Đau đầu kinh niên hay đau đầu mãn tính là bệnh lý rất phổ biến hiện nay có thể gặp ở mọi đối tượng và là nỗi ám ảnh đối với nhiều người. Các cơn đau đầu kinh niên không chỉ gây đau đớn, khó chịu, mệt mỏi mà còn ảnh hưởng nhiều đến công việc và cuộc sống. Vậy cần chữa đau đầu kinh niên như thế nào, cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
1. Đau đầu kinh niên là gì?
Đau đầu kinh niên hay đau đầu mãn tính là hiện tượng người bệnh gặp phải những cơn đau đầu kéo dài từ 15 ngày trở lên, cơn đau xuất hiện thường xuyên và liên tục trong ít nhất 3 tháng. Có thể chia đau nhức đầu mãn tính kéo dài làm 4 loại:
Đau nhức nửa đầu kinh niên:
- Để chẩn đoán đau nửa đầu kinh niên cần phải có triệu chứng nhức đầu - đau nửa đầu, kiểu căng thẳng hoặc cả hai trong 15 ngày hoặc hơn 1 tháng, ít nhất 3 tháng.
- Ngoài ra, người bệnh có trên 8 ngày hoặc nhiều hơn mà bệnh nhân phải trải qua các triệu chứng như đau đầu theo nhịp đập, đau đầu trung bình đến nặng, hoạt động thể chất làm đau đầu trầm trọng, buồn nôn, nôn, nhạy cảm với ánh sáng và âm thanh.
Đau nhức đầu căng thẳng mãn tính:
- Đau ở hai bên đầu, từ nhẹ đến trung bình.
- Đau tăng khi cảm thấy bức xúc hoặc cảm giác thắt chặt nhưng không theo nhịp đập.
- Đau không trầm trọng hơn khi hoạt động thể chất.
- Nhạy cảm với ánh sáng hoặc âm thanh.
- Buồn nôn.
Đau nhức đầu liên tục hàng ngày:
- Là những cơn đau đầu không đổi trong vài ngày.
- Đau ở hai bên đầu.
- Đau đớn mà cảm giác giống như nhấn hoặc thắt chặt, không theo nhịp đập
- Không trầm trọng hơn khi hoạt động thể chất.
- Nhạy cảm với ánh sáng hoặc âm thanh.
- Buồn nôn.
Đau nhức nửa đầu liên tục:
- Đau chỉ một nửa đầu mà không thay đổi bên và cũng liên tục hàng ngày, không có thời gian không đau.
- Đau vừa phải, có thời điểm trở nặng.
- Đáp ứng với indomethacin.
- Đỏ mắt ở bên bị ảnh hưởng.
- Nghẹt mũi hoặc chảy nước mũi.
- Rủ mí mắt.
2. Nguyên nhân gây ra đau đầu kinh niên
Hiện nay, các nguyên nhân gây nên đau đầu kinh niên vẫn chưa được xác định rõ ràng, nhưng người bệnh thường cho rằng nguyên nhân chủ yếu là do stress. Tuy nhiên, các nghiên cứu chỉ ra rằng stress chỉ là một yếu tố nhỏ tác động lên hệ thần kinh khi con người làm việc và suy nghĩ quá nhiều. Lúc này, não bộ chưa kịp đáp ứng tiếp nhận hết các thông tin và bộ não phải làm việc quá tải, các dây thần kinh gây chèn ép và tạo nên những cơn đau đầu. Những cơn đau này xuất hiện thường xuyên và kéo dài, lặp đi lặp lại khiến người bệnh khó chịu.
Ngoài ra, một số nguyên nhân gây đau đầu kinh niên ở người bệnh có thể kể đến như:
- Tiền sử từng tổn thương não bộ.
- Do có khối u tại não.
- Do thiếu máu não.
- Do ảnh hưởng đến một số bệnh lý như nhiễm trùng, viêm màng não, đột quỵ não,...
- Áp lực sọ não quá cao hoặc quá thấp.
- Lạm dụng, sử dụng quá nhiều các loại thuốc sai cách, sử dụng thuốc gây tác dụng phụ lên não bộ.
- Do căng thẳng, stress công việc, cuộc sống kéo dài.
3. Nhận biết cơn đau đầu kinh niên như thế nào?
Tuy đau đầu kinh niên có thể tồn tại ở nhiều trạng thái khác nhau do các nguyên nhân khác nhau nhưng bệnh nhân đau đầu mãn tính vẫn có các triệu chứng điển hình như:
- Cơn đau xuất hiện liên tục trong vòng 1 tuần.
- Thường xuyên phải uống thuốc giảm đau do những cơn đau âm ỉ làm phiền.
- Cơn đau xuất hiện đột ngột với nhiều tình trạng khác nhau: Đau âm ỉ, đau nhói.
- Người bệnh xuất hiện kèm theo một số triệu chứng như: Sốt, buồn nôn, co giật, khó nói,...
- Người bệnh đã sử dụng qua thuốc đau đầu, giảm đau nhưng không đạt hiệu quả.
4. Đau đầu kinh niên nên uống thuốc gì?
Bệnh nhân bị đau đầu kinh niên cần phải tuân thủ điều trị theo các nguyên tắc sau:
- Cần điều trị nguyên nhân, thể trạng và triệu chứng mắc phải.
- Tập trung điều trị với mục đích ngăn chặn cơn đau trước khi xuất hiện.
- Người bệnh tuyệt đối không tự ý mua thuốc chữa trị đau đầu kinh niên tại nhà.
Các thuốc được khuyến cáo có thể điều trị đau đầu kinh niên dưới sự tư vấn và giám sát của bác sĩ gồm:
- Thuốc chống trầm cảm ba vòng: Dùng để trị đau đầu mãn tính với mục đích trị rối loạn giấc ngủ, lo âu, trầm cảm.
- Thuốc beta blockers: Là thuốc dùng điều trị huyết áp cao nhưng cũng có thể ngăn ngừa đau nửa đầu. Một số trường hợp có thể được bác sĩ chỉ định kết hợp dùng thuốc này với các thuốc chống trầm cảm để đạt hiệu quả tốt hơn.
- Thuốc chống động kinh: Là phương pháp điều trị đau đầu mãn tính với chứng đau nửa đầu.
- Thuốc chống viêm không steroid: Thường dùng định kỳ cho người bị đau nhức đầu ở mức trầm trọng.
5. Phòng ngừa đau đầu kinh niên như thế nào?
Để phòng ngừa đau đầu mãn tính, người bệnh cần chăm sóc tốt bản thân và xây dựng một lối sống tích cực, người bệnh cần tuân thủ một số lưu ý như:
- Thường xuyên vận động nhẹ nhàng, tránh ngồi một chỗ khiến máu không lưu thông.
- Người bệnh cần tránh sử dụng máy tính và thiết bị điện tử nhiều giờ, đặc biệt không thức khuya.
- Người bệnh không nên làm việc quá nhiều, hay làm công việc có sức ép căng thẳng gây đau đầu. Nên giữ đầu óc luôn thoải mái nhất để tránh stress hàng ngày.
- Xây dựng chế độ ăn uống và sinh hoạt phù hợp: Bổ sung khoáng chất, chất xơ, tăng sức đề kháng cho cơ thể. Nên ăn uống đủ dưỡng chất, tránh bỏ bữa và ít sử dụng các loại thực phẩm chứa nhiều cafein. Tránh sử dụng các loại chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá,...
- Không lạm dụng các thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ.
- Ngủ đúng giờ, đủ giấc, từ 6 - 8 tiếng/ ngày.
- Thường xuyên luyện tập thể dục thể thao để có cơ thể khỏe mạnh, giảm căng thẳng và stress để có tinh thần thoải mái nhất. Người bệnh có thể đi xe đạp, tập yoga, ngồi thiền, nghe nhạc, đọc sách,...
Đau đầu kinh niên kéo dài để lại nhiều di chứng ảnh hưởng đến chất lượng đời sống người bệnh về lâu dài. Vì vậy, mọi người dù bất cứ tuổi nào khi gặp các triệu chứng của cơn đau đầu kinh niên thì nên đi khám ngay để được điều trị kịp thời.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.