Với những bệnh nhân bị bướu cổ hoặc mắc các bệnh lý tuyến giáp nói chung thì chế độ ăn uống đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình điều trị bệnh. Do đó, để đảm bảo quá trình điều trị thì người bệnh cần cân nhắc việc chọn lựa thực phẩm và có một chế độ ăn uống hợp lý. Bài viết sau đây sẽ cung cấp thông tin về các món cháo tốt cho người bị bướu cổ, bệnh tuyến giáp.
1. Nguyên tắc ăn uống đối với người bị bướu cổ, bệnh tuyến giáp
Nguyên nhân chủ yếu gây bướu cổ là do người bệnh thường ăn uống thiếu i-ốt. Cơ thể chúng ta cần được bổ sung một lượng i-ốt thông qua chế độ ăn uống để tuyến giáp có thể hoạt động bình thường. Nếu tình trạng thiếu i-ốt kéo dài có thể khiến tuyến giáp phải hoạt động nhiều hơn định mức nhằm tạo ra lượng hormone cơ thể cần. Chính vì điều này, các tuyến giáp sẽ phình to ra và gây các bệnh tuyến giáp.
Vậy bị bướu cổ ăn gì? Khi bệnh nhân bị bướu cổ hoặc các bệnh tuyến giáp thì nguyên tắc ăn uống cần lưu ý là tăng cường bổ sung thức ăn có hàm lượng i-ốt cao và tránh ăn những thực phẩm làm hạn chế sự hấp thụ i-ốt của cơ thể. Theo đó, bạn có thể tham khảo công thức các món cháo tốt cho người bị bướu cổ hoặc bệnh tuyến giáp dưới đây.
XEM THÊM: Bệnh nhân bị bướu cổ có nên sử dụng muối Iod không?
2. Cháo gì tốt cho người bị bướu cổ, bệnh tuyến giáp?
Cháo gì tốt cho người bị bướu cổ được rất nhiều bạn đọc quan tâm. Theo đó, các món cháo tốt cho người bị bướu cổ và bệnh tuyến giáp bạn có thể tham khảo như sau:
2.1. Cháo thịt nạc rong biển cho người bị bướu cổ, bệnh tuyến giáp
Rong biển khô là loại thực phẩm có tính hàn, vị ngọt, mặn. Các nghiên cứu đều chỉ ra rằng, rong biển chứa rất nhiều i-ốt nên rất phù hợp với bệnh nhân tuyến giáp. Bên cạnh đó, rong biển còn có tác dụng hỗ trợ giảm hàm lượng cholesterol trong máu, thanh nhiệt lợi thủy và trị ho.
Ngoài ra, gạo nếp cũng là một thành phần chính khi chế biến cháo thịt nạc rong biển. Theo Đông y, đây là thực phẩm có tính ấm, mang vị ngọt, có công năng kiện tỳ chỉ tả và bổ trung ích khí. Không chỉ vậy, gạo nếp chứa tinh bột, dầu béo, amylase,... rất tốt cho sức khỏe người bệnh tuyến giáp.
Nguyên liệu cần chuẩn bị:
- Rong biển khô: 10 gram;
- Gạo nếp: 100 gram;
- Thịt heo nạc xay: 50 gram;
- Gia vị: mắm, muối, giấm gạo, tiêu,...
Cách chế biến:
- Bước 1: Đem rong biển khô đã chuẩn bị rửa sạch, sau đó xé nhỏ và để ráo nước;
- Bước 2: Vo sạch 100 gram nếp và trút vào nồi, đổ thêm 1 lít nước và bật lửa vừa để ninh cháo;
- Bước 3: Khi thấy khi hạt gạo bung thành cháo, bỏ thêm rong biển xé sợi cùng thịt xay đã luộc sơ vào nồi, rồi nêm nếm gia vị sao cho vừa miệng ăn;
- Bước 4: Ninh thêm một thời gian đến khi cháo nhừ thì tắt bếp và múc ra bát để thưởng thức.
