HBA1C (Huyết sắc tố Glycated) là 1 chỉ số quan trọng trong việc kiểm soát đường huyết ở bệnh đái tháo đường. Dựa vào đó, bác sĩ sẽ đưa ra các quyết định chẩn đoán và điều trị hợp lý. Sử dụng thuốc điều trị giảm HBA1C sẽ giúp kiểm soát tốt đường huyết cho bệnh nhân.
1. Chỉ số HBA1c là gì?
Đái tháo đường là căn bệnh rất phổ biến trên toàn thế giới, gây ra nhiều biến chứng có thể dẫn đến tử vong. Sự phát triển của các biến chứng mạch máu mãn tính của bệnh tiểu đường như võng mạc, bệnh thận và bệnh tim mạch có liên quan mật thiết đến mức độ kiểm soát đường huyết mà cá nhân mắc bệnh tiểu đường đạt được. Do đó, điều cần thiết là phải điều trị giảm HBA1c ở bệnh nhân tiểu đường, từ đó mới có thể được sử dụng để hướng dẫn điều trị và dự đoán khả năng biến chứng.
HbA1c là tên viết tắt của glycosylated hemoglobin. Hemoglobin (Hb) là một tetramer – thành phần cấu tạo nên hồng cầu, được hình thành từ 2 chuỗi alpha và hai chuỗi beta globin. Khi tiếp xúc với lượng đường trong máu cao, huyết sắc tố sẽ bị glycated không có enzym ở các vị trí khác nhau trong phân tử gắn vào. HbA1c được hình thành khi glucose được thêm vào gốc valin ở đầu N của chuỗi beta của Hb. Nồng độ HbA1c trong máu phản ánh nồng độ glucose mà hồng cầu đã tiếp xúc trong suốt vòng đời của nó (khoảng 117 ngày ở nam và 106 ngày ở nữ). Có thể hiểu nôm na, HbA1c là phần trăm số hồng cầu liên kết với glucose trong máu và nó không thay đổi kể cả khi đường huyết tăng cao sau khi ăn hoặc đường huyết giảm khi đói.
Công dụng chính của HbA1c là theo dõi bệnh nhân tiểu đường.
- Người bệnh tiểu đường tuýp 2 được coi là kiểm soát tốt đường huyết khi HbA1c dưới 7% và đường huyết dưới 7 mmol/l.
- Ngưỡng chỉ số HbA1c trong điều trị tiểu đường tuýp 2 phụ thuộc vào từng cá thể, phải xem là bệnh nhân đó còn trẻ không, kỳ vọng sống còn dài hay không hay bệnh nhân đó đã già rồi, đã mắc nhiều bệnh lý khác và kỳ vọng sống còn ngắn.
- Với những bệnh nhân đái tháo đường từ 75 – 80 tuổi đã mắc thêm các bệnh khác như tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu hoặc đã có tai biến, bệnh tim thì đường huyết có thể ở ngưỡng 8 mmol/l, HbA1c ở mức 7.5 – 8 mmol/l.
- Với những người từ 40 – 45 tuổi được chẩn đoán mắc tiểu đường tuýp 2, kỳ vọng sống còn dài, người ta vẫn đang là lao động chính trong gia đình, tham gia nhiều hoạt động xã hội, thì kiểm soát đường huyết ở mức khắt khe hơn – HbA1c dưới 6.5% và đường huyết dưới 6.5 mmol/l.
Hiệu quả của thuốc điều trị bệnh tiểu đường cũng được đánh giá dựa trên khả năng hạ HbA1c của chúng. Hiện nay, với những bệnh nhân bị tiểu đường bác sĩ thường sử dụng HbA1c làm cơ sở cho các quyết định điều trị quan trọng hay như một công cụ để chẩn đoán bệnh tiểu đường.
Tuy nhiên, có một số tình huống mà mức HbA1c có thể không phản ánh trung thực việc kiểm soát đường huyết ở một bệnh nhân nhất định. Và theo báo cáo đó là do việc bệnh nhân sử dụng một số loại thuốc không trị tiểu đường cùng lúc, có thể ảnh hưởng đến mức HbA1c theo những cách khác nhau.
2. Thuốc gây giảm HbA1c ở bệnh nhân tiểu đường
Về mặt lý thuyết, các loại thuốc sử dụng có thể can thiệp vào mức HbA1c theo nhiều cách. Tuy nhiên, chỉ có một vài trường hợp về sự thay đổi HbA1c do thuốc gây ra thực sự đã được báo cáo bao gồm.
2.1. Thuốc gây tan máu
Bất kỳ loại thuốc nào gây tán huyết đều có khả năng làm giảm HbA1c bằng cách giảm tuổi thọ của hồng cầu, do đó làm tăng tỷ lệ các tế bào trẻ hơn trong máu. Điển hình như: Dapsone, ribavirin và thuốc kháng vi-rút đã được báo cáo là làm giảm HbA1c theo cách này.
- Vào năm 2002, có một báo cáo từ Pháp và Mỹ liên quan đến việc giảm HbA1c do Dapsone. Các bệnh nhân trong nghiên cứu đã được sử dụng Dapsone để điều trị bệnh viêm đa sụn và bệnh hoại tử lipoidica do đái tháo đường, và việc giảm liều Dapsone dẫn đến việc nồng độ HbA1c trở lại phạm vi thích hợp trong trường hợp thứ hai. Không có bằng chứng về tan máu đáng kể trong cả hai trường hợp, mặc dù không thể loại trừ tan máu cận lâm sàng.
- Dapsone cũng có thể thúc đẩy quá trình oxy hóa hemoglobin thành methemoglobin, điều này có thể cản trở xét nghiệm HPLC được sử dụng để đo HbA1c. Dapsone cũng được cho là làm giảm tỷ lệ sống sót của hồng cầu không phụ thuộc vào tác dụng tán huyết của nó.
Các tác nhân khác đã được báo cáo làm giảm nồng độ HbA1c thông qua tán huyết bao gồm ribavirin, thuốc kháng vi-rút và sulfonamid.
2.2. Các chất can thiệp vào quá trình glycation
Liều cao các chất chống oxy hóa như Vitamin C và E đã được báo cáo là làm giảm HbA1c bằng cách giảm tốc độ glycation của huyết sắc tố, tuy nhiên sử dụng với liều dược lý là không chắc chắn.
Camargo và cộng sự trong một nghiên cứu năm 2006 tại Hoa Kỳ không tìm thấy bất kỳ tác động nào đối với HbA1c khi liều dược lý của vitamin C hoặc E được dùng cho bệnh nhân tiểu đường trong 4 tháng.
Việc sử dụng aspirin liên tục đã được báo cáo là làm giảm giả chỉ số HbA1c theo cơ chế tương tự.
2.3. Các chất làm thay đổi sinh hồng cầu
Bệnh nhân thiếu máu do thiếu sắt và vitamin B12 có nồng độ HbA1c cao. Điều này có thể được đảo ngược với việc bổ sung liều cao Vitamin B12.
Trong một số trường hợp, sử dụng sắt và vitamin B12 có thể dẫn đến HbA1c giảm giảm do lượng hồng cầu non trong tuần hoàn chiếm ưu thế.
Bệnh nhân được điều trị bằng erythropoietin cũng có tác dụng tương tự.
2.4. Các chất làm biến đổi huyết sắc tố
Hydroxyurea là một chất chống chuyển hóa được sử dụng để điều trị rối loạn tăng sinh tủy và bệnh hồng cầu hình liềm. Thuốc thúc đẩy sự thay đổi mô hình huyết sắc tố từ HbA sang HbF, đồng thời làm giảm rõ rệt nồng độ HbA1c.
2.5. Các chất can thiệp vào xét nghiệm HbA1c
Việc sử dụng aspirin với liều lượng lớn trong thời gian dài có thể dẫn đến acetyl hóa huyết sắc tố, dẫn đến nồng độ HbA1c tăng giả do can thiệp vào một số xét nghiệm được sử dụng.
Một nghiên cứu của Camargo và cộng sự năm 2006 đã báo cáo mức tăng 0,17% HbA1c của 28 đối tượng không mắc bệnh tiểu đường sử dụng 200 mg aspirin mỗi ngày trong 4 tháng. Tuy nhiên, một nghiên cứu tiếp theo của cùng tác giả đã không chỉ ra bất kỳ sự can thiệp nào của aspirin đối với HbA1c. Trong thực hành lâm sàng, tác dụng của aspirin đối với HbA1c có thể chỉ đáng kể khi dùng liều cao trong thời gian dài.
HbA1c hiện được chấp nhận rộng rãi như một chỉ số kiểm soát đường huyết lâu dài và các quyết định điều trị chính được thực hiện dựa trên chỉ số này. Ngày càng có nhiều người quan tâm đến việc sử dụng HbA1c để chẩn đoán bệnh tiểu đường.
Có một số loại thuốc được sử dụng khá phổ biến, có thể gây ra mức HbA1c cao hoặc thấp không phù hợp với mức độ đường huyết. Điều quan trọng là các bác sĩ lâm sàng phải nhận thức được những tương tác này, khai thác kỹ tiền sử, các loại thuốc bệnh nhân đang sử dụng và thận trọng trong việc diễn giải mức HbA1c của những bệnh nhân như vậy, để có thể tránh được những sai sót nghiêm trọng có thể xảy ra.