Các tác nhân gây bỏng và phân loại độ bỏng

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Tung Hoành - Bác sĩ Tim mạch Can thiệp - Khoa Hồi sức - Cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.

Bỏng là tai nạn thường gặp trong đời sống sinh hoạt và lao động, có thể gặp cả ở người lớn, trẻ em và có xu hướng ngày càng tăng. Bỏng không những gây ảnh hưởng tổn hại trước mắt tới sức khỏe mà còn để lại những hậu quả lâu dài.

1. Tổng quan về trình trạng bỏng

Bỏng là tổn thương của cơ thể do tác dụng trực tiếp với các nguồn nhiệt, điện, hoá chất và bức xạ. Da là bộ phận cơ thể hay bị bỏng, ngoài ra có thể gặp bỏng đường thở (do hít phải hơi nóng, hoá chất dạng khí...), bỏng đường tiêu hoá (do uống phải dịch nóng hoặc hóa chất), bỏng mắt. Các bộ phận dưới da (gân, cơ, xương, khớp, mạch máu, thần kinh...), các cơ quan trong cơ thể cũng có thể bị bỏng.

Hàng năm ở Hoa kỳ hàng năm có khoảng 1,4-2 triệu người bị bỏng; 70.000- 108.000 bệnh nhân vào điều trị. Tại viện Bỏng Quốc gia Việt nam, hàng năm có 5000-6000 bệnh nhân bỏng vào điều trị.


Hình ảnh bỏng ngực
Hình ảnh bỏng ngực

2. Hoàn cảnh bị bỏng

Tai nạn sinh hoạt chiếm tỷ lệ 60-65% tổng số nạn nhân bỏng với các hoàn cảnh hay gặp: sơ xuất trong nấu bếp gây bỏng do thức ăn nóng hoặc chính những nhiên liệu để nấu thức ăn, do tàng trữ xăng dầu hoặc các vật liệu dễ cháy nổ, các thiết bị điện gia dụng hoặc ở môi trường sinh sống không an toàn. Bỏng còn do nguyên nhân tiêu cực như tự thiêu, đốt nhau, tạt axit để trả thù, bẫy điện ...

Tai nạn lao động chiếm khoảng 5-10% số nạn nhân, hay gặp tai nạn do không tuân thủ các quy trình an toàn, phòng chống cháy nổ trong lò hơi, hầm lò, dây chuyền, xưởng sản xuất, mất an toàn điện...

Tai nạn giao thông ít gặp hơn, chiếm khoảng 2 -5%, hay gặp do bỏng ống xả xe máy, nhựa đường nóng chảy, bỏng điện do cẩu hàng hóa, còn gặp những vụ tai cháy xe ô tô, xe chở khách, cháy hầm tàu thủy...

Tai nạn do các tác nhân không mong muốn khác: thiên tai, cháy rừng, thảm họa, cháy nổ ...


Bạn có thể bị bỏng do ống xả xe máy
Bạn có thể bị bỏng do ống xả xe máy

3. Các tác nhân gây bỏng

Có rất nhiều các tác nhân gây bỏng như do nhiệt, điện, hóa chất và một số tác nhân khác.

3.1. Bỏng do nhiệt

Bỏng do nhiệt chiếm tỉ lệ cao hay gặp bỏng do nhiệt ướt và nhiệt khô:

  • Nhiệt ướt: là nguyên nhân hàng đầu gây bỏng. Nạn nhân bị bỏng do nước sôi, thức ăn nóng sôi như mỡ, cháo, canh, cám lợn, mật, bã rượu, nước đậu phụ, hơi nước nóng sôi..
  • Nhiệt khô: thường gặp trong tai nạn bỏng. Bỏng lửa thường gặp trong các vụ hoả hoạn (như cháy các vật dụng, cháy nhà, cháy rừng), bỏng do tiếp xúc với các vật bị nung nóng như kim loại nóng, bột than, clinker, xỉ nóng...

Trẻ em rất dễ bị bỏng nhiệt do chưa nhận thức được các vật gây nóng
Trẻ em rất dễ bị bỏng nhiệt do chưa nhận thức được các vật gây nóng

3.2. Bỏng do dòng điện (bỏng điện)

Bỏng do dòng điện (bỏng điện) khi có dòng điện truyền qua cơ thể. Căn cứ vào hiệu điện thế có thể phân bỏng điện làm 2 nhóm:

  • Bỏng điện hạ thế (hiệu điện thế dưới 1000 vôn): bỏng điện dân dụng, nạn nhân tiếp xúc trực tiếp với dòng điện.
  • Bỏng điện cao thế (hiệu điện thế trên 1000 vôn). Khi hiệu điện thế cao, con người có khi chưa tiếp xúc trực tiếp với dòng điện (từ trường dòng điện) nhưng vẫn bị điện giật do hiện tượng phóng điện.

Sét đánh là do dòng điện có hiệu điện thế cao lớn tới hàng triệu vôn của khí quyển.

3.3. Bỏng do hóa chất

Bỏng hóa chất do các chất axit (như axit sunfuric trong nạp ắc- quy, axit nitric trong hàn mạ) hoặc chất kiềm (như vôi tôi nóng, xút, chất tẩy rửa). Bỏng hóa chất gặp trong tai nạn sinh hoạt, trong phòng thí nghiệm, tai nạn lao động sản xuất, vận chuyển không an toàn hoặc do hành động tội ác (tạt axit để trả thù...).

Bỏng do một số tác nhân hiếm gặp hơn như bỏng do xạ trị, bỏng do thuốc...


Bỏng do hóa chất là một tai nạn thường gặp trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày
Bỏng do hóa chất là một tai nạn thường gặp trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày

4. Phân loại diện tích, độ sâu của bỏng

Có nhiều cách tính diện tích bỏng, tuy nhiên để nhanh chóng ước lượng diện tích bỏng, có thể áp dụng phương pháp ướm đo bàn tay bệnh nhân. Diện tích 1 bàn tay (tính từ cổ tay tới các ngón tay) mặt gan hoặc mặt mu của bệnh nhân tương ứng với bỏng 1% diện tích da. Ở trẻ em bỏng dù diện tích nhỏ cũng gây nguy hiểm. Trẻ em khi bị bỏng trên 5% và người trưởng thành bỏng trên 15% diện tích cơ thể đã có nguy cơ sốc, đe dọa trực tiếp tính mạng, đòi hỏi phải cấp cứu kịp thời (những biện pháp cấp cứu như giảm đau, truyền dịch...).

Da là bộ phận của cơ thể hay bị bỏng, bỏng có thể gây tổn thương da hoặc sâu hơn. Có nhiều cách phân loại độ sâu tổn thương bỏng. Tuy nhiên, về cơ bản có thể phân độ sâu bỏng làm 2 loại:

  • Bỏng nông: bỏng một phần da. Vết bỏng có thể tự khỏi trong quá trình điều trị và thay băng, không cần phẫu thuật, khi khỏi không để lại sẹo. Một số dấu hiệu thường gặp ở vết bỏng nông: da ửng đỏ như khi đi tắm nắng, vết bỏng có nốt phỏng vòm mỏng hoặc dày, dịch nốt phỏng trong...
  • Bỏng sâu: bỏng toàn bộ da hoặc sâu hơn tới gân, cơ, xương, khớp, thần kinh, mạch máu, tạng trong cơ thể. Điều trị bỏng sâu nhất thiết phải phẫu thuật (vết bỏng rộng >5cm đường kính). Bỏng sâu khi khỏi để lại các hình thái sẹo bỏng khác nhau. Một số dấu hiệu thường gặp của bỏng sâu: vết bỏng hoại tử khô đen, bàn tay co quắp, mất cảm giác đau hoặc vết bỏng hoại tử ướt màu trắng xám, vàng xám... Vùng bỏng phù nề mạnh. Bỏng sâu hay gặp do bỏng điện, bỏng axit, bỏng lửa ở nạn nhân bị mất cảm giác như lên cơn động kinh hoặc say rượu ngã vào bếp lửa, nạn nhân tự thiêu...

Bỏng sâu là một dạng bỏng gây tổn thương nghiêm trọng
Bỏng sâu là một dạng bỏng gây tổn thương nghiêm trọng

Chẩn đoán bỏng nông hay sâu sẽ quyết định thái độ xử trí khác nhau (phẫu thuật hay không phẫu thuật). Tuy nhiên, để chẩn đoán chính xác độ sâu bỏng đòi hỏi phải có kiến thức chuyên khoa (thường các cơ sở y tế tư nhân không có bác sĩ chuyên khoa bỏng, các thầy lang không được trang bị kiến thức này). Do vậy các nạn nhân bỏng cần đưa đến cơ sở y tế để được thăm khám và xử trí chuyên môn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn: Bộ Y tế

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe