Các tác dụng phụ có thể gặp của thuốc tránh thai dạng uống

Thuốc tránh thai là biện pháp tránh thai phổ biến cho phụ nữ, với 2 loại chính là viên uống kết hợp (có chứa estrogen và progestin) và viên uống chỉ chứa progestin. Tuy phổ biến vì sự tiện lợi và hiệu quả tương đối cao, viên uống tránh thai vẫn có một số tác dụng phụ cần lưu ý.

1. Tìm hiểu về viên uống tránh thai


Viên uống tránh thai là một phương pháp tránh thai nội tiết, hoạt động bằng cách ngăn rụng trứng, hoặc làm đặc chất dịch nút cổ tử cung để chống tinh trùng đi qua và làm giảm sự di chuyển của tinh trùng trong ống dẫn trứng. Bên cạnh mục đích chính là ngừa thai ngoài ý muốn, thuốc còn được sử dụng nhằm điều chỉnh kinh nguyệt không đều, đau bụng hoặc kinh nguyệt nhiều, lạc nội mạc tử cung, trị mụn và hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS - Premenstrual Syndrome).

Ở Hoa Kỳ, có khoảng 16% nữ giới trong độ tuổi từ 15 đến 44 uống thuốc tránh thai. Bên cạnh lợi ích mang lại, viên uống tránh thai cũng có những nhược điểm. Tùy thể trạng từng người, viên uống tránh thai sẽ có những yếu tố nguy cơ khác nhau, bởi vậy, mỗi người sẽ được khuyên dùng từng loại thuốc thích hợp.

Có nhiều loại thuốc uống tránh thai khác nhau, có thể chứa hormone estrogen, progesterone hoặc cả hai. Progesterone tổng hợp được gọi là progestin. Thuốc chứa cả progestin và estrogen được gọi là thuốc tránh thai kết hợp. Một loại khác là thuốc tránh thai chỉ chứa hooc-môn progestin.

Thuốc tránh thai kết hợp có nhiều dạng, dựa vào sự thay đổi của nồng độ hoóc môn trong thuốc trong tháng:

  • Thuốc một giai đoạn (monophasic) chứa cùng một lượng estrogen và progestin trong tất cả các viên thuốc.
  • Thuốc 2,3,4 giai đoạn sẽ thay đổi nồng độ hormone trong chu kỳ rụng trứng.

Một phương án khác là thuốc tránh thai hàng ngày 21 viên.
Uống thuốc tránh thai hàng ngày trong vòng 21 ngày, sau đó uống 7 ngày giả dược. Ưu điểm của phương pháp này là cách sử dụng đơn giản hơn, bởi liệu trình uống mỗi ngày đều giống nhau. Khi sử dụng đúng cách, thuốc uống tránh thai mang lại hiệu quả cao. Song, trong số 100 phụ nữ mang thai, vẫn có khoảng 6 - 12 trường hợp mang bầu do sử dụng thuốc sai cách. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (The Centers for Disease Control and Prevention - CDC) đánh giá tỷ lệ mang thai do sử dụng sai cách là 9% đối với cả 2 loại thuốc uống tránh thai.

Cần lưu ý, chỉ có bao cao su mới phòng tránh được bệnh lây truyền qua đường tình dục, viên uống tránh thai không thể làm được điều này.

2. Tác dụng phụ của thuốc tránh thai


Buồn nôn, căng cứng ngực là tác dụng phụ thường gặp của viên tránh thai
Buồn nôn, căng cứng ngực là tác dụng phụ thường gặp của viên tránh thai

Các tác dụng phụ thường gặp của viên uống tránh thai bao gồm:

  • Chảy máu bất thường
  • Buồn nôn
  • Căng cứng ngực
  • Đau đầu, đau nửa đầu
  • Tăng cân
  • Tâm trạng thất thường
  • Mất kinh nguyệt
  • Giảm ham muốn
  • Khí hư bất thường
  • Thay đổi thị lực ở những người đeo kính áp tròng

2.1 Chảy máu bất thường

Chảy máu bất thường là một tình trạng phổ biến khi sử dụng thuốc, có thể nguyên nhân là do lớp niêm mạc tử cung mỏng đi, hoặc do có sự thay đổi nồng độ các hormone trong cơ thể.

Ngay cả khi chảy máu bất thường, thuốc vẫn có tác dụng nếu được sử dụng đúng cách và đủ liều. Theo khuyến cáo, nên liên hệ với bác sĩ để được tư vấn nếu gặp tình trạng chảy máu bất thường từ 5 ngày trở lên, hoặc chảy máu nhiều từ 3 ngày trở lên.

2.2 Buồn nôn

Một số người sẽ cảm thấy hơi buồn nôn khi uống thuốc lần đầu, nhưng triệu chứng này thường giảm dần. Nếu có cảm giác buồn nôn, chị em có thể uống thuốc khi ăn hoặc uống trước khi đi ngủ. Trong trường hợp cơn buồn nôn nặng hoặc kéo dài hơn 3 tháng, chị em nên đi khám để được tư vấn.

2.3 Căng cứng ngực

Một tác dụng phụ khác là tăng kích thước ngực hoặc căng cứng ngực, thường triệu chứng sẽ biến mất sau vài tuần. Giảm ăn hay uống cafein và muối, đổi loại áo lót có thể làm giảm cảm giác khó chịu vùng ngực.

Cần chú ý và đi khám nếu xuất hiện bướu vùng ngực, hoặc căng cứng, đặc biệt là đau hoặc đau nhiều vùng ngực.

2.4 Đau đầu, đau nửa đầu

Trong một số trường hợp, do thay đổi nồng độ hormone trong cơ thể, nữ giới có thể tăng nguy cơ mắc chứng đau đầu và đau nửa đầu. Liều thuốc càng thấp, nguy cơ đau đầu càng giảm.

Thông thường, các triệu chứng sẽ cải thiện dần, ngược lại, chị em nên đi khám.

2.5 Tăng cân

Dù chưa có nghiên cứu lâm sàng nào chỉ ra được mối liên hệ giữa việc sử dụng thuốc tránh thai và cân nặng, nhưng chị em có thể sẽ gặp tình trạng giữa nước trong cơ thể, đặc biệt ở xung quanh vùng ngực và hông.

Một vài loại hormone có trong thuốc tránh thai, có mối liên hệ với tình trạng giảm trọng lượng cơ nạc trong cơ thể.

2.6 Thay đổi tâm trạng

Các nghiên cứu cho rằng thuốc uống tránh thai có khả năng tác động đến tâm trạng, tăng nguy cơ trầm cảm, thay đổi tâm trạng của người sử dụng. Vì lý do này, phụ nữ nên liên hệ với chuyên gia y tế nếu nhận thấy bản thân gặp tình trạng tâm trạng thất thường khi uống thuốc tránh thai.

2.7 Mất kinh

Ngay cả khi sử dụng thuốc đúng cách, nữ giới vẫn có thể có một vài chu kỳ bị mất kinh, phụ thuộc vào các yếu tố như áp lực, đau ốm, di chuyển, bất thường nội tiết tố hoặc bất thường tuyến giáp.

Để yên tâm, chị em có thể liên lạc với chuyên gia y tế, kiểm tra xem mình có thai hay không trước khi tiếp tục sử dụng thuốc.

2.8 Giảm ham muốn tình dục

Các hormone chứa trong viên uống tránh thai đôi khi có thể gây ảnh hưởng đến ham muốn tình dục. Nên thảo luận với chuyên gia y tế nếu gặp tình trạng giảm ham muốn tình dục kéo dài.

Ngược lại, ở một vài trường hợp, viên uống tránh thai lại làm tăng ham muốn, do củng cố sự an tâm vì phòng tránh được mang thai ngoài ý muốn, giảm các triệu chứng đau bụng kinh, hội chứng tiền kinh nguyệt, lạc nội mạc tử cung, u xơ tử cung.

2.9 Khí hư âm đạo

Uống thuốc tránh thai có thể làm tăng hoặc giảm tiết khí hư âm đạo. Tuy không nguy hại, nhưng sự biến màu hoặc khí hư có mùi có thể là dấu hiệu của tình trạng viêm nhiễm.

2.10 Thị lực thay đổi

Khi uống thuốc tránh thai, nồng độ hormone trong cơ thể thay đổi, kéo theo là sự thay đổi trong độ dày giác mạc. Dù không làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về mắt, nhưng cần theo dõi thị lực cũng như khả năng chịu đựng khi đeo kính áp tròng, bởi kính áp tròng có thể sẽ không còn phù hợp.


Các hormone chứa trong viên uống tránh thai đôi khi có thể gây ảnh hưởng đến ham muốn tình dục
Các hormone chứa trong viên uống tránh thai đôi khi có thể gây ảnh hưởng đến ham muốn tình dục

3. Đối tượng nào không nên uống thuốc tránh thai?

Thuốc tránh thai kết hợp có thể làm gia tăng các vấn đề tim mạch như cục máu đông, huyết khối tĩnh mạch sâu (deep vein thrombosis - DVT), tắc mạch phổi, đột quỵ, nhồi máu cơ tim, tăng huyết áp, u gan lành tình và một vài tuýp ung thư.

Một số đối tượng không nên uống thuốc tránh thai:

  • Phụ nữ có thai
  • Nữ giới hút thuốc, nằm trong độ tuổi từ 35 trở lên, hoặc nữ giới trên 35 tuổi nhưng mới bỏ thuốc lá trong vòng 1 năm.
  • Người béo phì
  • Người đang sử dụng một số loại thuốc nhất định
  • Người đã từng có huyết khối, từng đột quỵ hoặc có vấn đề về tim
  • Người có quan hệ họ hàng gần với bệnh nhân mắc cục máu đông trước độ tuổi 45
  • Người mắc chứng đau nửa đầu nặng
  • Người đã từng hoặc đang mắc ung thư vú hay các bệnh gan mật
  • Người bị tiểu đường trong vòng 20 năm hoặc bị tiểu đường và biến chứng tiểu đường.

Ngoài ra, nên liên hệ với bác sĩ khi gặp một trong các triệu chứng bên dưới, bởi đây có thể là dấu hiệu của tình trạng nghiêm trọng:

  • Đau bụng, đau dạ dày
  • Đau ngực, khó thở, hoặc cả hai
  • Đau đầu nghiêm trọng
  • Các vấn đề về mắt, như mờ mắt hay mất thị lực
  • Sưng, nhức chân và đùi
  • Đỏ, sưng, đau đùi hoặc bắp chân.

4. Các tác dụng phụ về lâu dài

4.1 Vấn đề tim mạch

Loại thuốc tránh thai kết hợp có thể làm tăng nhẹ nguy cơ tác dụng phụ liên quan đến tim mạch như nhồi máu cơ tim, đột quỵ, cục máu đông, trong đó, nguy cơ này có thể cao ở một số loại thuốc nhất định.

Những người có huyết áp cao không kiểm soát được, hoặc có tiền sử bản thân, tiền sử gia đình có huyết khối, nhồi máu cơ tim, đột quỵ, nên được bác sĩ tư vấn phương pháp tránh thai phù hợp nhất.

4.2 Nguy cơ ung thư

Một số ý kiến cho rằng, hormone nữ giới như estrogen có thể làm tăng nguy cơ phát triển của một số tuýp ung thư, do đó, uống thuốc tránh thai có khả năng cũng làm tăng nguy cơ này.

Ung thư buồng trứng và ung thư nội mạc tử cung: Nguy cơ này dường như hiếm gặp

Ung thư vú: Có vẻ như, nữ giới uống thuốc tránh thai, đặc biệt những người bắt đầu sử dụng từ độ tuổi thiếu niên, có nguy cơ ung thư vú cao hơn một chút so với các đối tượng khác. Tuy nhiên, sau 10 năm ngừng thuốc, nguy cơ này không còn cao hơn so với nữ giới không sử dụng thuốc tránh thai.

Ngoài ra, các yếu tố nguy cơ khác có thể kể đến là độ tuổi bắt đầu dậy thì, độ tuổi mãn kinh, độ tuổi mang thai lần đầu, đã có hay chưa có con.

Ung thư cổ tử cung: Có thể có mối liên quan giữa tăng nguy cơ ung thư cổ tử cung với việc uống thuốc tránh thai trong thời gian dài. Nhưng, hầu hết các tuýp ung thư cổ tử cung có nguyên nhân bởi virus HPV (Human papillomavirus). Và chưa thể kết luận có mối liên quan hay không giữa HPV và viên uống tránh thai.

Ung thư gan: Có mối liên quan giữa thuốc tránh thai và nguy cơ phát triển của u gan lành tính, và hiếm khi trở thành ung thư. Một số nghiên cứu cho rằng sử dụng thuốc tránh thai từ 5 năm trở lên có thể gia tăng nguy cơ ung thư gan, trong khi một số nghiên cứu khác phủ định kết quả này.

5. Ngoài viên uống, còn có thể tránh thai bằng những phương pháp nào?


Bao cao su giúp ngăn chặn tinh trùng tiếp xúc với trứng
Bao cao su giúp ngăn chặn tinh trùng tiếp xúc với trứng

Những người không được hoặc không muốn sử dụng thuốc tránh thai có thể cân nhắc những phương án khác như sau.

Bao cao su (bao cao su cho nam giới hoặc bao cao su cho nữ giới) ngăn chặn tinh trùng tiếp xúc với trứng. Bao cao su nữ giới là một túi có hai vòng dày và mỏng ở mỗi đầu túi, được đặt vào âm đạo trong vòng 8 giờ trước khi quan hệ tình dục. Một số người có thể dị ứng với chất liệu của bao cao su.

Nguy cơ bao cao su hoạt động không hiệu quả là 18% hoặc hơn (mỗi năm, tính cả hai loại bao cao su cho nam giới và cho nữ giới).

  • Màng ngăn âm đạo

Màng ngăn âm đạo là một loại màng chụp hình tròn bằng silicon hoặc cao su, có vành ngoài mềm để đưa qua âm đạo và che kín cổ tử cung. Nó phải được sử dụng kèm thuốc diệt tinh trùng, để ngăn tinh trùng gặp trứng.

Nhược điểm của phương pháp này, là có thể gây ra nhiễm trùng đường tiết niệu và kích ứng âm đạo.

Hàng năm, cứ 100 phụ nữ mang thai ở Mỹ, có khoảng 6 đến 12 người mang thai dù đã dùng màng ngăn âm đạo.

Vòng âm đạo là một dụng cụ nhỏ được đặt vào âm đạo, giải phóng các hormone ức chế sự rụng trứng. Hàng tháng, chị em sẽ đặt vòng âm đạo trong 3 tuần và tháo vòng trong 1 tuần kinh nguyệt. Cơ chế hoạt động của vòng âm đạo tương tự như thuốc uống tránh thai, do vậy, cũng có các tác dụng phụ tương đương, như chảy máu bất thường, đau đầu, giảm ham muốn tình dục.

Vòng tránh thai là một dụng cụ nhỏ được đặt vào tử cung, có thể là vòng nội tiết hoặc không. Vòng tránh thai nội tiết làm dày lớp nhày cổ tử cung, đồng thời ức chế sự rụng trứng. Vòng tránh thai không chứa nội tiết gây ra phản ứng viêm tại niêm mạc tử cung, không tạo điều kiện thuận lợi cho tinh trùng.

Vòng tránh thai có tác dụng lên tới 10 năm và có tác dụng ngừa thai gần như 100%.

Cần lưu ý nếu chảy máu bất thường hoặc kinh nguyệt không đều. Một số phụ nữ có thể gặp phải tình trạng máu kinh nguyệt ồ ạt và đau bụng kinh nặng khi dùng vòng tránh thai.

Que cấy tránh thai là những ống nhỏ làm bằng chất dẻo chứa thuốc tránh thai, được cấy dưới da tay không thuận của người phụ nữ bằng một thủ thuật nhỏ. Que có hiệu quả trong vòng 3 năm, với cơ chế giải phóng hormone làm dày chất nhờn cổ tử cung, làm mỏng lớp nội mạc tử cung và ức chế sự rụng trứng. Tương tự như vòng tránh thai, que tránh thai cũng có hiệu quả gần như 100%.

Về tác dụng phụ, que cấy tránh thai có tác dụng phụ tương tự như viên uống tránh thai, như đau bụng, đau lưng, nguy cơ nang buồng trứng lành tính. Một số pụ nữ có thể giảm hoặc mất kinh nguyệt vài tháng.

Nam giới được triệt sản bằng cách thắt hoặc cắt ống dẫn tinh. Ở phụ nữ, triệt sản được thực hiện bằng phẫu thuật thắt ống dẫn trứng.

Những biến chứng có thể xảy ra ở nam giới, thường sẽ kéo dài vĩnh viễn, bao gồm nhiễm trùng, tụ máu, bầm tím, u hạt do tinh trùng, bướu phát triển ở phần mềm quanh ống dẫn tinh.

6. Tiêm ngừa thai hay viên uống tránh thai?

Để so sánh, tiêm ngừa thai có thể mang lại hiệu quả cao hơn, do tránh được rủi ro khi chị em quên uống thuốc. Tuy nhiên, với cơ chế sử dụng hormone, phương pháp tiêm cũng có những tác dụng phụ và hạn chế nhất định.

Khi được sử dụng đúng cách, phương pháp tiêm có hiệu quả lên đến trên 90%. Tuy nhiên, ngay cả khi quên tiêm nhắc lại, trong số 100 phụ nữ sử dụng phương pháp này, hằng năm, cũng chỉ có 6 người mang thai. Con số này khiến cho phương pháp tiêm trở nên đáng tin cậy hơn so với viên uống.

Phương pháp tiêm cũng có một vài tác dụng phụ tương tự như viên uống nội tiết. Phụ nữ có tiền sự ung thư vú không nên sử dụng phương pháp này. Ngoài ra, phương pháp tiêm có thể làm tăng nguy cơ Chlamydia và HIV, dù nguyên nhân chưa rõ ràng.

Một số nghiên cứu tìm kiếm ra sự liên quan giữa tiêm ngừa thai và huyết khối. Tuy nhiên một số nghiên cứu khác lại không đưa ra quan điểm tương tự. Theo Bệnh viện Mayo Clinic (Mỹ), có một số nhà cung cấp khuyến cáo người có tiền sử bệnh tim, tiểu đường, đột quỵ không nên sử dụng phương pháp tiêm của họ.

Phụ nữ nên khám và tư vấn trước khi sử dụng phương pháp tiêm ngừa thai nếu có những vấn đề sau:

  • Trầm cảm
  • Đau nửa đầu
  • Ra máu âm đạo ồ ạt hoặc nhiều hơn so với bình thường
  • Vàng da hoặc vàng mắt
  • Chảy mủ, đau quanh vết tiêm.

Các tác dụng phụ khác có thể sẽ hết trong vài tháng :

  • Đau bụng
  • Giảm ham muốn tình dục
  • Choáng
  • Hồi hộp
  • Mệt mỏi
  • Tăng cân.

Có một số nghiên cứu cho rằng, thuốc tiêm tránh thai Depo-Provera có liên quan đến giảm mật độ xương, tăng nguy cơ loãng xương hay dễ gãy xương khi lớn tuổi.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: Medicalnewstoday.com; Ncbi.nlm.nih.gov

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe