Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Trịnh Lê Hồng Minh - Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh - Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
Động mạch chủ là động mạch lớn nhất cơ thể có nhiệm vụ dẫn máu được bơm ra từ tim hoặc đưa máy đi ra khỏi tim đến các bộ phận khác. Phình động mạch chủ là tình trạng thường gặp phổ biến là phình động mạch chủ bụng. Tình trạng này cần được chẩn đoán sớm với các biểu hiện lâm sàng thông qua các chẩn đoán thăm dò lâm sàng để kết luận và điều trị kịp thời.
1. Phình động mạch chủ bụng là gì?
Động mạch chủ chạy xuyên qua ngực đi đến bụng được gọi là động mạch chủ bụng. Khi một vùng bị yếu của động mạch chủ bụng giãn nở hoặc phình ra được gọi là phình động mạch chủ bụng. Khi đó, áp lực của máu chảy qua động mạch chủ bụng sẽ khiến phần bị yếu của động mạch chủ phình ra bất thường giống quả bóng. Bên cạnh đó, phình động mạch chủ bụng gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như tắc mạch, nghẽn mạch máu gây đau thậm chí là mất chi.
2. Triệu chứng lâm sàng của phình động mạch chủ bụng
Ở giai đoạn phình mới bắt đầu người bệnh sẽ không có bất cứ triệu chứng nào, tuy nhiên dần dần người bệnh có thể xuất hiện một số biểu hiện sau đây:
- Nhận thấy mạch đập trong bụng, dập gần như nhịp đập của tim
- Xuất hiện cơn đau đột ngột trong vùng bụng, dưới lưng, ngày càng đau nhiều báo hiệu vỡ phình động mạch chủ
- Có dấu hiệu đau nhức, tím tái ở các ngón chân, bàn chân vì các mảnh vỡ từ túi phình gây tắc mạch máu nhỏ tại đây
- Người bệnh có cảm giác mệt lả chóng mặt đau thậm chí là mất ý thức khi túi phình động mạch chủ bị vỡ. Đây là tình huống nguy hiểm cần được cấp cứu và điều trị ngay.
3. Nguyên nhân gây vỡ phình động động mạch chủ bụng
Các chuyên gia, bác sĩ cho biết có nhiều nguyên nhân tác động dẫn đến tình trạng vỡ phình động mạch chủ bụng trong đó không thể không nhắc đến các nguyên nhân điển hình sau:
- Hút thuốc là yếu tố nguy cơ chính của phình động mạch chủ
- Tăng huyết áp, đặc biệt nếu không được điều trị, có thể làm tăng nguy cơ hình thành phình mạch
- Xơ vữa động mạch, xảy ra do cholesterol cao và tăng huyết áp
- Một số bệnh di truyền có thể làm tăng nguy cơ phình động mạch chủ, do sự yếu của các mạch máu gây ra bởi các điều kiện này. Hội chứng Marfan, hội chứng Ehlers-Danlos, viêm động mạch Takayasu, van động mạch chủ bicuspid, hội chứng Loeys-Dietz, phình động mạch chủ ngực gia đình và bệnh thận đa nang
- Chấn thương ở bụng hoặc ngực có thể gây phình động mạch chủ tiến triển hoặc vỡ
- Nam giới trên 60 tuổi là đối tượng có nguy cơ cao nhất mắc phải tình trạng vỡ phình động mạch chủ bụng....
4. Các thăm dò chẩn đoán hình ảnh vỡ phình động mạch chủ bụng
Để chẩn đoán vỡ phình động mạch chủ bụng, bên cạnh các triệu chứng lâm sàng, người bệnh được bác sĩ chỉ định thực hiện các thăm dò chẩn đoán hình ảnh để kết luận chính xác. Trong đó siêu âm là phương pháp đặc biệt nhạy trong chẩn đoán phình động mạch chủ bụng, với ưu điểm an toàn, nhanh chóng trong các trường hợp khẩn cấp, chẩn đoán chính xác. Siêu âm sẽ cung cấp các thông tin về:
- Đường kính thực tế và chiều dài của túi phình
- Đường kính lòng túi phình (khi bơm thuốc cản quang)
- Mối liên quan của túi phình với các động mạch chính xuất phát từ động mạch chủ bụng.
Hiện nay, siêu âm Doppler là phương pháp hữu hiệu được các bác sĩ sử dụng để sàng lọ, chẩn đoán chính xác vỡ phình động mạch chủ bụng. Bằng phương pháp chẩn đoán hình ảnh này, bác sĩ có thể đánh giá tối ưu chiều dài của thương tổn động mạch chủ bung, hay các biến thể giải phẫu, vị trí và mức độ nặng của bệnh lý động mạch tắc nghẽn, phình động mạch tạng hoặc động mạch chậu phối hợp.
Siêu âm chẩn đoán vỡ phình động mạch chủ là phương pháp không sang chấn, chi phí phù hợp với hầu hết đối tượng bệnh nhân và có thể thực hiện nhiều lần mà không gây ảnh hưởng cho người bệnh. Hơn nữa, siêu âm là cách phổ biến được thực hiện nhanh chóng ở hầu hết các cơ sở y tế, góp phần tăng cường tỷ lệ chẩn đoán chính xác tình trạng phình động mạch chủ bụng.
Ngoài siêu âm, vỡ phình động mạch chủ bụng còn có thể áp dụng chụp CT scan, chụp cộng hưởng từ MRI để chẩn đoán. Cụ thể:
- Chụp CT scan có thể phát hiện những thay đổi trong cấu trúc của động mạch chủ và có thể hữu ích trong việc lên kế hoạch phẫu thuật
- Chụp cộng hưởng từ MRI có thể xác định các bất thường về giải phẫu, tùy vào tình trạng phình vỡ động mạch chủ bụng mà bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng MRI hoặc CT scan để chẩn đoán chính xác nhất.
5. Phòng ngừa nguy cơ vỡ phình động mạch chủ bụng
Bên cạnh các yếu tố nguy cơ như tuổi tác, di truyền không thể kiểm soát được, chúng ta nên biết cách hạn chế nguy cơ phình vỡ động mạch chủ bụng bằng cách:
- Không hút thuốc
- Kiểm soát huyết áp
- Kiểm soát mức đường máu, mỡ máu
- Kiểm tra sức khỏe định kỳ, không chủ quan khi sức khỏe có dấu hiệu bất thường
- Điều trị bệnh nền có nguy cơ gây vỡ phình động mạch chủ bụng như tăng huyết áp, mỡ máu cao, bệnh tim mạch...
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là địa chỉ y tế hàng đầu về chẩn đoán và điều trị phình động mạch chủ. Tại đây có đầy đủ trang thiết bị y tế cần thiết để thực hiện các phương pháp điều trị từ đơn giản đến phức tạp như điều trị nội khoa, can thiệp đặt stent-graft, phẫu thuật... Đội ngũ y bác sĩ có chuyên môn cao, đã trải qua đào tạo và được cấp chứng chỉ kỹ thuật, có thể xử lý nhanh và hiệu quả, đặc biệt trong các trường hợp cần cấp cứu khẩn cấp. Do đó, bệnh nhân bị phình động mạch chủ ngực có thể yên tâm với quy trình điều trị chặt chẽ, bài bản và cho hiệu quả tối ưu tại Vinmec.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.