Con hay ăn chóng lớn là niềm vui và cũng là niềm tự hào của nhiều bậc cha mẹ. Tuy nhiên để đạt được điều này, nhiều bậc phụ huynh tìm đủ mọi cách, biện pháp để thúc giục con ăn. Điều này tưởng là tốt nhưng hóa ra lại “lợi bất cập hại”. Nếu tình trạng căng thẳng này kéo dài có thể gây ra chứng biếng ăn tâm lý ở trẻ sơ sinh.
1. Các dấu hiệu nhận biết trẻ sơ sinh biếng ăn
Biếng ăn ở trẻ sơ sinh là tình trạng trẻ không chịu ăn đủ thức ăn trong ít nhất 1 tháng và có biểu hiện chậm phát triển. Trẻ cũng ít có cảm giác đói và thể hiện sự mất hứng thú với thức ăn. Vậy làm sao để cha mẹ nhận diện sớm tình trạng trẻ sơ sinh biếng ăn? Dưới đây là các dấu hiệu để bạn tham khảo, hãy cẩn trọng nếu con bạn có hơn 2 dấu hiệu:
- Trẻ không chịu ăn hết phần ăn hoặc bữa ăn kéo dài hơn 30 phút/ bữa;
- Trẻ ăn ít hơn 50% khẩu phần ăn so với tuổi;
- Trẻ ngậm thức ăn trong miệng không chịu nhai, nuốt;
- Trẻ không tăng cân trong 3 tháng liền;
- Trẻ không bao giờ có cảm giác đói.
Đặc biệt, hãy chú ý tới các dấu hiệu biếng ăn tâm lý ở trẻ nhỏ như:
- Trẻ từ chối thức ăn liên tục trong tối thiểu 1 tháng với các biểu hiện: che miệng khi thấy thức ăn, ngậm miệng, quay mặt đi khi mẹ đút thức ăn vào miệng;
- Trẻ phản ứng dữ dội khi thấy thức ăn: chạy trốn, khóc lóc, gào thét, nôn ọe, cầm ném thực phẩm, giả vờ đau bụng để trốn ăn.
Ngoài những biểu hiện trên, ngoài giờ ăn trẻ vẫn vui chơi chạy nhảy bình thường và vẫn thích ăn các món vặt như: snack, sữa chua, xúc xích...
2. Nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh biếng ăn
Tình trạng trẻ sơ sinh biếng ăn có thể xuất hiện bất cứ lúc nào trong 3 năm đầu đời của trẻ. Tuy nhiên nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng tình trạng này thường phát sinh ở độ tuổi 9-18 tháng tuổi. Đây là giai đoạn quan trọng đánh dấu sự chuyển đổi từ ăn bằng thìa sang tự ăn. Tuy nhiên không phải trẻ nào cũng chán ăn trong giai đoạn chuyển tiếp.
Ngoài ra, cũng có nghiên cứu cho thấy nguyên nhân trẻ sơ sinh biếng ăn có thể liên quan đến nhu cầu của em bé và xung đột của cha mẹ. Dưới đây là một số điểm nổi bật về những lý do có thể đằng sau sự phát triển chứng biếng ăn tâm lý ở trẻ sơ sinh:
- Khi trẻ lớn lên, trẻ sẽ có nhu cầu phát triển tính tự chủ và mong muốn tự quản. Trong giai đoạn này, em bé có thể muốn tự quyết định một số việc, trong đó bao gồm cả việc lựa chọn thức ăn;
- Chúng cố tình từ chối thức ăn để thu hút sự chú ý của người mẹ đối với nhu cầu của chúng;
- Bên cạnh đó, tình trạng sức khỏe của người mẹ (đặc biệt là bệnh trầm cảm, chứng rối loạn ăn uống của mẹ) cũng có thể gây ra chứng biếng ăn ở trẻ sơ sinh. Cụ thể, những phụ nữ bị trầm cảm thường tỏ ra kém tích cực hơn khi cho con ăn. Tất cả những điều này có thể ảnh hưởng đến tình trạng cảm xúc của em bé, khiến em bé từ chối ăn;
- Những trẻ lớn lên trong các gia đình rối loạn chức năng hoặc thiếu vắng sự chăm sóc có thể làm tăng nguy cơ biếng ăn tâm lý ở trẻ sơ sinh.
Ngoài các nguyên nhân bệnh lý, chất lượng thực phẩm, cách chế biến... thì cảm xúc và hành vi của cha mẹ khi cho ăn cũng là những lý do quan trọng đằng sau chứng biếng ăn ở trẻ sơ sinh. Nếu bạn nghi ngờ con mình bị biếng ăn thì tốt nhất là bạn nên đưa con đến gặp bác sĩ chuyên khoa dinh dưỡng.
3. Cách chữa biếng ăn tâm lý ở trẻ sơ sinh
Nếu trẻ biếng ăn trong thời gian dài có thể sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe tâm lý cũng như sức khỏe toàn diện của bé. Vì vậy, cha mẹ nên chuẩn bị biện pháp can thiệp để cải thiện vấn đề trên. Ví dụ như:
- Không gò ép buộc trẻ phải ăn: Ép trẻ ăn là thói quen của nhiều phụ nữ Việt, đặc biệt khi thấy con mình nhỏ hơn so với bạn bè đồng trang lứa. Thúc ép trẻ ăn sẽ khiến bữa ăn của 2 mẹ con giống như cuộc chiến và tình trạng sợ ăn của trẻ sẽ ngày càng gia tăng. Chưa kể, khi ép trẻ, trẻ vừa ăn vừa khóc sẽ dẫn đến sặc cháo, sặc thức ăn gây ra các tình trạng nguy hiểm như tắc đường thở...
- Cho trẻ ăn theo nhu cầu: Một bữa ăn cũng không nên kéo dài quá 30 phút, ngay cả khi trẻ chưa ăn đủ. Thay vì ép buộc trẻ ăn, mẹ có thể cho trẻ ăn theo nhu cầu và dừng khi trẻ không muốn nữa. Có thể cho trẻ ăn trước một phần nhỏ thức ăn và để trẻ tự yêu cầu thêm một phần ăn tương tự;
- Thay đổi thực đơn đa dạng: Không chỉ riêng trẻ em, người lớn nếu ăn mãi 1 món cũng sẽ cảm thấy chán. Trong khi đó, vị giác của trẻ em thường rất nhạy cảm, trẻ sẽ không chịu ăn 1 món trong thời gian dài và dẫn tới mất cảm giác thèm ăn. Do đó, mẹ nên liên tục thay đổi món mới để kích thích vị giác cho con;
- Khuyến khích trẻ ăn cùng cha mẹ: Nhiều mẹ Việt có thói quen cho trẻ ăn khác bữa với bữa ăn chung của gia đình. Nhưng các chuyên gia Nhi khuyên nên cho trẻ ngồi trên bàn ăn cho đến khi cha mẹ đã ăn no. Một em bé được rèn tính kiên nhẫn như vậy dĩ nhiên sẽ có thói quen ăn tốt hơn;
- Tránh phân tâm trong giờ ăn: Để giờ ăn chất lượng hơn, không nên để bất kỳ vật nào gây phân tâm (đồ chơi, điện thoại, sách...) xuất hiện trong khi cho trẻ ăn. Cũng đừng mua chuộc trẻ bằng cách hứa tặng trẻ một thứ gì đó nếu trẻ ăn xong.
Ngoài ra, nếu bác sĩ phát hiện cha mẹ là nguyên nhân gây ra chứng biếng ăn tâm lý ở trẻ sơ sinh thì các biện pháp sau đây có thể được đề xuất:
- Nếu sự xung đột giữa mẹ và con là nguyên nhân chính thì có thể nhờ đến sự can thiệp của người cha. Lúc này người bố có thể là nhân tố bù đắp hoặc cân bằng giữa mẹ và em bé. Việc đổi người chăm sóc, bón cơm có thể khuyến khích em bé ăn uống tích cực hơn;
- Người mẹ cũng cần được tư vấn về vấn đề này và được hướng dẫn cách trải qua giai đoạn ăn dặm của trẻ đúng cách, nhẹ nhàng hơn;
- Nếu người mẹ quá lo lắng hoặc tình cảm vợ chồng không hòa thuận, thì cha mẹ có thể được giới thiệu đến chuyên gia tư vấn tâm lý.
Việc điều trị chứng biếng ăn tâm lý ở trẻ sơ sinh có thể cần áp dụng nhiều phương pháp để phục hồi hoàn toàn và ngăn ngừa tái phát. Nuôi con nhỏ chưa bao giờ là việc dễ dàng, với những trẻ biếng ăn trong thời gian dài, cha mẹ cần kiên trì để thay đổi thói quen ăn uống của trẻ và giúp trẻ dùng bữa ngon miệng hơn.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.