Dễ tức giận, lo lắng, mất tập trung, đau đầu mệt mỏi, bức bối tay chân,... là các triệu chứng tiền kinh nguyệt mà có khá nhiều phụ nữ gặp phải. Theo đó, các rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt cũng là một vấn đề sức khỏe tương tự hội chứng tiền kinh nguyệt nhưng chúng có mức độ nghiêm trọng hơn.
Có khoảng 20-40 % phụ nữ phải trải qua các triệu chứng tiền kinh nguyệt từ mức độ nhẹ đến nặng. Thực tế, hội chứng tiền kinh nguyệt và rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt đều là các vấn đề sức khỏe cần quan tâm nhưng chúng có mức độ nghiêm trọng khác nhau. Cả 2 tình trạng bệnh này đều có các triệu chứng rối loạn cảm xúc, hành vi và/ hoặc các rối loạn về thể chất, nhưng rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt gây ra sự thay đổi tâm trạng mạnh và có thể làm gián đoạn cuộc sống hàng ngày thậm chí là làm hỏng các mối quan hệ. Cùng tìm hiểu rõ hơn về rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt trong bài viết dưới đây.
1. Triệu chứng của rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt
Các triệu chứng của rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt thường bắt đầu từ vài tuần trước khi hành kinh và kết thúc khi bắt đầu hành kinh hoặc có thể tồn tại cho đến sau kỳ kinh đối với phụ nữ tiền mãn kinh. Hầu hết thời gian chúng đều nghiêm trọng và khiến người bệnh mệt mỏi, không thể thực hiện các hoạt động hàng ngày.
Các triệu chứng tiền kinh nguyệt bao gồm 3 nhóm sau đây:
Các triệu chứng tiền kinh nguyệt liên quan đến sự rối loạn về cảm xúc:
- Trầm cảm hoặc cảm giác tuyệt vọng
- Giận dữ và xung đột với người khác
- Căng thẳng, lo lắng và cáu kỉnh
- Mất ngủ
- Hay quên
- Lú lẫn
Các triệu chứng tiền kinh nguyệt liên quan đến rối loạn về hành vi:
- Mất tập trung
- Mệt mỏi
- Thay đổi cảm giác thèm ăn
- Cảm thấy mất kiểm soát
Các triệu chứng tiền kinh nguyệt liên quan đến rối loạn về thể chất:
- Chuột rút và đầy hơi
- Phù, căng tức vú, tăng cân nhanh do giữ nước
- Nhức đầu
- Đau khớp hoặc cơ
- Nóng bừng
- Mụn trứng cá
2. Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ của rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt
Nguyên nhân dẫn đến rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt không rõ ràng. Nguyên nhân có thể gây ra hoặc là yếu tố góp phần tăng nguy cơ mắc rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt bao gồm:
2.1 Các thay đổi hormon
- Tăng prolactin máu
- Sự đáp ứng bất thường với estrogen và progesterone
- Sự tăng hoạt động của hormon ADH hoặc aldosterone
Sự thay đổi hormone estrogen và progesterone về nồng độ liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt ở phụ nữ. Nhiều tác giả cho rằng chính sự giảm nồng độ hormone Estrogen kèm theo tăng nồng độ Progesterone đã dẫn tới các rối loạn này. Ngoài ra, sự thay đổi hormone estrogen và progesterone còn có thể gây giữ dịch tạm thời, giống như thừa aldosterone hoặc ADH.
2.2 Thiếu serotonin
Một số tế bào não sử dụng serotonin cũng kiểm soát tâm trạng, sự chú ý, giấc ngủ và cơn đau. Đã có một số nghiên cứu cho thấy sự thay đổi hormone ở nữ có thể làm giảm lượng serotonin, dẫn đến các triệu chứng PMDD và khi sử dụng nhóm thuốc SSRI (làm tăng serotonin) đôi khi làm giảm các triệu chứng của rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt.
Ngoài ra, nguyên nhân và yếu tố nguy cơ của rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt còn do tình trạng thiếu magie, canxi và do các yếu tố di truyền.
3. Chẩn đoán rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt
Để chẩn đoán xác định rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt bác sĩ sẽ yêu cầu bệnh nhân theo dõi đánh giá các triệu chứng của mình hàng ngày trong từ 2 chu kỳ trở lên.
Người bệnh phải có ≥ 5 trong số các triệu chứng sau trong hầu hết tuần trước khi có kinh và các triệu chứng phải còn ít nhất hoặc mất hoàn toàn trong tuần sau khi có kinh nguyệt. Triệu chứng phải bao gồm ít nhất một trong những mục sau đây:
- Tâm trạng thay đổi rõ rệt
- Tức giận, cáu kỉnh rõ ràng hoặc dễ gây mâu thuẫn với người khác
- Cảm giác tuyệt vọng chán nản và những suy nghĩ kiềm chế bản thân
- Căng thẳng, lo lắng
Ngoài ra, phải có ít nhất một trong số những biểu hiện dưới đây:
- Giảm quan tâm tới các hoạt động bình thường
- Kém tập trung
- Năng lượng giảm hay mệt mỏi
- Sự thay đổi về cảm giác thèm ăn
- Rối loạn giấc ngủ
- Cảm giác choáng ngợp, mất kiểm soát
- Các triệu chứng thể chất liên quan như vú căng đau, phù nề
Các triệu chứng trên phải xuất hiện trong hầu hết 12 tháng trước đó, và các triệu chứng phải đủ nghiêm trọng và can thiệp vào các hoạt động và chức năng hàng ngày.
4. Điều trị rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt
4.1 Thuốc chống trầm cảm
Các chất ức chế giải phóng serotonin chọn lọc (SSRIs) có thể làm giảm các rối loạn cảm xúc và các triệu chứng tiền kinh nguyệt khác như mệt mỏi, thèm ăn và các rối loạn giấc ngủ. Các SSRI hiệu quả bao gồm fluoxetine, sertraline, paroxetine và citalopram. Những loại thuốc này có thể được kê toa liên tục hoặc chỉ trong khoảng thời gian giữa ngày rụng trứng và bắt đầu kỳ kinh - giai đoạn hoàng thể 14 ngày sau của chu kỳ kinh nguyệt.
4.2 Liệu pháp hormone
Ở các phụ nữ, liệu pháp hormone có hiệu quả, các lựa chọn thuốc bao gồm: Thuốc tránh thai uống, progesterone bằng thuốc đặt âm đạo, progestogen uống, progestin tác dụng kéo dài
4.3 Thuốc chống viêm
Một số loại thuốc giảm đau không kê đơn như aspirin, ibuprofen và thuốc chống viêm không steroid ( NSAID ) có thể làm dịu các triệu chứng tiền kinh nguyệt như đau đầu, căng ngực, đau lưng và chuột rút.
4.4 Bổ sung dinh dưỡng
Bổ sung 1.200 miligam canxi mỗi ngày có thể làm giảm các triệu chứng rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt. Vitamin B6, magie và L-tryptophan cũng có thể hữu ích, nhưng hãy trao đổi với bác sĩ để được tư vấn trước khi dùng bất kỳ chất bổ sung nào.
4.5 Liệu pháp trị liệu tâm lý
Liệu pháp nhóm đồng đẳng, liệu pháp nhận thức hành vi có thể giúp người bị rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt cải thiện được triệu chứng của mình. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng liệu pháp hành vi nhận thức có thể làm giảm đáng kể các triệu chứng tiền kinh nguyệt so với nhóm chứng.
4.6 Bấm huyệt
Bấm huyệt có tác dụng nhất định trong việc giảm các triệu chứng. Bấm huyệt liên quan đến việc ấn nhân tạo lên các vùng phản xạ cụ thể trên cơ thể.
4.7 Liệu pháp thư giãn, xoa bóp
Liệu pháp thư giãn cơ và đọc tạp chí giải trí có thể làm giảm đáng kể các triệu chứng thể chất. Liệu pháp thư giãn cơ và liệu pháp xoa bóp có thể cải thiện các triệu chứng ban đầu. Hầu hết mọi người sử dụng liệu pháp thư giãn như một phương pháp điều trị bổ sung cho các phương pháp điều trị khác.
4.8 Phẫu thuật
Ở những bệnh nhân có triệu chứng nặng không thể điều hòa được bằng thuốc và các phương pháp khác hoặc bị quá nhiều tác dụng phụ cần cân nhắc đến lựa chọn phẫu thuật cắt buồng trứng hai bên.
5. Điều trị rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt theo Y học cổ truyền
Y học cổ truyền không có tên gọi rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt nhưng vẫn có đề cập đến các chứng bất thường trước sau kỳ kinh và cũng bao gồm các rối loạn về cảm xúc, thể chất và hành vi tương tự như trong PMDD. Có 6 thể bệnh và bài thuốc cơ bản để điều trị, nhưng còn tùy thuộc vào tình trạng mỗi bệnh nhân mà thầy thuốc có sự gia giảm bài thuốc phù hợp:
5.1 Can khí uất trệ
- Triệu chứng: Đau vú trước kỳ kinh, trướng hoặc nổi cục, chướng bụng và đau cả hai bên sườn, bứt rứt, tinh thần suy nhược, hay thở dài, thậm chí bứt rứt ngồi không yên, mất ngủ, nhức đầu dữ dội, sưng phù tay chân, rêu lưỡi trắng, mạch huyền hoặc huyền hoạt.
- Phép trị: Sơ can lí khí
- Bài thuốc: Sài hồ sơ can tán gia vị
5.2 Huyết ứ
- Triệu chứng: đau đầu dữ dội thời kỳ tiền kinh, hay đau thắt lưng và khớp gối, gặp nóng giảm đau gặp lạnh đau tăng, hoặc sốt khi hành kinh, đau bụng, chân tay phù nề, cử động khó khăn, sắc kinh đậm màu có cục, chất lưỡi tím sẫm hoặc có điểm ứ huyết, mạch huyền sáp.
- Phép trị: Lý khí hoạt huyết hóa ứ thông lạc
- Bài thuốc: Huyết phủ trục ứ thang gia giảm
5.3 Huyết hư
- Triệu chứng: chóng mặt và nhức đầu trong hoặc sau khi hành kinh, đánh trống ngực, thiếu ngủ, tinh thần mệt mỏi, hay đau tê mỏi toàn thân, yếu tay chân, hay sốt, đổ mồ hôi trộm, khó thở và ngại nói, kinh lượng ít, sắc nhạt và, chất lưỡi đỏ nhạt, rêu trắng, mạch vi nhược.
- Phép trị: Ích khí dưỡng huyết
- Bài thuốc: bát trân thang
5.4 Tỳ hư
- Triệu chứng: sưng phù chân tay khi hành kinh, chướng bụng, chán ăn, phân lỏng, hay chóng mặt trước và sau kỳ kinh, tức ngực và buồn nôn, kinh nguyệt ra nhiều, sắc mặt nhợt nhạt, chất lưỡi hồng nhợt, rêu lưỡi trắng trơn mạch nhu hoạt hoặc trầm hoãn.
- Phép trị: Kiện tỳ ôn dương lợi thủy
- Bài thuốc: Linh quế truật cam thang gia vị
5.5 Thận dương hư
- Triệu chứng: chân tay phù nề khi hành kinh, đau mỏi thắt lưng và đầu gối, phân lỏng, chân tay lạnh, tiểu ít, kinh nguyệt ra nhiều, chất màu nhạt và loãng, chất lưỡi nhợt rêu trắng, và mạch trầm trì.
- Phép trị: Ôn thận trợ dương lợi thủy
- Bài thuốc: Chân vũ thang gia vị
5.6 Thận âm hư
- Triệu chứng: trong hoặc sau khi hành kinh đổ mồ hôi ban đêm, chóng mặt, đau và yếu thắt lưng, đầu gối, hay sưng vú, hay mòn lưỡi, miệng họng khô rát, hay khàn giọng, bứt rứt, nóng trong người, ngũ tâm phiền nhiệt, kinh nguyệt trước kỳ lượng ít sắc hồng hoặc kinh kéo dài, chất lưỡi đỏ, rêu ít, mạch tế sác.
- Phép trị: Tư thận dưỡng âm
- Bài thuốc: Tả quy hoàn
Có thể nói các rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt có ảnh hưởng rất lớn đến đời sống cũng như sức khỏe của chị em phụ nữ. Vì thế, khi xuất hiện các triệu chứng của căn bệnh này thì bạn nên sớm đến các trung tâm y tế để thăm khám và được bác sĩ tư vấn về phác đồ điều trị.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.