Đã uống thuốc tránh thai nhưng vẫn "dính bầu", vì sao?

Nếu vẫn có bầu khi uống thuốc tránh thai thì nguyên nhân rất có thể là do uống thuốc không đủ, không đúng cách, thuốc không đảm bảo hoặc giảm và mất tác dụng do tương tác với thuốc khác.

1. Thuốc tránh thai

Dùng thuốc tránh thai là một biện pháp tránh thai được khá nhiều phụ nữ lựa chọn. Thuốc tránh thai có tác dụng ngăn cản sự tiếp xúc của tinh trùng với trứng, nó có chứa hormon ngăn cản sự rụng trứng của phụ nữ, làm co thắt cổ tử cung khiến trứng không thể làm tổ... Ngoài ra, thuốc tránh thai còn sử dụng để điều hòa kinh nguyệt.

Thuốc tránh thai có nhiều loại. Tùy theo cơ chế hoạt động của thuốc tránh thai mà người ta phân loại thuốc tránh thai như sau:

  • Thuốc ức chế buồng trứng rụng trứng: Thuốc tránh thai có chứa hormon sinh dục từ bên ngoài đưa vào cơ thể, giúp ức chế cơ thể tiết ra ovestrin để từ đó ức chế sự điều tiết ra FSH và metakentrin, đồng thời dẫn tới việc ức chế buồng trứng rụng trứng giúp tránh thai.
  • Thuốc làm biến đổi niêm dịch ở cổ tử cung: Chứa progestin khiến tuyến thể ở cổ tử cung bị ảnh hưởng trở nên đặc dính, làm cho tinh trùng không đi qua được và không gặp trứng,.
  • Thuốc làm thay đổi hình thái màng trong tử cung: Thuốc tránh thai chứa progestin và estrogen từ bên ngoài đưa vào và không có tính quy luật giống progestin và estrogen như cơ thể sản xuất ra trong thời kỳ kinh nguyệt bình thường, điều này khiến màng trong tử cung phát dục không tốt khiến trứng không thể làm tổ trong tử cung được.
  • Thuốc tránh thai hàng ngày: Đây là loại thuốc tránh thai phổ biến nhất, mỗi hộp liều đủ dùng trong 21 ngày, có chứa thành phần tránh thai hiệu quả, ngoài ra còn có loại có thêm 7 viên nữa là loại thuốc tránh thai 28 viên. Nhưng 7 viên này chỉ là viên kết hợp hỗ trợ chỉ chứa đường hoặc sinh tố sắt chứ không chứa thành phần tránh thai.
  • Thuốc tránh thai khẩn cấp: Là loại thuốc dành cho việc phòng ngừa mang thai ngoài ý muốn khi không kịp dùng biện pháp bảo vệ, thường sử dụng có hiệu quả trong vòng 72 giờ sau quan hệ.

Trắc nghiệm: Bạn có hiểu đúng về dấu hiệu mang thai sớm?

Các dấu hiệu mang thai sớm không phải chỉ mỗi trễ kinh mà còn có rất nhiều dấu hiệu khác như xuất huyết âm đạo, ngực căng tức,… Điểm xem bạn biết được bao nhiêu dấu hiệu mang thai sớm thông qua bài trắc nghiệm này nhé!

2. Vì sao uống thuốc tránh thai hàng ngày vẫn có bầu?

Trên thực tế, vẫn có trường hợp tránh thai thất bại mặc dù đã uống thuốc tránh thai đầy đủ bởi một số nguyên nhân sau:

2.1. Uống thuốc không đủ, không đúng cách

Uống thuốc không đủ

Nếu phụ nữ quên uống thuốc thuốc tránh thai hằng ngày, đặc biệt trường hợp quên quá 2 viên tránh thai hằng ngày mà không uống bù thuốc đúng cách và dùng thêm các biện pháp tránh thai bảo vệ không hormone khác (như bao cao su,...) thì khả năng tránh thai thất bại là rất cao.Một số phụ nữ bị nôn ói trong thời gian ngắn ngay sau khi uống thuốc mà không uống bù, bỏ thuốc giữa chừng khi đang uống, uống thuốc kèm với các thức ăn uống có thể giảm hoặc ngăn sự hấp thu thuốc. Điều này khiến cơ thể không hấp thu đủ hàm lượng thuốc cần thiết dẫn đến việc có bầu khi uống thuốc tránh thai.


Thuốc tránh thai có nhiều loại
Thuốc tránh thai có nhiều loại

Uống thuốc không đều

Uống thuốc không đều là nguyên nhân hàng đầu khiến phụ nữ đã uống thuốc tránh thai hàng ngày vẫn có bầu.

Phải uống thuốc tránh thai hằng ngày mới có thể đạt được hiệu quả cao. Phụ nữ sẽ có nguy cơ mang thai cao nếu có quan hệ tình dục và không sử dụng biện pháp ngừa thai nào trong lúc quên hoặc uống thuốc tránh thai không đều.

Tuy nhiên, thực hiện đầy đủ chuẩn theo yêu cầu này có thể sẽ hơi khó, đặc biệt là những phụ nữ bận rộn vì công việc hay con nhỏ, hay quên. Do đó, nếu thường xuyên quên thuốc, phụ nữ có thể lựa chọn các biện pháp tránh thai khác không yêu cầu phải ghi nhớ, chú ý mỗi ngày, như là que cấy tránh thai, đặt vòng tránh thai,...

Uống thuốc không đúng giờ

Để vừa đảm bảo hiệu quả mà lại giảm thiểu được tác dụng phụ của các chế phẩm ngừa thai, thì viên tránh thai hằng ngày đã được giảm liều nội tiết tố trong mỗi viên thuốc. Hàm lượng thuốc trong mỗi viên thấp hơn nên chỉ có tác dụng trong một khoảng thời gian nhất định. Do đó, ngoài việc phải uống thuốc đều đặn hàng ngày, phụ nữ nên uống thuốc ngừa thai vào một giờ cố định trong ngày để đạt được hiệu quả tốt. Nếu uống thuốc sai giờ, trong một khoảng thời gian dài thuốc không được phân bố trong cơ thể mà lại có quan hệ tình dục trong lúc này thì khả năng có thai sẽ là rất cao.

2.2. Thuốc không bảo đảm

Thuốc tránh thai nếu để quá hạn dùng, bảo quản không đúng cách... cũng có thể là nguyên nhân khiến việc tránh thai thất bại.

2.3. Tương tác với thuốc khác

Uống thuốc trong lúc đang sử dụng một số loại thuốc điều trị bệnh khác, hoặc một số loại thảo dược, thực phẩm bổ sung khác có thể gây ra tương tác làm giảm hấp thu thuốc, giảm tác dụng của thuốc.

Do vậy, trước khi dùng thêm bất kỳ loại thuốc nào khác, phụ nữ cần cho bác sĩ biết loại thuốc tránh thai mình đang dùng để xem liệu chúng có gây tương tác bất lợi cho cơ thể hay không.

Nếu có tương tác bất lợi mà buộc phải sử dụng các thuốc khác nêu trên, phụ nữ không nên lựa chọn biện pháp dùng thuốc tránh thai mà nên trao đổi với bác sĩ để được tìm được biện pháp ngừa thai khác phù hợp.


Uống thuốc tránh thai trong lúc đang sử dụng một số loại thuốc điều trị bệnh khác có thể làm giảm hoặc mất tác dụng của thuốc
Uống thuốc tránh thai trong lúc đang sử dụng một số loại thuốc điều trị bệnh khác có thể làm giảm hoặc mất tác dụng của thuốc

3. Phải làm sao nếu có bầu khi uống thuốc tránh thai

Khi đã phát hiện mình đang mang thai phải lập tức ngưng uống thuốc và khám thai kỹ để các bác sĩ sản khoa theo dõi, tư vấn thêm.

Trong trường hợp phụ nữ uống thuốc tránh thai hàng ngày vẫn có bầu thì không có chỉ định phải bỏ thai. Cho đến thời điểm hiện tại, chưa có bằng chứng gì cho thấy thai nhi bị ảnh hưởng bởi thuốc tránh thai hằng ngày.

Trường hợp phụ nữ đã uống thuốc tránh thai khẩn cấp mà vẫn có bầu, thì độ an toàn với thai nhi còn phụ thuộc vào loại thuốc đã uống:

  • Thuốc tránh thai khẩn cấp loại chứa Levonorgestrel: nếu tránh thai thất bại thì thai vẫn tương đối an toàn.
  • Thuốc tránh thai khẩn cấp loại chứa Mifepriston: Thai nhi có khả năng bị ảnh hưởng. Lúc này, phụ nữ cần đi khám chuyên khoa để được bác sĩ khám và tư vấn thêm.

Tuy nhiên, muốn giữ con và bảo đảm an toàn chắc chắn cho con thì phụ nữ cần khám thai thường xuyên, làm tất cả các xét nghiệm tầm soát dị tật thai nhi để theo dõi, xử lý kịp thời nếu có vấn đề. Chăm sóc và kiểm tra đối với lần mang thai này nên được thực hiện tại một bệnh viện chuyên khoa lớn, có đầy đủ phương tiện và công nghệ để đánh giá chặt chẽ nhất quá trình phát triển của bé trong thai kỳ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe