Tầm soát ung thư đại trực tràng là một biện pháp quan trọng giúp phát hiện bệnh sớm, từ đó tăng cơ hội điều trị thành công. Mỗi phương pháp có những ưu và nhược điểm riêng, phù hợp với đối tượng bệnh nhân khác nhau. Bài viết này sẽ phân tích chi tiết các phương pháp tầm soát ung thư đại tràng giúp người đọc hiểu rõ về lợi ích và hạn chế của từng phương pháp.
Bài viết được viết bởi Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Thị Minh Thuyên - Bác sĩ Giải phẫu bệnh, Khoa giải phẫu bệnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
1. Vì sao nên thực hiện tầm soát ung thư đại trực tràng
Ung thư đại trực tràng thường không có triệu chứng rõ rệt ở giai đoạn đầu, khiến nhiều người bệnh dễ bỏ qua và nhầm lẫn với các bệnh tiêu hóa thông thường. Để ngăn ngừa tình trạng bệnh nghiêm trọng, các bác sĩ khuyến nghị nên thực hiện tầm soát ung thư đại trực tràng định kỳ, ngay cả khi chưa có triệu chứng. Việc phát hiện sớm ung thư đại trực tràng có thể nâng cao tỷ lệ chữa khỏi lên đến 90% nhờ vào các phương pháp điều trị kết hợp cùng chế độ dinh dưỡng phù hợp.
Tầm soát không chỉ giúp phát hiện sớm bệnh ung thư mà còn có thể phát hiện polyp đại trực tràng. Khi phát hiện polyp, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật nội soi để cắt bỏ, từ đó ngăn chặn sự phát triển thành ung thư.
2. Ai cần thực hiện tầm soát ung thư đại tràng
Nhóm người sau đây nên thực hiện tầm soát ung thư đại trực tràng:
- Người ở độ tuổi 50 trở lên.
- Người có thói quen sử dụng rượu bia, thuốc lá.
- Người có tiền sử về bệnh đại trực tràng như viêm ruột mạn tính, viêm loét đại tràng, viêm loét tá tràng và bệnh Crohn.
- Người đã có polyp đại tràng hoặc từng phẫu thuật cắt polyp.
- Người có tiền sử gia đình mắc polyp hoặc ung thư đường tiêu hóa.
- Người béo phì, ít vận động và có chế độ ăn uống không lành mạnh như thiếu chất xơ, rau xanh, trái cây, lạm dụng chất béo, muối, thực phẩm chế biến sẵn, thực phẩm ngâm chua và xông khói có thể làm tăng nguy cơ ung thư.
- Nếu gặp các triệu chứng như rối loạn tiêu hóa kéo dài, khó tiêu, đầy hơi, đau bụng, đi ngoài ra máu, phân hẹp hơn bình thường, chán ăn, sụt cân nhanh, và mệt mỏi.
Một số triệu chứng của ung thư đại trực tràng có thể tương tự như các bệnh lý khác. Vì vậy, nếu gặp phải những dấu hiệu này, mọi người hãy đến cơ sở y tế để được kiểm tra chuyên sâu.
3. Các phương pháp tầm soát ung thư đại trực tràng
3.1 Tầm soát ung thư đại trực tràng qua xét nghiệm phân
Các xét nghiệm phân kiểm tra mẫu phân để tìm dấu hiệu ung thư, ít xâm lấn và dễ thực hiện. Các xét nghiệm này bao gồm xét nghiệm tìm máu ẩn trong phân và xét nghiệm DNA phân.
- Đối với xét nghiệm tìm máu ẩn trong phân: bác sĩ sẽ kiểm tra mẫu phân để phát hiện các dấu hiệu có thể liên quan đến ung thư đại trực tràng (hoặc polyp). Đây là những xét nghiệm đơn giản, có thể thực hiện tại nhà, nhưng cần phải thực hiện đều đặn hàng năm. Nếu kết quả xét nghiệm phân dương tính (có bất thường), người bệnh sẽ cần nội soi để kiểm tra chi tiết hơn.
- Đối với xét nghiệm DNA phân: Các tế bào ung thư hoặc polyp thường có các đột biến DNA ở một số gen nhất định. Vì thế việc xét nghiệm DNA phân giúp phát hiện những bất thường này từ các tế bào ung thư hoặc polyp. Thử nghiệm này nên được thực hiện mỗi ba năm. Tương tự như xét nghiệm tìm máu ẩn trong phân, người bệnh vẫn phải thực hiện nội soi nếu có kết quả dương tính.
3.2 Các xét nghiệm trực quan (cấu trúc)
Những xét nghiệm này giúp kiểm tra cấu trúc của đại trực tràng để tìm các vùng bất thường. Kỹ thuật được thực hiện bằng cách sử dụng một ống soi (một dụng cụ dạng ống mềm có gắn máy quay video nhỏ) hoặc bằng các xét nghiệm hình ảnh như X-quang đặc biệt.
3.2.1. Tầm soát ung thư đại trực tràng bằng nội soi
Bác sĩ quan sát toàn bộ chiều dài của đại tràng và trực tràng bằng ống nội soi - một ống linh hoạt có đường kính cỡ bằng ngón tay, với một máy quay video nhỏ và nhẹ ở đầu. Ống được đưa vào qua hậu môn vào trực tràng và đại tràng. Các dụng cụ đặc biệt có thể được đưa qua ống nội soi để sinh thiết (lấy mẫu bệnh phẩm) ở bất kỳ vùng nào có tổn thương nghi ngờ.
Để chuẩn bị cho quá trình nội soi người bệnh sẽ cần phải thực hiện những điều sau:
- Trước khi thực hiện nội soi, người bệnh cần cho bác sĩ biết về bất kỳ loại thuốc đang dùng (bao gồm cả aspirin, vitamin hoặc thuốc bổ trợ), và có thể cần thay đổi cách dùng thuốc trước khi nội soi.
- Đại tràng và trực tràng cần được làm sạch hoàn toàn để bác sĩ có thể quan sát kỹ lớp niêm mạc bên trong. Bệnh nhân có thể phải uống một lượng lớn dung dịch nhuận tràng vào tối trước ngày thực hiện thủ thuật và điều này sẽ khiến họ cần đi vệ sinh nhiều lần. Ngoài ra, bệnh nhân sẽ được yêu cầu không ăn uống gì trong một khoảng thời gian nhất định trước khi thực hiện nội soi.
Thông thường thủ thuật nội soi sẽ kéo dài khoảng 30 phút, tuy nhiên có thể mất thời gian lâu hơn nếu bác sĩ phát hiện các polyp và cần phải cắt bỏ. Dưới đây là các bước trong quá trình thực hiện nội soi đại tràng:
- Người bệnh sẽ được yêu cầu nằm nghiêng, kéo đầu gối lên và được phủ bởi một tấm drap. Trong suốt thủ thuật và sau đó, các chỉ số như huyết áp, nhịp tim, và nhịp thở của bệnh nhân sẽ được kiểm soát chặt chẽ.
- Tiếp đó bác sĩ sẽ đưa khí vào đại tràng qua ống nội soi để giúp quan sát niêm mạc đại tràng rõ ràng hơn. Các dụng cụ chuyên dụng sẽ được sử dụng thông qua ống nội soi để thực hiện các thủ thuật cần thiết, như cắt bỏ polyp hoặc lấy mẫu sinh thiết từ các vùng có tổn thương bất thường.
- Mọi mẫu thu được sẽ được gửi đến phòng xét nghiệm giải phẫu bệnh để phân tích và xác định tính chất của tổn thương, có thể là lành tính, ác tính hoặc các loại tổn thương khác.
Một vài tác dụng phụ và biến chứng tiềm ẩn sau khi thực hiện nội soi bao gồm:
- Việc chuẩn bị ruột trước khi thực hiện nội soi có thể gây cảm giác khó chịu cho người bệnh
- Trong quá trình nội soi, không khí được bơm vào ruột để tăng khả năng quan sát. Điều này có thể khiến bệnh nhân cảm thấy đầy hơi, đau bụng, hoặc có chuột rút sau thủ thuật. Những cảm giác này thường giảm dần và hết hẳn khi không khí được thải ra khỏi cơ thể
- Nếu có cắt bỏ polyp hoặc lấy mẫu sinh thiết trong quá trình nội soi, một lượng nhỏ máu có thể xuất hiện trong phân trong một hoặc hai ngày sau thủ thuật.
- Mặc dù hiếm gặp, nhưng các biến chứng nghiêm trọng như đau bụng dữ dội, buồn nôn và nôn vẫn có thể xảy ra. Những triệu chứng này có thể là dấu hiệu của một vấn đề nghiêm trọng hơn như nhiễm trùng hoặc thủng ruột, đòi hỏi can thiệp phẫu thuật khẩn cấp. Bệnh nhân nên thảo luận với bác sĩ về các rủi ro và biện pháp phòng ngừa có thể áp dụng
3.2.2. Chụp cắt lớp đại tràng (nội soi ảo)
Chụp CT sử dụng tia X, nhưng thay vì chỉ chụp một ảnh như tia X thông thường, máy quét CT sẽ chụp nhiều ảnh liên tiếp khi người bệnh nằm trên bàn quét. Sau đó, một máy tính sẽ tổng hợp những hình ảnh này thành một hình ảnh chi tiết, hiển thị từng bộ phận của cơ thể.
Xét nghiệm này rất hữu ích đối với những người không thể hoặc không muốn thực hiện các xét nghiệm xâm lấn hơn như nội soi. Chụp CT có thể được thực hiện nhanh chóng và không yêu cầu sử dụng thuốc an thần.
Tuy phương pháp tầm soát ung thư đại trực tràng này ít xâm lấn hơn so với nội soi nhưng người bệnh vẫn cần chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi thực hiện. Trong trường hợp phát hiện ra polyp hoặc các tổn thương khác có dấu hiệu bất thường, bệnh nhân vẫn sẽ cần tiến hành nội soi để có thể lấy mẫu sinh thiết và thực hiện đánh giá chính xác hơn về tình trạng sức khỏe của người bệnh. Để chuẩn bị cho phương pháp xét nghiệm đại tràng, người bệnh cần chuẩn bị những điều sau:
- Việc làm trống đại tràng và trực tràng trước khi chụp CT là điều cần thiết để đảm bảo hình ảnh chụp được chính xác và rõ ràng nhất.
- Quá trình chuẩn bị ruột cho chụp CT thường tương tự như chuẩn bị cho nội soi, bao gồm việc sử dụng dung dịch nhuận tràng để làm sạch đường tiêu hóa, giúp loại bỏ chất thải và khí thừa trong ruột.
Quá trình chụp CT đại tràng thường được tiến hành trong một phòng chụp chuyên dụng với máy chụp CT hiện đại, mất khoảng 10 phút. Dưới đây là các bước thực hiện xét nghiệm ung thư đại tràng bằng hình ảnh:
- Để cải thiện chất lượng hình ảnh, người bệnh có thể được yêu cầu uống một dung dịch cản quang trước khi chụp, giúp các cấu trúc trong đại tràng hiển thị rõ ràng hơn trên hình ảnh CT.
- Trong quá trình chụp, người bệnh sẽ nằm trên một bàn hẹp (một bộ phận có trong máy CT). Để giúp bác sĩ quan sát tốt hơn, một ống nhỏ và di động sẽ được đặt vào trực tràng của người bệnh, và không khí sẽ được bơm qua ống này vào đại tràng để mở rộng và giúp cải thiện khả năng quan sát.
- Sau khi chuẩn bị xong, bệnh nhân sẽ được yêu cầu trượt vào bên trong máy quét và nín thở trong khoảng 15 giây trong khi máy quét hoạt động.
- Ngoài ra, bác sĩ có thể yêu cầu người bệnh thay đổi tư thế chụp, như nằm ngửa, nằm sấp, hoặc nằm nghiêng, để có được những góc chụp khác nhau và tối ưu hóa chất lượng hình ảnh thu được.
Chụp CT đại tràng để tầm soát ung thư đại trực tràng thường gây ít tác dụng phụ hơn so với nội soi. Một số tác dụng phụ và biến chứng có thể xảy ra bao gồm:
- Người bệnh có thể cảm thấy đầy hơi hoặc bị chuột rút do không khí được bơm vào đại tràng và trực tràng để giúp mở rộng và quan sát tốt hơn. Tuy nhiên, cảm giác này thường sẽ giảm dần và biến mất khi không khí thoát ra ngoài cơ thể.
- Mặc dù có rủi ro rất nhỏ không khí có thể làm tổn thương hoặc thủng ruột, nhưng nguy cơ này được cho là ít hơn nhiều so với khi thực hiện nội soi.
- Tương tự như các loại chụp CT khác, kỹ thuật này sử dụng một lượng nhỏ tia X, vì vậy người chụp CT sẽ phải chịu một mức độ phơi nhiễm tia X nhất định. Tuy nhiên, lợi ích của việc chẩn đoán chính xác thường được coi là lớn hơn rủi ro từ tia X.
Mọi thắc mắc về xét nghiệm và điều trị ung thư, quý khách hàng nên trao đổi trực tiếp với bác sĩ chuyên khoa tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec. Bệnh viện cung cấp nhiều gói tầm soát sàng lọc ung thư, bao gồm: Gói tầm soát ung thư phổi, Gói tầm soát ung thư vú, Gói tầm soát ung thư dạ dày và Gói tầm soát ung thư đại tràng. Những gói tầm soát này giúp khách hàng chủ động kiểm tra sức khỏe và phòng tránh ung thư.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Bài viết tham khảo nguồn: Hiệp hội ung thư Hoa Kỳ
XEM THÊM:
- Có những cách nào tầm soát ung thư đại trực tràng?
- Các biện pháp chẩn đoán ung thư đại tràng
- Vai trò của sinh thiết đại tràng trong chẩn đoán ung thư đại tràng