Rối loạn tiền đình gây ra trạng thái mất cân bằng về tư thế, biểu hiện các triệu chứng như hoa mắt, chóng mặt, quay cuồng, buồn nôn, ù tai, đi đứng lảo đảo,... Vậy người bị rối loạn tiền đình uống thuốc gì? Bài viết sau đây sẽ cung cấp một số thông tin cần thiết liên quan đến các loại thuốc rối loạn tiền đình.
1. Rối loạn tiền đình là gì và điều trị rối loạn tiền đình như thế nào?
Hệ thống tiền đình được điều khiển bởi hệ thần kinh, có chức năng giữ thăng bằng cho cơ thể khi xoay, cúi người, di chuyển,... Một số người bệnh mắc chứng rối loạn tiền đình với các triệu chứng mất thăng bằng, chóng mặt, buồn nôn, nôn mửa,... với nhiều nguyên nhân khác nhau.
Vậy điều trị rối loạn tiền đình như thế nào? Bệnh nhân cần đến các cơ sở y tế uy tín để được khám và chẩn đoán tình trạng bệnh, xác định nguyên nhân để điều trị căn nguyên. Có những căn nguyên cần được chẩn đoán theo dõi và điều trị cấp cứu như tai biến mạch máu não, có những căn nguyên cần được phát hiện sớm như u thần kinh VIII, bệnh xơ cứng rải rác, u não vùng hố sau. Tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc hoặc nghe theo những bài thuốc truyền miệng không có chứng cứ y học. Các biện pháp điều trị rối loạn tiền đình bao gồm:
- Điều trị căn nguyên
- Điều trị nội khoa (dùng thuốc điều trị triệu chứng): Bệnh nhân cần tuân thủ chỉ định, hướng dẫn dùng thuốc của bác sĩ.
- Vật lý trị liệu, phục hồi chức năng: Các bài tập vật lý trị liệu, phục hồi chức năng hay các động tác yoga trị liệu cũng rất hữu hiệu trong việc cải thiện các triệu chứng rối loạn tiền đình.
- Bài tập Brandt - Daroff được xem là công cụ phục hồi chức năng đơn giản và hữu ích cho các bệnh nhân chóng mặt tư thế kịch phát lành tính.
- Chế độ dinh dưỡng, lối sống lành mạnh, nghỉ ngơi hợp lý: Một chế độ dinh dưỡng cân bằng, một lối sống lành mạnh, tránh xa khói thuốc lá, hạn chế bia rượu, và nghỉ ngơi hợp lý giúp cải thiện và điều trị hỗ trợ bệnh rối loạn tiền đình.
2. Các loại thuốc điều trị triệu chứng trong rối loạn tiền đình
“Bị rối loạn tiền đình nên uống thuốc gì?” là câu hỏi được nhiều bệnh nhân quan tâm. Việc sử dụng thuốc cần tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ. Dưới đây là một số loại thuốc điều trị triệu chứng trong rối loạn tiền đình thường sử dụng trên lâm sàng:
2.1. Thuốc kháng histamin
Nhóm thuốc kháng Histamin có tác dụng điều trị triệu chứng hoa mắt, chóng mặt, ù tai,... trong rối loạn tiền đình.
Cinnarizin là một trong những thuốc kháng Histamin H1 thường được chỉ định điều trị chóng mặt, ù tai do rối loạn tiền đình gây ra. Tuy nhiên, Cinnarizin có tác dụng phụ là rối loạn tiêu hóa, do đó nên uống thuốc sau khi ăn no để giảm tác dụng phụ này. Thận trọng khi sử dụng Cinnarizin ở người lái xe, vận hành máy móc do thuốc gây buồn ngủ.
Người bệnh rối loạn tiền đình cũng có thể sử dụng các loại thuốc kháng Histamin khác như Promethazine, Dimenhydrinate,... để giảm triệu chứng chóng mặt, nôn mửa. Cũng tương tự như Cinnarizin, các loại thuốc này có tác dụng phụ gây buồn ngủ, hoặc rối loạn tiêu hóa.
2.2. Acetyl leucin.
Acetylleucin là hoạt chất có tác dụng tăng phân cực màng của tế bào lông chuyển trong tiền đình và các tế bào thần kinh của cơ quan tiền đình, do đó có tác dụng điều trị triệu chứng chóng mặt. Tuy nhiên, thuốc có thể tương tác với một số loại thuốc khác, do đó không tự ý dùng Acetylleucin mà không có sự thăm khám và chỉ định dùng thuốc của bác sĩ
2.3. Thuốc calci
Flunarizin là thuốc chẹn kênh calci, có tác dụng điều trị triệu chứng đau đầu, chóng mặt do rối loạn tiền đình gây ra. Tác dụng phụ của thuốc là có thể làm gia tăng triệu chứng trầm cảm, buồn ngủ, gây ảnh hưởng đến hệ thần kinh, tiêu hóa. Thận trọng khi sử dụng Flunarizin ở bệnh nhân Parkinson. Do đó, chỉ sử dụng Flunarizin khi có chỉ định và kê đơn của bác sĩ.
2.4. Nhóm thuốc Benzodiazepines
Các loại thuốc thuộc nhóm Benzodiazepines như Diazepam, Lorazepam,... là những thuốc có tác dụng an thần, làm cho tiền đình hai bên được cân bằng, giúp giảm triệu chứng chóng mặt và giúp bệnh nhân rối loạn tiền đình giảm lo lắng, căng thẳng. Tuy nhiên, việc lạm dụng dùng thuốc lâu dài có thể khiến bệnh nhân bị nhờn thuốc, lệ thuộc thuốc. Do vậy, nhóm thuốc Benzodiazepines cần được kiểm soát chặt chẽ.
2.5. Thuốc hỗ trợ lưu thông tuần hoàn tai trong và tuần hoàn não
Bệnh nhân rối loạn tiền đình có thể sử dụng một số loại thuốc hỗ trợ sau giai đoạn cấp như Betahistin, Ginkgo Biloba, Piracetam,... nhằm duy trì và ổn định tuần hoàn máu não.
3. Một số lưu ý khi điều trị chứng rối loạn tiền đình
Lưu ý khi sử dụng thuốc
Dưới đây là một số lưu ý khi sử dụng thuốc điều trị rối loạn tiền đình nhằm tăng hiệu quả điều trị và hạn chế tác dụng phụ của thuốc:
- Nên sử dụng thuốc sau bữa ăn để tránh kích ứng dạ dày.
- Thận trọng khi sử dụng thuốc cho phụ nữ mang thai, phụ nữ đang cho con bú, trẻ em; các đối tượng mẫn cảm, dị ứng thuốc; người lái xe, vận hành máy móc.
- Không sử dụng rượu, bia, các chất kích thích trong quá trình dùng thuốc.
- Bên cạnh việc dùng thuốc, cần chú ý chế độ dinh dưỡng hợp lý, lối sống lành mạnh, kết hợp vật lý trị liệu, phục hồi chức năng, cân bằng nghỉ ngơi - vận động để tăng hiệu quả điều trị.
- Bệnh nhân bị rối loạn tiền đình cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và có hướng điều trị thích hợp khi: đau đầu dữ dội kèm sốt cao, đột ngột chóng mặt kèm đau đầu, giảm thính lực, giảm thị lực, nhìn đôi, nói khó, mất định hướng không gian, thời gian, đau tức ngực,... bởi đó có thể là triệu chứng của các bệnh lý nguy hiểm như đột quỵ, bệnh tim mạch, Parkinson,...
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.