Bị gãy xương nên ăn gì? Người gãy xương nên ăn các thực phẩm giàu canxi và protein như cá hồi, sữa tươi, phô mai,... Việc bổ sung những thực phẩm có lợi cho xương kết hợp với chế độ ăn uống khoa học sẽ giúp vết thương mau lành và khiến người bệnh nhanh chóng hồi phục để trở lại cuộc sống bình thường.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của ThS.BS Lê Quang Minh - Trưởng Đơn Nguyên Khoa Ngoại Tổng Hợp - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
1. Biến chứng khi bị gãy xương
Gãy xương thường xảy ra do tai nạn giao thông, bệnh nhân bị chấn thương khi lao động, chơi thể thao, sinh hoạt hàng ngày và nhiều nguyên nhân khác. Tùy vào tình trạng và vị trí gãy xương, bệnh nhân có thể được bác sĩ chỉ định bó bột hoặc phẫu thuật. Để bệnh nhân phục hồi tốt, cần có chế độ chăm sóc phù hợp giúp xương nhanh chóng tái tạo và phục hồi.
- Người bệnh thường bị hạn chế khả năng vận động và cảm thấy đau nhiều khi di chuyển. Trong một số trường hợp, xương bị gãy rời hoặc di lệch có thể dẫn đến mất khả năng vận động hoàn toàn. Do đó, việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời là rất quan trọng để tránh các biến chứng không mong muốn.
- Bệnh nhân gãy xương sống, xương đùi hoặc các xương lớn khác thường bị sốc do mất máu nhiều, liệt chân tay, và trong trường hợp nghiêm trọng, tình trạng này có thể đe dọa đến tính mạng.
- Người bị gãy xương hở dễ cũng dễ bị viêm tủy xương, một biến chứng khó điều trị. Nếu đầu xương bị gãy nhưng sau khi hồi phục lại không đúng trục, sẽ dẫn đến tình trạng can lệch xương, làm hạn chế vận động.
- Ngoài ra, bệnh nhân có thể gặp các vấn đề như xương chậm liền (thời gian điều trị trên 5 tháng nhưng xương không liền lại), khớp giả, và xơ cứng hạn chế khớp.
2. Bị gãy xương nên ăn gì?
2.1 Thực phẩm giàu Canxi
Canxi là một chất quan trọng cho sự phát triển của xương khớp. Để xương chắc khỏe và tăng sức đề kháng, bệnh nhân cần bổ sung canxi đáp ứng đủ nhu cầu khuyến nghị hàng ngày.
Khi cơ thể thiếu canxi, bệnh nhân sẽ cảm thấy mệt mỏi, tê nhức xương khớp, và trong trường hợp nghiêm trọng hơn có thể dẫn đến loãng xương. Đối với người bị gãy xương, việc bổ sung canxi đầy đủ sẽ giúp vết thương nhanh chóng phục hồi.
Muốn biết bị gãy xương nên ăn gì thì lựa chọn tốt nhất là thực phẩm giàu canxi. Canxi có nhiều trong các loại thực phẩm như tôm cua đồng, các loại ốc, sữa tươi, phô mai, vừng, hạt bí, mộc nhĩ ...
2.2 Thực phẩm chứa nhiều Protein
Các thực phẩm giàu protein như thịt cá nạc, thịt ức gà, và cá hồi không chỉ thúc đẩy quá trình phục hồi xương mà còn làm giảm nồng độ cholesterol xấu. Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng có thể bổ sung protein từ nguồn thực vật như từ các loại đậu đỗ (đậu nành, đậu xanh, đậu đen...) cũng rất tốt cho sức khỏe.
2.3 Thực phẩm chứa Magie
Magie giúp tăng cường hấp thụ canxi, từ đó nâng cao mật độ xương và hỗ trợ quá trình tái tạo xương. Nếu không cung cấp đủ magie, quá trình phục hồi sẽ chậm lại và tăng nguy cơ loãng xương do lượng canxi trong mô mềm giảm sút. Các thực phẩm giàu magie mà bệnh nhân có thể bổ sung như hạt dẻ, vừng, hạt sen, hạt lạc, sô cô la đen, rau ngót, đu đủ, cam, chuối...
2.4 Thực phẩm chứa kẽm
Kẽm có tác dụng hỗ trợ hình thành mô sẹo, kích thích sản xuất protein cho xương và tăng cường quá trình lành vết gãy. Bệnh nhân có thể tìm thấy kẽm trong các loại thực phẩm có nguốn gốc từ đại dương như nghêu, sò, cua, hàu. Ngoài ra các thực phẩm như trứng, gan, hạt điều, thịt cũng là nguồn thực phẩm chứa nhiều kẽm.
2.6 Thực phẩm giàu vitamin
Vitamin D
Môt trong các chất dinh dưỡng quan trọng bệnh nhân cần biết về bị gãy xương nên ăn gì chính là Vitamin D. Vitamin D có nhiều trong lòng đỏ trứng, các loại cá béo, sữa, và phô mai. Vitamin D còn giúp cơ thể tăng cường hấp thụ canxi. Cách đơn giản nhất để bổ sung vitamin D là tắm nắng hoặc uống viamin D hằng ngày.
Vitamin B6 và vitamin B12
Thịt bò, thịt gà, thịt dê, ngũ cốc, cá ngừ, chuối, và sữa chua chứa nhiều dưỡng chất giúp cơ thể thúc đẩy quá trình tái tạo xương, làm vết thương nhanh lành và giúp xương chắc khỏe.
Vitamin C
Đây là một loại vitamin có vai trò quan trọng trong quá trình tổng hợp Collagen - chất giúp xương phục hồi nhanh chóng. Bệnh nhân có thể cung cấp vitamin C bằng cách sử dụng các viên thực phẩm chức năng hoặc từ các loại rau củ quả như ổi, cà chua, kiwi, ớt chuông, dâu tây, dứa, cam quýt, và các loại quả mọng.
Vitamin K
Vitamin K giúp tăng cường mật độ xương. Bệnh nhân có thể cung cấp vitamin K cho cơ thể bằng cách ăn rau họ cải, rau chân vịt, rau ngót, củ dền, và súp lơ trắng.
3. Bên cạnh tìm hiểu bị gãy xương nên ăn gì, bệnh nhân nên kiêng gì?
- Bệnh nhân nên hạn chế tiêu thụ đồ ăn chiên xào và có nhiều dầu mỡ, vì chúng có thể kéo dài quá trình liền xương. Đồ ngọt làm tăng nguy cơ béo phì và chèn ép lên xương khớp, cũng như làm tăng nguy cơ thoái hóa xương và suy yếu xương. Việc tiêu thụ quá nhiều muối cũng có thể làm tăng tốc độ thải canxi, làm chậm hồi phục và suy yếu xương.
- Người bị gãy xương nên hạn chế sử dụng các loại đồ uống có cồn như cà phê, trà, và rượu bia, cũng như tránh sử dụng thuốc lá.
Trong quá trình điều trị, người bệnh cần nghỉ ngơi nhiều hơn, sử dụng thuốc theo đúng hướng dẫn của bác sĩ và kê cao chân bị tổn thương khi nằm nghỉ để tránh sưng phù do ứ máu tĩnh mạch.
Thực hiện các bài tập cơ động cho khớp để hạn chế co cứng khớp, nhưng chỉ nên thực hiện các bài tập nhẹ nhàng và duy trì sức cơ. Đối với người bị gãy chân, bệnh nhân chỉ được phép đi lại khi có sự đồng ý của bác sĩ. Cần khuyến khích người bệnh tiếp tục sinh hoạt thông thường để giúp cơ thể nhanh chóng phục hồi.
Người bị gãy xương thường bị hạn chế vận động và gặp khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày, do đó cần được chăm sóc kỹ lưỡng. Gia đình cần nắm rõ thông tin bị gãy xương nên ăn gì để đảm bảo bệnh nhân tiêu thụ các thực phẩm tốt cho xương khớp và thúc đẩy việc phục hồi bằng cách tập luyện hợp lý.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: Bảng thành phần hóa học thực phẩm Việt Nam - Viện dinh dưỡng quốc gia năm 2007