Các triệu chứng tụt đường huyết

Hạ đường huyết là tình trạng xảy ra khi lượng đường trong máu dưới ngưỡng bình thường. Nó thường xảy ra ở những người đang điều trị bệnh tiểu đường, nhưng cũng có thể gặp ở những người do quá đói hay bệnh lý khác. Tùy theo mức hạ đường huyết mà các triệu chứng tụt đường huyết có thể khác nhau từ nhẹ tới nặng.

 

1. Điều gì gây ra hạ đường huyết?

Đường trong máu cần duy trì ở một ngưỡng nhất định nhằm giúp các tế bào trong cơ thể có thể sử dụng được đường hiệu quả. Khi mức đường huyết dưới 3.9 mmol/l thì được gọi là hạ đường huyết.

Các nguyên nhân thường gặp do hạ đường huyết bao gồm:

  • Hạ đường huyết thường gặp ở những bệnh nhân đái tháo đường đang được điều trị bằng insulin hay thuốc kích thích sản xuất insulin như nhóm thuốc sulfonylureas (diamicron, amaryl,...). Khi lượng hormone insulin trong máu tăng sẽ làm giảm đường huyết. Nguyên nhân này là nguyên nhân chính gây ra các triệu chứng tụt đường huyết người lớn.
  • Hoạt động thể dục quá mức: Khi vận động quá mức, đặc biệt với những người chưa quen tập cường độ cao có thể khiến cơ thể bị hạ đường huyết do tăng sử dụng để tạo năng lượng cho việc tập luyện.
  • Ăn những bữa ăn quá xa hay bỏ bữa: Sau khi ăn đường được hấp thu vào máu một phần được sử dụng để cung cấp năng lượng, còn lại được dự trữ dưới dạng glycogen ở gan. Khi xa bữa ăn thì cơ thể sẽ huy động nguồn glycogen để đảm bảo đường luôn ở ngưỡng cho phép. Tuy nhiên, nếu ăn quá xa bữa chính  hoặc chán ăn bỏ bữa khiến cơ thể không cung cấp được lượng đường cần thiết và lượng glycogen dự trữ không đủ để nâng mức đường huyết sẽ khiến bạn bị hạ đường huyết. Đây có thể là nguyên nhân gây ra triệu chứng tụt đường huyết đặc biệt hay gặp ở phụ nữ, vì hay nhịn ăn nhằm mục đích giảm cân. 
  • Bệnh lý về gan và thận khiến cho cơ thể giảm chức năng dự trữ đường và cơ thể dễ bị hạ đường huyết sau ăn.
  • Uống rượu quá nhiều: Uống nhiều mà không nạp thức ăn có thể ngăn chặn gan giải phóng glucose được lưu trữ dưới dạng glycogen vào máu, gây hạ đường huyết.

Tùy theo mức hạ đường huyết mà các triệu chứng tụt đường huyết có thể khác nhau từ nhẹ tới nặng
Tùy theo mức hạ đường huyết mà các triệu chứng tụt đường huyết có thể khác nhau từ nhẹ tới nặng

Hạ đường huyết có thể do một số nguyên nhân ít phổ biến khác bao gồm:

  • Thuốc: Thường do vô tình uống nhầm thuốc trị tiểu đường là nguyên nhân có thể gây hạ đường huyết. Các loại thuốc khác cũng có thể gây hạ đường huyết, hay gặp hơn ở trẻ em hoặc ở những người bị suy thận như quinine là thuốc được sử dụng để điều trị bệnh sốt rét.
  • Khối u: Một khối u hiếm của tuyến tụy (insulinoma) có thể khiến cho cơ thể người bệnh sản xuất quá nhiều insulin, dẫn đến hạ đường huyết. Các khối u khác cũng có thể dẫn đến sản xuất quá nhiều các chất có đặc tính tương tự insulin.
  • Yếu tố nội tiết: Một rối loạn của tuyến thượng thận và tuyến yên có thể dẫn đến sự thiếu hụt các hormon có chức năng chính điều chỉnh việc sản xuất glucose. Trẻ em cũng có thể hay bị hạ đường huyết nếu có quá ít hormone tăng trưởng.
  • Suy dinh dưỡng: Những người không được cung cấp dinh dưỡng đầy đủ cũng có thể gây ra hạ đường huyết.
  • Nhiễm trùng: Khi cơ thể bị nhiễm trùng thì sẽ cần dùng nhiều năng lượng hơn để bảo vệ cơ thể tránh tác động của vi sinh vật. Không chỉ vậy khi nhiễm khuẩn người bệnh cũng có xu hướng bị chán ăn nên cũng góp phần tăng nguy cơ bị hạ đường huyết.

2. Những triệu chứng tụt đường huyết

Có biểu hiện của hạ đường huyết có thể bao gồm:

  • Với những trường hợp nhẹ: Người bệnh có cảm giác đói, cồn cào, lo lắng, bồn chồn, vã mồ hôi, run tay chân, hồi hộp, tim đập nhanh, buồn nôn, nôn, cảm giác dị cảm đầu chi và quanh môi, nhức đầu, nhìn đôi. Ngoài ra, bệnh nhân còn có triệu chứng rối loạn tâm thần kinh như kích thích, vui vẻ, nói liến thoắng hoặc đôi khi buồn bã, hành vì bất thường...
  • Trường hợp nặng: Người bệnh có thể xuất hiện thoáng qua các triệu chứng trên sau đó xuất hiện nặng như co giật, ảo giác, cứng hàm, liệt khu trú, mất ý thức thoáng qua hoặc hôn mê.

Nếu có dụng cụ đo đường huyết thì thấy nồng độ Glucose máu < 70mg/dl(3,9 mmol/l). Các triệu chứng lâm sàng được cải thiện sau khi được bổ sung đủ glucose. Người bệnh có thể có tiền sử từng bị hạ đường huyết, đang điều trị đái tháo đường...


Cần phát hiện sớm triệu chứng tụt đường huyết ngay từ khi có các biểu hiện nhẹ
Cần phát hiện sớm triệu chứng tụt đường huyết ngay từ khi có các biểu hiện nhẹ

3. Cách xử trí khi bị hạ đường huyết

Việc xử trí hạ đường huyết sớm rất quan trọng, cho nên cần phát hiện sớm ngay từ khi có các biểu hiện nhẹ. Điều trị cần tiến hành nhanh nhưng cũng cần đảm bảo ở mức an toàn tránh làm tăng đường huyết quá mức và có thể gây tăng cân:

  • Những trường hợp nhẹ: Đo đường huyết, nếu đường huyết < 3,9 mmol/l cần ăn hay uống thực phẩm chứa khoảng 15g Carbohydrate như 2 đến 3 viên đường hay nửa ly nước trái cây hoặc nửa ly nước ngọt, nửa ly sữa hay khoảng 1 thìa mật ong... và đợi 15 phút, sau đó đo lại đường huyết. Nếu đường huyết vẫn < 3,9 mmol/l lập lại quy trình trên cho đến khi đường huyết lớn hơn 5,6 mmol/l. Tình trạng tụt đường huyết có thể xuất hiện sau khi uống hoặc ăn thực phẩm chứa carbohydrate, do vậy bạn nên kiểm tra lại đường huyết mỗi 60 phút sau khi điều trị.
  • Với những trường hợp người bệnh bị nặng gây ra lú lẫn, co giật, hôn mê: Nếu người bệnh ở tại nhà thì không nên cố đổ nước đường vào miệng vì có thể sặc vào đường hấp. Trong trường hợp này cần nhanh chóng đưa người bệnh tới viện. Người bệnh cần được đưa đường vào cơ thể qua đường tĩnh mạch để duy trì lượng đường trong máu trên 5,6mmol/l.

Sau khi tình trạng trạng hạ đường huyết đã được giải quyết, người bệnh cần có những biện pháp để phòng ngừa hạ đường huyết tái phát bệnh.

4. Biến chứng của hạ đường huyết

Một số biến chứng gây hạ đường huyết có thể kể đến như:

  • Hạ đường huyết có thể khiến người bệnh thường xuyên cảm thấy mệt mỏi chóng mặt, thậm chí có thể bị ngã gây chấn thương.
  • Trường hợp hạ đường huyết nặng mà không được xử lý nhanh chóng và kịp thời người bệnh có thể tử vong.
  • Hạ đường huyết không nhận thức: Nếu như các đợt hạ đường huyết cứ lặp đi lặp lại liên tục thì có thể dẫn đến hạ đường huyết không nhận thức được. Cơ thể và não bộ không còn tạo ra các dấu hiệu cảnh báo cho thấy lượng đường trong máu thấp, chẳng hạn như đói, vã mồ hôi, run hoặc nhịp tim không đều. Khi điều này xảy ra, nguy cơ hạ đường huyết nghiêm trọng và có thể đe dọa tính mạng tăng lên.
  • Trường hợp những người bệnh mắc bệnh đái tháo đường thường xuyên tái phát các đợt hạ đường huyết và gây ra hạ đường huyết không nhận thức có thể khiến họ cảm thấy sợ việc điều trị bằng thuốc. Làm cho lượng đường trong máu không được kiểm soát ở mức ổn định, làm tăng nguy cơ mắc các biến chứng của bệnh tiểu đường. Bạn cần nói chuyện với bác sĩ về nỗi sợ hãi của bản thân và đừng tự ý thay đổi liều thuốc trị tiểu đường mà không có bác sĩ.

