Định lượng ure máu được chỉ định khi nào?

Xét nghiệm ure máu dùng để đánh giá chức năng gan và thận. Vậy xét nghiệm này được chỉ định khi nào và định lượng ure máu cao có ý nghĩa gì?

1. Chỉ số ure máu là gì?

Ure là sản phẩm cuối cùng của quá trình chuyển hóa chất đạm (hay còn gọi là protein) trong cơ thể và được thận đào thải ra ngoài.

Giá trị bình thường của chỉ số ure máu là khoảng 2.5 – 7.5 mmol/l. Ure là chất tương đối ít độc, ngay cả khi lượng ure trong máu cao.

2. Tại sao cần xét nghiệm định lượng ure máu?

Xét nghiệm định lượng ure máu là xét nghiệm được chỉ định khi cần đánh giá chức năng hoạt động của gan và thận. Khi tiến hành xét nghiệm ure máu, bác sĩ sẽ đo lượng nitơ ure có trong máu.

Quá trình chuyển hóa của ure trong máu như sau: Chất đạm sau khi được đưa vào cơ thể qua đường ăn uống sẽ được chuyển hóa thành các axit amin. Các axit amin này sẽ được chuyển hóa tiếp và cuối cùng thành NH3CO2. Trong cơ thể, NH3 là một chất độc cần được đào thải ra ngoài. Gan sẽ làm nhiệm vụ chuyển hóa NH3 thành ure và đưa đến thận qua đường máu. Thận sẽ lọc ure và những chất cần đào thải khác từ máu ra ngoài qua nước tiểu. Do đó, khi chức năng của gan và thận bị rối loạn sẽ ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa NH3 và lọc ure.

Chỉ số ure máu bình thường là trong khoảng 2,5 - 7,5 mmol/l. Nếu giá trị ure máu cao hơn mức bình thường thì đó có thể là dấu hiệu cho thấy thận hoạt động không tốt, hoặc cũng có thể là lượng protein cao, không uống đủ nước dẫn đến lưu thông kém. Ngược lại, nếu giá trị ure máu thấp hơn mức bình thường thì đó có là dấu hiệu của bệnh lý về gan hoặc suy dinh dưỡng.

Tuy nhiên, chỉ xét nghiệm ure máu thì chưa đủ để chẩn đoán, do đó, bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh làm thêm một số xét nghiệm khác để có kết luận chính xác hơn.


Xét nghiệm định lượng ure máu là xét nghiệm được chỉ định khi cần đánh giá chức năng hoạt động của gan và thận
Xét nghiệm định lượng ure máu là xét nghiệm được chỉ định khi cần đánh giá chức năng hoạt động của gan và thận

3. Tăng, giảm ure máu khi nào?

3.1 Tăng ure máu

Những trường hợp sau sẽ có hiện tượng bị tăng ure máu:

  • Người bị suy thận, vô niệu, thiểu niệu hoặc tắc nghẽn đường niệu;
  • Chế độ ăn quá nhiều protein;
  • Bị xuất huyết tiêu hóa hoặc nhiễm trùng nặng;
  • Suy tim sung huyết, bị sốc hoặc căng thẳng, đau tim, bị bỏng nặng, xuất huyết đường tiêu hóa, tắc nghẽn đường tiểu,... làm giảm lượng máu đến thận;
  • Bị sốt, suy dinh dưỡng, bệnh lý về u tân sinh gây tăng dị hóa protein;
  • Bị ngộ độc thủy ngân.

3.2 Giảm ure máu

  • Bị hội chứng tiết ADH không thích hợp;
  • Mang thai;
  • Thực hiện chế độ giảm cân, ăn kiêng;
  • Mắc phải hội chứng giảm hấp thu;
  • Bị suy gan hoặc xơ gan, viêm gan cấp tính hoặc mãn tính làm suy giảm quá trình chuyển hóa tổng hợp ure;
  • Chế độ ăn nghèo đạm, hòa loãng máu, mắc hội chứng thận hư.

4. Ure máu ảnh hưởng sức khỏe như thế nào?


Tăng ure máu ở mức độ nặng có thể gây co giật, hôn mê
Tăng ure máu ở mức độ nặng có thể gây co giật, hôn mê

Nồng độ ure máu tăng hay giảm đều ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Cụ thể:

  • Ảnh hưởng tim mạch: Mạch đập nhanh, nhỏ, làm tăng huyết áp. Bệnh nhân bị suy thận giai đoạn cuối có thể bị trụy mạch, đây là tình huống cực kỳ nguy hiểm ảnh hưởng đến tính mạng;
  • Ảnh hưởng thần kinh: Ở mức độ nhẹ có thể gây chóng mặt, hoa mắt, đau đầu mất ngủ. Ở mức độ trung bình có thể khiến người bệnh rơi vào trạng thái mơ màng, vật vã, nói mê. Tăng ure máu ở mức độ nặng có thể gây co giật, hôn mê, đồng tử co lại và phản ứng với ánh sáng kém;
  • Ảnh hưởng tiêu hóa: Ở mức độ nhẹ, người bệnh sẽ thấy ăn không ngon, đầy hơi, chướng bụng. Ở mức độ hơn có thể dấu hiệu lưỡi đen, viêm loét niêm mạc họng và miệng, buồn nôn, tiêu chảy và xuất hiện những màng giả màu xám;
  • Ảnh hưởng hô hấp: Hơi thở người bệnh có mùi amoniac (NH3), bị rối loạn nhịp thở, có thể bị hôn mê và kèm theo hơi thở chậm, yếu;
  • Ảnh hưởng thân nhiệt: Giảm thân nhiệt;
  • Ảnh hưởng huyết học: Tăng ure máu có thể gây thiếu máu và tùy theo từng giai đoạn mức độ ảnh hưởng sẽ khác nhau, nếu thiếu máu nặng thì suy thận càng nặng.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe