Các loại tắc ruột thường gặp và nguyên nhân gây bệnh

Bệnh tắc ruột được xem là một trong những tình huống khẩn cấp phổ biến, chỉ xếp sau viêm ruột thừa. Về mặt y khoa, tắc ruột là hội chứng xảy ra khi sự lưu thông của khí gas và chất lỏng tiêu hóa ngừng lưu thông trong lòng ruột. Việc phát hiện sớm các triệu chứng bệnh tắc ruột giúp can thiệp kịp thời để tránh những biến chứng nghiêm trọng.

Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của ThS. BS CK II Nguyễn Ngọc Thắng hiện - Ngoại tiêu hóa - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

1. Bệnh tắc ruột là gì?

Bệnh tắc ruột là tình trạng bệnh mà dịch tiêu hóa và hơi trong lòng ruột bị ngưng trệ, không lưu thông. Nếu người bệnh bị tắc ruột do các cản trở cơ học từ góc Treitz (đoạn đầu của ruột non) đến hậu môn thì được gọi là tắc ruột cơ học. Nếu tắc ruột là do ruột ngừng co bóp thì được gọi là tắc ruột cơ năng hoặc tắc ruột do liệt ruột.

Biểu hiện của bệnh tắc ruột là rối loạn toàn thân hoặc rối loạn tại chỗ, tùy thuộc vào mức độ cấp tính, cơ chế của tình trạng tắc (tắc ruột cơ học và tắc ruột cơ năng), vị trí (ruột non hay đại tràng).  

Do đặc thù này, việc chẩn đoán bệnh tắc ruột có thể gặp khó khăn, kể cả khi sử dụng các phương tiện chẩn đoán hiện đại.

2. Phân loại các dạng bệnh tắc ruột thường gặp

Tắc ruột là tình trạng có thể xảy ra ở mọi độ tuổi và giới tính, tuy nhiên nguyên nhân gây ra tình trạng này có thể khác nhau tùy theo từng nhóm tuổi. Để thuận tiện cho việc chẩn đoán và điều trị, bệnh tắc ruột được phân thành hai loại chính:

  • Tắc ruột cơ học: Đây là trường hợp chiếm khoảng 95-97% số bệnh nhân, trong đó tắc nghẽn xảy ra do các vật cản cơ học nằm trong đoạn từ góc Treitz đến hậu môn. Các vật cản này có thể là polyp, u, dị vật hoặc hẹp ruột do sẹo.
  • Tắc ruột cơ năng: Còn được gọi là tắc ruột do liệt ruột, xảy ra khi nhu động ruột ngừng hoạt động, không liên quan đến bất kỳ cản trở vật lý nào. Loại này chỉ chiếm khoảng 3-5% trường hợp bệnh tắc ruột.

Bên cạnh đó, tắc ruột còn được phân loại theo tiến triển của bệnh như sau:

  • Tắc ruột cấp tính và tắc ruột bán cấp.
  • Tắc ruột hoàn toàn và tắc ruột không hoàn toàn. 
Bệnh tắc ruột có thể gặp phải ở bất kỳ độ tuổi, giới tính nào.
Bệnh tắc ruột có thể gặp phải ở bất kỳ độ tuổi, giới tính nào.

3. Các nguyên nhân và cơ chế gây tắc ruột

Tắc ruột có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, được phân loại theo vị trí gây tắc:

3.1 Nguyên nhân ở trong lòng ruột, đặc biệt ở ruột non

  • Giun đũa dính kết lại gây tắc ruột, thường gặp ở trẻ em và người có thói quen ăn sống, uống nước lã.
  • Khối bã thức ăn - Tình trạng thường thấy ở người già, người đã cắt dạ dày hoặc bị suy tụy, người có sỏi túi mật.

3.2 Nguyên nhân ở thành ruột (cả ruột non và đại tràng)

  • Ung thư ruột non và đại tràng hoặc các u lành tính lớn trên thành ruột có thể chèn ép và gây tắc (hiếm khi gặp).
  • Hẹp thành ruột do viêm nhiễm hoặc lồng ruột cũng là nguyên nhân gây tắc.

3.3 Nguyên nhân ở ngoài thành ruột

  • Dây chằng và dính các quai ruột sau phẫu thuật bụng hoặc chấn thương, viêm nhiễm hoặc bẩm sinh. Trong đó phẫu thuật bụng chiếm tới 80%.

3.4 Tắc ruột do liệt ruột (còn gọi là tắc ruột cơ năng)

Có thể xảy ra do liệt nhu động ruột phản xạ sau chấn thương cột sống, viêm phúc mạc, dịch thủng dạ dày, thiếu máu cấp hoặc huyết khối tĩnh mạch mạc treo.

3.5 Các nguyên nhân khác làm tổn thương thần kinh cơ của ruột, dẫn đến tình trạng giả tắc ruột

  • Rối loạn chuyển hóa  
  • Sử dụng thuốc.
  • Tổn thương ruột trong các bệnh toàn thân như thiểu năng tuyến giáp, tiểu đường, xơ cứng bì, rối loạn chuyển hóa porfirin.
  • Mất cân bằng điện giải, đặc biệt là sự thiếu hụt kali và canxi.
  • Chấn thương ruột hoặc tiền sử chấn thương.
  • Chiếu xạ tại hoặc gần vùng bụng.
  • Bệnh động mạch ngoại biên
  • Sụt cân nhanh
  • Bệnh Crohn
  • Viêm túi thừa
  • Nhiễm khuẩn huyết.

4 .Các triệu chứng thường gặp của bệnh tắc ruột

Các triệu chứng lâm sàng của tắc ruột có thể xuất hiện sớm, gồm:

4.1 Đau bụng, chướng bụng

Đây là dấu hiệu đầu tiên và thường gặp nhất của bệnh tắc ruột. Người bệnh có thể cảm thấy đau bụng từng cơn, đau dữ dội rồi dần dần giảm và cứ khoảng 2 - 3 phút sau lại tái phát. Ban đầu, cơn đau có thể chỉ tập trung ở một vùng nhất định của bụng nhưng sau đó lan rộng ra toàn bụng.

4.2 Buồn nôn, nôn liên tục

Đây là triệu chứng rất thường gặp ở người bệnh tắc ruột, thường đi kèm với các cơn đau. Nôn có thể bắt đầu với thức ăn, sau đó là nước mật và dịch tiêu hóa, cuối cùng là phân, đi kèm với các cơn đau.

4.3 Bí trung đại tiện

Đây là một triệu chứng quan trọng, chỉ ra sự tắc nghẽn hoàn toàn trong lòng ruột. Triệu chứng này có thể xuất hiện muộn hơn vì ban đầu ruột vẫn còn khả năng co bóp đẩy hơi và phân ra ngoài tại phần dưới chỗ tắc.

4.4 Bụng căng, gõ vang

Ở những bệnh nhân gầy, thành bụng mỏng và có thể thấy rõ các quai ruột nổi hằn. Khi chiếu ánh sáng vào bụng, có thể quan sát thấy các sóng nhu động di chuyển như rắn bò dưới da bụng, đây là hiện tượng đặc trưng của bệnh tắc ruột cơ học.

Để xác định chính xác vị trí tắc và nguyên nhân, bác sĩ sẽ chỉ định cho bệnh nhân thực hiện các xét nghiệm cơ bản như chụp X-quang, siêu âm và các thăm dò khác tùy vào từng trường hợp cụ thể. Những thông tin này sẽ giúp bác sĩ lập kế hoạch điều trị phù hợp, hạn chế tối đa các biến chứng có thể xảy ra. 

Đau bụng,chướng bụng là dấu hiệu đầu tiên và thường gặp nhất của bệnh tắc ruột.
Đau bụng,chướng bụng là dấu hiệu đầu tiên và thường gặp nhất của bệnh tắc ruột.

5.Phương pháp chẩn đoán bệnh tắc ruột

Để chẩn đoán bệnh tắc ruột một cách chính xác, bác sĩ sẽ tiến hành hỏi chi tiết về các triệu chứng và mức độ, đồng thời thực hiện thăm khám lâm sàng kỹ lưỡng. Các xét nghiệm chẩn đoán bệnh tắc ruột bao gồm:

  • X-quang bụng để phát hiện tắc ruột:  
  • Chụp CT scan: Kỹ thuật này cung cấp hình ảnh chi tiết về cấu trúc bên trong của ruột, giúp xác định chính xác vị trí đoạn ruột bị tắc.
  • Siêu âm: Thường được ưu tiên sử dụng cho trẻ em.
  • Chụp cản quang bằng Bari.
  • Nội soi. 
Hình ảnh CT scan giúp cung cấp hình ảnh chi tiết hơn để giúp các bác sĩ xác định đoạn ruột bị tắc
Hình ảnh CT scan giúp cung cấp hình ảnh chi tiết hơn để giúp các bác sĩ xác định đoạn ruột bị tắc

6. Điều trị bệnh tắc ruột

Căn cứ vào triệu chứng, nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng của tắc ruột, bác sĩ sẽ lựa chọn các phương pháp điều trị bệnh tắc ruột phù hợp.

6.1 Đối với bệnh tắc ruột không hoàn toàn

Bác sĩ có thể khuyến cáo người bệnh giảm lượng chất xơ trong chế độ ăn để giúp làm nhỏ khối phân, từ đó giảm bớt tắc nghẽn. Nếu biện pháp này không hiệu quả, phẫu thuật có thể được cân nhắc để xử lý tắc nghẽn.

6.2 Đối với bệnh tắc ruột hoàn toàn

Phẫu thuật bụng là phương pháp được áp dụng để loại bỏ các nguyên nhân gây tắc nghẽn và phần ruột bị tổn thương.

6.3 Điều trị hỗ trợ

Bác sĩ có thể kê đơn thuốc kích thích nhu động ruột và truyền dịch nước, điện giải để ngăn ngừa mất nước cũng như rối loạn điện giải. Người bệnh cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi thay đổi bất kỳ đơn thuốc nào.

6.4 Phương pháp can thiệp khác

Các bác sĩ có thể áp dụng hậu môn nhân tạo để cho phép phân thoát ra ngoài hoặc hút mũi dạ dày, thực hiện bằng cách đặt ống thông qua mũi vào dạ dày để hút các chất lỏng tiêu hóa, giúp giảm áp lực và đau bụng. Các thủ thuật giải áp trực tràng cũng có thể được thực hiện để giảm áp lực cho người bệnh.

Song song với các biện pháp điều trị, người bệnh cần duy trì lối sống lành mạnh, chế độ ăn uống cân bằng và nghỉ ngơi hợp lý để hỗ trợ quá trình phục hồi sức khỏe nhanh chóng.

Bệnh nhân bị bệnh tắc ruột có thể đến Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để được thăm khám, can thiệp kịp thời. Vinmec có đầy đủ phương tiện kỹ thuật và trình độ chuyên môn để thực hiện hiệu quả các phương pháp chẩn đoán, chữa tắc ruột. Đặc biệt, tại đây có đội ngũ bác sĩ chuyên môn Nội tiêu hóa được đào tạo bài bản, giàu kinh nghiệm; chất lượng dịch vụ y tế chuyên nghiệp sẽ mang lại sự hài lòng, yên tâm nhất cho bệnh nhân.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng. 

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe