Đột quỵ là một tình trạng bệnh lý nghiêm trọng đe dọa tính mạng xảy ra khi một mạch máu mang oxy và chất dinh dưỡng đến não bị tắc nghẽn bởi cục máu đông hoặc bị vỡ. Cùng tìm hiểu về các thuốc chống đột quỵ trong bài viết dưới đây.
1. Thuốc đột quỵ hoạt động như thế nào?
Có một số loại thuốc mà bác sĩ có thể quản lý hoặc kê toa cho bệnh nhân đột quỵ: tPA (chất kích hoạt plasminogen mô), thuốc làm tan cục máu đông; chất làm loãng máu; và các loại thuốc hạ huyết áp và cholesterol.
- tPA (chất kích hoạt plasminogen mô): Thuốc tan huyết khối như tPA thường được gọi là thuốc tiêu cục máu đông. tPA là viết tắt của chất kích hoạt plasminogen mô và chỉ có thể được dùng cho những bệnh nhân bị đột quỵ do cục máu đông (đột quỵ do thiếu máu cục bộ). Thuốc có thể ngăn chặn cơn đột quỵ bằng cách phá vỡ cục máu đông. Thuốc cần phải dùng càng sớm càng tốt và trong vòng 4 tiếng rưỡi sau khi các triệu chứng đột quỵ bắt đầu. tPA có thể làm giảm mức độ nghiêm trọng của đột quỵ và đảo ngược một số tác động, giúp bạn hồi phục nhanh hơn. Trong một số trường hợp, tPA không thể được sử dụng và các phương pháp điều trị khác được yêu cầu.
- Chất làm loãng máu: Có hai loại thuốc làm loãng máu là thuốc kháng tiểu cầu và thuốc chống đông máu.
- Thuốc kháng tiểu cầu: Khi bạn bị đứt tay, các tiểu cầu sẽ liên kết với nhau để tạo thành cục máu đông, giúp cầm máu. Tương tự như vậy, khi mạch máu bị tổn thương, tiểu cầu sẽ tạo ra các cục máu đông trong mạch. Tuy nhiên, cục máu đông nằm trong động mạch vốn đã bị căng có thể dẫn đến đột quỵ. Thuốc kháng tiểu cầu giúp ngăn tiểu cầu dính lại với nhau và do đó ngăn hình thành cục máu đông. Thuốc chống kết tập tiểu cầu được sử dụng phổ biến nhất là ASA (acetylsalicylic acid, Aspirin). Bác sĩ có thể cho bạn biết liệu bạn có nên dùng ASA hay không và cần dùng bao nhiêu để giảm nguy cơ đột quỵ. Một số người không thể dùng ASA vì các vấn đề về chảy máu, dị ứng hoặc các tình trạng y tế khác. Bạn phải luôn nói chuyện với bác sĩ trước khi dùng ASA thường xuyên để ngăn ngừa đột quỵ. Các loại thuốc kháng tiểu cầu khác bao gồm clopidogrel, dipyridamole và ticlopidine.
- Thuốc chống đông máu: Thuốc chống đông máu là chất làm loãng máu ngăn ngừa hình thành cục máu đông mới và giữ cho cục máu đông hiện tại không lớn hơn. Thuốc hoạt động bằng cách can thiệp vào một số phần của máu cần thiết để hình thành cục máu đông. Thuốc thường được kê đơn cho những người có nhịp tim không đều (rung tâm nhĩ), có thể khiến cục máu đông di chuyển từ tim đến não. Thuốc chống đông máu thường được sử dụng ở những người bị đột quỵ để giúp ngăn ngừa đột quỵ tái phát. Nói chung, những người bị huyết áp cao, mới bị chấn thương sọ não, hoặc dễ bị ngã hoặc lạm dụng rượu không được kê đơn thuốc chống đông máu. Nếu bạn được kê đơn thuốc chống đông máu, hãy làm theo hướng dẫn của bác sĩ một cách cẩn thận. Bạn có thể phải xét nghiệm máu định kỳ để xem mất bao lâu để máu đông lại. Cố gắng tránh bị thương vì thuốc chống đông máu có thể khiến bạn chảy máu nhiều hơn nếu bạn bị đứt tay hoặc bị bầm tím.
- Thuốc hạ huyết áp: Bác sĩ sẽ trao đổi với bạn để tìm ra loại thuốc hoặc sự kết hợp các loại thuốc tốt nhất cho bạn. Một số thuốc điều trị tăng huyết áp bao gồm:
- Thuốc ức chế men chuyển
- Thuốc ức chế thụ thể
- Thuốc chẹn kênh beta
- Thuốc chẹn kênh canxi
- Thuốc lợi tiểu
- Thuốc giảm cholesterol máu: Bác sĩ có thể yêu cầu bạn thay đổi chế độ ăn uống, giảm cân hoặc hoạt động tích cực hơn để giảm cholesterol. Bác sĩ cũng có thể kê đơn thuốc hạ cholesterol bao gồm:
- Thuốc ức chế hấp thu cholesterol (ezetimibe)
- Fibrate (Dẫn xuất của axit fibric)
- Niacin
- Resins
- Statin
2. Cách dùng thuốc chống đột quỵ đúng cách
Một số loại thuốc đột quỵ đều hoạt động theo những cách khác nhau. Một số có thể giúp giảm huyết áp, giảm mức cholesterol trong máu hoặc giúp cơ thể loại bỏ chất lỏng dư thừa khiến tim bạn khó bơm máu. Luôn nói chuyện với bác sĩ hoặc dược sĩ để biết chính xác cách thức và thời điểm dùng thuốc. Dưới đây là một số lời khuyên chung để giúp bạn uống thuốc đúng cách:
- Dùng thuốc theo chỉ định: Luôn uống thuốc theo chỉ định. Không bao giờ đột ngột ngừng dùng hoặc thay đổi thuốc mà không nói chuyện với bác sĩ hoặc dược sĩ của bạn trước.
- Biết những gì bạn đang dùng: Hãy chắc chắn rằng bạn biết tên và liều lượng của các loại thuốc bạn đang dùng và một chút về cách thức hoạt động của chúng. Trước khi phẫu thuật, kể cả phẫu thuật nha khoa, hãy cho bác sĩ hoặc nha sĩ biết những loại thuốc bạn đang dùng.
- Tạo thói quen dùng thuốc: Để thuốc hoạt động được tốt nhất bạn nên uống thuốc cố định vào một thời điểm trong ngày.
- Tránh trộn thuốc theo toa với thuốc mua tự do: Nếu bạn đang dùng thuốc, không dùng bất kỳ loại thuốc mua tự do hoặc liệu pháp thảo dược nào mà không hỏi ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước.
- Nếu có bất kỳ câu hỏi nào về thuốc của mình, quên uống một liều, gặp phải các tương tác thuốc tiềm ẩn hoặc cần mua thêm thuốc, hãy nói chuyện với dược sĩ của bạn.
- Báo cáo tác dụng phụ: Nếu một loại thuốc gây ra tác dụng phụ khó chịu, hãy báo cáo với bác sĩ hoặc dược sĩ. Đôi khi bác sĩ có thể giúp bạn loại bỏ tác dụng phụ chỉ bằng cách thay đổi liều lượng, gợi ý bạn dùng thuốc vào thời điểm khác hoặc sử dụng loại thuốc khác.
- Thay đổi lối sống: Ăn một chế độ ăn uống lành mạnh ít muối và chất béo, đặc biệt là chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa, không hút thuốc, hạn chế sử dụng rượu, hoạt động thể chất và giảm căng thẳng cũng rất quan trọng để giảm nguy cơ đột quỵ và bệnh tim.
Trên đây là những thông tin quan trọng về nhóm thuốc chống đột quỵ. Những thông tin trên chỉ mang tính chất tham khảo, người bệnh khi có ý định dùng thuốc nên trao đổi kỹ với bác sĩ để có những chỉ định phù hợp.