Viêm mũi xoang xuất tiết là một bệnh lý không mấy nguy hiểm nhưng lại gây ra biến chứng ảnh hưởng tới sức khoẻ của người bệnh như viêm họng, ho kéo dài, giảm thị lực, viêm thanh khí phế quản,... Do vậy, thuốc chống xuất tiết mũi sẽ có tác dụng làm giảm triệu chứng trong giai đoạn xuất tiết. Vậy các thuốc chống xuất tiết mũi là những thuốc nào?
1. Viêm mũi họng xuất tiết là gì?
Viêm mũi họng xuất tiết là tình trạng mũi có dịch nhầy đặc chảy từ trong khoang mũi và họng. Chúng có thể là một triệu chứng bình thường khi niêm mạc mũi bị viêm. Tuy nhiên, nếu dịch xuất tiết quá nhiều có thể gây ra biến chứng ảnh hưởng tới sức khoẻ của người bệnh như viêm họng, giảm thị lực, ho kéo dài, viêm thanh khí phế quản,... Do vậy, việc điều trị viêm mũi họng xuất tiết được thực hiện càng sớm càng tốt nhằm ngăn ngừa viêm nhiễm lan rộng.
2. Các thuốc chống xuất tiết mũi
2.1 Nhóm thuốc kiểm soát khả năng xuất tiết mũi họng
Thuốc giảm xuất tiết mũi có tác dụng kiểm soát lượng dịch tiết tại khoang mũi thường là nhóm thuốc kháng histamin H1. Cơ chế hoạt động của thuốc là ức chế sự hình thành và phát triển của histamin, từ đó làm giảm chứng dị ứng xảy ra. Một số loại thuốc kháng histamin H1 thường được chỉ định trong điều trị viêm mũi họng xuất tiết bao gồm: cetirizine, cyclizine, hydroxyzine, chlorpheniramine, cyclopentadiene, loratadine,...
2.2 Nhóm thuốc chống viêm mũi họng cấp xuất tiết
Đối với nhóm thuốc chống xuất tiết này chủ yếu là những loại thuốc có chứa corticoid theo dạng xịt. Khi sử dụng thuốc sẽ có tác dụng làm dịu niêm mạc xoang mũi, giảm sưng viêm và ức chế sự phát triển của vi khuẩn hay những tác nhân gây hại khác. Đối với nhóm thuốc điều trị viêm mũi họng xuất tiết trên, khi sử dụng cần lưu ý không dùng quá 7 ngày. Bởi vì nếu sử dụng quá liều có thể dẫn tới những biến chứng nguy hiểm nên cần hết sức thận trọng.
2.3 Nhóm thuốc se khô bề mặt niêm mạc mũi
Thuốc se khô bề mặt niêm mạc có tác dụng làm thông thoáng mũi, giảm viêm sưng và đồng thời làm khô niêm mạc mũi. Điều này giúp cho vi khuẩn ít có cơ hội tăng sinh gây ra tình trạng kích ứng tại niêm mạc. Nhóm thuốc se khô niêm mạc mũi thường là các argyrol muối bạc, được bảo quản kín trong giấy than nhằm tránh ánh nắng mặt trời.
Thuốc được chỉ định sử dụng trong 10 ngày và tuyệt đối không sử dụng quá liều hay nhiều hơn số ngày điều trị bởi vì có thể gây ảnh hưởng tới sức khoẻ. Trong quá trình sử dụng, người bệnh cần tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ.
Tóm lại, viêm mũi xuất tiết là một tình trạng bệnh không quá nguy hiểm nhưng lại ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe người bệnh. Phương pháp điều trị thường làm giảm tình trạng xuất tiết và một số loại thuốc giảm tiết dịch mũi thường dùng đó là nhóm thuốc histamin, corticoid,... Tuy nhiên, những loại thuốc này nếu không sử dụng đúng cách có thể gây ra một số tác dụng không mong muốn. Vì vậy, trước khi điều trị cần tham khảo ý kiến của bác sĩ để có phác đồ điều trị phù hợp.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.