Cách chữa bệnh zona thần kinh biến chứng

Zona là bệnh lý nhiễm trùng khá phổ biến với cơ chế bệnh sinh do virus thủy đậu trú ngụ trong hệ thần kinh tái hoạt động trở lại. Nếu không được điều trị sẽ dẫn đến một loạt vấn đề khác nhau, trong đó phổ biến là biến chứng zona thần kinh. Vậy cách chữa zona thần kinh biến chứng là gì và cần thực hiện như thế nào?

1. Zona thần kinh biến chứng là gì?

Zona, hay còn có tên gọi dân gian là giời leo, là bệnh lý do virus Varicella zoster gây ra. Mặc dù do virus gây ra nhưng Zona không liên quan đến cơ chế lây nhiễm thông thường. Tác nhân gây bệnh Zona trú ngụ sẵn trong cơ thể, cụ thể là trong hệ thần kinh, khi gặp điều kiện thuận lợi như hệ thống miễn dịch suy giảm thì tái hoạt động và gây ra các triệu chứng. Virus gây ra Zona cũng là tác nhân gây bệnh thủy đậu, điểm khác biệt duy nhất là Zona tái phát nhiều lần trong đời và không gây nguy hiểm tính mạng nhưng lại ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe và thẩm mỹ.

Do liên quan đến hệ thần kinh nên Zona thường gắn liền với các biến chứng thần kinh. Tình trạng này xảy ra ở người lớn tuổi hoặc bệnh nhân suy giảm miễn dịch. Biến chứng Zona thần kinh thư­ờng xuất hiện ở những vị trí lân cận như trán-quanh mắt-vùng đầu, vùng cổ-vai-cánh tay, liên sườn 1 bên cơ thể từ ngực vòng ra sau lưng hoặc từ hông xuống đùi... Điểm đặc trưng của các tổn thương do Zona là theo đường đi của dây thần kinh và chỉ xuất hiện một bên cơ thể (hiếm có trường hợp xảy ra cả 2 bên hay lan toả).

Chẩn đoán xác định Zona thần kinh biến chứng chủ yếu dựa vào các triệu chứng lâm sàng với 2 giai đoạn. Ở giai đoạn khởi phát, bệnh nhân thường có những cảm giác bất thường trên một vùng da như bỏng, nóng rát, châm chích, tê và đau, đặc biệt là ban đêm và kéo dài từ 1 đến 5 ngày. Sau đó, trên vùng da này xuất hiện những sang thương dạng mảng đỏ, hơi nề nhẹ, đường kính vài centimet và gờ cao hơn mặt da. Chúng sắp xếp dọc theo đường phân bố thần kinh, sau đó dần dần liên kết lại thành dải hoặc vệt. Giai đoạn này bệnh nhân còn có những triệu chứng toàn thân như đau đầu, sợ ánh sáng và khó chịu.

Giai đoạn toàn phát xảy ra sau vài ngày với sự xuất hiện các sang thương mụn nước hay bọng nước, tập trung thành đám giống như chùm nho trên nền da đỏ, thường ở một bên cơ thể, không vượt quá đường giữa và theo đường phân bố của một dây thần kinh ngoại biên. Lúc đầu mụn nước căng, dịch trong, dần dần đục, hóa mủ và vỡ ra đóng vảy tiết.

2. Biến chứng zona thần kinh có nguy hiểm không?

Bất cứ đối tượng nào cũng có thể mắc bệnh Zona thần kinh biến chứng, đặc biệt là người cao tuổi và người mắc các bệnh lý gây suy giảm miễn dịch. Mặc dù không nguy hiểm đến tính mạng nhưng bệnh nhân cũng không nên chủ quan vì Zona có thể dẫn đến một số vấn đề sau đây:

2.1. Đau do Zona thần kinh biến chứng

Đau là một biến chứng thường gặp nhất sau Zona thần kinh. Bệnh nhân thường có cảm giác đau dai dẳng ở khu vực từng bị tổn thương do Zona. Tình trạng đau do Zona thần kinh có thể kéo dài lên đến hàng tuần, hàng tháng hoặc thậm chí hàng năm. Nguy cơ mắc hội chứng đau sau Zona tăng theo tuổi.

Nguyên nhân gây ra tình trạng đau sau Zona được các chuyên gia giải thích là do virus gây viêm, hoại tử và gây xơ hóa các đầu mút tận cùng của thần kinh cảm giác.

Các yếu tố nguy cơ của hội chứng đau sau Zona bao gồm:

  • Tuổi trên 50;
  • Bệnh nhân zona mức độ nặng hoặc tổn thương phát ban nặng;
  • Zona ở mặt hoặc thân mình;
  • Bệnh nhân không được điều trị sớm trong vòng 72 giờ sau khi tổn thương ban đỏ xuất hiện.

Chẩn đoán hội chứng đau sau Zona cần dựa vào đặc điểm tình trạng đau kéo dài 3 tháng hoặc lâu hơn sau khi các tổn thương da đã lành. Cơn đau kiểu bỏng rát, nóng buốt và nhói, hoặc đau sâu và nhức nhối. Đau sau Zona thường không liên tục và không tương quan với các kích thích bên ngoài, cụ thể là các va chạm dù nhẹ hoặc chỉ tiếp xúc với quần áo cũng có thể gây đau dữ dội.

2.2. Sẹo

Biến chứng Zona thần kinh với các tổn thương da có thể để lại những vết sẹo lớn gây mất thẩm mỹ, đặc biệt ở những vị trí nhạy cảm như vành tai, mặt hay vùng cổ. Tùy cơ địa mà nguy cơ để lại sẹo ở mỗi bệnh nhân sẽ khác nhau. Đáng chú ý, nếu bệnh nhân áp dụng những cách chữa bệnh Zona thần kinh càng sớm thì khả năng hình thành sẹo sẽ càng thấp.

2.3. Giảm thính lực và thị lực

Một trong những biến chứng nghiêm trọng của Zona thần kinh là ảnh hưởng đến thính giác, gây giảm khả năng nghe, ù tai, thậm chí là điếc hoàn toàn.

Trường hợp virus Zona tấn công dây thần kinh thị giác sẽ dẫn đến giảm thị lực và nghiêm trọng nhất là gây mù lòa.

2.4. Nhiễm trùng da

Các tổn thương da của Zona thần kinh nếu không được chăm sóc tốt có thể dẫn đến nhiễm trùng, xuất hiện các vết loét sâu gây sưng tấy và mất thẩm mỹ nghiêm trọng.

Để ngăn ngừa những vấn đề trên, bệnh nhân mắc Zona thần kinh biến chứng mức độ nặng hoặc thuộc nhóm đối tượng nguy cơ cao sau đây cần đến bệnh viện điều trị càng sớm càng tốt:

  • Người trên hơn 60 tuổi, đặc biệt mắc nhiều bệnh lý và có hệ miễn dịch suy yếu;
  • Tổn thương Zona ở gần mắt, đặc biệt khi kèm theo triệu chứng nhiễm trùng nặng gây sưng viêm và hình thành mủ;
  • Tổn thương da không giảm sau thời gian dài, hoặc có xu hướng lan rộng và gây đau đớn dữ dội;
  • Bệnh nhân ung thư, mắc các bệnh lý mạn tính hoặc đang sử dụng thuốc gây suy giảm miễn dịch.

3. Cách chữa bệnh Zona thần kinh biến chứng

Các cách chữa bệnh Zona thần kinh biến chứng nên được thực hiện sớm nhằm mục đích:

  • Chống bội nhiễm từ các tổn thương trên da;
  • Dự phòng chứng đau sau Zona thần kinh;
  • Tiêu diệt virus gây bệnh;
  • Phòng tránh các biến chứng nặng.

Bên cạnh việc sử dụng các thuốc chống virus như Acyclovir liều 4g/ngày trong thời gian 7-10 ngày trong giai đoạn tiền triệu chứng hoặc ít nhất 72 giờ sau khi xuất hiện các mụn nước trên da, bệnh nhân cần được phối hợp thêm Interferon để điều trị nếu được chẩn đoán Zona mức độ nặng. Ngoài ra, bệnh nhân cần được giảm đau theo bậc hoặc sử dụng các thuốc giảm đau thần kinh, kết hợp với các biện pháp điều trị vật lý trị liệu, phục hồi chức năng như sử dụng tia tử ngoại, sóng ngắn, laser.... vào vùng tổn thương nhằm chống viêm, giảm đau, làm vết thương mau khô và nhanh lành.

Những bệnh nhân gặp phải những cơn đau Zona mức độ nặng và không đáp ứng với thuốc điều trị thông thường, bác sĩ sẽ chỉ định thêm các loại thuốc sau đây:

  • Kem capsaicin;
  • Thuốc chống trầm cảm 3 vòng như Amitriptylin...;
  • Thuốc gây tê dạng kem, gel, dạng thuốc xịt hoặc miếng dán, như Lidocaine...;
  • Corticosteroid dạng tiêm;
  • Các loại thuốc tê tại chỗ.

Một số cách chữa bệnh Zona thần kinh biến chứng không dùng thuốc bao gồm các phương pháp vật lý trị liệu như sóng ngắn, hồng ngoại, điện xung, điện phân, lazer, từ trường.... Ưu điểm của các biện pháp này là mang lại tác dụng giảm đau nhanh, kháng viêm theo cơ chế nội sinh bền vững, lâu dài, qua đó bảo vệ các đầu mút thần kinh nên giảm đau hiệu quả hơn. Đặc biệt, khi áp dụng cách chữa bệnh Zona thần kinh các vật lý trị liệu sẽ giúp bệnh nhân tránh được các tác dụng ngoại ý do thuốc giảm đau gây ra.

4. Chăm sóc bệnh nhân biến chứng zona thần kinh

Chế độ chăm sóc phù hợp sẽ hỗ trợ bệnh nhân mau khỏi bệnh và hạn chế được các biến chứng, đặc biệt là giảm nguy cơ hình thành gây mất thẩm mỹ.

4.1. Chăm sóc da

Điểm đặc trưng của vùng da tổn thương do Zona là rất nhạy cảm, do đó đòi hỏi phải được chăm sóc và vệ sinh cẩn thận.

Quá trình chăm sóc da bị Zona cần lưu ý những điểm sau:

  • Sử dụng gạc thấm nước mát và sạch để đắp lên vùng da nổi mụn nước giúp giảm đau và ngứa;
  • Hạn chế để vùng da Zona tiếp xúc với nước bẩn, các hóa chất độc hại hay các loại thuốc bôi không rõ nguồn gốc;
  • Vệ sinh sạch sẽ vùng da tổn thương bằng dung dịch sát khuẩn, đồng thời chỉ sử dụng kem bôi theo chỉ định của bác sĩ;
  • Khi da phục hồi, bệnh nhân có thể sử dụng thêm kem dưỡng ẩm hoặc các tinh chất thúc đẩy làm lành nhằm ngăn ngừa không để lại sẹo.

4.2. Chế độ sinh hoạt và dinh dưỡng

Người bệnh mắc chứng Zona thần kinh nên tăng cường bổ sung thêm các dưỡng chất như lysine (có nhiều trong sữa, cá, phomat, thịt gà...), cam thảo, Vitamin nhóm B (như B6, B12), vitamin C và kẽm.

Bên cạnh đó, bệnh nhân nên hạn chế một số loại thực phẩm có thể khiến các tổn thương lâu lành, dễ nhiễm trùng và hình thành sẹo xấu như chất béo, đồ uống có cồn (bia rượu), ngũ cốc tinh chế, các loại hạt, socola hay mầm lúa mì...

Xem thêm: Hướng dẫn chẩn đoán bệnh Zona

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe