung các vitamin A, C, D, E vào mỗi bữa ăn hàng ngày là vô cùng hiệu quả trong việc điều trị đau khớp ngón tay và các vấn đề liên quan đến xương khớp. 

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe