Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi các Bác sĩ Nội trú Nhi - Sơ sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.
Lồng ruột là cấp cứu ngoại khoa thường gặp ở trẻ nhỏ, do một đoạn ruột chui vào lòng của đoạn kế cận. Bố mẹ cần chú ý đến các dấu hiệu trẻ bị lồng ruột để đến bệnh viện kịp thời. Nếu nhập viện sớm, bác sĩ sẽ tháo lồng cho trẻ bằng hơi mà không cần phẫu thuật.
1. Lồng ruột là gì?
Lồng ruột là một cấp cứu bụng ngoại khoa thường gặp, khi một đoạn ruột lộn lại và chui vào lòng của đoạn ruột kế cận, gây bít tắc ruột cơ học. Khối lồng làm ngăn cản thức ăn và dịch di chuyển xuống phía dưới, thành ruột ép vào nhau gây phù nề, viêm và giảm cấp máu tới phần ruột bị lồng. Hậu quả là khiến ruột bị nhiễm trùng, hoại tử và thủng.
Nguyên nhân gây chứng lồng ruột ở trẻ em vẫn chưa được xác định rõ, tuy nhiên một số chuyên gia cho rằng lồng ruột có thể liên quan đến:
- Vi khuẩn hay virus gây nhiễm khuẩn hô hấp, nhiễm trùng đường tiêu hóa;
- Sự mất cân đối giữa kích thước hồi tràng so với van hồi manh tràng;
- Viêm hạch mạc treo ruột;
- Sau đợt viêm dạ dày đại tràng cấp tính;
- Các tổn thương thực thể.
Lồng ruột có thể gặp ở bất cứ lứa tuổi nào, nhưng phổ biến là trẻ dưới 2 tuổi (chiếm tới 80% các trường hợp), trong đó nhiều nhất là các bé từ 4 - 9 tháng và hiếm gặp ở trẻ lớn. Bệnh đa số gặp ở trẻ béo tốt, bụ bẫm, bé trai nhiều hơn bé gái với tỷ lệ khoảng 2:1.
Về lâm sàng, tình trạng này diễn biến không giống nhau ở hai lứa tuổi, cụ thể:
- Trẻ < 24 tháng: Biểu hiện cấp tính, diễn biến nhanh, tiên lượng nặng theo từng giờ;
- Trẻ lớn: Biểu hiện ít rầm rộ hơn, cơn đau lâm râm, đôi khi cấp tính, song diễn biến không nhanh và nặng như ở trẻ còn bú.
Nếu bệnh nhi được đưa đến viện sớm, bác sĩ chỉ cần thực hiện thủ thuật tháo lồng bằng hơi (tỷ lệ thành công là hơn 90% và tái phát sau tháo lồng không phẫu thuật là 8 - 12%). Nếu trẻ đến muộn hoặc tháo lồng bằng hơi thất bại, bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp phẫu thuật thích hợp dựa theo tình hình (tỷ lệ tái phát là 0 - 3%). Trẻ có nguy cơ tử vong sau phẫu thuật tháo lồng nếu bị viêm phổi và sốt cao co giật, tuy nhiên số ca gặp biến chứng hiện nay đã giảm đáng kể.
2. Dấu hiệu trẻ bị lồng ruột
Có 4 triệu chứng cơ năng khi trẻ bị lồng ruột mà phụ huynh cần lưu ý là:
2.1. Đau bụng cơn
Đau bụng là triệu chứng sớm và nổi bật nhất, xuất hiện ở 75% trường hợp trẻ bị lồng ruột. Đặc điểm của đau bụng cơn do lồng ruột được biểu hiện như sau:
- Trẻ khóc thét từng cơn, khi cơn đau dịu đi sẽ thôi khóc tạm thời;
- Cơn đau bụng đột ngột, dữ dội;
- Trẻ ưỡn người, xoắn vặn, co đầu gối về phía ngực hoặc hai chân đạp lung tung;
- Ban đêm phải thức giấc, ban ngày buộc ngừng mọi hoạt động;
- Trẻ bỏ chơi, bỏ bú;
- Mỗi cơn đau kéo dài 5 - 15 phút, xuất hiện và biến mất đột ngột;
- Các triệu chứng có thể lặp lại ngay, khoảng cách giữa các cơn đau ngày càng ngắn;
- Trẻ yếu dần đi, mệt lả người.
2.2. Nôn
65% các trường hợp trẻ bị lồng ruột sẽ nôn ngay từ cơn đau đầu tiên. Lúc đầu bệnh nhân nôn ra thức ăn, sau đó nôn ra dịch xanh hoặc vàng.
2.3. Đại tiện ra nhầy máu
Đại tiện ra máu chiếm 95% trường hợp trẻ bị lồng ruột còn bú. Dấu hiệu này có thể xuất hiện ngay từ cơn đau đầu tiên nếu lồng chặt khít, khó tháo hoặc xuất hiện muộn sau 24 giờ. Đa phần khi bệnh nhân đại tiện sẽ phát hiện thấy:
- Máu tươi lẫn chất nhầy;
- Máu màu đỏ hoặc nâu;
- Đôi khi có vài giọt máu tươi chảy ra hậu môn hoặc dây ra tã.
Tuy nhiên cũng có trường hợp chỉ phát hiện được nhầy máu theo găng khi bác sĩ thăm khám trực tràng.
2.4. Táo bón hoặc tiêu chảy
Đây là dấu hiệu dễ dẫn đến chẩn đoán nhầm vì có 3 trường hợp xảy ra như sau:
- Nếu khối lồng gây tắc hoàn toàn: Bệnh nhân sẽ bị bí trung - đại tiện (táo bón);
- Nếu ruột không tắc hoàn toàn: Người bệnh vẫn đại tiện được bình thường;
- Ngoài ra vẫn có một số trẻ xuất hiện ỉa chảy sau khi bị lồng ruột.
3. Chẩn đoán
3.1. Triệu chứng thực thể
Khi đưa trẻ đến bệnh viện, bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám lâm sàng ở ổ bụng để chẩn đoán trẻ bị lồng ruột. Các triệu chứng thực thể bao gồm:
- 85 - 95% các trường hợp sẽ sờ thấy khối lồng nằm ngang trên rốn, dài, di động, chắc, mặt nhẵn và đau khi ấn;
- Trường hợp không sờ thấy búi lồng là do nằm sâu dưới bờ sườn phải, lồng tới góc gan, hay tắc ruột đến muộn khiến bụng căng chướng;
- Hố chậu phải rỗng
- Khám trực tràng thấy nhầy máu theo găng do xuất huyết ruột
- Đôi khi sờ thấy đầu khối lồng lúc khám trực tràng nếu lồng ruột xuống thấp.
3.2. Triệu chứng toàn thân
Biểu hiện toàn thân của trẻ bị lồng ruột vào giai đoạn sớm thường ít thay đổi, bước vào giai đoạn muộn bệnh nhân thường:
- Mệt lả, yếu đi;
- Ít hoạt động;
- Mất nước và điện giải
- Nhiễm khuẩn - nhiễm độc
- Thân nhiệt tăng cao
- Có thể xuất hiện sốt
- Một số trẻ rơi vào tình trạng sốc, biểu hiện thờ thẫn, li bì.
Sau 48 giờ có thể xuất hiện các triệu chứng của tắc ruột cơ học.
3.3. Cận lâm sàng
- Chụp bụng X quang (Chống chỉ định: Tắc ruột đến muộn ≥ 48 giờ, viêm phúc mạc hoặc thủng ruột);
- Siêu âm ổ bụng tổng quát: Là phương pháp tin cậy và chính xác để chẩn đoán lồng ruột, mặt cắt dọc thấy khối lồng có hình bánh sandwich, mặt cắt ngang thấy hình bánh Donut hoặc bia đạn;
- Siêu âm Doppler màu: Dùng để tiên lượng và chỉ định phẫu thuật hay tháo lồng, căn cứ vào dòng chảy của máu trong đoạn ruột lồng;
- Chụp cắt lớp vi tính: trong các trường hợp siêu âm không thể khảo sats chính xác khối lồng.
3.4. Chẩn đoán xác định
Trong trường hợp bệnh nhi đến sớm bệnh viện sớm, bác sĩ có thể chẩn đoán xác định nếu xuất hiện đồng thời các dấu hiệu trẻ bị lồng ruột sau:
- Đau bụng dữ dội từng cơn và sờ thấy khối lồng;
- Đau bụng dữ dội từng cơn, kèm nôn và có máu khi thăm trực tràng;
- Đau bụng dữ dội từng cơn, và hình ảnh X quang (hoặc siêu âm) đặc hiệu.
Ngược lại nếu đến muộn, trẻ bị lồng ruột sẽ được chẩn đoán xác định khi có triệu chứng tắc ruột hoặc viêm phúc mạc, kèm ra máu nhầy hậu môn.
3.5. Chẩn đoán phân biệt
Ngoài lồng ruột thì còn có một số tình trạng khác thường xuất hiện ở trẻ cũng có triệu chứng tương tự, dó đó cần lưu ý chẩn đoán phân biệt như sau:
- Đại tiện ra máu: hội chứng lỵ, polyp đại - trực tràng và ruột non, trĩ, sa trực tràng, viêm xuất huyết đại - trực tràng, viêm ruột hoại tử;
- Nôn: Viêm màng não, họng hoặc phế quản;
- Sờ thấy khối ở ổ bụng: Tắc ruột do búi giun; do bã thức ăn...
- Đau bụng dữ dội: Viêm ruột thừa cấp, viêm dạ dày cấp,...
Lồng ruột sau khi tháo vẫn có khả năng tái lại ngay sau vài giờ hoặc nhiều ngày. Vì vậy phụ huynh cần phát hiện sớm các triệu chứng để đưa con em quay lại bệnh viện kịp thời. Khi thấy trẻ có các dấu hiệu lồng ruột như đau bụng đột ngột, xoắn vặn, khóc thét, nôn thức ăn ... thì cần đưa đi thăm khám ngay.
Ngoài ra, nên giữ ấm cơ thể cho trẻ để hạn chế viêm đường hô hấp vào mùa lạnh, ăn uống vệ sinh đề phòng viêm hạch mạc treo dẫn đến lồng ruột.
Khoa nhi tại hệ thống Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là địa chỉ tiếp nhận và thăm khám các bệnh lý mà trẻ sơ sinh cũng như trẻ nhỏ dễ mắc phải: Sốt virus, sốt vi khuẩn, viêm tai giữa, viêm phổi ở trẻ,....Với trang thiết bị hiện đại, không gian vô trùng, giảm thiểu tối đa tác động cũng như nguy cơ lây lan bệnh. Cùng với đó là sự tận tâm từ các bác sĩ giàu kinh nghiệm chuyên môn với các bệnh nhi, giúp việc thăm khám không còn là nỗi trăn trở của các bậc cha mẹ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Thực Phẩm bảo vệ sức khỏe LAMINKID I:
Sản phẩm có công dụng bổ sung vi khoáng và vitamin cho cơ thể. Hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường hấp thu thức ăn, giúp trẻ ăn ngon. Hỗ trợ nâng cao đề kháng cho trẻ, hỗ trợ giảm nguy cơ mắc bệnh do sức đề kháng kém như viêm đường hô hấp trên, cảm cúm.
Đối tượng sử dụng:
- Trẻ biếng ăn, kém hấp thu thức ăn, trẻ gầy yếu, suy dinh dưỡng, chậm phát triển.
- Trẻ có sức đề kháng kém, đang ốm hoặc vừa ốm dậy, trẻ hay mắc các bệnh viêm đường hô hấp trên, cảm cúm.
Chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm:
- Công ty Cổ phần dược phẩm Elepharma
- Số 9, phố Trương Công Giai, tổ 17, Phường Dịch Vọng, Quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội, Việt Nam
- (ĐT) 1800 6091; (E) info.elepharma@gmail.com
Xem thêm thông tin về sản phẩm tại: https://i.vinmec.com/laminkid
Đăng ký tư vấn dinh dưỡng cho bé tại: https://i.vinmec.com/dangkytuvandinhduong