Viêm khớp dạng thấp là một bệnh lý tự miễn, diễn biến kéo dài với các triệu chứng nặng dần. Hậu quả của viêm khớp dạng thấp gây ra rất đa dạng, ảnh hưởng đến nhiều cơ quan khác nhau trong cơ thể và có thể để lại các di chứng nguy hiểm.
1. Bệnh viêm khớp dạng thấp có nguy hiểm không ?
Bệnh viêm khớp dạng thấp (tên tiếng anh là rheumatoid arthritis) gây nhiều hậu quả hơn ngoài triệu chứng đau khớp. Đây là bệnh lý tự miễn đặc trưng với quá trình viêm mạn tính, các khớp trong cơ thể được nhận diện như một tác nhân gây bệnh và bị tấn công bởi hệ miễn dịch. Theo hiệp hội khớp học (Arthritis Foundation), khoảng 1,5 triệu người dân Mỹ mắc bệnh viêm khớp dạng thấp. Bệnh có thể xuất hiện ở mọi độ tuổi, phổ biến nhất ở những người từ 30 đến 60 tuổi. Phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn nam giới gấp 3 lần. Nguyên nhân chính xác gây bệnh viêm khớp dạng thấp chưa được hiểu rõ. Yếu tố di truyền liên quan đến gen, nhiễm trùng hoặc sự thay đổi hóc môn có thể đóng vai trò khởi phát bệnh. Một số nhóm thuốc đặc hiệu có thể làm chậm diễn tiến của bệnh. Những loại thuốc khác được chỉ định để làm nhẹ các triệu chứng, kết hợp với sự điều chỉnh lối sống nhằm mục đích cải thiện chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Hậu quả của viêm khớp dạng thấp khá đa dạng. Bên cạnh tình trạng viêm và đau các khớp, bệnh viêm khớp dạng thấp còn có thể ảnh hưởng lên nhiều cơ quan trong cơ thể và gây ra nhiều biểu hiện khác như:
- Đau ngực: dấu hiệu gợi ý tổn thương tại phổi do viêm mãn tính.
- Đau vai: có thể kèm theo tiếng lạo xạo khi cử động, giới hạn vận động lan đến vùng cổ.
- Khó thở: phản ứng viêm trong bệnh viêm khớp dạng thấp có thể lan đến phổi, gây khó thở kèm theo ho và thở rít.
- Khô mắt: viêm khớp dạng thấp có thể gây khô mắt, cảm giác cộm và ngứa.
- Khô miệng: khô miệng kéo dài cản trở việc ăn và nuốt, dẫn đến các bệnh về lợi và nhiễm trùng trong khoang miệng.
- Tê vùng cổ tay: các khớp ở đây bị viêm, có thể gây đau, tê và dị cảm.
- Sưng đỏ và đau các ngón tay: bệnh viêm khớp dạng thấp có thể ảnh hưởng đến các khớp ngón tay, gây sưng nóng đỏ đau tại các ngón tay, đau tăng lên khi cử động.
- Yếu khớp gối: bệnh viêm khớp dạng thấp gây sưng và cứng khớp gối rõ rệt. Triệu chứng trở nên nặng hơn vào buổi sáng hoặc sau khi đứng một thời gian.
2. Ảnh hưởng đến hệ cơ xương khớp
Dấu hiệu đầu tiên của bệnh viêm khớp dạng thấp là viêm các khớp nhỏ ở bàn tay và bàn chân, xảy ra đối xứng hai bên cơ thể. Triệu chứng phổ biến bao gồm đau, sưng và cứng khớp xuất hiện vào buổi sáng. Đau khớp do bệnh viêm khớp dạng thấp vào buổi sáng có thể kéo dài ít nhất 30 phút. Bệnh viêm khớp dạng thấp cũng gây ra các rối loạn cảm giác tại các khớp kiểu nóng ran hay dị cảm. Triệu chứng có thể đến và đi trong từng đợt cấp, kéo dài ít nhất 6 tuần sau đó biến mất.
Bệnh viêm khớp dạng thấp có thể tác động lên nhiều khớp khác nhau, phổ biến là các khớp ở ngón tay, cổ tay, vai, khuỷu, hông, đầu gối, cổ chân và ngón chân.
Theo tiến triển của bệnh, sụn khớp và các đầu xương dần bị phá hủy. Thậm chí, hệ thống dây chằng nâng đỡ, gân, cơ cũng trở nên yếu và giảm chức năng. Những tác hại này có thể dẫn đến tình trạng giới hạn vận động của các khớp và khó khăn trong việc đi lại. Hậu quả cuối cùng là biến dạng các khớp.
Người mắc bệnh viêm khớp dạng thấp có nguy cơ loãng xương cao, khiến xương trở nên dễ gãy sau các chấn thương, va chạm. Quá trình viêm mạn tính ở cổ tay cũng có thể gây ra biến chứng hội chứng ống cổ tay, cản trở các động tác vùng bàn tay. Phá hủy các xương cột sống đoạn cổ dẫn đến chứng đau mạn tính.
Bác sĩ có thể yêu cầu chụp X-quang để đánh giá mức độ tổn thương của các khớp.
3. Ảnh hưởng đến hệ tuần hoàn
Bệnh viêm khớp dạng thấp có thể ảnh hưởng để hệ tuần hoàn, cơ quan có nhiệm vụ vận chuyển máu đi nuôi khắp cơ thể, gồm tim và hệ mạch máu.
Xét nghiệm máu có thể phát hiện được sự lưu hành của yếu tố dạng thấp (rheumatoid factor). Đây là một gợi ý giúp bác sĩ có thể chẩn đoán bệnh, mặc dù không phải tất cả bệnh nhân viêm khớp dạng thấp đều có chứa yếu tố này trong máu.
Viêm khớp dạng thấp làm tăng nguy cơ thiếu máu do tủy giảm sản xuất các tế bào hồng cầu.
Trong một số ít các trường hợp, bệnh viêm khớp dạng thấp có thể gây viêm màng ngoài tim, viêm cơ tim hoặc thậm chí dẫn đến suy tim sung huyết.
Biến chứng nặng khác của bệnh lên hệ tuần hoàn là phản ứng viêm của các mạch máu. Thành mạch máu trở nên yếu, phình ra hoặc thu hẹp lại gây cản trở cho việc tuần hoàn đưa máu đi nuôi cơ thể. Điều này có thể dẫn đến các vấn đề liên quan đến hệ thần kinh, da, tim, và não.
4. Ảnh hưởng lên da, mắt và miệng
Các hạch viêm trong bệnh viêm khớp dạng thấp có thể xuất hiện dưới da, ở vị trí gần các khớp. Thương tổn loại này chỉ gây khó chịu cho người bệnh, giảm tính thẩm mỹ nhưng gây đau đớn.
Theo thống kê, có khoảng 4 triệu người Mỹ mắc hội chứng Sjogren, và một nửa trong số đó cùng đồng thời mắc bệnh viêm khớp dạng thấp. Bản thân hội chứng Sjogren có khả năng gây khô mắt ở mức độ nghiêm trọng, làm tăng nguy cơ nhiễm trùng mắt và phá hủy giác mạc. Bệnh viêm khớp dạng thấp sẽ làm cho tình trạng này trở nên tồi tệ hơn thông qua phản ứng viêm tại mắt.
Người bệnh viêm khớp dạng thấp cũng có thể đối diện với tình trạng khô vùng họng và miệng, khiến cho việc nhai và nuốt thức ăn gặp nhiều khó khăn. Khô miệng kéo dài là yếu tố nguy cơ cho những bệnh lý vùng răng miệng như cao răng, viêm nướu hoặc nhiễm khuẩn vùng miệng.
5. Ảnh hưởng đến hệ hô hấp
Bệnh viêm khớp dạng thấp có thể làm tăng nguy cơ viêm nhiễm và tổn thương tại màng phổi cũng như tại nhu mô phổi. Các ảnh hưởng của bệnh lên hệ hô hấp có thể là:
- Tắc nghẽn đường thở
- Tràn dịch màng phổi
- Tăng áp động mạch phổi
- Xơ phổi
Tuy nhiên, các biến chứng tại phổi không phải lúc nào cũng biểu hiện bằng các triệu chứng trên lâm sàng như ho, khó thở, đau ngực.
6. Ảnh hưởng đến hệ miễn dịch
Hệ miễn dịch hoạt động như một hàng rào bảo vệ cơ thể khỏi những tác nhân gây bệnh từ môi trường bên ngoài như virus, vi khuẩn và các chất độc thông qua việc sản xuất ra các kháng thể đặc hiệu.
Thỉnh thoảng, hệ miễn dịch nhận diện sai các thành phần bình thường của cơ thể thành các tác nhân gây bệnh và tấn công chúng. Trong bệnh viêm khớp dạng thấp, hệ miễn dịch tấn công các khớp và gây ra tình trạng viêm cấp hoặc mạn tính trong cơ thể.
Các bệnh lý tự miễn như bệnh viêm khớp dạng thấp là bệnh mạn tính, kéo dài và các phương pháp điều trị tập trung chủ yếu vào việc làm chậm quá trình diễn tiến bệnh và giảm nhẹ các triệu chứng.
7. Ảnh hưởng đến các cơ quan khác
Triệu chứng đau trong bệnh viêm khớp dạng thấp khiến người bệnh khó chịu không ngủ được. Bệnh nhân có thể cảm thấy rất mệt mỏi và cạn kiệt năng lượng. Ở một số trường hợp, các đợt cấp của bệnh viêm khớp dạng thấp có thể sinh ra các triệu chứng giống cúm như sốt cao, vã mồ hôi, ăn uống kém ngon miệng.
Chẩn đoán và điều trị sớm có tác dụng làm chậm diễn tiến của bệnh viêm khớp dạng thấp. Thuốc tác động làm chậm tiến triển bệnh, thuốc điều trị giảm nhẹ triệu chứng và các biện pháp thay đổi lối sống phối hợp cùng nhau có thể cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống của người bệnh. Bệnh nhân mắc bệnh viêm khớp dạng thấp cần theo dõi và trao đổi ngay với bác sĩ nếu có bất kỳ thay đổi nào trong các triệu chứng để có thể thay đổi kế hoạch điều trị kịp thời.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là bệnh viện đa khoa có chức năng thăm khám và điều trị các bệnh lý tự miễn, cơ xương khớp, di truyền,... Tại Vinmec cũng đã thực hiện chẩn đoán, điều trị bệnh bằng các phương pháp y học hiện đại không chỉ đem lại hiệu quả cao mà còn hạn chế tối đa biến chứng bệnh tái phát. Có được thành công lớn là bởi Vinmec luôn trang bị đầy đủ cơ sở vật chất hiện đại, các quy trình thăm khám, điều trị được thực hiện bởi đội ngũ bác sĩ giàu chuyên môn, kinh nghiệm sẽ đem lại kết quả điều trị bệnh tối ưu cho Quý khách hàng.
Để đăng ký khám và điều trị bệnh tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, Quý Khách có thể liên hệ Hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc, hoặc đăng ký khám trực tuyến TẠI ĐÂY.