Cháo thịt nạc rong biển là món ngon có tác dụng tư bổ, đặc biệt thích hợp với người bị tăng năng tuyến giáp hoặc người suy nhược cơ thể.
2.2. Cháo chem chép trứng bắc thảo cho người bị bướu cổ, bệnh tuyến giáp
Chem chép khô là loại thực phẩm có tính ấm và vị mặn. Theo Đông y, chem chép có tác dụng rất tốt giúp ích tinh khí, bổ can thận, cầm máu, tiêu nhọt, tráng dương.
Kết hợp cùng cá chem chép là trứng bắc thảo có tính mát, vị ngọt. Công năng của loại thực phẩm này khá đa dạng: thanh phế, trị ho, tư âm, cầm lỵ. Không chỉ vậy, trứng bắc thảo có chứa nhiều protid và lipid, cùng các chất dinh dưỡng (như Ca, P, Fe và các vitamin) thì đây là món ăn dễ tiêu hóa, hấp thu dinh dưỡng hiệu quả
Nguyên liệu cần chuẩn bị:
- Chem chép khô: 50 gram;
- Trứng bắc thảo: 50 gram;
- Gạo tẻ: 100 gram;
- Muối tinh: 1 lượng vừa đủ.
Cách chế biến:
- Bước 1: Đầu tiên cần tiến hành sơ chế các nguyên liệu: đem ngâm chem chép khô ngập trong nước ấm, trứng bắc thảo lột vỏ và thái hạt lựu;
- Bước 2: Đổ nước dùng vào nồi vừa đủ, cho vào gạo tẻ đã vo sạch, chem chép khô và trứng bắc thảo rồi bật bếp. Hãy đảm bảo nồi cháo được đun sôi bằng lửa mạnh sau đó chuyển lửa vừa;
- Khi hạt gạo đã nở bung, nêm muối tăng mùi vị cho cháo và khuấy đều. Chờ cháo chín hẳn thì tắt bếp và múc ra bát.
Tác dụng: Đây là món ăn rất phù hợp với người bị cường năng tuyến giáp. Tuy nhiên, bệnh nhân cần tránh đưa món cháo chem chép trứng bắc thảo vào thực đơn trước và sau 1 tháng điều trị phóng xạ i-ốt.
2.3. Cháo ngũ vị cho người bị bướu cổ, bệnh tuyến giáp
Nguyên liệu cần chuẩn bị:
- Gạo đại mạch: 150 gram;
- Ngũ vị tử: 10 gram;
- Nhân táo chua: 10 gram;
- Mạch môn: 19 gram;
- Quế nhục: 10 gram;
- Hạt sen: 10 gram.
Cách chế biến:
- Bước 1: Đầu tiên, cần sơ chế các dược liệu đã chuẩn bị: giã vụn nhân táo chua; hạt sen được bỏ tâm và nấu chín để riêng;
- Bước 2: Vo sạch gạo đại mạch trút vào nồi, đem nhân táo chua đã giã vụn cùng các nguyên liệu khác (ngũ vị tử, mạch môn) phủ trên mặt gạo và đổ nước vừa đủ sắc lấy nước đặc. Để lửa vừa ninh thành cháo;
- Bước 3: Kiểm tra thấy cháo sắp chín thì cho các vị dược liệu còn lại cùng hạt sen, đun thêm một lúc đến khi cháo chín thì tắt bếp.
Tác dụng: Cháo ngũ vị là món ăn rất tốt và có giá trị dinh dưỡng cao đối với những bệnh nhân bị bướu cổ.
Ngoài việc điều trị bằng thuốc tây, người bệnh bướu cổ cần có một chế độ dinh dưỡng hợp lý. Mong rằng những thông tin trên đã giúp giải đáp phần nào thắc mắc “Người bị bướu cổ ăn gì sẽ có lợi cho sức khỏe?”. Công thức các món cháo tốt cho người bướu cổ, bệnh tuyến giáp có trong bài đều rất dễ thực hiện và đảm bảo giá trị dinh dưỡng, bạn có thể áp dụng và thay đổi khẩu vị cho người bệnh.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.