Bài viết được viết bởi ThS.BS Trần Thị Vượng - Bác sĩ Vi sinh - Khoa Xét nghiệm - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.
Sán lá gan nhỏ là sinh vật ký sinh và gây bệnh cho người. Chúng xâm nhập từ đường tiêu hóa và có thể lan tràn đến nhiều cơ quan khác trong cơ thể bao gồm não bộ với số lượng vô cùng lớn. Soi tươi là phương pháp chẩn đoán sán lá gan nhỏ nhưng độ nhạy không cao, do đó các bác sĩ sẽ chỉ định nhiều phương pháp bổ sung để chẩn đoán, điều trị và theo dõi bệnh.
1. Đặc điểm sinh học
Sán lá gan nhỏ là loại ký sinh trùng có hình dạng giống chiếc lá, mỏng và dẹt, màu đỏ nhạt. Sán trưởng thành có chiều dài khoảng 10 – 12 mm, rộng khoảng 3 – 5 mm, có hai mồm hút. Một mồm hút phía trước, thông với đường tiêu hóa, đường kính khoảng 600 micromet (μm), mồm hút phía sau (mồm hút bùng) có đường kính khoảng 500 micromet (μm). Ống tiêu hóa chạy dọc hai bên thân sán và là ống tắc, không nối thông với nhau. Khi còn sống, sán lá gan trong suốt thấy rõ các thành phần bên trong, phía đầu có giác miệng. Trứng sán lá gan có kích thước nhỏ khoảng 30 micromet, màu vàng nâu và có nắp nhỏ ở một cực. Loại sán lá gan nhỏ gây bệnh phổ biến ở nước ta có tên gọi là Clonorchis sinensis.
2. Chu kỳ sống của sán lá gan nhỏ
Chu kỳ sán lá khá phức tạp, muốn hoàn thành chu kỳ phát triển, sán phải qua nhiều vật chủ trung gian khác nhau. Có 3 vật chủ là: ốc, cá, người.
Người nhiễm bệnh sán lá khi ăn gỏi cá, ăn cá chưa nấu chín hoặc sống ở trong vùng có tập quán ăn gỏi cá có ấu trùng sán lá. Người (hoặc động vật) ăn phải cá có ấu trùng nang chưa được nấu chín thì sau khi ăn, ấu trùng này vào dạ dày, xuống tá tràng rồi ngược theo đường mật lên gan, phát triển thành sán lá gan trưởng thành ký sinh và gây bệnh ở đường mật. Thời gian từ khi ăn phải ấu trùng nang trong cá đến khi thành sán trưởng thành mất khoảng 26 ngày. Trứng sán lá gan nhỏ theo phân người được thải vào môi trường bên ngoài. Gặp môi trường nước, trứng sán nở thành các ấu trùng lông ký sinh ở ốc. Ấu trùng lông phát triển thành ấu trùng có đuôi, rời khỏi ốc và đến ký sinh ở loài cá. Người và các loài động vật khác ăn phải cá chứa ấu trùng sán lá gan nhỏ chưa được chế biến kỹ trở thành vật chủ mới và nhiễm bệnh, trong đó người là vật chủ chính. Chu kỳ phát triển và gây bệnh của sán lá gan lại tiếp tục phát triển lặp lại và tạo thành một chu kỳ khép kín.
3. Bệnh sán lá gan nhỏ và biểu hiện lâm sàng
Sán lá gan nhỏ là một loại ký sinh trùng gây bệnh ở người khi xâm nhập qua đường tiêu hóa và lan tràn đến nhiều cơ quan khác nhau trong cơ thể với số lượng có thể lên đến hàng ngàn con. Trong môi trường tự nhiên, sán lá gan nhỏ ký sinh ở các loài động vật khác ở môi trường nước như ốc, cá ... Sán lá gan nhỏ được tìm thấy ở nhiều nơi trên thế giới, riêng ở Việt Nam chúng gây bệnh nhiều ở khu vực các tỉnh miền Bắc.
Triệu chứng lâm sàng của bệnh sán lá gan nhỏ phụ thuộc vào cường độ nhiễm và phản ứng của vật chủ.
Trong trường hợp nhiễm ít, có khi không có triệu chứng gì đặc biệt. Với những trường hợp nhiễm trên 100 sán, triệu chứng xuất hiện rõ.
- Đường xâm nhập: qua ăn uống
- Yếu tố nguy cơ: tạp quán ăn gỏi cá.
- Giai đoạn khởi phát: bệnh nhân thường rối loạn dạ dày, ruột, chán ăn, ăn không tiêu, buồn nôn, đau âm ỉ vùng an, ỉa chảy và táo bón bất thường. Trong giai đoạn này, có thể phát ban, nổi mẩn, bạch cầu ái toan tăng đột ngột.
- Giai đoạn toàn phát: Khi bệnh tiến triển đến giai đoạn này, các biểu hiện lâm sàng cũng xuất hiện đa dạng và nặng nề hơn. Người bệnh phải đối diện với những cơn đau ở mức độ cao hơn, xuất hiện vàng da, vàng mắt, tắc mật, thiếu máu, phù nề. Các triệu chứng toàn thân như suy kiệt, sốt thất thường, sụt cân cũng có thể đi kèm nếu có các biến chứng nhiễm trùng đường mật do vi khuẩn.
Biến chứng nặng nề nhất mà sán lá gan nhỏ có thể gây ra là ung thư đường mật và xơ gan.
4. Chẩn đoán sán lá gan nhỏ bằng xét nghiệm gì?
Có nhiều phương pháp để tìm kiếm sự hiện diện của sán lá gan nhỏ gây bệnh, phổ biến gồm những cách sau:
- Soi tươi phân: đây là phương pháp đơn giản và có thể được thực hiện ở nhiều cơ sở y tế khác nhau. Người bệnh được yêu cầu lấy một mẫu phân liên tục trong vòng ít nhất 3 ngày để mang đi soi tươi tìm kiếm trứng sán lá gan nhỏ. Việc lấy nhiều mẫu xét nghiệm làm tăng khả năng phát hiện được trứng sán lá gan nhỏ. Tuy nhiên, độ nhạy của xét nghiệm soi phân tìm trứng sán không cao. Việc thực hiện lấy mẫu và bảo quản mẫu cần được tiến hành theo đúng quy trình, tuân theo chu kỳ sinh sản của sán lá gan nhỏ và thời gian giữ mẫu phân không nên quá 4 giờ.
- Soi tươi dịch mật hoặc dịch tá tràng: ít được chỉ định hơn vì khó lấy mẫu nhưng tỷ lệ phát hiện bệnh cao hơn. Người bệnh được tiến hành nội soi lấy dịch tá tràng, dịch mật đem soi tươi tìm trứng sán lá gan nhỏ hoặc con sán trưởng thành.
- Xét nghiệm máu: đây là xét nghiệm nhằm mục đích phát hiện kháng thể chống lại sán lá gan nhỏ từ cơ thể người bệnh sản xuất ra, dựa trên phương pháp ELISA. Có hai loại kháng thể chính: kháng thể IgM xuất hiện sớm sau khi sán xâm nhập và gây bệnh gợi ý cho một tình trạng nhiễm cấp, kháng thể IgG xuất hiện muộn hơn và tồn tại trong thời gian kéo dài nên hướng tới một tình trạng nhiễm mạn tính. Độ đặc hiệu và độ nhạy của phương pháp này khá cao, trên 85%, tuy nhiên không phải là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán bệnh.
Ngoài ra, các phương pháp chẩn đoán hình ảnh như siêu âm bụng, chụp cắt lớp vi tính ổ bụng, sọ não, chụp X-quang đường mật cũng đóng góp vai trò vào việc chẩn đoán bệnh với các hình ảnh nang sán, thậm chí sán trưởng thành ở các tổ chức.
5. Phòng ngừa bệnh sán lá gan nhỏ
Sán lá gan nhỏ là bệnh lý truyền nhiễm có thể gây ra những biến chứng nặng nề nếu sán lan tràn và gây bệnh tại hệ thần kinh trung ương như não bộ. Phòng chống sán lá gan nhỏ đã được đưa vào chương trình Phòng chống giun sán quốc gia. Bệnh sán lá gan nhỏ là bệnh lý có thể được phòng ngừa một cách có hiệu quả nếu thực hiện tốt các biện pháp sau:
- Thực hành ăn chín uống sôi, không ăn các thực phẩm tái sống, đặc biệt là các loại cá và ốc.
- Nguồn nước sử dụng trong sinh hoạt phải sạch sẽ, được tiệt khuẩn đúng quy trình.
- Hình thành thói quen rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
- Chất thải của con người cần được thu gom và xử lý có hệ thống.
Sán lá gan nhỏ là một bệnh thường gặp ở nước ta, đặc biệt ở một số địa phương tỷ lệ mắc bệnh sán lá gan nhỏ chiếm đến 30% dân số. Bệnh sán lá gan nhỏ nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người bệnh. Do đó, khi xuất hiện các dấu hiệu của bệnh, bạn nên đến các trung tâm y tế để thăm khám và điều trị.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.