Những nguyên nhân gây ung thư cổ tử cung là vấn đề mọi người cần chủ động tìm hiểu để có thể chủ động phòng tránh. Ung thư cổ tử cung là một bệnh lý rất nguy hiểm với tỷ lệ tử vong cao. Các tổn thương tiền ung thư có thể diễn biến rất chậm trong nhiều năm và khó nhận biết. Vì thế, việc điều trị khi bệnh có triệu chứng sẽ càng trở nên khó khăn hơn.
Nội dung video được tư vấn chuyên môn bởi BSCK II Trần Thị Mai Hương, Khoa sản phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng
1. Khái quát về bệnh
Ung thư cổ tử cung là tình trạng cực kỳ nguy hiểm với tỷ lệ người mắc và tử vong đứng thứ 2 trong số các bệnh lý ung thư sinh dục xuất hiện ở nữ giới. Bệnh xuất hiện khi các tế bào phát triển một cách bất thường và sinh sôi không kiểm soát. Từ đó, các tế bào này xâm lấn các khu vực xung quanh và di căn tới các nơi khác trong cơ thể.
Theo thống kê, nữ giới trong độ tuổi sinh hoạt tình dục (30-45 tuổi) là những người dễ mắc ung thư cổ tử cung nhất.
Mặc dù phần lớn ung thư cổ tử cung là ung thư biểu mô tuyến hoặc ung thư biểu mô tế bào gai, nhưng có một số loại ung thư khác cũng có khả năng phát triển ở tử cung của người bệnh, có thể kể đến sarcoma, lymphoma và melanoma.
Ung thư cổ tử cung sẽ phát triển theo 4 giai đoạn khác nhau, bao gồm:
- Giai đoạn 1: Tế bào ung thư chỉ xuất hiện tại khu vực cổ tử cung.
- Giai đoạn 2: Các tế bào ác tính lan ra bên ngoài cổ tử cung và xâm lấn các mô xung quanh. Tuy nhiên, ung thư chưa xâm lấn đến các mô lót trong khung chậu hoặc phần dưới âm đạo.
- Giai đoạn 3: Ung thư đã xâm lấn vào phần dưới âm đạo và các mô lót ở khung chậu.
- Giai đoạn 4: Ung thư xâm lấn vào thành bụng, bàng quang, trực tràng và đã di căn.
2. Những nguyên nhân gây ung thư cổ tử cung
Đa phần, ung thư cổ tử cung xảy ra do nhiễm vi khuẩn HPV (Human Papillomavirus) trong thời gian dài. HPV là một nhóm gồm hơn 200 loại virus, một phần trong số này sẽ lây lan qua đường tình dục.
Virus HPV được phân loại thành HPV nguy cơ thấp và HPV nguy cơ cao. Có khoảng 14 loại virus HPV nguy cơ cao, trong đó HPV16 và HPV18 đã được xác định là nguyên nhân chủ yếu gây ra ung thư cổ tử cung. Ngoài ra, một số chủng khác cũng có nguy cơ cao gây ung thư như HPV 51, 56 hay 39.
Tình trạng nhiễm HPV là rất phổ biến và có thể truyền từ người này sang người khác. Sau khi bị nhiễm, virus HPV có thể bị loại bỏ khỏi cơ thể bằng hệ miễn dịch trong vài tháng. Tuy nhiên, hệ miễn dịch có thể bị lỗi và khiến HPV tồn tại trong cơ thể nhiều năm hoặc suốt đời. Từ đó, virus này sẽ gây ra các tổn thương tại cổ tử cung của người bệnh.
Bên cạnh những nguyên nhân gây ung thư cổ tử cung, còn một số yếu tố khác làm tăng nguy cơ mắc bệnh, bao gồm:
- Người hay hút thuốc lá.
- Quan hệ tình dục quá sớm.
- Có quan hệ tình dục với nhiều đối tượng.
- Quan hệ tình dục không an toàn.
- Sinh nở nhiều lần (trên 5 con).
- Sinh con khi còn quá trẻ (dưới 17 tuổi).
- Vệ sinh vùng kín không đúng cách.
- Người bệnh bị viêm cổ tử cung mãn tính.
- Người suy giảm miễn dịch.
- Người dùng thuốc tránh thai đường uống trên 5 năm.
- Mắc các bệnh gây suy giảm miễn dịch, ví dụ như HIV/AIDS.
3. Dấu hiệu nhận biết ung thư cổ tử cung
Ung thư cổ tử cung sẽ có một số triệu chứng lâm sàng điển hình và dễ nhận biết, bao gồm:
- Đau trong lúc quan hệ.
- Đau vùng chậu nhưng không liên quan tới kinh nguyệt.
- Số lần đi tiểu tăng, đau trong khi tiểu.
- Chảy máu bất thường sau khi giao hợp, sau mãn kinh hoặc giữa các kỳ kinh nguyệt.
- Âm đạo tiết nhiều dịch hơn bình thường hoặc có mùi khó chịu.
4. Những cách phòng tránh
Mặc dù ung thư cổ tử cung bắt đầu từ các tế bào tiền ung thư, nhưng rất ít phụ nữ có các tế bào tiền ung thư sẽ phát triển thành ung thư. Trong đa số trường hợp, các tế bào tiền ung thư ở phụ nữ sẽ tự biến mất mà không cần điều trị.
Tuy nhiên, vẫn có trường hợp phụ nữ có tế bào tiền ung thư và phát triển thành ung thư. Vì vậy, việc điều trị tiền ung thư cổ tử cung có thể tăng khả năng ngăn ngừa ung thư phát triển.
Phụ nữ có thể phòng tránh ung thư cổ tử cung bằng các cách như sau:
- Quan hệ tình dục an toàn. Việc dùng bao cao su sẽ làm giảm nguy cơ lây nhiễm các virus u nhú và cả các bệnh lây qua đường tình dục. Do đó, quan hệ an toàn sẽ làm giảm nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung.
- Điều trị HPV: Khi nhiễm HPV, phụ nữ có nguy cơ cao mắc ung thư cổ tử cung. Khi mắc các chủng HPV 16 hay HPV 18, bác sĩ sẽ tiến hành soi cổ tử cung để phát hiện các thương tổn. Bác sĩ cũng có thể lấy mẫu sinh thiết để chẩn đoán xem người bệnh có mắc ung thư hay không.
- Tiêm vắc xin: Việc tiêm vắc xin HPV có ý nghĩa rất lớn trong việc phòng tránh bệnh. Các chuyên gia cũng khuyến cáo rằng, phụ nữ nên tiêm vắc xin HPV trong độ tuổi từ 14-16.
- Sàng lọc định kỳ: Các xét nghiệm sàng lọc ung thư cổ tử cung sớm nên được thực hiện ở phụ nữ từ 25 tuổi trở lên. Chị em phụ nữ nên tiến hành sàng lọc ung thư cổ tử cung định kì theo hướng dẫn của bác sĩ. Cùng với đó, khả năng điều trị cũng được nâng cao nếu phát hiện bệnh sớm.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng hãy bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.