Các nguyên nhân thứ phát của bệnh viêm ruột

Mục lục

Các nguyên nhân thứ phát của bệnh viêm ruột đã được phát hiện bao gồm việc sử dụng thuốc, phẫu thuật điều chỉnh ruột, cấy ghép cơ quan, tế bào gốc hoặc hệ vi sinh từ phân… Hãy cùng tìm hiểu thông tin chi tiết về nguyên nhân viêm ruột thứ phát trong bài viết dưới đây để có thể bảo vệ sức khoẻ tốt hơn!

Bài viết của Thạc sĩ, Bác sĩ Mai Viễn Phương - Bác sĩ nội soi tiêu hóa - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

1. Bệnh viêm ruột thứ phát là gì?

Viêm ruột là một bệnh mãn tính của hệ tiêu hóa chưa xác định rõ nguyên nhân và thường được gọi là viêm ruột nguyên phát theo cách gọi truyền thống. Theo quan niệm chung, bệnh có thể là hậu quả của phản ứng miễn dịch bất thường đối với sự rối loạn vi khuẩn trong đường ruột ở những người có yếu tố di truyền nhạy cảm.

Thuốc, phẫu thuật thay đổi ruột và cấy ghép cơ quan, tế bào gốc hoặc hệ vi sinh vật trong phân… đều là những nguyên nhân thứ phát của bệnh viêm ruột đã được xác định.

2. Nguyên nhân thứ phát của bệnh viêm ruột

2.1. Bệnh viêm ruột thứ phát do thuốc

2.1.1 Nguyên nhân viêm ruột do điều hòa miễn dịch

Hệ thống miễn dịch bị tác động chủ yếu bởi các chất điều hòa miễn dịch thông qua việc ức chế hoạt động của tế bào lympho. Các chất này cũng có khả năng gây ra bệnh viêm ruột hoặc các tình trạng tương tự như bệnh viêm ruột.  

Các nghiên cứu đã chứng minh rằng, khi sử dụng chất điều hòa miễn dịch sau ghép tạng thì số lượng tế bào T điều hòa trong niêm mạc đại tràng bị suy giảm. Điều này tạo điều kiện cho sự phát triển của viêm ruột kết qua trung gian miễn dịch vì tế bào T điều hòa có vai trò ức chế sự hoạt hóa của tế bào T gây độc tế bào và tế bào lympho B.

2.1.2 Nguyên nhân viêm ruột do chất chống TNFα

Các chất ức chế kháng TNFα được xem là một trong những nguyên nhân viêm ruột, hoạt động bằng cách chống lại TNFα tiền viêm và thay đổi các tín hiệu miễn dịch qua trung gian TNFα trong các con đường viêm.  

Một vài ví dụ về những tác nhân này bao gồm infliximab, adalimumab và etanercept. Quá trình điều trị một bệnh tự miễn đôi khi có thể dẫn đến bệnh lý khác do làm thay đổi cân bằng nội môi miễn dịch.  

Đặc biệt, một số người khi tiếp xúc với các chất chống TNF có thể phát triển bệnh viêm ruột mới hoặc một dạng bệnh viêm ruột do thuốc. Trong một số trường hợp, phản ứng nghịch lý sau khi dùng thuốc sẽ xuất hiện, khi đó những người chưa từng có bệnh viêm khớp nhưng mắc viêm ruột sẽ phát triển bệnh khớp liên quan đến viêm ruột mới khởi phát.

2.1.3 Nguyên nhân viêm ruột do chất chống interleukin

Infliximab và adalimumab là các chất chống TNFα đã được sử dụng như liệu pháp điều trị hàng đầu cho bệnh viêm ruột. Gần đây, ustekinumab (kháng IL-12/23) - một chất chống interleukin đã được phê duyệt để điều trị bệnh Crohn và viêm loét đại tràng.  

Trong một số nghiên cứu riêng lẻ, cả hai loại thuốc này đều đã được chứng minh có liên quan đến việc làm trầm trọng thêm tình trạng viêm ruột trước đó. Những chất này thậm chí còn là nguyên nhân viêm ruột mới ở những người có nguy cơ. Do đó, các chất chống interleukin được xem là nguyên nhân thứ phát của bệnh viêm ruột

Thuốc là một trong những nguyên nhân thứ phát của bệnh viêm ruột.
Thuốc là một trong những nguyên nhân thứ phát của bệnh viêm ruột.

2.1.4 Nguyên nhân viêm ruột do interferon

Các phân tử glycoprotein gọi là Interferon (IFN) được tế bào vật chủ sản xuất để đáp ứng với sự nhiễm virus và đóng vai trò như các cytokine trong một số đợt viêm. Nhiều báo cáo đã ghi nhận việc những người nhiễm viêm gan C mãn tính phát triển bệnh viêm loét đại tràng mới khởi phát sau khi được điều trị bằng liệu pháp IFNα.  

Một trường hợp cụ thể khác đã ghi nhận sự phát triển của bệnh Crohn sau liệu pháp IFN ở một người đồng nhiễm HIVviêm gan C, đồng thời cũng đã có một số báo cáo về các trường hợp bùng phát viêm loét đại tràng trong quá trình điều trị IFN cho bệnh nhân viêm gan C mãn tính.

2.1.5 Nguyên nhân viêm ruột do các tác nhân kích thích miễn dịch

Các nhà nghiên cứu đã đề xuất rằng bệnh Crohn ở một số cá nhân có liên quan đến tình trạng suy giảm hệ miễn dịch chứ không phải là do hoạt động quá mức. Yếu tố kích thích tế bào bạch cầu đơn nhân (GM-CSF) và yếu tố kích thích tế bào bạch cầu hạt là các cytokine tế bào có vai trò kích thích tế bào gốc tạo máu trong tủy xương để tạo ra các loại bạch cầu hạt và bạch cầu đơn nhân, tham gia vào hệ miễn dịch bẩm sinh.

Nhiều bằng chứng lâm sàng cho thấy có mối liên quan giữa GM-CSF và bệnh viêm ruột. Kháng thể chống GM-CSF được tìm thấy có liên quan đến việc gia tăng tính thấm của ruột và sự di chuyển của vi khuẩn, điều này làm tăng nguy cơ bùng phát bệnh viêm ruột.

2.1.6 Nguyên nhân viêm ruột do thuốc ức chế trạm kiểm soát

Viêm ruột do các chất ức chế trạm kiểm soát gây ra và các rối loạn tự miễn như viêm khớp dạng thấp, bệnh lupus, bệnh vảy nến cũng có thể trở nên nặng hơn khi tiếp xúc với các chất này. Thậm chí, các chất ức chế còn có khả năng làm thay đổi hệ miễn dịch vĩnh viễn dẫn đến sự phát sinh của bệnh viêm ruột. Ipilimumab liên quan đến viêm đại tràng có nhiều đặc điểm mô học và nội soi tương tự như viêm ruột cổ điển.

2.2. Bệnh viêm ruột thứ phát sau phẫu thuật

Đối với bệnh nhân viêm ruột, đặc biệt là người bị bệnh Crohn, phẫu thuật vùng bụng và vùng chậu thường được áp dụng. Theo các nghiên cứu, phẫu thuật thay đổi cấu trúc ruột có thể làm thay đổi hệ vi sinh vật trong đường tiêu hóa, tạo ra một môi trường thuận lợi cho bệnh viêm ruột thuyên giảm hoặc bùng phát. Một ví dụ điển hình là phẫu thuật cắt bỏ hồi đại tràng ở bệnh nhân bệnh Crohn đã giúp 50% bệnh nhân duy trì sự thuyên giảm bệnh trong vòng 10 năm.

2.2.1 Nguyên nhân viêm ruột do hội chứng viêm ruột sau cắt đại tràng

Sau khi phẫu thuật cắt đại tràng hoặc cắt toàn bộ đại trực tràng, bệnh nhân có thể phát triển hội chứng viêm ruột sau cắt đại tràng hay tình trạng viêm mãn tính ở ruột non. Thông thường, tình trạng này sẽ xuất hiện vài tháng sau phẫu thuật với đặc trưng là viêm ruột mãn tính lan tỏa. Khi nghi ngờ, bác sĩ sẽ chỉ định nội soi đường tiêu hóa trên, nội soi hồi tràng qua lỗ mở ruột hoặc nội soi ruột non.

2.2.2 Nguyên nhân viêm ruột do viêm túi hồi tràng sau cắt đại tràng

Sau khi cắt đại tràng, viêm túi hồi tràng được xem là một nguyên nhân thứ phát của bệnh viêm ruột. Phẫu thuật cắt bỏ ruột bị bệnh giúp chữa khỏi những bệnh nhân mắc bệnh viêm ruột dạng nặng mà không đáp ứng với phương pháp điều trị y tế.

Phương pháp phẫu thuật cắt toàn bộ đại tràng và nối túi hồi tràng với ống hậu môn đã trở thành phương pháp điều trị phẫu thuật được chọn lựa cho những trường hợp cần phải cắt bỏ toàn bộ. 

Phẫu thuật cắt đại tràng có thể là nguyên nhân thứ phát của bệnh viêm ruột.
Phẫu thuật cắt đại tràng có thể là nguyên nhân thứ phát của bệnh viêm ruột.

2.2.3 Nguyên nhân viêm ruột do bệnh Crohn túi sau cắt bỏ đại tràng

Phẫu thuật cắt đại tràng trực tràng và nối túi hồi tràng - ống hậu môn ở bệnh nhân được chẩn đoán viêm loét đại tràng trước khi phẫu thuật đã được xác nhận là nguyên nhân dẫn đến sự khởi phát bệnh Crohn mới trong khoảng 2,7 - 13% bệnh nhân, những người ban đầu được chẩn đoán là viêm loét đại tràng hoặc viêm đại tràng không xác định. Sau phẫu thuật, quá trình tiêu hóa thức ăn diễn ra nhanh chóng, làm thay đổi hệ vi sinh vật trong đường ruột và tạo ra điều kiện thuận lợi cho bệnh Crohn.

2.2.4 Nguyên nhân viêm ruột do bệnh viêm ruột mới khởi phát sau phẫu thuật điều trị béo phì

Là một bệnh lý mãn tính, béo phì làm tăng nguy cơ phát triển các bệnh lý khác như tiểu đường, tăng lipid máu, bệnh tim mạch và thậm chí một số loại ung thư bao gồm ung thư ruột kết.  

Trong số các phương pháp điều trị béo phì, nối tắt dạ dày Roux-en-Y là một phẫu thuật hiệu quả nhưng đã được chứng minh là có khả năng gây bệnh Crohn mới khởi phát. Các nhà nghiên cứu nghi ngờ những thay đổi trong hệ vi sinh vật hoặc tình trạng dinh dưỡng có thể là yếu tố dẫn đến sự phát triển của bệnh này.

2.2.5 Nguyên nhân viêm ruột do bệnh viêm ruột mới khởi phát sau phẫu thuật sau ghép tạng

Trong cơ chế bệnh sinh của viêm ruột, hệ thống miễn dịch đóng vai trò quan trọng. Khi thực hiện ghép tế bào gốc tạo máu (HSCT) hoặc cấy ghép cơ quan đặc (ghép tạng đặc) thì steroid và thuốc điều hòa miễn dịch sẽ được sử dụng.

Những thay đổi trong hệ miễn dịch khi sử dụng chất ức chế miễn dịch hoặc khi đưa vào cơ thể các kháng nguyên lạ sẽ dẫn đến những phản ứng miễn dịch được điều chỉnh, từ đó phát sinh các rối loạn tự miễn. Bệnh viêm ruột là một trong những tình trạng tự miễn có thể xảy ra sau khi ghép tạng đặc hoặc HSCT. 

Sau khi ghép tạng, bệnh viêm ruột có thể xảy ra.
Sau khi ghép tạng, bệnh viêm ruột có thể xảy ra.

2.2.6 Nguyên nhân viêm ruột do bệnh viêm ruột sau ghép tế bào gốc tạo máu

Phương pháp HSCT đã chứng minh hiệu quả trong việc điều trị các rối loạn tạo máu bao gồm bệnh bạch cầu. Những bệnh nhân nhận cấy ghép có thể phát triển một loại viêm đại tràng đặc thù, khác biệt rõ rệt về mặt lâm sàng và mô học so với viêm đại tràng do nhiễm trùng hoặc viêm đại tràng trong bệnh ghép-vật chủ. Tình trạng này được gọi là "viêm đại tràng dây rốn" thường biểu hiện bằng tiêu chảy không máu, xuất hiện vài tháng sau khi cấy ghép.

2.2.7 Nguyên nhân viêm ruột sau cấy ghép nội tạng đặc

Trong giai đoạn chu kỳ cấy ghép và sau khi ghép tạng, những người ghép tạng đặc thường bị ức chế miễn dịch. Bệnh viêm ruột mới phát sinh sau khi ghép tạng đặc có liên quan đến việc sử dụng các thuốc như steroid, chất điều hòa miễn dịch và globulin kháng thymocyte dẫn đến sự thay đổi trong "bộ điều nhiệt miễn dịch" và làm phát sinh phản ứng miễn dịch đối với hệ vi sinh vật trong đường ruột. Điều này tạo điều kiện cho sự phát triển của viêm ruột mới khởi phát ở những người có nguy cơ.

2.2.8 Nguyên nhân viêm ruột do bệnh viêm ruột liên quan đến cấy ghép hệ vi sinh vật trong phân

Hệ vi sinh vật đường ruột bao gồm hàng nghìn tỷ sinh vật và ở người mắc bệnh viêm ruột, tình trạng rối loạn sinh học đường ruột đóng một vai trò quan trọng trong cơ chế bệnh sinh.  

Các cá thể được điều trị bằng phương pháp cấy ghép vi sinh vật từ phân cho bệnh Crohn dường như có sự thay đổi trong hệ vi sinh vật đường ruột, phản ánh hệ vi sinh vật của người cho và đa dạng sinh học vi sinh vật cũng cao hơn. Tuy nhiên, ở những bệnh nhân mắc bệnh viêm ruột, hệ vi sinh vật sau khi cấy ghép lại phản kháng với sự thay đổi này.

Nhìn chung, viêm ruột là một căn bệnh mãn tính ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa nhưng nguyên nhân viêm ruột cụ thể vẫn chưa được xác định rõ ràng. Các yếu tố hoặc nguyên nhân thứ phát của bệnh viêm ruột hiện đã được nhận diện bao gồm thuốc, các phẫu thuật thay đổi cấu trúc ruột, cấy ghép cơ quan, tế bào gốc, hoặc thay đổi hệ vi sinh vật trong phân.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng. 

Tài liệu tham khảo: Ghouri YA, Tahan V, Shen B. Secondary causes of inflammatory bowel diseases. World J Gastroenterol 2020; 26(28): 3998-4017 [PMID: 32821067 DOI: 10.3748/wjg.v26.i28.3998]

Chia sẻ