Đối với người bệnh cao huyết áp ngoài việc thay đổi lối sống thì cần phải tuân thủ điều trị và tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ để có thể kiểm soát được huyết áp ổn định tránh những biến chứng và tai biến nghiêm trọng.
1. Hướng dẫn uống thuốc huyết áp đúng cách
Tăng huyết áp (hay cao huyết áp) là một bệnh lý mãn tính, khi áp lực của máu tác động lên thành động mạch tăng cao gây ra nhiều áp lực cho tim. Đây cũng là nguyên nhân của nhiều biến chứng tim mạch nghiêm trọng như: tai biến mạch máu não, suy tim, bệnh tim mạch vành, nhồi máu cơ tim.
Uống thuốc huyết áp trước hay sau khi ăn đều được vì các thuốc huyết áp đều được điều chế uống không liên quan đến bữa ăn, sẽ không ảnh hưởng đến dạ dày. Có người có thói quen vừa mới ngủ dậy liền đo huyết áp và ghi lại vào sổ theo dõi rồi uống thuốc luôn cũng không vấn đề gì.
Tuy nhiên, theo nghiên cứu Hygia Chronotherapy do tiến sĩ Ramón C. Hermida, giáo sư tại Đại học Vigo, Tây Ban Nha, đã chỉ định ngẫu nhiên 19.084 người trưởng thành uống thuốc huyết áp khi thức dậy vào buổi sáng hoặc vào buổi tối trước khi đi ngủ với thời gian theo dõi trung bình là 6 năm.
Kết quả cho thấy rằng những bệnh nhân thường xuyên uống thuốc hạ huyết áp vào buổi tối trước khi đi ngủ có sự khác biệt khi uống thuốc huyết áp vào buổi sáng ở chỗ có khả năng kiểm soát huyết áp tốt hơn và quan trọng nhất là giảm đáng kể nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch hoặc nguy cơ mắc các vấn đề về tim mạch.
Đối với nguy cơ xảy ra biến chứng tim mạch thì đây là thử nghiệm lâm sàng lớn nhất và kéo dài nhất nhằm kiểm tra ảnh hưởng của thời gian uống thuốc hạ huyết áp trong ngày.
Uống thuốc huyết áp trước khi đi ngủ không chỉ giúp kiểm soát huyết áp tốt hơn mà còn giảm đáng kể nguy cơ tử vong do tim mạch 66% và các biến cố tim mạch như đau tim hoặc đột quỵ 49% vì thuốc có thể được đào thải chậm hơn và có tác dụng kéo dài hơn
Ảnh hưởng của thời điểm uống thuốc trong dược lực học được giải thích là do những dao động có tính chu kỳ trong ngày của phần xuất thuốc tự do lưu hành, tốc độ các chu trình chuyển hóa và hóa sinh chính, số lượng và định dạng các thụ thể và các đường chuyển tín hiệu trong nhân tế bào.
Khi bác sĩ kê toa các thuốc uống mỗi ngày một lần thường là uống vào buổi sáng cho thuận tiện. Hiện nay lại có rất nhiều thuốc điều trị tăng huyết áp được chỉ định uống một lần mỗi ngày không có tác dụng hạ huyết áp kéo dài ổn định suốt 24 giờ và khi uống vào buổi sáng có thể sẽ không kiểm soát được một cách hữu hiệu huyết áp ban đêm. Đây chính là yếu tố quan trọng dự báo tử vong và các biến cố tim mạch nặng ở bệnh nhân tăng huyết áp.
2. Những chú ý khi uống thuốc tăng huyết áp
Uống thuốc phải liên tục, đúng giờ và đều đặn mỗi ngày vì thuốc chỉ có tác dụng trong 24 giờ, tránh trường hợp quên uống thuốc hoặc uống cách ngày thì huyết áp của người bệnh sẽ không ổn định. Cũng có nhiều trường hợp người bệnh đo thấy huyết áp tăng hoặc xuất hiện những biểu hiện chóng mặt, nhức đầu thì mới lấy thuốc ra uống còn khi đo thấy huyết áp ổn định bình thường thì lại tự động ngưng uống.
Uống đủ liều vì thuốc hạ huyết áp chỉ có thể có tác dụng khi đạt đến một ngưỡng nhất định, do đó sẽ không kiểm soát tốt được huyết áp. Người bệnh thường hay tự ý tăng hoặc giảm liều thuốc trong quá trình điều trị.
Rất nhiều trường hợp thời gian đầu uống thuốc nghiêm chỉnh, tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ nhưng rồi sau đó do nhiều nguyên nhân như nhận thấy cơ thể khỏe mạnh không còn triệu chứng gì của cao huyết áp hoặc sợ tác dụng phụ của thuốc thì tự ý giảm liều.
Tương tự như vậy, cũng có những người vẫn cảm thấy nhức đầu, khó chịu nghĩ huyết áp tăng chứ không phải nguyên nhân nào khác đã tự động tăng liều thuốc có thể gây tụt huyết áp quá mức, thậm chí gây trụy mạch, tử vong.
Người bệnh cần tuân thủ tuyệt đối khoảng cách giữa các lần uống thuốc huyết áp. Đối với thuốc dùng 1 lần trong ngày thì cần uống vào 1 giờ cố định còn đối với thuốc uống 2 lần trong ngày thì cần chia đều trong 24 giờ, cứ cách 12 giờ uống thuốc một lần nghĩa là nếu uống lần 1 vào 8 giờ sáng thì uống thuốc lần 2 sẽ vào 8 giờ tối
Người bệnh cao huyết áp phải điều trị suốt đời vì cao huyết áp là bệnh mạn tính không thể chữa khỏi, cần phải dùng thuốc huyết áp để kiểm soát huyết áp ổn định. Do đó, nguyên tắc quan trọng nhất là cần phải điều trị tăng huyết áp lâu dài nên không được tự ý bỏ thuốc. Ngay cả khi huyết áp đã hạ xuống mức bình thường thì người bệnh vẫn phải tuân thủ nguyên tắc điều trị liên tục.
Cần phải can thiệp thuốc sớm tránh để huyết áp tăng lên quá cao mới dùng thuốc. Khi người bệnh gặp phải những biến chứng của huyết áp tăng sẽ rất khó phục hồi. Người bệnh cần tuân thủ nghiêm ngặt chế độ điều trị mới có thể giảm được các tai biến do tăng huyết áp gây ra. Khi đã đạt được huyết áp mục tiêu, cần tiếp tục duy trì phác đồ điều trị kèm theo việc theo dõi chặt chẽ, định kỳ của bác sĩ chuyên khoa tim mạch để có sự điều chỉnh thuốc hoặc liều kịp thời khi cần thiết.
Khi đi khám bệnh dù là bệnh mạn tính hay cấp tính thì người bệnh cần phải nói rõ tình trạng đang dùng thuốc điều trị huyết áp để bác sĩ cân nhắc kê đơn tránh hoặc hạn chế tối đa sự tương tác thuốc. Khi mua các thuốc trị bệnh thông thường không có đơn của bác sĩ, người bệnh cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng thuốc xem có cảnh báo hay tác dụng phụ gì liên quan tới tình trạng tăng huyết áp và việc đang dùng thuốc trị huyết áp hay không. Nếu có cần thận trọng trước khi dùng hoặc hỏi ý kiến của bác sĩ.
Khi mắc bệnh cao huyết áp, trước hết người bệnh cần điều chỉnh lối sống thích hợp, chế độ sinh hoạt và luyện tập thể lực phù hợp. Bạn nên thể dục nhẹ nhàng như đi bộ. Trong cuộc sống hàng ngày cần tránh những nguy cơ gây cao huyết áp như: căng thẳng thần kinh, ăn mặn, stress, uống rượu, hút thuốc lá,...; nên ăn nhiều chất xơ và đặc biệt luôn giữ cho cuộc sống tinh thần thoải mái...
Tăng huyết áp là căn bệnh mạn tính và gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng nếu không được xử lý kịp thời. Việc uống thuốc huyết áp đúng cách là một trong những lưu ý quan trọng trong quá trình điều trị bệnh, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả phác đồ.