Xét nghiệm creatinin máu cung cấp những thông tin quan trọng về chức năng của thận trong cơ thể người. Đây là một chất chuyển hóa từ các quá trình trao đổi chất. Thận khỏe mạnh sẽ lọc creatinin cùng các chất thải khác từ máu ra nước tiểu. Nếu chức năng thận suy yếu, xét nghiệm creatinin máu sẽ tăng lên.
1. Xét nghiệm creatinin máu là gì?
Creatinine là một sản phẩm chuyển hóa được tạo ra bởi cơ bắp từ sự phân hủy của một hợp chất gọi là creatine, một phần của chu trình sản xuất năng lượng cần thiết để co cơ. Đây là một chất thải, được loại bỏ khỏi cơ thể bởi thận, lọc creatinin cũng như các chất thải khác từ máu và thải vào nước tiểu.
Như vậy, một chỉ số nồng độ creatinin ổn định trong máu là bằng chứng cho thấy thận đang hoạt động tốt. Lượng creatinin sản xuất ra, thải vào máu phụ thuộc vào kích thước cơ thể và khối lượng cơ của một người. Vì lý do này, nồng độ creatinin ở nam giới thường cao hơn một chút so với phụ nữ và trẻ em.
Kết quả từ xét nghiệm creatinin máu có thể được sử dụng kết hợp với kết quả từ các xét nghiệm khác, chẳng hạn như xét nghiệm creatinin nước tiểu 24 giờ, được sử dụng để đánh giá chức năng thận.
2. Xét nghiệm creatinin máu có ý nghĩa như thế nào?
Xét nghiệm creatinine máu được sử dụng để đánh giá chức năng thận. Thông số này thường được yêu cầu cùng với xét nghiệm BUN (nồng độ nitơ urê máu) nhằm đánh giá hoạt động của thận một cách toàn diện. Nếu xét nghiệm creatinin và BUN được phát hiện là bất thường hoặc nếu người bệnh đang có các bệnh tiềm ẩn ảnh hưởng đến thận, chẳng hạn như bệnh tiểu đường hoặc huyết áp cao, thì xét nghiệm creatinin và BUN có thể được sử dụng không chỉ để theo dõi chức năng thận mà còn đánh giá hiệu quả của quá trình điều trị.
Ngoài ra, xét nghiệm creatinin máu được chỉ định để đánh giá chức năng thận trước khi thực hiện một số thủ thuật như chụp cắt lớp vi tính, vì có thể chỉ định sử dụng các loại thuốc có thể gây nguy cơ trên thận nếu không được thanh lọc nhanh chóng ra khỏi cơ thể.
Kết quả từ xét nghiệm creatinin còn có thể được sử dụng để ước tính lượng máu được lọc qua thận mỗi phút. Đây được gọi là tốc độ lọc cầu thận ước tính (eGFR). Thông số này được sử dụng để sàng lọc và phát hiện tổn thương thận sớm, giúp chẩn đoán bệnh thận mãn tính và theo dõi tình trạng thận theo thời gian.
3. Khi nào cần xét nghiệm creatinin máu?
Xét nghiệm creatinin máu có thể được chỉ định khi khám sức khỏe định kỳ. Hơn nữa, chỉ định này cũng có thể được thực hiện nếu bác sĩ thăm khám có nghi ngờ rằng thận không hoạt động bình thường thể hiện qua các dấu hiệu và triệu chứng, bao gồm:
- Chán ăn, mệt mỏi, khó ngủ, thiếu tập trung.
- Sưng phù bọng mắt, đặc biệt là xung quanh mắt hoặc ở mặt, cổ tay, bụng, đùi hoặc mắt cá chân;
- Nước tiểu có bọt, có máu hoặc màu cà phê;
- Giảm lượng nước tiểu;
- Có các vấn đề khi đi tiểu, chẳng hạn như cảm giác nóng rát, tiểu lắt nhắt, đặc biệt là vào ban đêm;
- Đau giữa lưng, vùng dưới xương sườn, gần vị trí của thận;
- Huyết áp cao.
Ngoài ra, xét nghiệm creatinin máu có thể được chỉ định, cùng với xét nghiệm BUN và albumin nước tiểu, thực hiện định kỳ khi người bệnh đã có các vấn đề rối loạn thận đã biết hoặc mắc các bệnh lý có thể ảnh hưởng đến chức năng thận.
Cả BUN và creatinin đều có thể được chỉ định khi lên kế hoạch chụp CT hay trước và trong khi điều trị bằng một số loại thuốc nhất định, trước và sau khi lọc máu để theo dõi hiệu quả của các phương pháp điều trị này.
4. Cách phân tích các kết quả của xét nghiệm creatinin máu
Kết quả xét nghiệm creatinin máu được đo bằng miligam trên decilit hoặc micromoles trên lít. Giới hạn bình thường của xét nghiệm creatinin máu có thể là 0,84-1,21 miligam trên mỗi decilit (74,3 đến 107 micromoles mỗi lít), mặc dù kết quả này có thể khác nhau giữa các phòng thí nghiệm, giữa nam và nữ và theo độ tuổi. Vì lượng creatinin trong máu tăng lên cùng với khối lượng cơ, nam giới thường có nồng độ creatinin cao hơn nữ giới.
Nhìn chung, nếu nồng độ creatinin huyết thanh cao có nghĩa là thận không hoạt động tốt. Mức creatinine của cơ thể cũng có thể tạm thời tăng lên nếu người bệnh đang trong tình trạng thiếu dịch, có lượng máu thấp, ăn nhiều thịt hoặc dùng một số loại thuốc. Creatine trong thực phẩm chức năng có thể có tác dụng tương tự.
Nếu xét nghiệm creatinin máu cao hơn bình thường, có thể có nghĩa là thận đang không hoạt động như bình thường, bác sĩ sẽ muốn xác nhận kết quả bằng một xét nghiệm máu hoặc nước tiểu khác. Lúc này, vì tổn thương thận hay suy thận là một vấn đề đáng lo ngại, điều quan trọng là phải kiểm soát bất kỳ điều kiện nào có thể góp phần gây ra tổn thương trên thận. Điều đặc biệt là phải kiểm soát huyết áp ổn định, vì có ảnh hưởng đến áp lực lọc trên cầu thận. Một số bệnh lý không thể phục hồi tổn thương thận vĩnh viễn, nhưng với điều trị thích hợp, người bệnh cần được ngăn ngừa tổn thương thêm.
Một số ví dụ về các tình trạng có thể làm tăng xét nghiệm creatinin máu, bao gồm:
- Tổn thương hoặc sưng viêm các mạch máu trong thận (viêm cầu thận) do nhiễm trùng hoặc các bệnh tự miễn;
- Nhiễm trùng thận (viêm bể thận);
- Chết các tế bào trong các ống nhỏ của thận (hoại tử ống thận cấp tính) do thuốc hoặc chất độc gây ra;
- Các tình trạng có thể ngăn chặn, làm tắc nghẽn dòng chảy của nước tiểu trong đường tiết niệu, chẳng hạn như bệnh tuyến tiền liệt hoặc sỏi thận;
- Giảm lưu lượng máu đến thận do sốc, mất nước, suy tim sung huyết, xơ vữa động mạch hoặc các biến chứng của bệnh đái tháo đường.
Ngược lại, kết quả nồng độ creatinin trong máu thấp dưới giá trị bình thường lại không phổ biến và thường không phải là nguyên nhân đáng lo ngại. Điều này có thể được nhìn thấy với các tình trạng có dẫn đến giảm khối lượng cơ như bệnh nhân bị suy dinh dưỡng nặng, suy kiệt.
Tóm lại, xét nghiệm creatinin máu là đo nồng độ creatinin trong huyết thanh, cho phép ước tính về mức độ lọc của thận. Ở bệnh nhân suy thận, kết quả này sẽ tăng rất cao. Tuy nhiên, một thông số xét nghiệm creatinin máu cao cần được phân tích thận trọng, tầm soát sớm các tổn thương thận nếu có nhằm mau chóng hồi phục chức năng thận kịp thời.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: labtestsonline.org, mayoclinic.org