Bệnh zona ở bụng và thần kinh liên sườn là một bệnh do vi rút gây nên, tấn công chủ yếu lên phần da bụng và thần kinh ở vùng da đó. Đây là bệnh thường khởi phát đột ngột, diễn biến cấp tính nếu không chữa trị đúng và kịp thời sẽ dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng như phá hủy tế bào thần kinh tủy sống, rối loạn chức năng dẫn truyền tín hiệu từ da.
1. Nguyên nhân gây bệnh zona thần kinh
Tác nhân gây bệnh zona thần kinh nói chung và zona ở bụng và zona thần kinh liên sườn nói riêng là do cùng một loại vi rút gây bệnh thủy đậu là virus varicella-zoster gây nên, biểu hiện bằng những triệu chứng lâm sàng: Sốt, đau rát da như phải bỏng tại chỗ bị vi rút xâm nhập và mụn nước.
2. Triệu chứng lâm sàng của bệnh zona thần kinh
2.1. Bệnh zona ở bụng
- Nhiễm trùng đường hô hấp
Các triệu chứng của nhiễm đường hô hấp như: Sốt nhẹ, mệt mỏi, đau nhức khắp người. Đau, rát, nhức nhối như kim châm hoặc kiến cắn vùng zona ở bụng. Đau có thể liên lục hoặc gián đoạn, đôi khi cơn đau làm cho người bệnh phát khóc.
- Ngứa
Ngứa làm người bệnh cảm thấy rất khó chịu, đồng thời vùng da này tăng nhạy cảm cho nên mỗi khi sờ vào vùng da đó người bệnh thấy đau tăng lên.
- Xuất hiện các mụn nước
Ban đầu,vùng da zona ở bụng xuất hiện một mảng dát màu hồng đỏ, sau đó xuất hiện các mụn nước. Các mụn nước mọc lên từng chùm sát vào nhau tạo thành mảng hoặc từng chùm có liên kết với nhau.
Một số trường hợp các mụn nước mọc liên tiếp, hết đợt này đến đợt khác làm lan đầy một vùng da zona ở bụng. Mụn nước zona ở bụng có tính chất căng phồng dễ vỡ.
Khi bị zona ở bụng thì sau khoảng 1 – 2 tuần lễ là bệnh tự khỏi nếu không có bị bội nhiễm hoặc không có biến chứng. Trong trường hợp zona ở bụng bị bội nhiễm thì người bệnh có thể bị sốt lại và sốt cao hơn, vùng da bụng bị zona sẽ có nguy cơ bị mưng mủ và có thể làm lây lan ra nhiều vùng da lành khác (nhiễm trùng da sau khi bị Zona) và cũng rất dễ dẫn đến nguy cơ nhiễm trùng huyết.
2.2. Bệnh zona thần kinh liên sườn
Bệnh nhân thấy đau rát ở vùng tổn thương zona thần kinh liên sườn một thời gian, có khi kéo dài hàng tháng và hay tái phát cơn đau.
Bệnh zona thần kinh liên sườn, thường tiến triển qua 2 giai đoạn:
2.2.1 Giai đoạn cấp khởi phát
- Đau rát một mảng liên sườn, sau một vài ngày xuất hiện đỏ da
- Xuất hiện những mụn nước li ti với xu hướng lan rộng theo phạm vi phân bố của dây thần kinh liên sườn.
- Ngứa và đau rát như bỏng, rất khó chịu, bệnh nhân không dám để cho vùng tổn thương tiếp xúc với quần áo hay sờ mó vào da.
- Sốt, mệt mỏi kèm theo.
- Sau khoảng một tuần tổn thương do zona thần kinh liên sườn khô, bong vảy, để lại sẹo.
2.2.2 Giai đoạn di chứng
Ở giai đoạn này zona thần kinh liên sườn gây ra triệu chứng đau rát ở vùng tổn thương một thời gian, có khi kéo dài hàng tháng, nhất là ở người cao tuổi.
3. Những điều cần lưu ý khi bị bệnh Zona thần kinh
- Vệ sinh thân thể, tắm rửa hàng ngày, giữ vùng da bị zona thần kinh sạch sẽ khô ráo.
- Mặc quần áo rộng để tránh tỳ đè phải vết thương khiến vết thương bị vỡ và lây lan.
- Tránh tiếp xúc da - da với những người có tiền sử bị thủy đậu, đang bệnh hoặc những người bị suy giảm miễn dịch.
- Không được gãi vết zona ở bụng vì có thể làm gia tăng nguy cơ bị nhiễm khuẩn thứ phát và có thể để lại sẹo.
- Dùng băng ép ngâm nước lạnh băng vào vùng da bị zona gây nên tổn thương rỉ mủ khoảng 7, 8 lần/ngày, mỗi lần trong khoảng 20 phút để làm dịu bớt cơn đau và làm khô vết thương. Không sử dụng băng ép khi tổn thương da đã khô giúp cho những vùng da xung quanh không trở nên khô và ngứa.
- Không chữa bệnh zona thần kinh liên sườn bằng kinh nghiệm dân gian như: Đắp đỗ xanh, gạo nếp hoặc các lá thuốc nam, ngậm rồi phun một loại chất lỏng lên bề mặt da bị tổn thương. Nguyên nhân là chúng có thể làm tăng nguy cơ bội nhiễm da, gây loét, kích ứng da...
- Sử dụng đúng thuốc, đúng thời điểm theo đúng chỉ định của bác sĩ.
- Cần vệ sinh da zona ở bụng và zona thần kinh liên sườn và dùng các loại thuốc sát khuẩn mà bác sĩ kê đơn nhằm mục đích không để vùng da bị bệnh bội nhiễm vi khuẩn.
- Tạo tâm lý thoải mái tránh những lo lắng không cần thiết và cần có quyết tâm để điều trị bệnh chóng khỏi.
- Khi thấy những triệu chứng mới hoặc không thể kiểm soát được cơn đau hoặc cơn ngứa của bệnh zona, cần đến khám bác sĩ để được điều trị kịp thời.
Một số loại thuốc kháng vi-rút có thể kiểm soát triệu chứng, cũng như rút ngắn thời gian và mức độ nghiêm trọng của bệnh. Những loại thuốc này có hiệu quả nhất nếu bạn bắt đầu dùng chúng càng sớm càng tốt sau khi triệu chứng phát ban xuất hiện. Ngoài ra, cũng có thể uống thuốc giảm đau không kê đơn hoặc các loại dược phẩm khác theo toa của bác sĩ.
Nếu có triệu chứng bất thường, bạn nên được thăm khám và tư vấn với bác sĩ chuyên khoa.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.