Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Hùng - Bác sĩ điều trị bệnh Nội tiết - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Suy thận mạn giai đoạn cuối là căn bệnh nguy hiểm nhiều người mắc phải. Các biến chứng của lọc màng bụng có thể xảy ra nên người bệnh cần đặc biệt quan tâm khi điều trị suy thận mạn giai đoạn cuối bằng phương pháp này.
1. Biến chứng của lọc màng bụng ở người suy thận mạn giai đoạn cuối
Lọc màng bụng là một phương pháp được sử dụng khá phổ biến trong điều trị suy thận mạn giai đoạn cuối. Lọc màng bụng có ưu điểm là thuận tiện cho người bệnh. Người bệnh thực hiện tại nhà nên không ảnh hưởng nhiều đến công việc cũng như sinh hoạt, hàng tháng bệnh nhân chỉ cần đến bệnh viện một lần để bác sĩ kiểm tra và nhận dịch lọc thay vì một tuần phải đến bệnh viện 3 lần như chạy thận nhân tạo. Chi phí lọc màng bụng khá thấp, trong khi hiệu quả điều trị vẫn đảm bảo.
Lọc màng bụng thích hợp với những người có huyết động không ổn định, do sự thay đổi các chất hòa tan và lượng nước trong cơ thể diễn ra một cách từ từ, không làm huyết động thay đổi đột ngột, thích hợp với những bệnh nhân còn đang đi học đi làm và bệnh nhân ở những vùng xa trung tâm, khó tiếp cận với máy chạy thận nhân tạo.
Tuy nhiên, không có phương pháp điều trị nào không có những nguy cơ. Bên cạnh những thuận lợi và ưu điểm, khi sử dụng lọc màng bụng, bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối cũng có thể gặp nhiều biến chứng. Các biến chứng này có thể là biến chứng nhiễm trùng, biến chứng cơ học hoặc biến chứng chuyển hóa.
2. Biến chứng nhiễm trùng khi lọc màng bụng
2.1. Viêm phúc mạc
Viêm phúc mạc là biến chứng của lọc màng bụng rất thường gặp. Đây là một thách thức lớn trong điều trị, là nguyên nhân khiến bệnh nhân phải nhập viện điều trị, gây mất catheter, tổn thương màng bụng, thậm chí có thể khiến người bệnh tử vong. Có nhiều nguyên nhân gây viêm phúc mạc như:
- Người bệnh không tuân thủ các kỹ thuật, không đảm bảo vô trùng khi thay dịch lọc.
- Nhiễm trùng từ chân catheter, vi khuẩn di chuyển vào đường hầm catheter và vào khoang phúc mạc.
- Vi khuẩn từ đường tiêu hóa, đường máu xâm nhập gây viêm phúc mạc
Khi viêm phúc mạc người bệnh sẽ có triệu chứng đau bụng, co cứng thành bụng, cảm ứng phúc mạc. Bệnh nhân thường sốt cao ở 39-40oC, dịch lọc màng bụng khi xả ra có màu đục, khác với dịch màu dịch lọc xả ra thường ngày. Dịch lọc màng bụng sẽ được nuôi cấy để tìm vi khuẩn gây nhiễm trùng. Trong thời gian chưa có kết quả nuôi cấy, bệnh nhân sẽ được điều trị bằng kháng sinh phổ rộng. Khi đã có kết quả nuôi cấy và kháng sinh đồ, nếu vi khuẩn nhạy cảm với kháng sinh đã sử dụng thì tiếp tục dùng cho đủ liệu trình. Chuyển kháng sinh nếu vi khuẩn đã kháng với kháng sinh đã dùng.
2.2. Nhiễm trùng liên quan đến catheter
Trước khi tiến hành lọc màng bụng, người bệnh suy thận mạn giai đoạn cuối phải được phẫu thuật để đặt catheter- là một ống thông chuyên biệt vào khoang bụng, giúp đưa dịch lọc từ bên ngoài vào khoang bụng và dẫn dịch thoát ra sau khi quá trình lọc kết thúc.
Trong quá trình sử dụng, catheter có nguy cơ nhiễm trùng, đặc biệt là ở khu vực chân ống (exit site) và đường hầm dưới da. Khi nhiễm trùng, người bệnh sẽ có triệu chứng sưng, đau, tấy đỏ, cứng lên ở vùng đường hầm; có mủ và tấy đỏ (hoặc không tấy đỏ) ở chân ống.
Khi bị nhiễm trùng catheter, người bệnh suy thận mạn giai đoạn cuối cần được theo dõi thường xuyên để đánh giá tình trạng viêm, thay băng thường xuyên, đôi khi cần phải rút catheter để điều trị tình trạng nhiễm trùng.
3. Biến chứng chuyển hóa khi lọc màng bụng
3.1. Tăng đường huyết
Dung dịch lọc màng bụng có hàm lượng đường cao, các nồng độ glucose thường gặp là 1.5 g%, 2 g% và 2.5 g%. Khi lọc màng bụng trong thời gian dài, glucose sẽ có nguy cơ hấp thu vào máu gây tăng đường huyết. Để hạn chế tăng đường huyết ở các bệnh nhân có nguy cơ cao, có thể lựa chọn các loại dịch lọc khác như amino acids hoặc polyglucose để thay thế.
3.2. Rối loạn lipid máu
Bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối lọc màng bụng thường có rối loạn lipid máu, cholesterol toàn phần và LDL cao, triglycerid cao trong khi HDL cholesterol thấp. Rối loạn lipid gây xơ vữa động mạch và nhiều nguy cơ tim mạch khác. Khi bị rối loạn lipid máu người bệnh cần được điều trị bằng các nhóm thuốc điều trị lipid máu, tránh rượu bia, thuốc lá, điều chỉnh chế độ ăn hạn chế chất béo.
3.3. Mất protein
Mỗi ngày lọc màng bụng, người bệnh sẽ mất lượng protein từ 10-20g. Protein mất nhiều ở người bệnh có màng vận chuyển cao hoặc trong đợt viêm phúc mạc. Người bệnh cần ăn bổ sung protein để bù vào lượng đã mất đi.
4. Biến chứng cơ học khi lọc màng bụng
4.1. Tràn dịch màng phổi
Khi một thể tích lớn dịch được lưu trong ổ bụng, áp lực ổ bụng sẽ tăng lên, dịch lọc có thể di chuyển từ khoang bụng lên khoang màng phổi thông quá các vị trí yếu của cơ hoành, thường xuất hiện ở bên phải hơn bên trái. Điều trị bằng cách ngưng lọc, tiến hành chọc tháo nếu cần thiết, có thể điều trị nguyên nhân băng cách gây dính khoang màng phổi hoặc phẫu thuật sửa cơ hoành.
4.2. Thoát vị
Các yếu tố nguy cơ gây thoát vị là thể tích dịch lọc đưa vào cơ thể lớn và các thiết sót bẩm sinh của thành bụng. Khoảng 10-20% bệnh nhân có biểu hiện thoát vị vào một thời điểm nào đó, vị trí thoát vị thường gặp nhất là rốn, bẹn hoặc vị trí đặt catheter.
Thoát vị cần được điều trị bằng ngoại khoa, trong thời gian điều trị, nên giữ cho khoang ổ bụng có áp lực thấp để thoát vị có thời gian bình phục.
4.3. Đau lưng
Dịch lọc được đưa vào ổ bụng, trung tâm trọng lực hướng ra phía trước, áp lực ổ bụng tăng, cột sống sẽ có xu hướng ưỡn ra. Người bệnh sẽ thường xuyên bị đau lưng. Để hạn chế tình trạng này, bệnh nhân có thể dùng máy lọc màng bụng để thực hiện trao đổi dịch vào ban đêm, nếu trao đổi dịch bằng tay thì thay dịch nhiều lần và mỗi lần lượng dịch đưa vào ít hơn bình thường.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.