Biscolax Suppository được biết đến như một loại thuốc điều trị táo bón có tác dụng nhanh chóng. Viên thuốc thường được đặt vào trực tràng để điều trị táo bón hoặc làm sạch ruột trước khi chuyển dạ.
1. Biscolax Suppository là thuốc gì?
Biscolax Suppository là một loại thuốc nhuận tràng kích thích hoạt động bằng cách tăng lượng chất lỏng hoặc muối ở trong ruột. Hiệu ứng này thúc đẩy đi ngoài trong vòng 15 đến 60 phút.
Táo bón được điều trị tốt nhất bằng cách uống nhiều nước, ăn thực phẩm giàu chất xơ và thường xuyên tập thể dục. Thuốc này không được khuyến khích sử dụng cho trẻ em dưới 6 tuổi trừ khi có chỉ định của bác sĩ. Theo đó, bạn hãy thử các thuốc nhuận tràng dạng nhẹ hơn trước khi chính thức dùng thuốc này.
2. Cách sử dụng thuốc Biscolax Suppository
Thuốc Biscolax Suppository là sản phẩm viên nhét hậu môn chỉ dùng cho trực tràng. Trước khi sử dụng, bạn hãy đọc và làm theo hướng dẫn trên bao bì sản phẩm hoặc theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Theo đó, nếu viên thuốc quá mềm không thể nhét vào, hãy đặt trong tủ lạnh khoảng 20-30 phút hoặc dội nước lạnh lên trên trước lớp bọc giấy bạc. Trong trường hợp, viên thuốc quá cứng thì có thể làm ẩm bằng nước ấm.
Hướng dẫn đặt thuốc Biscolax Suppository như sau:
- Nên rửa tay trước và sau khi đặt thuốc.
- Bỏ lớp giấy bọc bên ngoài.
- Nằm nghiêng bên trái, đầu gối phải hơi cong.
- Nhẹ nhàng đưa viên thuốc (đầu nhọn hướng phía trước) vào hậu môn, lên phía trực tràng.
- Sau khi đặt, giữ nguyên tư thế trong 15-20 phút (nếu có thể) cho đến khi cảm thấy nhu cầu đi ngoài rõ rệt.
Nếu dùng thuốc Biscolax Suppository quá thường xuyên, có thể ảnh hưởng đến chức năng bình thường của ruột và khó đi ngoài nếu không dùng thuốc (nguy cơ lệ thuộc thuốc). Nếu bạn nhận thấy các dấu hiệu của việc dùng thuốc quá mức như tiêu chảy, giảm cân, suy nhược cơ thể thì nên tạm ngưng và liên hệ với bác sĩ ngay lập tức.
Ngược lại, nếu vẫn không đi ngoài sau khi đặt thuốc hoặc nếu bạn nghi ngờ mình gặp vấn đề y tế nào nghiêm trọng, cũng hãy thông báo cho bác sĩ để được điều chỉnh hoặc kê đơn thuốc phù hợp.
XEM THÊM: Hậu quả khi lạm dụng thuốc xổ ở bệnh nhân táo bón
3. Tác dụng phụ của thuốc Biscolax Suppository
Một số tác dụng phụ của thuốc Biscolax Suppository có thể gặp là:
- Kích ứng, nóng rát trực tràng.
- Ngứa trực tràng.
- Khó chịu nhẹ ở bụng.
- Chuột rút.
- Buồn nôn.
Hãy cho bác sĩ biết ngay lập tức nếu thấy có những phản ứng phụ nghiêm trọng như:
- Chảy máu.
- Phồng rộp trực tràng.
- Tiêu chảy dai dẳng.
Tiêu chảy kéo dài có thể khiến cơ thể bị mất nước nghiêm trọng. Hãy liên hệ với bác sĩ nếu bạn nhận thấy bất kỳ triệu chứng mất nước nào như giảm đi tiểu bất thường, khô miệng, tăng cảm giác khát, khó chảy nước mắt, chóng mặt, choáng váng hoặc da nhợt nhạt, nhăn nheo.
Phản ứng dị ứng nghiêm trọng như: Phát ban, ngứa, sưng (đặc biệt ở mặt, lưỡi, cổ họng), chóng mặt nghiêm trọng, khó thở,... Tuy nhiên, đây đều là những tác dụng phụ rất hiếm gặp.
XEM THÊM: 20 loại thuốc nhuận tràng tự nhiên giúp bạn duy trì trạng thái thường xuyên
4. Biện pháp phòng ngừa tác dụng phụ của thuốc Biscolax Suppository
Để phòng ngừa tác dụng phụ của thuốc Biscolax Suppository, người bệnh cần lưu ý:
- Trước khi dùng thuốc Biscolax Suppository, người bệnh hãy báo cho bác sĩ nếu bị dị ứng với thuốc hoặc có bất kỳ tình trạng dị ứng nào khác;
- Không nên dùng thuốc Biscolax Suppository nếu bạn bị tắc nghẽn đường ruột.
- Trước khi sử dụng thuốc, người bệnh cần tham khảo ý kiến bác sĩ nếu bị các vấn đề về ruột khác như: Viêm loét đại tràng, bệnh trĩ, chảy máu trực tràng, các triệu chứng dạ dày hoặc đau bụng (ví dụ: đau, chuột rút, buồn nôn và nôn dai dẳng).
- Tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi đặt thuốc này nếu thói quen đi ngoài của bạn thay đổi đột ngột hơn 2 tuần, hoặc nếu bạn cần dùng thuốc nhuận tràng trong hơn 1 tuần. Đây có thể là các dấu hiệu của một vấn đề y tế nghiêm trọng nào đó.
- Trước khi đặt thuốc, hãy nói với bác sĩ về tất cả các thuốc theo đơn và không theo đơn mà bạn đang dùng, đặc biệt là: Các thuốc nhuận tràng khác (bao gồm chất làm mềm phân, dầu thầu dầu, chất bôi trơn như dầu khoáng).
- Thuốc này có thể được dùng trong quá trình chuyển dạ, sinh nở để làm sạch ruột trước giai đoạn tiếp theo của chuyển dạ (giai đoạn rặn đẻ). Vào những thời điểm khác của thai kỳ, chỉ nên đặt thuốc khi thật sự cần thiết.
Thực tế, hiện vẫn chưa rõ thuốc Biscolax Suppository có đi vào sữa mẹ hay không. Do đóm hãy tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng thuốc nếu bạn đang cho con bú.
XEM THÊM: Nguy cơ khi sử dụng quá liều thuốc nhuận tràng
5. Xử trí khi quá liều và cách bảo quản thuốc Biscolax Suppository
Thuốc Biscolax Suppository có thể gây hại nếu nuốt phải. Nếu vô tình sử dụng quá liều và có các triệu chứng nghiêm trọng như bất tỉnh hoặc khó thở, hãy gọi cấp cứu ngay. Bên cạnh đó, thuốc nhuận tràng chỉ nên dùng khi thật sự cần để điều trị chứng táo bón. Sử dụng liều cao hoặc dùng thường xuyên có thể dẫn đến táo bón liên tục hoặc chứng phụ thuộc vào thuốc nhuận tràng.
Mỗi nhãn hiệu khác nhau của các thuốc này có nhu cầu lưu trữ khác nhau. Vì thế, hãy kiểm tra gói sản phẩm để biết hướng dẫn về cách bảo quản thuốc. Để tất cả các loại thuốc tránh độ ẩm, ánh sáng và xa tầm tay trẻ em và vật nuôi. Vứt bỏ sản phẩm đúng cách khi hết hạn hoặc khi không cần dùng đến.
Người bệnh cần dùng thuốc Biscolax Suppository đúng theo chỉ định của bác sĩ để điều trị chứng táo bón hiệu quả... Khi có các biểu hiện bất thường nghi là tác dụng phụ của thuốc, bệnh nhân cần báo ngay cho bác sĩ để được xử trí kịp thời. Ngoài ra, việc thay đổi lối sống có thể ngăn ngừa hoặc giảm tình trạng táo bón như: Tập thể dục, uống đủ nước và bổ sung thực phẩm giàu chất xơ như trái cây, rau củ quả tươi.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: webmd.com