Viêm gân Achilles - gân gót ở người chơi thể thao

Bài viết bởi Bác sĩ Bùi Hạnh Tâm - Khoa Gây mê giảm đau - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City

Gân Achilles là gân lớn nhất cơ thể kéo dài từ bắp chân với sự hợp nhất của 3 cơ: 2 cơ bụng chân và cơ dép đến bám vào xương gót. Ngoài việc thực hiện các động tác như đi bộ, nhảy, chạy, gân Achilles giúp cơ thể đứng trên các đầu mũi chân. Gân Achilles được sử dụng trong hầu hết các hoạt động nên cũng là nơi chịu nhiều áp lực và dễ bị tổn thương.

1. Cơ chế và nguyên nhân tổn thương gân Achilles

Gân Achilles là một vùng khá ít mạch máu, cách chỗ bám vào xương gót từ 3-6 cm. Đây là chỗ thường bị tổn thương viêm tại điểm bám gân, viêm quanh gân, viêm giữa gân, xơ gân hoặc đứt gân.

Tổn thương gân Achilles thường do sự quá tải về lực, trọng lực trực tiếp lên gân - có thể thấy ở những người chơi thể thao có di chuyển với tốc độ cao.

Sợi gân được tạo nên bởi các sợi collagen giúp gân có độ mềm mại và linh hoạt. Ngoài ra, mô liên kết với các chất đàn hồi xung quanh giúp các bó sợi trượt lên nhau khi có các chuyển động. Lượng collagen giảm dần theo độ tuổi, nên tổn thương gân này hay gặp ở người ngoài 30 tuổi, nam nhiều hơn nữ. Người càng lớn tuổi thì dễ tổn thương gân Achilles hơn.


Vị trí gân Achilles
Vị trí gân Achilles

Các môn thể thao dễ có tổn thương gân Achilles là: Chạy bộ, chạy đường dài, thể dục dụng cụ, khiêu vũ, bóng đá, bóng chuyền, bóng ném, bóng rổ, bóng chày, tennis. Tổn thương gân này thường do bắt đầu di chuyển một cách đột ngột với động tác đẩy mũi bàn chân và nhấc chân di chuyển nhanh để tăng tốc hay chạy nước rút khi về đích hoặc do đổi hướng di chuyển đột ngột. Cấu tạo gân bao gồm nhiều sợi nhỏ, một động tác đột ngột huy động quá nhiều sợi gân nhỏ tham gia mà thiếu sự đàn hồi sẽ gây nên tổn thương từ mức độ nhẹ đến nặng.

Những người có cơ địa dễ có tổn thương gân Achilles là người có khớp cổ chân lỏng lẻo, béo phì, yếu cơ, bệnh rối loạn chuyển hoá, dùng thuốc corticoid hay kháng sinh nhóm Quinolones dài ngày. Phụ nữ đi giày cao gót hoặc người có bàn chân dẹt do phân bố lực bị dồn vào một điểm trong thời gian dài với một tư thế cố định cũng dễ bị viêm gân này.

2. Dấu hiệu tổn thương gân Achilles

  • Biểu hiện nhẹ nhất là cảm giác đau rát bỏng hay đau cứng phần thấp bắp chân sau vào buổi sáng. Một số trường hợp thì có thể rách một phần gân hoặc đứt hoàn toàn gân.
  • Đau vùng gót, đặc biệt khi căng gót hoặc đứng trên đầu mũi chân. Đau nhiều vào buổi sáng. Khi viêm gân Achilles lâu sẽ có nguy cơ bị đứt gân.
  • Nếu gân bị đứt thì sẽ đau dai dẳng, cảm giác phù nề vùng gót chân, đôi khi thấy cứng đơ vùng đó. Thậm chí bạn có thể nghe thấy tiếng nổ hay tiếng rắc ở vùng gân, xuất hiện cùng với đau do gân bị đứt. Đồng thời, vùng gót chân trở bên sưng nề và tím do có chảy máu giữa các sợi gân.

Đau vùng gót khi tổn thương gân Achilles
Đau vùng gót khi tổn thương gân Achilles

3. Phòng tổn thương gân Achilles như thế nào?

Khoảng 80% tổn thương gân ở mức độ rách một phần nhỏ có thể hồi phục trong thời gian từ 3 đến 6 tháng hoặc lâu hơn khi điều trị bảo tồn như nghỉ ngơi, tránh các bài tập nặng và khó.

  • Khi chơi thể thao, cần khởi động kỹ lưỡng, kéo dãn gân cơ đủ thời gian trước và sau luyện tập
  • Đi giày phù hợp cho khi chơi mỗi loại hình thể thao.
  • Điều chỉnh cường độ chơi nếu thấy bất kỳ một cảm giác khó chịu nào mới xuất hiện vùng gót và bắp chân sau.
  • Nếu đau vùng gót và bắp chân sau, cần đi khám sớm nhất để tránh các biến chứng đứt gân Achilles sau này.

4. Điều trị bảo tồn gân Achilles trong giai đoạn cấp

Thuốc giảm viêm, giảm đau, chườm lạnh, gác chân cao sẽ hữu ích cho giai đoạn này.


Sử dụng thuốc giảm đau trong điều trị bảo tồn gân Achilles
Sử dụng thuốc giảm đau trong điều trị bảo tồn gân Achilles

5. Điều trị huyết tương giàu tiểu cầu giai đoạn sớm

Ở giai đoạn viêm cấp, gân bị phù nề với thành phần chống viêm được đưa đến vùng tổn thương giúp chữa lành. Giai đoạn viêm mãn tính, trong gân xuất hiện những mạch máu mới và các sợi gân chưa trưởng thành nên rất dễ gây rách và đứt gân. Tổn thương gân Achilles thường cần rất cần rất nhiều thời gian để hồi phục. Dưới máy siêu âm có thể thấy được sự tăng sinh mạch máu do viêm và sự thay đổi mô xung quanh gân. Sau giai đoạn viêm cấp, gân sẽ dày lên, mất độ đàn hồi.

Huyết tương tươi giàu tiểu cầu lấy từ máu tự thân, tiêm trực tiếp bằng một mũi kim vào đúng vị trí gân viêm với hướng dẫn của máy siêu âm sẽ giúp thúc đẩy quá trình hàn gắn tự thân diễn ra nhanh hơn, sớm hơn. Vì vậy, tiêm PRP giúp giảm đau hiệu quả đồng thời rút ngắn thời gian hồi phục. Mỗi chu kỳ điều trị gồm 3 lần tiêm. Ngoài ra, một bài tập phục hồi chức năng tăng sức gân ở tư thế trung gian hoặc vật lý trị liệu với các thiết bị phụ trợ cũng giúp giảm đau.


Phương pháp điều trị huyết tương giàu tiểu cầu
Phương pháp điều trị huyết tương giàu tiểu cầu

Đừng ngần ngại đi gặp bác sĩ điều trị đau nếu như triệu chứng đau gót chân của bạn không cải thiện khi uống thuốc hoặc trở nên nặng hơn khiến bạn có cảm giác đau buốt vùng gót chân hay khó khăn trong việc đi lại hoặc đứng trên bàn chân.

Hãy liên hệ Phòng khám Đau, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City để được khám, tư vấn và điều trị với các bác sĩ chuyên khoa giàu kinh nghiệm.

Hotline liên hệ: 0243 9743 556

Địa chỉ: Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City, 458 Minh Khai, Q. Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe