Sử dụng gân tự thân trong tạo hình dây chằng chéo khớp gối

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Lê Quang Minh - Bác sĩ Chấn thương chỉnh hình - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Khớp gối là một trong những khớp quan trọng nhất của cơ thể, nó tham gia vào quá trình vận động hàng ngày. Có thể vì vậy mà khớp gối dễ bị tổn thương nhất. Một trong những tổn thương hay gặp đó là đứt dây chằng khớp gối do chấn thương hoặc do tai nạn.

1. Khớp gối có những dây chằng nào?

Khớp gối được cấu tạo bởi nhiều thành phần khác nhau như xương, có, dây chằng, bao khớp, sụn chêm... Dây chằng là một bộ phận quan trọng trong cấu tạo này, gồm có:

  • Dây chằng chéo trước: Có tác dụng giữ cho cẳng chân không bị trượt ra trước.
  • Dây chằng chéo sau: Có tác dụng giữ cho cẳng chân không bị trượt ra sau.
  • Dây chằng bên trong: Có tác dụng giữ mặt trong khớp gối.
  • Dây chằng bên ngoài: Có tác dụng giữ mặt ngoài khớp gối.

Hai dây chằng chéo trước và chéo sau bắt chéo nhau tạo thành hình chữ X, do đó được gọi là dây chằng chéo. Như vậy khi tổn thương dây chằng chéo trước, cẳng chân sẽ bị trượt ra trước, còn khi tổn thương dây chằng chéo sau, thì cẳng chân bị trượt ra sau.


Dây chằng chéo tạo thành hình chữ X
Dây chằng chéo tạo thành hình chữ X

2. Đứt thương dây chằng chéo khớp gối

Tổn thương dây chằng chéo khớp gối là một trong những tổn thương hay gặp nhất của chấn thương khớp gối.

Khi đứt dây chằng chéo khớp gối không thể tự liền lại được, khiến cho bệnh nhân đau và lỏng khớp gối, gây ảnh hưởng lớn khả năng vận động của khớp.

Nếu để tình trạng này kéo dài sẽ gây thoái hóa khớp gối khó hồi phục. Các dấu hiệu nhận biết đứt dây chằng chéo khớp gối, gồm có:

  • Khi bị chấn thương, bệnh nhân sẽ nghe thấy tiếng rắc gãy đặc trưng.
  • Bệnh nhân cảm thấy lỏng khớp gối, hạn chế vận động, khi đi lại, hay lên xuống cầu thang khớp gối bị xoay hoặc bị trượt - trẹo chân.
  • Khi chạy nhanh khớp gối bị trượt ra trước nếu đứt dây chằng chéo trước, trượt ra sau nếu đứt dây chằng chéo sau.
  • Nếu để lâu ngày sẽ có hiện tượng teo cơ đùi bên chân tổn thương.

Khi đi khám, ngoài việc khám lâm sàng cẩn thận, bác sĩ sẽ cho bệnh nhân chụp MRI khớp gối nếu nghi ngờ có đứt dây chằng khớp gối. Trên phim sẽ cho biết dây chằng có bị đứt hay không, nếu có là đứt bán phần hay đứt hoàn toàn.

Tùy thuộc vào mức độ tổn thương, điều kiện kinh tế, tuổi tác và nhu cầu của bệnh nhân mà bác sĩ sẽ đưa ra các hướng điều trị thích hợp.

  • Nếu dây chằng đứt không hoàn toàn, khớp gối vẫn vững, bệnh nhân trên 60 tuổi, không có nhu cầu chơi thể thao thì nên điều trị bảo tồn.
  • Với bệnh nhân từ 50 - 60 tuổi, việc chỉ định phẫu thuật sẽ phụ thuộc vào nhu cầu và đặc điểm sinh hoạt của bệnh nhân. Nếu bệnh nhân chỉ ở nhà và không có nhu cầu vận động nhiều thì không cần mổ. Nếu bệnh nhân phải di chuyển nhiều, muốn chơi thể thao thì nên phẫu thuật tái tạo dây chằng chéo bị đứt.
  • Đối với bệnh nhân là trẻ em, cần cân nhắc thời điểm phẫu thuật vì việc khoan đường hầm lên mâm chày sẽ ảnh hưởng đến phát triển chiều cao, độ dài hai chân của trẻ. Hiện nay có nhiều kỹ thuật mổ để hạn chế tình trạng này.
  • Còn đối với bệnh nhân trẻ tuổi, nên thu xếp phẫu thuật sớm là tốt nhất.

Tùy điều kiện bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật dây chằng chéo
Tùy điều kiện bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật dây chằng chéo

3. Sử dụng gân tự thân trong tạo hình dây chằng chéo khớp gối

Mục đích của phẫu thuật thay dây chằng chéo khớp gối nhằm:

  • Tái tạo đặc điểm giải phẫu của khớp gối.
  • Phục hồi chức năng của dây chằng chéo nguyên bản.
  • Phục hồi khớp gối tối đa, giúp bệnh nhân có thể vận động và sinh hoạt bình thường.

Ngày nay, nhờ sự tiến bộ vượt bậc của khoa học kỹ thuật, phương pháp mổ nội soi tái tạo dây chằng chéo khớp gối đã thay thế cho phương pháp mổ mở trước đây. Đây là phương pháp hiện đại, ít xâm lấn, giúp bệnh nhân phục hồi chức năng vận động khớp gối sớm, hạn chế các biến chứng sau mổ.

Có 3 loại vật liệu hay mảnh ghép sử dụng trong tái tạo dây chằng chéo khớp gối đó là:

  • Vật liệu tự thân: Sử dụng gân của chính bệnh nhân.
  • Vật liệu đồng loại: Sử dụng gân của người cho.
  • Vật liệu tổng hợp.

Mỗi một loại vật liệu sẽ có những ưu nhược điểm khác nhau khi sử dụng. Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về vật liệu tự thân trong tạo hình dây chằng chéo khớp gối.

3.1. Sử dụng gân cơ bán gân và gân cơ thon (gân chân ngỗng)

Gân cơ bán gân và gân cơ thon được sử dụng rộng rãi để tạo hình mảnh ghép tự thân trong phẫu thuật tái tạo dây chằng chéo khớp gối.

3.1.1 Ưu điểm của loại gân này đó là:

  • Mảnh ghép gân cơ bán gân và gân cơ thon khỏe hơn dây chằng chéo khớp gối và có độ chắc tương đương.
  • Tránh được các nhược điểm của gân bánh chè đó là: Tổn thương tại chỗ lấy gân như đau ở mặt trước khớp gối, làm yếu cơ tứ đầu và hạn chế biên độ duỗi gối.

3.1.2 Nhược điểm của loại gân này đó là:

  • So với mảnh ghép gân bánh chè thì mảnh ghép gân cơ bán gân và gân cơ thon sẽ chậm liền hơn. Nguyên nhân là do hai đầu mảnh ghép không có mẩu xương, khiến cho việc liền gân - xương chậm.
  • Tỷ lệ biến chứng rất thấp nhưng vẫn có thể gặp đó là: Tê bì mặt ngoài cẳng chân sau mổ do tổn thương dây thần kinh hiển khi tiến hành lấy gân nối.

Sử dụng gân cơ bán gân và gân cơ thon trong phẫu thuật
Sử dụng gân cơ bán gân và gân cơ thon trong phẫu thuật

3.2. Sử dụng gân bánh chè

Mảnh ghép tự thân lấy từ phần giữa của gân bánh chè của bệnh nhân để tạo hình thay thế cho dây chằng chéo khớp gối đã bị đứt.

3.2.1 Ưu điểm của việc sử dụng gân bánh chè đó là:

  • Mảnh ghép vững chắc và có độ bền cao.
  • Tốc độ liền gân sau phẫu thuật nhanh hơn do hai đầu mảnh ghép có mẩu xương nên sẽ liền theo kiểu liền xương - xương.

3.2.4 Nhược điểm của việc sử dụng gân bánh chè đó là:

  • Sau phẫu thuật bệnh nhân có thể bị đau phía trước khớp gối liên quan đến tổn thương lấy mảnh ghép.
  • Sau mổ hồi phục cơ tứ đầu đùi chậm.
  • Hệ thống duỗi gối bị yếu.
  • Có thể bị đứt gân hoặc vỡ xương bánh chè.
  • Có thể bị viêm gân bánh chè.
  • Bệnh nhân bị co cứng trước gối và hạn chế biên độ duỗi của gối.

Ngoài gân cơ bán gân và gân cơ thon, gân bánh chè thì còn có thể sử dụng một số gân tự thân khác để tái tạo dây chằng chéo khớp gối đó là:

  • Gân cơ tứ đầu đùi
  • Gân mác dài
  • Dải chậu chày...

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe