Cách chăm sóc trẻ em trong mùa nóng

(SKDS) - Trẻ em, đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi thì mọi nhu cầu của bản thân đều phụ thuộc hoàn toàn vào người chăm sóc. Việc chăm sóc thích hợp, đặc biệt là vào những những lúc thời tiết quá nóng sẽ góp phần giúp trẻ thích nghi với thời tiết tốt hơn, ít bị bệnh hơn và phát triển thể chất tốt hơn. Dưới đây là một số lưu ý các bậc cha mẹ về những điều nên và không nên khi chăm sóc trẻ trong mùa nắng nóng.

Nên:

Giữ cho da bé sạch, lau mồ hôi thường xuyên: Đổ mồ hôi là một cách làm giảm nóng tự nhiên của cơ thể, vì vậy, nếu bé vẫn ăn, vẫn bú, vẫn chơi, vẫn sinh hoạt bình thường thì cha mẹ không cần lo lắng quá khi thấy bé đổ mồ hôi nhiều, chỉ cần lưu ý:

- Lau mồ hôi thường xuyên cho bé, nếu quần áo bé đang mặc bị ướt mồ hôi thì cần thay quần áo khô.

- Chọn kiểu quần áo thoáng mát, chất liệu vải mềm và thấm hút tốt.

- Uống nhiều nước để bù lại lượng nước mất qua mồ hôi.

Mùa hè nên tắm cho trẻ mỗi ngày 1 lần.Ảnh: MH

Kiểm tra xem nơi bé đang chơi có có quá nóng, hoặc bí gió, kém thông thoáng không, nếu có thì cần tìm cách cải thiện hoặc chuyển bé đến nơi thoáng mát hơn.

- Tắm cho bé thường xuyên mỗi ngày 1 lần.

Duy trì chế độ ăn bình thường: Nắng nóng thường làm bé mệt mỏi, khó chịu, cộng với việc uống nhiều nước do nóng nực, đặc biệt là uống những loại nước ngọt có ga, dễ làm cho bé “no” giả tạo, gây tình trạng biếng ăn, ăn kém. Mặt khác, thời tiết nóng nực hoặc những chuyến đi chơi hè có thể làm thay đổi giờ giấc sinh hoạt, ngủ nghỉ, ăn uống bình thường của bé. Do đó cha mẹ cần giữ đúng nhịp sinh hoạt hàng ngày. Tăng cường các loại trái cây tươi, rau xanh trong khẩu phần ăn của bé.

Không nên:

- Cho bé chơi lâu ngoài nắng hoặc di chuyển lâu ngoài nắng, tới chỗ tập trung đông người. Không để máy điều hòa ở nhiệt độ quá lạnh hoặc quạt gió quá mạnh thẳng vào người trong khi nhiệt độ bên ngoài quá nóng.

- Tắm quá nhiều lần trong ngày, tắm quá lâu, nhất là khi cho bé tắm bể bơi, tắm biển, sông,...

- Mặc quần áo cho bé ngay sau khi tắm, lúc da chưa khô hẳn, vì khi da bị ẩm ướt sẽ dễ bị hăm da, nhất là các vùng nếp gấp da như cổ, bẹn, khuỷu, nách... Thoa phấn rôm khi da còn ướt hoặc khi bé đổ nhiều mồ hôi, vì phấn gặp nước sẽ bị vón lại, lấp kín lỗ chân lông làm cản trở tiết mồ hôi.

- Cho bé uống các loại nước ngọt có ga, ăn những thức ăn vặt không có giá trị dinh dưỡng.

(Theo Sức khỏe đời sống) Nhi An

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe