Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Trần Văn Trọng - Bác sĩ chuyên khoa Ngoại Nhi, phẫu thuật Tạo hình - Thẩm mỹ - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Bỏng là một tình trạng tổn thương rất phổ biến, bất kỳ ai cũng có thể mắc phải chỉ cần một sơ xuất nhỏ. Có nhiều tác nhân gây ra bỏng, chẳng hạn như bỏng do hơi nóng, bỏng do lửa, điện, hóa chất,...Tùy thuộc vào từng loại tác nhân gây bỏng và mức độ vết bỏng mà chúng ta có các cách xử lý khác nhau.
1. Nguyên nhân gây bỏng
Có 4 nhóm nguyên nhân chính gây bỏng, bao gồm:
Bỏng nhiệt độ: gồm hai dạng chính:
- Bỏng khô: do bỏng lửa, bỏng kim loại, bỏng bô xe máy hoặc bỏng tia lửa điện.
- Bỏng ướt: do bỏng dầu mỡ, bỏng nước sôi, bỏng hơi nước, bỏng nóng do thức ăn.
Bỏng hóa chất: bao gồm:
- Bỏng do axit: các loại axit có thể gây bỏng chẳng hạn như axit nitric (HNO3), axit sunfuric (H2SO4), axit clohydric (HCL),...
- Bỏng do bazơ: như KOH, NaOH, Ca(OH)2. Trong đó vôi đang tôi là một loại bỏng vừa do sức nhiệt vừa do độ bazơ.
Bỏng điện: bị bỏng do có luồng điện dẫn truyền qua cơ thể. Bỏng điện thường do bị sét đánh hoặc điện giật, bỏng do nguồn điện sinh hoạt hoặc điện công nghiệp.
Bỏng do các tia vật lý: đây là loại bỏng hiếm gặp trong đời sống hàng ngày, nó thường gây ra do các tia tử ngoại, tia hồng ngoại, tia X, tia phóng xạ như gama, bêta.
Khi bị bỏng, bộ phận đầu tiên trên cơ thể người chịu sự tác động chính là da. Da người vốn dĩ vô cùng mỏng manh và nhạy cảm, vì thế rất dễ bị tổn thương bởi bất kỳ tác nhân bên ngoài nào. Bỏng có thể ảnh hưởng tới lớp da, lớp cơ, xương và mạch máu, làm rối loạn chức năng vùng bị tổn thương, thay đổi cấu trúc, thậm chí là tử vong hoặc nạn nhân phải chịu sự tàn phế suốt đời.
2. Các cách nhận biết tình trạng bỏng
Độ sâu của vết bỏng được phân thành 3 mức độ. Độ càng tăng thì mức độ tổn thương do bỏng càng nhiều. Cụ thể các cấp độ của bỏng bao gồm:
Độ I: Bỏng bề mặt:
Ở cấp độ này, phần da bị tổn thương do bỏng sẽ chỉ ở lớp da ngoài cùng, làm cho vùng da này bị đỏ ửng lên và đau rát do đầu mút dây thần kinh bị kích thích. Vết thương do loại bỏng này gây ra sẽ lành hẳn chỉ sau 3 ngày.
Độ II: Bỏng một phần da:
Phần da bị tổn thương do bỏng là lớp biểu bì và một phần của lớp chân bì. Bỏng độ II sẽ hình thành nên các túi phỏng nước, khi vỡ ra sẽ để lộ ra một bề mặt màu hồng và gây đau đớn cho nạn nhân. Nếu vết bỏng được giữ sạch sẽ và không bị nhiễm trùng sẽ có thể tự lành lại sau khoảng 1-4 tuần mà không cần thông qua điều trị. Vết bỏng khi tự lành sẽ không để lại sẹo hoặc có sẹo nhưng không đáng kể. Ngoài ra, sau khi vết bỏng lành, những tổ chức da có thể đỏ trong một khoảng thời gian dài hơn. Trong trường hợp, bỏng độ II bị nhiễm khuẩn sẽ khiến cho lớp da dưới bị phá hủy và bỏng độ II chuyển nặng sang bỏng độ III.
Độ III: Bỏng toàn bộ các lớp da:
Toàn bộ các lớp da sẽ bị tổn thương nghiêm trọng, bao gồm cả lỗ chân lông và tuyến mồ hôi. Vết bỏng sẽ có màu trắng nhợt hoặc xám lại, khô cứng nhưng không có cảm giác đau đớn, bên cạnh đó, các đầu nút dây thần kinh bị phá hủy. Trong trường hợp nạn nhân bị bỏng rất nặng toàn bộ các lớp da thì lớp mỡ dưới da có nguy cơ cao bị phá hủy và phần cơ bị lộ ra ngoài. Bỏng cấp độ III thường rất dễ bị nhiễm khuẩn, do đó phải mất một khoảng thời gian dài để cho vết bỏng hồi phục lại, tuy nhiên vết bỏng có thể để lại sẹo.
Vì độ sâu của các vết bỏng phụ thuộc vào nồng độ hóa chất hoặc nhiệt độ, thời gian mà nhiệt độ hoặc hóa chất tác động lên da, vì vậy độ sâu của vết bỏng đôi khi cũng không đồng đều nhau. Da người có xu hướng giữ nhiệt, khi bị bỏng, lớp quần áo bên ngoài bị đốt cháy thành than khi dính lên vùng da bị tổn thương sẽ làm cho vết thương trở nên trầm trọng hơn. Vì vậy khi vừa bị bỏng, bạn nên ngay lập dội nhiều nước liên tục lên vết bỏng để làm giảm độ sâu cho vùng da bị tổn thương.
3. Vị trí của các vết bỏng trên cơ thể
Mỗi vị trí của vết bỏng đều có ý nghĩa rất lớn đối với tính mạng và quá trình hồi phục của nạn nhân, chẳng hạn như:
- Bỏng ở mắt có thể gây mù lòa
- Bỏng ở vùng mặt gây ra phù nề chèn ép đường thở, dễ bị biến dạng mặt và để lại sẹo xấu
- Bỏng ở bàn tay hoặc vùng các khớp có thể dẫn tới có cứng, giảm hoặc làm mất chức năng hoạt động.
- Bỏng ở vùng lưng, vùng gần hậu môn sinh dục hoặc vùng hậu môn sing dục có nguy cơ cao bị nhiễm khuẩn, thời gian hồi phục tổn thương rất lâu.
- Nếu hít phải khói hoặc hơi nóng có thể bị bỏng đường hô hấp, dẫn tới tình trạng phù nề đường hô hấp, gây tắc nghẽn, nạn nhân bị suy hô hấp và rất dễ bị viêm phổi.
4. Các nguyên tắc sơ cứu khi bị bỏng
Nếu vết bỏng không được sơ cứu kịp thời và đúng cách có thể gây ra những hệ lụy nghiêm trọng tới sức khỏe, để lại hậu quả vô cùng đáng tiếc cho nạn nhân sau này. Do đó dù nạn nhân bị bỏng nhẹ hay nặng thì việc sơ cứu là rất cần thiết. Bởi vì nhiều trường hợp không sơ cứu kịp thời hoặc xử lý sai vết bỏng nên đã để lại những hậu quả đáng tiếc.
Nguyên tắc chung khi sơ cứu bỏng ban đầu là cho nạn nhân tách khỏi nguồn bỏng, sau đó xả nước trực tiếp vào vết bỏng càng sớm càng tốt, liên tục trong vòng 20 - 30 phút để làm giảm nhiệt độ bề mặt của da và giúp giảm độ sâu của vết bỏng. Tuy nhiên, tuyệt đối không sử dụng nước đá, chỉ sử dụng nước lạnh thông thường như nước máy, nước giếng. Sau đó, sử dụng gạc hoặc khăn bông thấm nước đắp vào chỗ bỏng để bớt đau.
Tùy vào tình trạng của vết bỏng mà bạn có thể mua thuốc trị bỏng bôi tại nhà hoặc đưa nạn nhân tới cơ sở y tế gần nhất để chữa trị. Lưu ý, khi vết bỏng có xuất hiện các bỏng nước thì không được tự ý chọc vỡ chúng
Ngoài nguyên tắc chung, mỗi nguyên nhân gây bỏng sẽ có một nguyên tắc sơ cứu khác nhau:
Bỏng điện: lập tức ngắt nguồn điện hoặc cố gắng đưa nạn nhân ra khỏi nguồn điện. Nếu thấy tim ngừng đập, cần hô hấp nhân tạo bằng phương pháp ấn ngực ngay tại chỗ rồi mới đưa nạn nhân đi cấp cứu.
Bỏng hóa chất: lập tức cởi bỏ quần áo, rửa vết bỏng liên tục bằng nước để làm loãng nồng độ của hóa chất. Nếu nạn nhân bị bỏng do axit thì nên rửa vết thương bằng nước có pha bicarbonat. Nếu bị bỏng do chất kiềm thì rửa bằng nước có pha chanh hoặc giấm. Nếu bị bỏng mắt do bất cứ loại hóa chất nào gây ra thì chỉ được rửa mắt với nước sạch, ngâm mắt trong nước khoảng 20 phút, sau đó băng mắt bằng một mảnh vải mỏng và đưa nạn nhân tới cơ sở y tế gần nhất.
Bỏng do lửa: khi quần áo nạn nhân đang cháy cần dội nước hoặc lấy chăn trùm lên người nạn nhân để dập tắt nguồn lửa. Trong trường hợp vết bỏng ở mức độ nặng, tuyệt đối không cởi quần áo đã dính vào vết bỏng để tránh vùng da bị thương bị lột ra, gây thêm đau đớn và làm tăng mức độ nghiêm trọng của vết thương. Bạn nên lấy băng y tế hoặc vải sạch che vùng bị bỏng để tránh bị nhiễm trùng, sau đó đưa nạn nhân đến bệnh viện để điều trị.
5. Những điều không nên làm khi sơ cứu bỏng
Không được ngâm vết bỏng vào nước đá lạnh, vì vùng da bị bỏng khi qua lạnh sẽ khiến thân nhiệt bị hạ xuống, dẫn tới tình trạng co mạch máu, co cơ, làm cho vết bỏng trở nên nghiêm trọng hơn. Đây có lẽ là lỗi sai sơ cứu phổ biến nhất khi bị bỏng mà nhiều người mắc phải.
Không áp dụng các cách phản khoa học như bôi nước mắm, vắt nước củ ráy hoặc củ chuối lên vết bỏng. Điều này chỉ khiến cho vết bỏng dễ bị nhiễm trùng hơn và việc điều trị cũng trở nên khó khăn hơn.
Không bôi kem đánh răng lên vùng bị bỏng. Kem đánh răng không làm dịu vết bỏng như mọi người nghĩ, nó chứa chất kiềm nhẹ, khi bôi lên vùng da bị bỏng còn làm cho nạn nhân cảm thấy đau đớn hơn. Chỉ nên sử dụng kem đánh răng cho các trường hợp bỏng axit: sau khi đã làm loãng nồng độ axit trên da bằng cách ngâm nước thì bạn có thể bôi kem đánh răng lên vùng da bị bỏng để trung hòa axit còn dư trên da, sau đó rửa sạch lại với nước.
Không chọc vỡ các bóng nước để tránh nguy cơ bị nhiễm trùng do vi khuẩn thâm nhập vào.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: Mayoclimiv.org