Hạ đường huyết có thể khiến người bệnh thường xuyên cảm thấy mệt mỏi chóng mặt
Hạ đường huyết có thể khiến người bệnh thường xuyên cảm thấy mệt mỏi chóng mặt

5. Phòng ngừa hạ đường huyết như thế nào?

Phòng ngừa hạ đường huyết là điều rất quan trọng để tránh tái phát các cơn hạ đường huyết, các biện pháp có thể bao gồm:

  • Trong việc điều trị bệnh đái tháo đường: Khi người bệnh sử dụng các loại thuốc điều trị đái tháo đường như tiêm insulin hay uống thuốc hạ đường huyết thì cần sử dụng đúng liều lượng và đúng thời điểm phù hợp với bữa ăn.
  • Không được bỏ bữa, dù ăn ít hay nhiều cũng nên cung cấp đủ lượng carbohydrate cần thiết. Không nên bỏ bữa vì mong muốn giảm cân vì đây là biện pháp không an toàn.
  • Hoạt động hàng ngày: Nếu như bạn hoạt động nhiều hơn hàng ngày hay tập thể dục nhiều hơn mức bình thường thì nên ăn nhẹ trước khi hoạt động.
  • Có thể sử dụng máy để theo dõi glucose liên tục (CGM) cho một một số người, đặc biệt là những người bị hạ đường huyết không nhận thức. Một CGM có một sợi dây nhỏ được luồn dưới da của người cần theo dõi và nó có thể gửi chỉ số đường huyết đến người nhận. Nếu lượng đường trong máu giảm quá thấp, một số loại máy theo dõi sẽ cảnh báo người bệnh người bệnh một báo động. Ngoài ra, với những bệnh nhân đái tháo đường sử dụng thuốc insulin có thể dùng loại bơm insulin được tích hợp với CGM và có thể ngừng cung cấp insulin khi nhận thấy lượng đường trong máu giảm quá nhanh để giúp ngăn ngừa hạ đường huyết.
  • Người bệnh cần nhận biết được sớm các triệu chứng tụt đường huyết. Khi bị hạ đường huyết cần phải uống nước trái cây, nước đường hoặc ngậm kẹo để tránh nguy cơ mức đường trong máu xuống thấp đến mức gây ra nguy hiểm.
  • Người bệnh cần tuân thủ thực hiện theo kế hoạch điều trị bệnh tiểu đường mà bác sĩ đưa ra. Nếu người bệnh đang dùng một loại thuốc điều trị mới hoặc liều điều trị mới hay thay đổi lịch ăn uống, tập luyện bộ môn thể thao mới thì cần chia sẻ với bác sĩ điều trị về những thay đổi này xem có ảnh hưởng đến việc kiểm soát bệnh tiểu đường và kiểm soát được nguy cơ hạ đường huyết hay không.
  • Đối với những người có các đợt hạ đường huyết tái phát, thì cần ăn nhiều bữa nhỏ thường xuyên trong ngày. Đây là một biện pháp giúp ngăn chặn lượng đường trong máu của người bệnh xuống quá thấp gây nguy hiểm.
  • Khám bệnh định kỳ hoặc thăm khám khi hay bị tụt đường huyết tại các cơ sở y tế để được chẩn đoán và có biện pháp điều trị phù hợp với các bệnh lý gây hạ đường huyết.

Tụt đường huyết có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng nếu mức đường huyết quá thấp. Cho nên ngay khi nhận thấy các dấu hiệu cảnh báo sớm cần bổ sung đường ngay để tránh hạ đến mức nguy hiểm. Với những trường hợp người bệnh bị nặng gây ra lú lẫn, co giật, hôn mê thì cần sớm đưa người bệnh đến các trung tâm y tế để thăm khám và điều trị.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe