Các tác dụng phụ của thuốc Sargramostim

Sargramostim là nhóm thuốc được sử dụng trong điều trị các bệnh nhiễm trùng do suy giảm bạch cầu hay các bệnh suy giảm bệnh cầu khác có liên quan. Sargramostim cần phải được bác sĩ kê đơn và phải được sử dụng đúng cách. Thuốc sargramostim có thể gây nên các tác dụng phụ khi dùng, vậy nên người bệnh cần lưu ý.

1. Sargramostim là thuốc gì?

Sargramostim được hiểu là một phiên bản nhân tạo của GM-CSF, một loại protein kích thích sản xuất ra bạch cầu (WBC). Đặc biệt hơn cả, nó cũng sản xuất để tạo ra bạch cầu trung tính, đại thực bào và tế bào đuôi gai. Các loại bạch cầu này có chức năng chống lại nhiễm trùng và thường bị giảm trong quá trình điều trị ung thư.

Bạch cầu trung tính là loại bạch cầu đầu tiên phản ứng để chống lại sự nhiễm trùng. Khi số lượng các tế bào này giảm xuống dưới 1000/ mm3, nó được coi như là giảm bạch cầu. Điều này sẽ khiến bệnh nhân có nguy cơ nhiễm trùng cao hơn. Đại thực bào chống lại nhiễm trùng bằng cách ăn vi khuẩn, nhưng hoạt động lại lâu hơn bạch cầu trung tính. Tế bào đuôi gai chỉ chiếm 1% trong số lượng bạch cầu, nhưng liên tục kiểm tra khu vực này. Chúng sẽ thông báo cho bạch cầu trung tính và đại thực bào biết khi phát hiện ra có sự nhiễm trùng.

Thuốc Sargramostin là loại thuốc được chỉ định trong điều trị để giảm nguy cơ nhiễm trùng ở những bệnh nhân có bệnh bạch cầu cấp tính dòng tủy (AML), giảm bạch cầu trung tính do đang trong giai đoạn hóa trị liệu. Ngoài ra, Sargramostim cũng được điều trị trên những bệnh nhân đang cấy ghép tế bào gốc máu, ở những bệnh nhân đang cấy ghép tế bào gốc máu ngoại vi, ghép tủy xương (BMT). Sargramostim cũng được sử dụng điều trị cho những bệnh nhân sau khi được cấy ghép tủy xương nhưng không đáp ứng. Sargramostim hoạt động bằng cách tạo ra nhiều bạch cầu trung tính và một số tế bào máu khác trong cơ thể.

Sargramostim không phải là một phương pháp điều trị ung thư đặc hiệu, mà là một loại thuốc hỗ trợ chăm sóc. Điều này có nghĩa là nó được sử dụng để giảm bớt sự ức chế tủy xương (giảm số lượng máu) thứ phát do ung thư và các phương pháp điều trị tiêu diệt tế bào.

2. Hướng dẫn cách dùng Sargramostim

Sargramostim là dung dịch ở dạng chất lỏng, nên nó có thể được tiêm dưới da hoặc tiêm trực tiếp vào tĩnh mạch. Thuốc sargramostim được tiêm mỗi ngày một lần, nhất là tiêm vào cùng một thời điểm trong ngày, cho đến khi bệnh nhân không còn bị giảm bạch cầu trung tính. Liều lượng của thuốc sẽ được bác sĩ điều trị kê đơn dựa trên cân nặng của cơ thể. Sargramostim được bắt đầu sử dụng ít nhất sau 24 giờ khi đã hoàn thành hóa trị hoặc xạ trị.Trong quá trình điều trị, bệnh nhân sẽ phải thực hiện các xét nghiệm thường xuyên để theo dõi số lượng tế bào máu khi sử dụng thuốc sargramostim.

Lưu trữ và xử lý

Nên bảo quản thuốc sargramostim trong tủ lạnh và trong hộp đựng ban đầu. Không lắc hoặc đông lạnh thuốc. Để làm dịu vết tiêm, hãy lấy thuốc ra khỏi tủ lạnh 30 phút trước khi tiêm. Không sử dụng lại lọ, ống tiêm hoặc kim tiêm liều đơn.

3. Một số phản ứng có thể xảy ra khi sử dụng Sargramostim

Các tác dụng phụ thường hay gặp khi sử dụng thuốc sargramostim bao gồm:

  • Đau xương

Sargramostim kích thích tủy xương sản xuất nhiều tế bào bạch cầu, có thể dẫn đến đau nhức trong xương. Cơn đau này thường hay gặp ở xương đùi, hông và bắp tay. Bác sĩ điều trị thường không kê đơn acetaminophen để giảm đau, vì nó có thể làm cho người bệnh không biết là họ đang bị sốt. Vì vậy hãy trao đổi với bác sĩ về các loại thuốc giảm đau mà bạn có thể dùng.

  • Sốt và nhiễm trùng

Sargramostim có thể gây sốt nhẹ, nhưng đây cũng có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng. Bất kỳ cơn sốt nào (nhiệt độ> 38 ° C) cần phải báo cáo ngay cho cho bác sĩ của bạn. Các dấu hiệu nhiễm trùng cũng cần được báo cho bác sĩ nếu như người bệnh cảm thấy ớn lạnh, đau họng, nghẹt mũi và nóng rát khi đi tiểu.

  • Phản ứng tại chỗ tiêm

Một số người sau khi tiêm sargramostim bị đỏ, sưng hoặc ngứa tại chỗ tiêm. Phản ứng này thường là tạm thời và sẽ biến mất dần. Vết tiêm có thể châm chích hoặc thấy bỏng nếu tiêm khi trời lạnh. Thuốc sargramostim thường được bảo quản trong tủ lạnh, nên lấy thuốc ra khỏi tủ lạnh trước 30 phút để thuốc về nhiệt độ phòng trước khi dùng. Xoay các vị trí tiêm, tiêm chậm (trên 30-60 giây) hoặc làm tê vùng da bằng nước đá trong một phút trước và sau khi tiêm.

  • Phản ứng dị ứng

Phản ứng dị ứng thường không phổ biến, nhưng vẫn có khả năng nghiêm trọng. Các dấu hiệu của phản ứng bao gồm: phát ban trên da, nổi mề đay, khó thở, mạch nhanh, đổ mồ hôi và ngất xỉu. Nếu người bệnh xuất hiện bất kỳ triệu chứng nào trong số này, hãy báo ngay cho bác sĩ hoặc các trung tâm y tế gần đó.

Các phản ứng Ít gặp hơn, nhưng các tác dụng phụ này cũng quan trọng có thể bao gồm:

  • Sưng phù và giữ nước: Bệnh nhân dùng thuốc sargramostim này nên báo cáo bất kỳ tình trạng nào gặp phải cho bác sĩ như: khó thở, ho, sưng ở tay, chân hoặc mặt có dấu hiệu trầm trọng.
  • Các vấn đề về hô hấp và thay đổi nhịp tim: Thông báo cho bác sĩ hoặc nhân viên y tế biết nếu bạn có bất kỳ cơn khó thở mới hoặc trầm trọng hơn, hoặc cảm thấy tim mình đập mạnh, đập nhanh hoặc bất thường.

Trên đây không phải là tất cả các tác dụng phụ có thể xảy ra khi sử dụng thuốc sargramostim. Nếu như người bệnh nhận ra bất cứ phản ứng nào khác thì đều cần phải báo cáo cho bác sĩ biết để được đưa ra hướng giải quyết.

4. Sargramostim có ảnh hưởng tới sinh sản hay không?

Hiện nay chưa có thông tin chính thức nào cho biết liệu sự tiếp xúc của thuốc sargramostim này có thể gây ra dị tật bẩm sinh hay không. Nếu bạn đang mang thai hay đang có ý định mang thai hoặc đang cho con bú, bạn nên tham khảo ý kiến ​​của bác sĩ trước khi quyết định dùng sargramostim.

Sargramostim là loại thuốc chỉ nên dùng khi có chỉ định từ bác sĩ. Trong quá trình điều trị, sargramostim có thể gây nên các tác dụng phụ không mong muốn. Vậy nên, cần tuân thủ và thực hiện theo những chỉ dẫn của bác sĩ để giảm thiểu tình trạng trên.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: oncolink.org

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe