Các loại thuốc trị tiểu đường phổ biến

Bệnh tiểu đường là bệnh lý nguy hiểm và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu. Hiện chưa có cách điều trị triệt để bệnh tiểu đường, tuy nhiên giảm cân, ăn uống lành mạnh, uống các loại thuốc trị tiểu đường theo chỉ định của bác sĩ có thể giúp hỗ trợ giảm tác động của bệnh đến cuộc sống hằng ngày của bạn. Vậy các loại thuốc chữa bệnh tiểu đường là những loại thuốc nào mời các bạn tìm hiểu qua bài viết sau đây.

1. Các loại thuốc trị tiểu đường loại 1

1.1 Tổng quan về tiểu đường loại 1

Bệnh tiểu đường là một loại bệnh mãn tính. Ở những người mắc bệnh tiểu đường loại 1, các tế bào trong tuyến tụy tạo ra insulin bị phá hủy, vì vậy cơ thể không thể tạo ra insulin - một hormone giúp các tế bào của cơ thể bạn sử dụng glucose (đường) từ thực phẩm bạn ăn làm năng lượng.

Một số triệu chứng của tiểu đường tuýp 1 thường gặp là: ăn nhiều, uống nhiều, tiểu nhiều, gầy nhiều. Các triệu chứng cũng có thể là biến chứng của tiểu đường tuýp 1.

  • Biến chứng cấp tính: yếu, mệt mỏi, khát nước, chuột rút, da khô, mạch nhanh, tụt huyết áp, rối loạn ý thức, buồn nôn, thở gấp, hơi thở có mùi táo thối.
  • Biến chứng mạn tính: nhìn mờ, đau ngực, tê bì dị cảm ở ban chân, đầy bụng, chậm tiêu, nuốt khó.

1.2 Các loại thuốc chữa bệnh tiểu đường tuýp 1

Insulin: là loại thuốc phổ biến nhất được dùng để điều trị đái tháo đường loại 1. Các tùy chọn bao gồm:

  • Insulin tác dụng tức thời: đảm bảo lượng insulin cần cho bữa ăn ngay thời gian tiêm:
    • Insulin aspart: tên thuốc trên thị trường NovoLog, FlexPen, Fiasp
    • Insulin glulisine: tên thuốc trên thị trường Apidra
    • Insulin lispro: tên thuốc trên thị trường Humalog
  • Insulin tác dụng ngắn: Thuốc bổ sung insulin để đảm bảo lượng insulin cần thiết cho bữa ăn trong thời gian khoảng 30-60 phút. Trong các trường hợp cấp cứu có thể sử dụng để tiêm truyền tĩnh mạch.
  • Insulin thông thường: tên thuốc trên thị trường Humulin và Novolin
  • Insulin tác dụng trung bình: thuốc đảm bảo lượng insulin trong nửa ngày hoặc qua đêm. Thuốc bắt đầu phát huy hiệu quả sau 1-2 giờ khi tiêm và có tác dụng kéo dài từ 10- 16 giờ.
    • Insulin isophane: tên thuốc trên thị trường Humulin N, Novolin N
  • Insulin tác dụng dài: Thuốc đảm bảo lượng insulin trong cơ thể cho cả ngày. Dùng để tiêm dưới da và chỉ cần tiêm 1 lần trong ngày vì tác dụng của liều thuốc có thể duy trì từ 20-22 giờ.
    • Insulin degludec:tên thuốc trên thị trường Tresiba
    • Insulin detemir: tên thuốc trên thị trường Levemir
    • Insulin glargine: tên thuốc trên thị trường Lantus
    • Insulin glargine: tên thuốc trên thị trường Toujeo
  • Insulin dạng hỗn hợp: Do các dạng insulin trên có thời gian tác dụng kéo dài khác nhau, mà cơ thể mỗi người cần lượng insulin khác nhau nên các dạng trên thường được phối hợp để sử dụng, sao cho thuận tiện các dạng insulin dạng hỗn hợp được chế tạo với các dạng insulin khác nhau và có hàm lượng khác nhau. Loại insulin này thường được dùng hai hoặc ba lần trong ngày trước bữa ăn.
    • NovoLog Mix 70/30: phối hợp bởi insulin aspart protamine và insulin aspart
    • Humalog Mix 75/25: phối hợp bởi insulin lispro protamine và insulin lispro
    • Humalog Mix 50/50: phối hợp bởi insulin lispro protamine và insulin lispro
    • Humulin 70/30: phối hợp bởi human insulin NPH và human insulin regular
    • Novolin 70/30: phối hợp bởi human insulin NPH và human insulin regular
    • Ryzodeg: phối hợp bởi insulin degludec và insulin aspart

Thuốc amylinomimetic:

Ngoại trừ việc bổ sung hormone insulin thì giảm tiết hormone Glucagon ( hormone đối nghịch với insulin) cũng là phương pháp để điều trị bệnh tiểu đường tuýp 1. Vì thế, trong các thuốc trị bệnh tiểu đường có loại thuốc Amylinomimetic được sử dụng bằng đường tiêm trước các bữa ăn, nó giảm tiết glucagon sau bữa ăn, nhờ đó làm giảm đường huyết hiệu quả. Hơn nữa, thuốc cũng làm giảm đi cảm giác thèm ăn thông qua cơ chế trung tâm, nhờ đó điều trị triệu chứng ăn nhiều ở người mắc tiểu đường tuýp 1.

2. Các loại thuốc điều trị bệnh tiểu đường loại 2

2.1 Tổng quan về tiểu đường loại 2

Bệnh tiểu đường tuýp 2 chiếm tới 90% trong tổng số người mắc bệnh tiểu đường. Đây là tình trạng cơ thể sử dụng insulin được tạo ra không hiệu quả và thường là kết quả của việc bị thừa cân, thiếu hoạt động. Ngoài ra, các tế bào tuyến tụy không sản xuất đủ lượng insulin cần thiết để điều tiết lượng đường thừa sau khi ăn.

2.2 Các loại thuốc điều trị bệnh tiểu đường tuýp 2

2.2.1 Nhóm thuốc ức chế men alpha-glucosidase

Thức ăn vào cơ thể phải được chuyển thành dạng glucose ( đường ) để cơ thể hấp thu, enzyme α-glucosidase chính là tham gia vào quá trình này. Do đó các nhóm thuốc ức chế α-glucosidase làm chậm việc phân giải đồ ăn thành glucose và ức chế sự gia tăng lượng đường trong máu sau bữa ăn. Hiệu quả của thuốc tốt nhất khi uống ngay trước bữa ăn.

  • Acarbose
  • Miglitol

2.2.2.Biguanides

Metformin là hoạt chất duy nhất còn được sử dụng trong nhóm thuốc biguanides. Metformin hoạt động bằng cách giảm lượng đường trong máu qua các cơ chế như giảm sản xuất glucose ở gan, giảm hấp thụ glucose từ ruột, cải thiện độ nhạy insulin ở các mô ngoại vi, tăng sự hấp thu của mô và sử dụng glucose để điều trị các triệu chứng của tiểu đường tuýp 2.

Một số tác dụng khác của metformin: Giảm lipid, giảm nồng độ chất béo trung tính trong máu, Giảm cholesterol xấu đồng thời tăng cholesterol tốt, Giảm cân nhẹ nhờ khả năng làm giảm sự thèm ăn.

Các loại thuốc trị tiểu đường chứa hoạt chất metformin lưu hành trên thị trường như: Glucophage, Metformin Hydrochloride ER, Glumetza, Riomet, Fortamet

2.2.3.Chất chủ vận Dopamine

Dopamine là chất chủ vận thần kinh, tuy nhiên vẫn chưa có nghiên cứu chính xác chất này hoạt động như thế nào để điều trị tiểu đường tuýp 2. Nó có thể ảnh hưởng đến nhịp điệu trong cơ thể bệnh nhân và ngăn chặn sự kháng insulin.

  • Bromocriptine

2.2.4. Thuốc ức chế DPP-4

GLP-1 và GIP thuộc nhóm hormon incretin, chúng có tác dụng giảm đường huyết sau ăn do kích thích tiết insulin và ức chế tiết glucagon. Ngoài ra, 2 hermon này còn có tác dụng làm giảm co bóp dạ dày, giảm cảm giác đói. Tuy nhiên, men DPP-4 có tác dụng thoái giáng GLP-1 và GIP khiến chúng thành dạng bất hoạt. Do đó, thuốc ức chế DPP-4 có tác dụng tăng tiết insulin và ức chế tiết glucagon, thuốc không gây hạ đường huyết và không tăng cân. Thuốc DPP-4 sử dụng không phụ thuộc bữa ăn và chỉ sử dụng 1 lần mỗi ngày.

Các thuốc trị tiểu đường nhóm thuốc ức chế DPP-4 bao gồm:

  • Alogliptin
  • Linagliptin
  • Saxagliptin
  • Sitagliptin

2.2.5. Thuốc đồng vận thụ thể GLP-1

Thuốc làm tăng sự phát triển của tế bào B và lượng insulin khi lượng glucose máu tăng, đồng thời ức chế tiết glucagon và làm chậm nhu động dạ dày, đồng thời làm giảm cảm giác thèm ăn. Khi sử dụng thuốc đơn độc ít gây hạ glucose huyết, giảm tỷ lệ tử vong về các bệnh liên quan đến hệ tim mạch ở bệnh nhân đái tháo đường type 2 có nguy cơ tim mạch cao, giảm HbA1c 0.6-1.5%

Các loại thuốc chữa bệnh tiểu đường trong nhóm thuốc Thuốc đồng vận thụ thể GLP-1:

  • Albiglutide
  • Dulaglutide
  • Exenatide
  • Liraglutide

2.2.6.Meglitinides

Meglitinides kích thích tuyến tụy giải phóng insulin sau bữa ăn để giúp tế bào sử dụng được lượng glucose trong máu. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, thuốc có thể làm giảm lượng đường trong máu của bệnh nhân quá nhiều. Vì thế, thuốc không được chỉ định cho tất cả các bệnh nhân mà có thể dùng phối hợp với metformin. Các thuốc thuộc nhóm Meglitinides gồm:

  • Repaglinide
  • Nateglinide

2.2.7. Nhóm thuốc ức chế kênh đồng vận chuyển Natri-glucose SGLT2

SGLT2 là kênh vận chuyển ở ống lượn gần, nó có vai trò trong tái hấp thu glucose từ ống thận. Như vậy các chất ức chế SGLT2 hoạt động bằng cách ngăn thận tái hấp thu glucose. Thay vào đó, glucose sẽ được loại bỏ qua nước tiểu.

Các loại thuốc điều trị bệnh tiểu đường tuýp 2 trong nhóm ức chế kênh đồng vận chuyển Natri-glucose SGLT2

  • Dapagliflozin
  • Canagliflozin
  • Empagliflozin

2.2.8. Nhóm Sulfonylureas

Đây là nhóm thuốc được sử dụng điều trị tiểu đường tuýp 2 lâu đời nhất còn được sử dụng tới nay. Sulfonylureas có tác dụng kích thích các tế bào tụy tiết ra insulin thông qua cách làm tăng độ nhạy cảm của các tế bào này đối với glucose.

Các loại thuốc trị bệnh tiểu đường trong nhóm Sulfonylureas:

  • Glimepiride
  • Gliclazide
  • Glyburide

2.2.9. Nhóm Thiazolidinediones

Thuốc nhóm thiazolidinediones nhờ tác động lên mô mỡ, cơ và gan làm tăng độ nhạy với insulin nên tăng cường độ sử dụng glucose, đồng thời giảm sản xuất glucose ở gan.

Nhóm thuốc này cũng giúp hạ huyết áp và cải thiện chuyển hóa lipid nhờ làm tăng nồng độ cholesterol tốt và giảm bớt lượng chất béo trung tính.

Các loại thuốc trị tiểu đường thuộc nhóm thiazolidinediones như sau:

  • Rosiglitazone
  • Pioglitazone

Các loại thuốc trị bệnh tiểu đường tuýp 2 khác:

Ngoại trừ các thuốc điều bệnh, người bệnh tiểu đường type 2 cần dùng các loại thuốc khác để điều trị các tình trạng phổ biến đi kèm với bệnh tiểu đường như:

3. Những lưu ý khi sử dụng các loại thuốc trị bệnh tiểu đường

  • Bạn cần biết rõ về loại thuốc trị tiểu đường bạn đang dùng, dùng thuốc đúng giờ mỗi ngày, không tự ý điều chỉnh liều lượng. Bên cạnh đó, hãy hỏi ý kiến bác sĩ điều trị của bạn trước.
  • Tham khảo ý kiến của bác sĩ về loại thuốc điều trị bệnh tiểu đường phù hợp nhất. Bác sĩ sẽ đưa ra các khuyến nghị dựa trên tình trạng sức khỏe của bạn để bệnh ít ảnh hưởng đến cuộc sống thường ngày.
  • Tái khám định kỳ.
  • Không chia sẻ liều thuốc hay uống theo liều thuốc điều trị tiểu đường của người khác.

Có rất nhiều loại thuốc điều trị bệnh tiểu đường khác nhau. Tùy thuộc vào thể trạng sức khỏe, loại bệnh, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc phù hợp cho bệnh nhân. Để đảm bảo hiệu quả sử dụng và tránh được các tác dụng phụ, người dùng cần tuân thủ theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ, dược sĩ tư vấn.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: healthline.com

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe