Các thuốc trị lở loét cho người tiểu đường

Thuốc trị lở loét cho người tiểu đường trước tiên là các loại thuốc kháng sinh phổ sinh để điều trị nhiễm khuẩn và ngăn ngừa nguy cơ nhiễm trùng huyết. Bên cạnh đó, khi bị lở loét, bác sĩ có thể chỉ định các loại thuốc cho người tiểu đường để tăng cường đề kháng, cải thiện lưu lượng máu.

1. Người tiểu đường bị lở loét do đâu?

Lở loét là một trong những biến chứng nghiêm trọng thường gặp ở người bệnh tiểu đường. Các vết lở loét thường xuất hiện ở chân với đặc điểm như mắt cá chân hoặc bàn chân sưng lên, màu da và nhiệt độ ở chân thay đổi, tiết dịch có mùi hôi rất khó chịu, những vết loét hình tròn có các mô màu đen bao quanh, sưng đỏ xung quanh vết loét, có các vết chai sần hoặc nứt ở gót hoặc lòng bàn chân.

Lở loét ở chân khiến người bệnh tiểu đường cảm thấy đau đớn và thậm chí không thể di chuyển được. Biến chứng nghiêm trọng này nếu không được điều trị, chăm sóc và phòng ngừa có thể dẫn đến cắt bỏ chi. Các nguyên nhân gây lở loét ở người tiểu đường được biết đến là:

  • Mạch máu bị tổn thương: Nồng độ đường trong máu cao làm xơ cứng các mạch máu, lòng mạch máu bị hẹp làm suy giảm lưu lượng máu gây lở loét và khiến vết thương lâu lành.
  • Thần kinh ngoại biên bị tổn thương: Không chỉ làm xơ cứng mạch máu, tiểu đường còn làm tổn thương thần kinh ngoại biên và gây rối loạn cảm giác. Khi các vết loét xuất hiện ở chân, người bệnh chỉ cảm thấy nóng rát, tê đau rồi mất cảm giác.
  • Suy giảm miễn dịch, nhiễm trùng: Hệ miễn dịch ở người tiểu đường kém hơn so với người bình thường, do đó, chỉ cần một vết thương ở chân cũng có thể bị nhiễm trùng, bội nhiễm và lở loét.

Ngoài các nguyên nhân chính nêu trên, các yếu tố làm tăng nguy cơ lở loét ở người tiểu đường còn có: không vệ sinh chân sạch sẽ, mang giày bẩn, hút thuốc lá và nghiện rượu bia, bị béo phì, mắc bệnh tim mạch, cắt tỉa móng chân, bị biến chứng ở mắt hoặc cơ thể suy giảm miễn dịch, ...

2. Các thuốc trị lở loét cho người tiểu đường

Người bị bệnh tiểu đường khi thấy có vết loét ở chân cần đến cơ sở y tế ngay để được điều trị kịp thời, tránh lở loét nghiêm trọng gây biến chứng nguy hiểm. Tùy vào mức độ lở loét, bác sĩ sẽ chỉ định biện pháp điều trị phù hợp, thường là kết hợp dùng thuốc và chăm sóc vết loét.

Thuốc trị lở loét cho người tiểu đường trước tiên là thuốc kháng sinh phổ rộng và được chỉ định tùy vào mức độ vết loét nhiễm khuẩn. Trường hợp nhiễm khuẩn nhẹ, người bệnh có thể dùng các loại thuốc kháng sinh đường uống có tác dụng đối với tụ cầu khuẩn và liên cầu khuẩn như Cephalexin hoặc Dicloxacillin, Amoxicillin, Clindamycin.

Trường hợp vết loét nặng và chảy mủ, bác sĩ có thể chỉ định các loại thuốc kháng sinh đường uống có tác dụng đối với tụ cầu vàng như Clindamycin, Linezolid, Cephalexin, Dicloxacillin, Trimethoprim-Sulfamethoxazole hoặc Doxycycline.

Trường hợp nhiễm khuẩn từ trung bình đến nặng, thuốc trị lở loét cho người tiểu đường lúc này sẽ là kháng sinh đường tiêm để điều trị vết loét sâu, đồng thời phòng ngừa nguy cơ nhiễm trùng huyết như Ampicillin, Piperacillin, Imipenem, Meropenem, Ertapenem. Nếu người bệnh có nguy nhiễm khuẩn kháng MRSA thì dùng Vancomycin, Linezolid, Daptomycin.

Bên cạnh kháng sinh, bác sĩ sẽ chỉ định các loại thuốc khác để tăng cường khả năng miễn dịch và sức đề kháng của người bệnh, thuốc ngăn ngừa thiếu máu, chống đông máu hay tăng cường tưới máu, các loại thuốc bổ sung vitamin và đạm.

3. Chăm sóc vết loét ở người tiểu đường

Vết loét ở người tiểu đường nếu nặng và nhiễm trùng có thể cần điều trị bằng ngoại khoa với các thủ thuật loại bỏ mô, thậm chí là phẫu thuật cắt bỏ chi. Vì vậy, để tránh gặp biến chứng nguy hiểm, ngay khi có dấu hiệu lở loét, người bệnh cần điều trị và chăm sóc để vết loét nhanh lành, đồng thời không để chúng lan sang những mô khác.

Các bước chăm sóc vết lở loét ở người tiểu đường như sau:

  • Bước 1 - Vệ sinh vết loét: Dùng nước muối sinh lý để rửa sạch chỗ bị loét, có thể dùng dụng cụ đã được khử trùng để lấy những dị vật đọng trong ổ loét.
  • Bước 2 - Sát trùng vết loét: Dùng các loại thuốc sát trùng dạng dung dịch hoặc mỡ để bôi lên vết loét. Lưu ý, không được dùng dung dịch oxy già để sát trùng vì có tính kháng khuẩn cao, có thể làm tổn thương chỗ bị loét.
  • Bước 3: Băng vết lở loét: Sử dụng miếng gạc sạch và mềm để băng chỗ loét lại, băng kỹ để vết loét không tiếp xúc với môi trường bên ngoài. Thực hiện động tác băng nhẹ nhàng để không làm tổn thương chỗ loét. Nếu vết loét chảy dịch và làm ướt miếng gạc thì nên thay gạc với các bước như trên, chú ý thay băng khoảng 2 lần/ngày để vết loét không bị nhiễm trùng và nhanh lành.

4. Phòng ngừa lở loét ở người tiểu đường

Để tránh bị lở loét ở người tiểu đường, tốt nhất nên phòng ngừa ngay khi phát hiện bệnh bằng các biện pháp sau:

  • Kiểm soát đường huyết để vừa điều trị bệnh vừa phòng ngừa biến chứng. Mục tiêu đường huyết cần đạt được là HbA1c phải thấp hơn 7mmol/l, cụ thể chỉ số đường huyết khi đói nên nằm trong khoảng 4,4 - 7,2 mmol/l và sau ăn là dưới 10mmol/l.
  • Thường xuyên tự kiểm tra chân, nhất là lòng bàn chân và giữa các ngón. Nếu thấy sưng đỏ, nứt hoặc phồng rộp lên, hãy đến cơ sở y tế để được kiểm tra ngay lập tức.
  • Tránh đi giày quá chật khi ra ngoài, thường xuyên mang dép ở nhà và không để chân trần để tránh đạp phải vật nhọn gây vết thương hở, tạo điều kiện để lở loét nhiễm trùng.
  • Giữ sạch tay chân bằng cách rửa sạch với xà phòng, sau đó lau khô bằng khăn mềm và sạch để ngăn ngừa nhiễm trùng. Để tránh bị nứt nẻ do da khô dẫn đến lở loét, có thể dùng kem dưỡng ẩm nhưng chỉ nên bôi nhẹ nhàng và không được để kem đọng lại trên da, nhất là các kẽ ngón tay chân.
  • Để tránh cản trở lưu lượng máu ở chân, nên tránh mặc quần quá chặt hoặc bó sát đùi. Cũng cần lưu ý không được đi giày dép xỏ ngón tạo ma sát giữa các ngón chân.
  • Cần cẩn thận khi cắt tỉa móng chân để móng không bị mọc ngược hay móng nhọn làm trầy xước trên da và tạo vết thương hở cho vi khuẩn xâm nhập gây nhiễm trùng.

Các thuốc trị lở loét cho người tiểu đường gồm có thuốc kháng sinh phổ rộng, thuốc tăng cường miễn dịch, thuốc ngăn ngừa thiếu máu, chống đông máu, các vitamin và đạm để giúp vết loét mau lành và không nhiễm trùng sâu. Trước khi dùng thuốc người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên môn để quá trình sử dụng có được hiệu quả tốt nhất.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe