Hệ tiết niệu đóng vai trò quan trọng đối với cơ thể, trong đó, thận là bộ phận thực hiện nhiệm vụ lọc và bài tiết nước tiểu. Có nhiều phương pháp được dùng để đánh giá chức năng của thận như xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu, siêu âm, chụp CT, sinh thiết. Trong đó, để đánh giá chức năng bài tiết của thận sẽ dựa vào một số tiêu chí cụ thể trong các xét nghiệm và kỹ thuật.
1. Chức năng của thận quan trọng như thế nào?
Trong cấu tạo cơ thể người có hai quả thận, nằm ở hai bên cột sống, dưới lồng xương sườn ở vị trí thấp nhất. Trong mỗi quả thận là triệu nephron - đơn vị chức năng của thận. Một nephron là một đơn vị lọc của các mạch máu nhỏ, còn gọi là cầu thận, gắn với ống thận. Máu vào cầu thận được lọc, phần chất lỏng còn lại đi dọc theo ống, cùng các hóa chất và nước được thêm vào hoặc loại bỏ khỏi chất lỏng, để lọc theo nhu cầu của cơ thể. Sản phẩm cuối cùng của thận chính là nước tiểu, được cơ thể bài tiết ra ngoài.
Như vậy, có thể thấy, lọc và bài tiết các chất thải, chất lỏng dư thừa ra khỏi cơ thể chính là hai chức năng của thận. Ngoài hai chức năng quan trọng này, thận còn thực hiện các nhiệm vụ khác như cân bằng kiềm - toan, sản xuất hormone điều hòa huyết áp, kiểm soát quá trình chuyển hóa canxi và kích thích sản xuất tế bào hồng cầu.
2. Các phương pháp đánh giá chức năng bài tiết của thận
2.1 Xét nghiệm máu đánh giá chức năng bài tiết của thận
- Xét nghiệm ure máu: Ure là sản phẩm được phân hủy từ protein trong các loại thực phẩm tiêu thụ hằng ngày. Qua cầu thận, ure được lọc và bài tiết ra ngoài theo nước tiểu. Thông qua chỉ số ure máu, xét nghiệm cho phép đánh giá chức năng bài tiết của thận và theo dõi các bệnh lý ở thận như suy thận, viêm ống thận, viêm cầu thận, sỏi thận, sỏi niệu quản,...
- Xét nghiệm creatinin máu: Creatinin là chất thải của sự vận động các cơ bắp. Thông qua nước tiểu, creatinin cũng được bài tiết ra ngoài qua nước tiểu. Tùy vào độ tuổi, trọng lượng của cơ thể, nồng độ creatinin trong máu của mỗi người sẽ khác nhau. Khi chỉ số creatinin cao, nghĩa là chức năng thận đang bị rối loạn.
2.2 Xét nghiệm nước tiểu đánh giá chức năng bài tiết của thận
Điện di nước tiểu: Khi thấy protein được bài tiết qua nước tiểu, đó có thể là dấu hiệu cảnh báo chức năng của thận đang gặp vấn đề do thận bị tổn thương hoặc nồng độ immunoglobulin trong máu tăng lên. Phân loại protein trong xét nghiệm điện di nước tiểu cho phép phân biệt bệnh viêm cầu thận cấp hoặc protein niệu quản do ống thận bị tổn thương.
2.3 Xét nghiệm hình ảnh đánh giá chức năng bài tiết của thận
Chụp X-quang thận với thuốc tĩnh mạch là phương pháp cho phép đánh giá chức năng bài tiết của thận. Phương pháp này thường được áp dụng trong phẫu thuật điều trị đối với bệnh nhân bị sỏi tiết niệu (được thực hiện trước khi phẫu thuật), sỏi tiết niệu gây tắc nghẽn và ứ nước trong niệu quản, làm tăng áp lực sau thận và ức chế chức năng bài tiết của thận. Bên cạnh đó, chức năng bài tiết của thận cũng bị suy giảm hoặc mất hoàn toàn trong giai đoạn cuối của các bệnh lao thận hoặc khối u ở thận.
3. Các phương pháp khác đánh giá chức năng bài tiết của thận
Ngoài các phương pháp xét nghiệm đánh giá chức năng thận từ máu, nước tiểu, chẩn đoán hình ảnh thì còn nhiều các phương pháp để đánh giá khả năng bài tiết và tái hấp thu của thận, cụ thể là ống thận:
- Nghiệm pháp gây đái nhiều: Người bệnh được cho uống một lượng nước nhất định, khoảng 600ml nước trong khoảng thời gian là 4 giờ. Bình thường, lượng nước tiểu được bài tiết ra ngoài là lớn hơn lượng nước được uống vào, tỷ trọng thay đổi tùy vào thời điểm. Nghiệm pháp này được áp dụng để phát hiện suy thận, khiến chức năng của thận giảm, người bệnh có đào thải lượng nước tiểu ra ngoài ít hơn và có tỷ trọng không đổi hoặc giảm.
- Nghiệm pháp pha loãng: Người bệnh được yêu cầu nhịn đói và thực hiện thông bàng quang để lấy hết nước tiểu. Sau đó, trong khoảng 30 phút, người bệnh được cho uống 1,5 lít nước. Mỗi 30 phút, người bệnh được lấy nước tiểu một lần để định lượng và tỷ trọng nước tiểu. Nghiệm pháp được thực hiện trong 4 giờ liên tục. Kết quả bình thường là tổng lượng nước tiểu lấy trong 4 giờ lớn hơn hoặc bằng lượng nước được uống vào, giá trị tỷ trọng thấp nhất là nhỏ hơn 1,002. Nghiệm pháp này cũng được áp dụng để phát hiện suy thận, khiến chức năng của thận giảm, với kết quả là lượng nước tiểu bài tiết ít hơn lượng nước được uống vào, giá trị tỷ trọng thấp nhất lớn hơn 1,002. Tuy nhiên, nghiệm pháp này có hạn chế là chống chỉ định trong trường hợp người bệnh bị suy hoàn toàn hoặc phù.
- Nghiệm pháp cô đặc: Người bệnh được yêu cầu không hoạt động trong 24 giờ, không uống nước quá 500ml, chỉ được ăn khô. Lấy nước tiểu khoảng 3 giờ/lần để định lượng và tỷ trọng, thực hiện trong 24 giờ. Kết quả bình thường đo được là lượng nước tiểu được bài tiết đạt khoảng 300 - 700ml nước, tỷ trọng nằm trong khoảng 1,025 - 1,035, giá trị cao nhất phải đạt là 1,025. Nghiệm pháp này cũng được áp dụng để phát hiện suy thận, khiến chức năng của thận giảm khi giá tỷ trọng chỉ đạt dưới 1,025. Tuy nhiên nghiệm pháp này phụ thuộc vào nhiều yếu tố và hạn chế.
- Phương pháp PSP: Người bệnh được yêu cầu uống khoảng 200ml nước thành 2 lần, thời gian uống mỗi lần cách nhau 30 phút. 15 phút sau khi uống nước, tiến hành lấy nước tiểu của người bệnh, tiêm đường tĩnh mạch dung dịch PSP có nồng độ 6% một lượng 1ml. Sau đó, tiến hành thông bàng quang nước tiểu 2 lần, lần thứ nhất là 15 phút sau khi tiêm. Lần thứ hai là 70 phút sau khi tiêm. Nước tiểu được lấy và cho vào 2 cốc khác nhau, làm kiềm tính. Kết quả bình thường là nồng độ PSP đo được sau 15 phút là tối thiểu 15%, 70 phút tối thiểu là 55%. Phương pháp này cũng được áp dụng để phát hiện suy thận, khiến chức năng của thận giảm khi nồng độ PSP đo được trong nước tiểu bài tiết giảm, nếu giảm 1⁄2 thì tức là nồng độ ure máu tăng cao. Nguyên nhân là do tắc nghẽn đường tiết niệu, khiến thời gian bài tiết PSP chậm hoặc PSP không được bài tiết. Phương pháp này có ưu điểm là ít gây độc và dễ thực hiện nên thường được áp dụng vì dễ thực hiện và ít độc.
- Phương pháp xanh Methylen: Tiêm tĩnh mạch 1ml dung dịch xanh methylen 1/120. Sau đó, tiến hành soi bàng quang để có thể quan sát thời gian từng bên thận bài tiết xanh methylen ra ngoài. Nếu không thể thực hiện soi bàng quang thì thay thế bằng kỹ thuật thông bàng quang lấy nước tiểu. Nước tiểu được bài tiết có màu xanh thì có xanh methylen. Kết quả bình thường là nước tiểu có màu xanh sau 30 phút, sau khoảng giờ thứ 3 hoặc 4, nước tiểu có màu xanh nhất và hết xanh sau 48 giờ. Nghiệm pháp này được áp dụng để phát hiện một số bệnh lý ảnh hưởng đến chức năng của thận như viêm thận kẽ khiến bài tiết chậm trong thời gian dài, viêm thận bán cấp khiến bài tiết nhiều và sớm, bể thận ứ nước tiểu khiến thời gian bài tiết chậm hoặc có thể bị tắc hẳn. Tuy nhiên, 2 phương pháp PSP và xanh methylen có thể cho kết quả không chính xác, vì một số bệnh lý như tiền liệt tuyến, sỏi thận niệu quản, ... sẽ gây cản trở trong việc bài tiết các chất nếu dùng không đúng liều lượng.
Có nhiều phương pháp để đánh giá chức năng bài tiết của thận như xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu, chụp X quang và một số phương pháp khác. Tùy vào tình trạng bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp đánh giá phù hợp.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec không chỉ nổi tiếng bởi chất lượng dịch vụ hoàn hảo, đội ngũ Y bác sĩ có chuyên môn giàu kinh nghiệm mà còn nổi tiếng với hệ thống trang thiết bị Y tế hiện đại nhằm chẩn đoán các chức năng của thận, tiết niệu bằng các kỹ thuật xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu, xét nghiệm bằng hình ảnh như X-quang, siêu âm, đồng thời sàng lọc bệnh tiết niệu phát hiện các bệnh lý về thận tiết niệu từ rất sớm.... Do đó khi thực hiện thăm khám bệnh tại Vinmec, Quý khách hàng có thể hoàn toàn yên tâm.
Để đăng ký khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, Quý Khách có thể liên hệ Hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc, hoặc đăng ký khám trực tuyến TẠI ĐÂY