Bỏng mắt: Nguyên nhân, phân loại và đặc điểm tổn thương

Bệnh mắt hột là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng suy giảm thị lực. Bệnh do vi khuẩn gây ra nên có thể phát triển, lây lan thành dịch. Nhận biết sớm các dấu hiệu của bệnh và điều trị sớm đúng cách là biện pháp tốt nhất tránh những biến chứng do bệnh gây ra.

1. Tần suất mắc bệnh

Theo thống kê những năm gần đây, tình trạng bỏng mắt thường gặp nhiều ở nam giới (chiếm 85%), đặc biệt hay gặp ở lứa tuổi lao động từ 18-55 tuổi (chiếm 49%). Trẻ em và học sinh sinh viên cũng chiếm tỷ lệ đáng kể là 30%. Trong số các trường hợp bỏng mắt có 78% những người bệnh sống ở nông thôn.

2. Nguyên nhân bỏng mắt

Có nhiều loại tác nhân có thể gây tổn thương cho mắt:

2.1. Bỏng mắt do hóa chất

Dấu hiệu bỏng mắt do hóa chất rất phong phú, tuỳ thuộc vào nồng độ hóa chất gây bỏng, thời gian từ khi bị bỏng đến khi được đưa vào bệnh viện và quá tình xử trí sơ cứu ban đầu tại hiện trường.

Trong bỏng mắt do hóa chất, tác nhân gây bỏng hay gặp nhất là: axit sunfuric, axit Nitric.... Các Bazơ cũng có khả năng gây bỏng cho mắt như: xút, amoniac, vôi... Ngoài ra còn có thể bỏng vôi, bỏng do benzen, bỏng hóa chất khi thí nghiệm...

Tai nạn bỏng mắt do hóa chất là axit thường xảy ra trong công nghiệp, ở những cơ sở sản xuất ắc quy, mạ kim loại, phòng thí nghiệm, sinh hoạt hoặc do bị người khác cố ý tạt axit vào mắt.

Bỏng do base thường gặp ở những công nhân làm trong cơ sở sản xuất đồ nhôm hoặc nấu xà phòng. Bỏng do vôi thường gặp trong công nghiệp xây dựng hoặc trong sinh hoạt. Bỏng mắt do benzen có thể xảy ra ở những cơ sở sản xuất cao su.

Đặc điểm tổn thương khi bị bỏng mắt do hóa chất là các mạch máu trong kết mạc ở vùng rìa thường bị tắc, gây rối loạn dinh dưỡng giác mạc, làm tổn thương giác mạc khó hồi phục. Bỏng hóa chất thường rất nghiêm trọng do xảy ra một số phản ứng hóa học


Bỏng mắt xảy ra có thể do hóa chất
Bỏng mắt xảy ra có thể do hóa chất

2.2. Bỏng mắt do tia cực tím gây ra

Tia cực tím hay còn gọi là tia tử ngoại, có nhiều ở bãi biển, trên núi tuyết. Tia cực tím được phát ra từ ánh sáng hồ quang và ngay cả từ một vài loại đèn sử dụng chiếu sáng sân khấu.

Khi mắt tiếp xúc với một lượng tia cực tím lớn và kéo dài liên tục khoảng 2 - 6 giờ, bệnh nhân sẽ thấy hai mắt đau nhức dữ dội, chảy nước mắt nhiều, chói mắt, cảm thấy sợ ánh sáng nên không mở được mắt. Khi thăm khám thấy đặc điểm tổn thương giác mạc thường nông, mi mắt co quắp, bắt màu fluorescein dày đặc nhưng không tổn thương đáy mắt.

Xử trí bỏng mắt do tia cực tím bằng cách tra thuốc tê bề mặt 5 phút/lần đến khi bệnh nhân mở mắt tự nhiên, sau đó băng kín mắt với thuốc mỡ kháng sinh, để mắt nghỉ ngơi, tránh tiếp xúc để biểu mô giác mạc tái tạo hoàn toàn 24 giờ.

2.3. Bỏng mắt do tia laser

Tia laser có bản chất là một chùm ánh sáng đơn sắc mang năng lượng, có khả năng xuyên qua những môi trường trong suốt và xuyên qua những mô không có sắc tố. Khi đến lớp biểu mô sắc tố võng mạc mắt, tia laser sẽ bị hấp thụ, năng lượng ánh sáng sẽ chuyển thành nhiệt năng gây bỏng, làm đông đặc protein trong tế bào và chết tế bào. Đặc điểm tổn thương là các tế bào xơ sẽ phát triển thay thế tế bào chết đi và để lại tổ chức sẹo, gây bỏng võng mạc không phục hồi.

Bên cạnh đó, khi ta nhìn lâu vào mặt trời, đặc biệt vào những dịp nhật thực, mắt sẽ hấp thụ một lượng lớn tia sáng có mang năng lượng, hậu quả là mắt tối sầm, chảy nước mắt nhiều, khám thấy vùng võng mạc trung tâm bị phù dày lên, cuối cùng tổn thương và để lại sẹo.


Bỏng mắt do tia laser
Bỏng mắt do tia laser

2.4. Bỏng mắt do bức xạ ion hoá

Bỏng mắt do tia G, tia X ở bệnh nhân xạ trị khối u vùng hàm mặt, nạn nhân của vụ nổ hạt nhân hoặc rò rỉ phóng xạ từ lò phản ứng nhà máy điện nguyên tử. Tổn thương mắt dạng này thường rất nặng nề, giác mạc khô nhuyễn, tái tạo giác mạc đều bị tia xạ tiêu diệt.

Sau đó, tổn thương bội nhiễm sẽ gây hoại tử và thủng giác mạc, dẫn đến nhiễm trùng tổ chức nội nhãn. Đặc điểm tổn thương do bức xạ ion hóa gây ra thường dẫn đến phải bỏ nhãn cầu.

3. Phân loại bỏng mắt

Bỏng mắt có thể chỉ xảy ra ở mi, tuy nhiên cũng có thể xảy ra ở kết mạc và củng mạc, giác mạc và vùng rìa. Phân loại bỏng mắt thường sẽ theo độ rộng – hẹp, nông – sâu và vị trí bỏng:

  • Bỏng nhẹ độ I: mi chỉ cương tụ ngoài da, có/không có cương tụ ở kết mạc, các tổn thương ở giác mạc và vùng rìa mắt nếu có cũng chỉ ở phần biểu mô.
  • Bỏng độ II: mi có thể xuất hiện nốt phồng, kết mạc có màng giả, giác mạc đôi khi có đục lờ mờ.
  • Bỏng độ III và độ IV: là mức độ bỏng nặng, có hiện tượng cháy da, hoại tử da, ở kết mạc và củng mạc có thể đã có hoại tử, ở giác mạc và vùng rìa có đục nông/sâu dưới 1/2 diện tích.
  • Bỏng rất nặng độ V: có hoại tử, cháy đen da mi, cháy cả cơ và sụn mi với kích thước lớn hơn 1/2 diện tích, ở củng mạc và kết mạc cũng có hoại tử, giác mạc và vùng rìa đục nông hoặc sâu trên 1/2 diện tích.

Bỏng mắt xảy ra ở mi mắt
Bỏng mắt xảy ra ở mi mắt

4. Triệu chứng bỏng mắt

Khi bỏng nhẹ, bệnh nhân sẽ cảm thấy mắt bị kích thích, kết mạc cương tụ, giác mạc phù và thị lực giảm ít. Khi bỏng nặng, mắt sẽ biểu hiện đau nhức nhiều, kết mạc phù, tắc mạch, xuất hiện những chỗ hoại tử trắng và không còn mạch máu.

Giác mạc bị đục trắng, phần sau giác mạc không trông thấy, biểu mô bị bong, nhu mô bị đục và phù, loét giác mạc tiến triển dai dẳng dẫn đến thủng giác mạc, thị lực giảm mạnh khiến người bệnh chỉ có thể phân biệt được ánh sáng.


Mắt đau nhức là biểu hiện của bệnh bỏng mắt
Mắt đau nhức là biểu hiện của bệnh bỏng mắt

5. Điều trị bỏng mắt

  • Sau sơ cứu, người bệnh được đo pH mắt ngay lập tức và tiếp tục rửa mắt bằng dung dịch đẳng trương cho đến khi pH của mắt bằng 7. Nếu tổn thương ngấm sâu thì rửa mắt liên tục bằng cách nhỏ giọt vào mắt qua hệ thống dây truyền và tiến hành rửa sạch lệ đạo để tránh viêm dính về sau.
  • Chống viêm: viêm sẽ làm tăng các men phá hủy collagen và làm nhăn giác mạc. Thuốc chống viêm thường dùng là Corticoid toàn thân và tại chỗ nhất là trong 10 ngày đầu, sau đó thay thế bằng non-steroid. Atropin 1% cũng góp phần giảm đau, chống viêm và chống dính mi.
  • Chống hoại tử giác mạc: hoạt tử xảy ra từ 7 - 21 ngày sau bỏng do các men phân hủy protein, do đó cần có biện pháp ức chế men này.
  • Chống nhiễm khuẩn bằng cách khử sạch toàn thân và tại chỗ. Kháng sinh Tetracyclin vừa có tác dụng kháng khuẩn vừa ức chế men collagenase (men phá hủy collagen).
  • Phòng dính mi cầu bằng cách tra mỡ kháng sinh vào cùng đồ trên và dưới, day mắt nhiều lần vào ngày thứ 2 – 3 sau bỏng, tuy nhiên những ca bỏng nặng đặc biệt, bác sĩ chấp nhận dính mi cầu để tăng nguồn nuôi dưỡng cho bán phần trước.
  • Tăng cường dinh dưỡng kết giác mạc: tra mắt với chế phẩm có vitamin A, B, C hoặc tiêm huyết thanh tự thân dưới kết mạc, bổ sung khẩu phần ăn giàu protein và vitamin, uống nhiều nước....
  • Thuốc giảm đau hoặc thuốc an thần theo đường tại chỗ và toàn thân
  • Liệu pháp tâm lý, an ủi và động viên bệnh nhân.
  • Trường hợp bỏng nặng có thể chỉ định phẫu thuật cấp cứu.
Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe