Dalestone D thuộc nhóm thuốc chống dị ứng, dùng trong các trường hợp quá mẫn, được chỉ định sử dụng để điều trị các bệnh liên quan như viêm mũi dị ứng, hen phế quản, viêm da, viêm phế quản.
1. Dalestone D là thuốc gì?
Dalestone D có thành phần chính là Betamethason 1,5mg và Dexclorpheniramin maleat 12mg, bào chế dưới dạng siro sử dụng để:
- Điều trị các bệnh dị ứng khi cần đến liệu pháp corticoid như hen phế quản mạn tính, viêm phế quản dị ứng, viêm mũi dị ứng.
- Điều trị bệnh viêm da dị ứng, viêm đa thần kinh, viêm da tiếp xúc, mề đay.
2. Liều lượng và cách dùng thuốc Dalestone-D
Cách dùng thuốc Dalestone-D:
- Ngày uống 2- 3 lần.
- Để phát huy hiệu quả tốt nhất của thuốc và hạn chế các tác dụng phụ lên đường ruột người bệnh nên uống trong bữa ăn hoặc uống cùng sữa.
- Liều lượng thuốc được kê sẽ dựa vào sự đáp ứng và sự dung nạp cơ thể của từng bệnh nhân. Sau khi đạt đáp ứng mong muốn, người bệnh nên giảm liều lượng dần dần cho tới khi đạt mức thấp nhất và có thể duy trì được đáp ứng lâm sàng đầy đủ.
- Người bệnh không nên sử dụng thuốc trong thời gian quá dài vì sẽ tăng khả năng nhờn thuốc.
Liều dùng thuốc Dalestone-D:
- Với người lớn và trẻ em trên 12 tuổi: Sử dụng liều lượng là 5ml (tương đương 1 thìa cafe) nhưng không được vượt quá 6 thìa mỗi ngày.
- Với trẻ em từ 6-12 tuổi sử dụng liều lượng là 2,5ml (tương đương 1 nửa thìa cafe), không được vượt quá 3 thìa mỗi ngày.
- Với trẻ em từ 2 đến dưới 6 tuổi sử dụng 1,25ml.
- Không sử dụng thuốc với các bé dưới 2 tháng tuổi.
Lưu ý:
- Liều lượng cho trẻ em và trẻ sơ sinh sẽ phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh và khả năng đáp ứng của cơ thể bệnh nhân.
- Liều lượng được chỉ định còn phụ thuộc của tuổi tác, thể trọng hoặc vào diện tích cơ thể.
3. Quá liều lượng và cách xử lý
Với Betamethason:
- Xảy ra phản ứng toàn thân do sử dụng quá liều corticosteroid bao gồm: Tăng cảm giác thèm ăn, huy động canxi và phospho kèm theo loãng xương, suy thượng thận, mất nitơ, tăng đường huyết, giảm tái tạo mô, tăng nguy cơ nhiễm khuẩn, tăng hoạt động vỏ thượng thận, rối loạn tâm thần và thần kinh, yếu cơ.
- Biện pháp điều trị: Trong trường hợp quá liều cấp, cần theo dõi điện giải đồ huyết thanh và nước tiểu, đặc biệt chú ý đến việc cân bằng natri và kali. Nếu nhiễm độc mạn, người bệnh nên giảm dần liều lượng thuốc và sau đó nên ngừng sử dụng. Một số trường hợp cần điều trị mắt cân bằng điện giải.
Với Dexclorpheniramin maleat:
- Triệu chứng khi sử dụng quá liều của dexclorpheniramin maleat: Trầm cảm và kích thích thần kinh trung ương (đặc biệt là ở trẻ em), nghiêm trọng hơn có thể gây tử vong, chóng mặt, ù tai, giảm thị giác, hạ huyết áp.
- Điều trị: Điều trị theo từng triệu chứng
4. Các tác dụng phụ có thể gặp của thuốc Dalestone D
4.1. Tác dụng phụ của thành phần Betamethason
Các tác dụng không mong muốn của Betamethason có sự ảnh hưởng của liều lượng và thời gian điều trị.
Tác dụng phụ thường gặp:
- Chuyển hoá: Giảm nồng độ kali, giữ natri, giữ nước.
- Liên quan đến nội tiết: Kinh nguyệt thất thường, phát triển hội chứng dạng Cushing, ức chế sự phát triển của thai nhi nếu sử dụng cho phụ nữ có thai, giảm dung nạp glucose, gây ra bệnh đái tháo đường nếu người bệnh đang có nguy cơ mắc bệnh, tăng nhu cầu insulin hoặc thuốc gây hạ đường huyết ở người đái tháo đường.
- Liên quan đến cơ xương: Yếu cơ, mất khối lượng cơ, loãng xương, teo da và áp xe vô khuẩn.
Phản ứng phụ ít gặp:
- Liên quan đến tâm thần: Thay đổi tâm trạng, trầm cảm nặng, mất ngủ.
- Mắt: Glocom, đục thể thủy tinh.
- Liên quan hệ tiêu hóa: Loét dạ dày và có thể sau đó bị thủng và chảy máu, viêm tụy, chướng bụng, viêm loét thực quản.
Phản ứng phụ hiếm gặp:
- Da: Gây viêm da dị ứng, nổi mày đay và phù thần kinh mạch.
- Thần kinh: Tăng áp lực nội sọ lành tính
- Phản ứng khác: Các phản ứng dạng phản vệ hoặc quá mẫn và giảm huyết áp hoặc phản ứng sốc.
4.1. Tác dụng phụ của thành phần Dexclorpheniramin maleat
Tác dụng không mong muốn và hay gặp nhất của dexclorpheniramin maleat là buồn ngủ, nhức đầu, khô miệng, khô mũi họng, hoa mắt, mệt mỏi, gây rối loạn tiêu hóa với biểu hiện ăn không ngon miệng, buồn nôn, táo bón, tiêu chảy.
5. Tương tác thuốc Dalestone D
Tương tác với Betamethason:
- Paracetamol: Corticosteroid cảm ứng với enzym gan tạo thành một chất chuyển hóa của paracetamol gây độc đối với gan. Do đó, làm tăng nguy cơ nhiễm độc gan nếu corticosteroid được dùng cùng với paracetamol ở liều cao hoặc sử dụng thuốc trong thời gian dài.
- Các loại thuốc chống đái tháo đường liều uống hoặc insulin: Glucocorticoid làm tăng nồng độ glucose nên cần thiết phải điều chỉnh liều của một trong 2 loại thuốc khi dùng đồng thời với nhau.
- Glycosid digitalis: Dùng đồng thời với glucocorticoid có thể làm tăng khả năng loạn nhịp tim hoặc gây độc tính của digitalis kèm với hạ kali huyết.
- Dùng chung với Phenobarbital, phenytoin, rifampicin hoặc ephedrin: Làm tăng chuyển hóa của corticosteroid và làm giảm tác dụng điều trị của thuốc.
- Các thuốc chống đông loại Coumarin: Khi dùng đồng thời cùng corticosteroid làm tăng hoặc giảm tác dụng chống đông, nên cần thiết phải điều chỉnh liều lượng thuốc.
- Sử dụng cùng thuốc chống viêm không steroid hoặc rượu: Khi dùng phối hợp với glucocorticoid có thể làm tăng mức độ trầm trọng của bệnh viêm loét đường tiêu hóa.
- Corticosteroid làm tăng nồng độ salicylat trong máu nên người bệnh cần phải thận trọng khi dùng phối hợp aspirin với corticosteroid trong trường hợp giảm prothrombin huyết.
Tương tác với thành phần Dexclorpheniraminmaleat:
- Thuốc ức chế mono-amino-oxydase (M4OJ): Làm kéo dài và tăng tác dụng của các thuốc kháng histamin gây hạ huyết áp nghiêm trọng.
- Dùng với thuốc chống trầm cảm 3 vòng, barbiturat hoặc các thuốc làm ức chế hệ thần kinh khác gây ra tăng tác dụng an thần của dexclorpheniramin maleat.
- Thuốc chống đông: Làm giảm công dụng của các thuốc chống đông đường uống, do bị ức chế bởi các thuốc kháng histamin.
6. Thận trọng khi dùng thuốc
Đối với Betamethason:
- Thận trọng sử dụng đối với người bệnh bị suy tim sung huyết, nhồi máu cơ tim, tăng huyết áp, đái tháo đường, động kinh, glaucom, thiểu năng tuyến giáp, suy gan, loãng xương, loét dạ dày, loạn tâm thần và suy thận.
- Với người mắc bệnh bệnh lao nếu sử dụng liệu pháp corticoid trong thời gian dài cần được theo dõi chặt chẽ và phải dùng hóa dự phòng chống lao.
- Thận trọng dùng thuốc với những người không có khả năng đáp ứng miễn dịch khi dùng corticosteroid, bởi các trường hợp này dễ mắc bệnh thủy đậu hoặc nhiễm Herpes zoster nặng.
- Không được sử dụng vaccin sống với người bệnh đang dùng liệu pháp corticoid đường toàn thân liều cao, nếu cần dùng phải sau ít nhất trong 3 tháng. Nếu người bệnh sử dụng thuốc trong thời gian dài, cần phải theo dõi sức khỏe thường xuyên.
Đối với Dexclorpheniramin maleat:
- Bệnh nhân cao tuổi có nguy cơ bị hạ huyết áp tư thế, bị chóng mặt, buồn ngủ, bị táo bón kinh niên (do có nguy cơ bị tác hoặc liệt ruột), bị sưng tuyến tiền liệt, bệnh nhân suy gan, suy thận nặng do có nguy cơ tích tụ thuốc.
- Tránh uống rượu và các thuộc chứa rượu trong thời gian điều trị.
- Sử dụng trong thời kỳ mang thai: Sử dụng corticosteroid khi mang thai hoặc ở người có đang có dự định mang thai phải cân nhắc lợi ích và nguy cơ của thuốc đối với người mẹ và thai nhi. Do đã ghi nhận các trường hợp thuốc ảnh hưởng đến cân nặng của thai nhi khi người mẹ sử dụng thuốc điều trị bằng corticosteroid trong thời gian dài. Phụ nữ trong thời kỳ mang thai phải được theo dõi cẩn thận về các dấu hiệu giảm năng tuyến thượng thận.
- Thời kỳ cho con bú: Thuốc có khả năng bài tiết vào sữa mẹ và gây ảnh hưởng không tốt cho trẻ nhỏ vì thuốc ức chế sự phát triển của bé và gây ra các tác dụng như giảm chức năng tuyến thượng thận.
Trên đây là toàn bộ thông tin về công dụng, liều dùng và lưu ý khi sử dụng thuốc Dalestone-D. Để đảm bảo an toàn cho sức khỏe và phát huy tối đa hiệu quả điều trị, bạn cần dùng thuốc Dalestone-D theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.