Các triệu chứng cảnh báo thị lực bất thường

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ mắt - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng

Thị lực có thể gặp rất nhiều vấn đề khác nhau, ở các mức độ khác nhau. Hãy cùng tìm hiểu các triệu chứng cảnh báo những vấn đề bất thường hay gặp của thị lực qua bài viết dưới đây.

1. Thị lực bất thường là gì?

Đôi mắt của con người là cơ quan có cấu tạo rất tinh vi, phức tạp, đảm trách một trong những chức năng quan trọng nhất là nhìn. Thị lực bình thường giúp con người có thể nhận thức rõ môi trường xung quanh, định hướng cho con người thực hiện các hoạt động một cách chuẩn xác nhất.

Tuy nhiên thị lực có thể trở nên bất thường do nhiều vấn đề khác nhau, bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Tật khúc xạ là tình trạng thường gặp nhất, phổ biến nhất, bên cạnh đó còn do các nguyên nhân bệnh lý như: Bệnh lý của kết - giác mạc , đục thủy tinh thể, glôcôm, bệnh lý màng bồ đào ...

2. Triệu chứng của các vấn đề bất thường thị lực thường gặp

2.1 Cận thị

Cận thị là một tật khúc xạ rất phổ biến, nhất là ở lứa tuổi học đường, với biểu hiện là nhìn không rõ các vật ở khoảng cách nhất định (vật càng xa thì nhìn càng không rõ). Tuy nhiên khả năng nhìn các vật ở gần không bị ảnh hưởng, thậm chí một số trường hợp lại có khả năng nhìn gần rất tốt.

2.2 Viễn thị

Viễn thị cũng là một tật khúc xạ, tuy nhiên, trái ngược với cận thị, người bị viễn thị không thể nhìn rõ các vật ở gần, còn các vật ở xa vẫn nhìn thấy bình thường.


Biểu hiện của viễn thị thường khó nhìn vật ở xa
Biểu hiện của viễn thị thường khó nhìn vật ở xa

2.3 Loạn thị

Loạn thị cũng thuộc nhóm tật khúc xạ, người bị loạn thị có thể nhìn mờ hoặc nhìn đôi ở bất kỳ khoảng cách nào. Loạn thị có thể đi kèm với cận thị hoặc viễn thị.

2.4 Bong võng mạc

Triệu chứng điển hình cảnh báo hiện tượng bong võng mạc là đột nhiên thấy ánh sáng lóe lên, và thường đi kèm với các mảng đen cản trở tầm nhìn. Tình huống này hoàn toàn không đau, thường người mắc ban đầu sẽ thấy thị trường của mình như bị một tấm màn đen che lấp đi một phần. Hãy lấy tay che lần lượt từng bên mắt để so sánh thị trường và thị lực giữa hai bên.

2.5 Mù màu

Mù màu là tình trạng mắt không thể nhận diện được một số màu nhất định . Bản thân người bị mù màu có thể không nhận ra bản thân mắc tình trạng như vậy cho tới khi đi khám bác sĩ. Mù màu là do di truyền và ảnh hưởng chủ yếu tới nam giới.


Người mắc bệnh mù màu thường khó phân biệt được màu sắc
Người mắc bệnh mù màu thường khó phân biệt được màu sắc

2.6 Quáng gà

Quáng gà là tình trạng thường gặp ở một số người, khi họ khó có thể nhìn rõ mọi vật vào buổi chiều tối hoặc trong điều kiện ánh sáng yếu.

2.7 Đục thủy tinh thể

Đục thủy tinh thể là một tình trạng tiến triển từ từ, tốc độ chậm, nên những triệu chứng đầu tiên thường khó nhận ra, thông thường lần phát hiện đầu tiên là khi đi khám mắt định kỳ. Các triệu chứng của đục thủy tinh thể bao gồm:

  • Thị lực giảm, nhìn mờ, và tình trạng trở nên tệ hơn trong tình huống ánh sáng mạnh.
  • Khả năng nhìn kém đi vào buổi tối, hoặc đặc biệt là khi lái xe. Khó quan sát các đối tượng chuyển động, các chi tiết hoặc các vật thể (đặc biệt là các biển báo hiệu).
  • Mất khả năng nhìn hoặc bị lóa rất khó chịu khi gặp các đèn bật sáng tự động hoặc ánh sáng mặt trời mạnh.
  • Cần ánh sáng mạnh hơn mới có thể đọc rõ chữ.
  • Màu sắc nhìn bị tối đi hoặc bị ám vàng.
  • Nhìn đôi hoặc nhìn ba nhưng tình trạng chỉ xuất hiện ở một bên mắt.
  • Đồng tử bình thường có màu đen, nhưng dần dần chuyển sang màu trắng đục hoặc mờ đục (đối với những trường hợp đã tiến triển).
  • Viêm đau, cảm thấy căng trong mắt (đối với trường hợp tiến triển rất nặng).

2.8 Mắt lác

Hai mắt của người bình thường phối hợp vận động với nhau để tạo hiệu quả quan sát tối đa. Tuy nhiên ở người mắt lác không có sự phối hợp này, hoặc phối hợp kém hiệu quả. Tình trạng có thể xảy ra ở một mắt, hoặc cả hai bên mắt.

Mắt lác có thể quan sát thấy ngay khi còn nhỏ, với các biểu hiện ở trẻ như dụi mắt thường xuyên (một mắt hoặc hai mắt), liếc mắt, nghiêng đầu, hoặc nhắm một bên mắt,... (là những hành động mà trẻ thực hiện nhằm có thể quan sát mục tiêu tốt hơn).

2.9 Glôcôm


Glôcôm thường gây nên áp lực trong mắt thường gây tổn hại thần kinh thị giác
Glôcôm thường gây nên áp lực trong mắt thường gây tổn hại thần kinh thị giác

Glôcôm có nhiều dạng khác nhau, và các triệu chứng xuất hiện sẽ tùy thuộc vào dạng mắc phải:

  • Glôcôm góc mở mạn tính: Thường dạng glaucoma này không biểu hiện triệu chứng cho đến khi đã có những tổn thương mắt nghiêm trọng.
  • Glôcôm cấp tính: Khởi phát đột ngột với các triệu chứng mắt đau căng tức dữ dội, đau đầu, thị lực giảm đột ngột, nhìn mờ, nhìn thấy vầng sáng xung quanh các đồ vật phát sáng (như bóng đèn), mắt đỏ, buồn nôn và nôn. Glôcôm cấp tính là một cấp cứu nhãn khoa.
  • Glôcôm thứ phát: Glôcôm xuất hiện sau vết thương, chấn thương mắt, viêm nhiễm, sử dụng thuốc điều trị, đục thủy tinh thể hoặc đái tháo đường. Các triệu chứng sẽ tùy thuộc nguyên nhân gây glaucoma mà biểu hiện ra ngoài.
  • Glôcôm bẩm sinh: Glôcôm bẩm sinh ảnh hưởng tới trẻ nhỏ, và người lớn có thể quan sát thấy các dấu hiệu ở trẻ như mắt ướt, mắt mờ, nhạy cảm bất thường với ánh sáng, giác mạc giãn rộng. Glaucoma bẩm sinh có thể xuất hiện ở một hoặc cả hai mắt.

2.10 Thoái hóa điểm vàng

Thoái hóa điểm vàng là một bệnh lý thường gặp khi mắt bị lão hóa, với các triệu chứng:

  • Thị lực giảm từ từ, nhìn mờ, không rõ, đặc biệt là khi đọc chữ. Các đường thẳng khi nhìn thường lại thấy biến dạng.
  • Dần dần mất thị lực trung tâm, không đau.
  • Thấy các khoảng trống ở giữa trường nhìn.

Thoái hóa điểm vàng là một bệnh lý thường gặp khi mắt bị lão hóa
Thoái hóa điểm vàng là một bệnh lý thường gặp khi mắt bị lão hóa

3. Khi nào cần sự trợ giúp y tế?

Bất kỳ khi nào xuất hiện các dấu hiệu, triệu chứng bất thường về mắt hoặc thị lực, hãy đi thăm khám bác sĩ chuyên khoa càng sớm càng tốt để nhanh chóng xác định nguyên nhân và có can thiệp điều trị kịp thời, tránh những hậu quả có thể xảy ra đối với khả năng nhìn.

Hãy đi cấp cứu ngay lập tức nếu:

  • Khi có đau nhức mắt kèm theo đau đầu, buồn nôn, nôn, mắt nhìn mờ (nghĩ tới bệnh glocom-thiên đầu thống)
  • Đột ngột thấy mắt không nhìn thấy (Khi đó nghĩ đến bệnh tắc động mạch trung tâm võng mạc –cần cấp cứu trong 1-2 giờ đầu )
  • Vừa bị chấn thương, vết thương ở mắt.
  • Các trường hợp khác nếu có thể hãy đến Bác sỹ chuyên khoa mắt khám – tư vấn điều trị càng sớm càng tốt

Xem thêm: Hướng dẫn chẩn đoán glocom

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết tham khảo nguồn: webmd.com

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe