Các loại phẫu thuật tim thường gặp như ghép bắc cầu động mạch vành (CABG), phẫu thuật điều trị các bệnh van tim. Việc phẫu thuật tim có thể giúp kéo dài tuổi thọ và nâng cao chất lượng cuộc sống của bệnh nhân bệnh tim mạch.
1. Phẫu thuật tim là gì?
Phẫu thuật tim là bất kỳ phẫu thuật nào liên quan đến tim hoặc các mạch máu lớn. Phẫu thuật tim rất phức tạp và đòi hỏi bác sĩ phải có chuyên môn cao. Đây là một phương pháp điều trị quan trọng, giúp cải thiện chức năng tim và hệ tuần hoàn, đồng thời mang lại cho bệnh nhân một cuộc sống trở lại bình thường.
Các loại phẫu thuật tim thường gặp hiện nay có thể khắc phục các vấn đề bẩm sinh của bệnh nhân (bệnh tim bẩm sinh) cũng như các vấn đề mắc phải (bệnh động mạch vành, bệnh van tim).
2. Những ai cần phải phẫu thuật tim?
Các trường hợp tắc nghẽn động mạch vành, van tim hoạt động không bình thường, rối loạn nhịp tim ở tình trạng nặng đều có thể điều trị bằng phương pháp phẫu thuật tim.
Thông thường, các bệnh lý tim mạch cần phẫu thuật sẽ được chẩn đoán và chỉ định dựa theo những khuyến cáo cụ thể. Đôi khi, phẫu thuật tim sẽ được chỉ định trong tình huống khẩn cấp để điều trị các cơn đau tim, phù phổi cấp, suy tim cấp, tắc nghẽn mạch máu đột ngột và nghiêm trọng.
Hiện nay, xuất hiện một số phương pháp điều trị ít rủi ro hơn phẫu thuật tim như can thiệp mạch vành qua da (PCI), can thiệp nội mạch điều trị phình động mạch chủ (EVAR). Các phương pháp này giúp bệnh nhân giảm thời gian nằm viện, giúp quá trình phục hồi dễ dàng hơn và người bệnh sẽ ít đối mặt với rủi ro hơn.
Tuy nhiên, các loại phẫu thuật tim thường gặp hiện nay cũng có nhiều đổi mới, an toàn hơn và hiệu quả hơn. Người bệnh cần lựa chọn các bệnh viện lớn, từng có nhiều ca phẫu thuật thành công. Vì đây là nơi có đội ngũ bác sĩ và chuyên môn cao với quy mô lớn. Họ có đủ khả năng để điều trị các vấn đề phức tạp và có thể chăm sóc bệnh nhân một cách tốt nhất từ giai đoạn lập kế hoạch trước phẫu thuật đến quá trình phục hồi.
3. Các tình trạng có thể điều trị bằng phương pháp phẫu thuật tim
3.1 Phình động mạch
Tình trạng thành động mạch phình hoặc giãn hơn so với kích thước bình thường ít nhất 1,5 lần. Một loại phình động mạch thường gặp là phình động mạch chủ (động mạch lớn đưa máu từ tim đến các bộ phận khác của cơ thể). Phình động mạch chủ có thể xuất hiện ở bụng hoặc ngực.
3.2 Rối loạn nhịp tim
Đây là tình trạng nhịp tim nhanh hoặc nhịp tim chậm, hoặc nhịp tim không đều, trong đó rung nhĩ là tình trạng rối loạn nhịp tim phổ biến nhất.
Theo thời gian, rối loạn nhịp tim có thể làm suy yếu tim và gây ra các vấn đề nghiêm trọng. Phẫu thuật điều trị rung nhĩ thường kết hợp với một phẫu thuật van tim khác đồng thời.
3.3 Bệnh tim bẩm sinh
Có nhiều dạng bệnh tim bẩm sinh khác nhau, xuất hiện ở trẻ sơ sinh, trẻ em và cả người trưởng thành. Một số dạng bệnh tim bẩm sinh thường gặp:
● Thông liên nhĩ (ASD)
● Tứ chứng Fallot
● Thông liên thất
● Hẹp eo động mạch chủ
Một số bệnh cần phải được điều trị ngay sau khi sinh ra. Một số bệnh không xuất hiện triệu chứng, chính vì thế, trong nhiều trường hợp, người trưởng thành không hề biết bản thân mắc bệnh tim bẩm sinh.
3.4 Bệnh động mạch vành
Bệnh động mạch vành (CAD) là tình trạng thu hẹp các động mạch vành. Các mảng xơ vữa động mạch dần dần tích tụ trong lòng động mạch và gây tắc nghẽn, ngăn chặn máu lưu thông đến tim.
Tim không nhận đủ lượng máu, oxy và các dưỡng chất cần thiết, gây ra tình trạng thiếu máu cơ tim. Các mảng bám cũng có khả năng vỡ ra và hình thành cục máu đông.
Nếu không được điều trị kịp thời, CAD có thể dẫn đến nhồi máu cơ tim.
3.5 Suy tim
Suy tim có nghĩa là trái tim không thể bơm máu đi khắp cơ thể như bình thường. Và đó là lý do phổ biến nhất khiến những người trên 65 tuổi phải nhập viện.
Nhiều người bị suy tim cũng đồng thời mắc phải các bệnh tim mạch khác, bao gồm: bệnh động mạch vành và huyết áp cao.
3.6 Bệnh van tim
Có 4 van tim: van ba lá, van phổi, van hai lá và van động mạch chủ. Các van tim đóng vai trò thiết yếu trong hệ thống tim mạch, giúp máu lưu thông đúng hướng. Lá van mở và đóng đúng lúc để máu đi qua và không lưu thông ngược lại
Một số dạng bệnh van tim phổ biến bao gồm:
● Hẹp van động mạch chủ
● Hở hoặc hẹp van hai lá
● Hở hoặc hẹp van ba lá
4. Các loại phẫu thuật tim thường gặp hiện nay
4.1 Phẫu thuật bắc cầu động mạch vành (CABG)
Đây là một trong các loại phẫu thuật tim thường gặp trong bệnh lý tim mạch. Phẫu thuật này được sử dụng để điều trị bệnh động mạch vành (CAD) ở một hoặc nhiều động mạch vành.
Phương pháp này sử dụng một đoạn mạch của bệnh nhân, thông thường là động mạch từ cẳng tay hoặc tĩnh mạch từ chân để tạo ra một đường đi mới, giúp máu lưu thông qua vị trí động mạch vành bị tắc nghẽn
4.2 Phẫu thuật sửa chữa hoặc thay thế van tim
Phương pháp này giúp máu chảy đúng hướng và đến được nơi cần đến nhờ vào việc khắc phục các vấn đề van tim đang mắc phải, giúp van tim hoạt động như bình thường.
4.3 Phẫu thuật điều trị chứng phình động mạch
Điều trị chứng phình động mạch chủ ở bụng và ngực. Phẫu thuật này thay thế phần động mạch chủ bị tổn thương bằng một động mạch nhân tạo, cung cấp một con đường mới, an toàn cho máu lưu thông.
4.4 Phẫu thuật sữa chữa tâm thất trái
Được dùng để điều trị giả phồng thất trái. Chứng phình động mạch này thường là kết quả của nhồi máu.
Phẫu thuật loại bỏ thương tổn này và bất kỳ mô sẹo nào ở xung quanh. Điều này làm giảm các triệu chứng như đau thắt ngực và cho phép tim bơm máu tốt hơn. Dự phòng nguy cơ vỡ tim và tử vong.
4.5 Phẫu thuật đưa thiết bị hỗ trợ thất
Thiết bị hỗ trợ tâm thất trái (LVAD): giúp tâm thất trái bơm máu đến động mạch chủ và phần còn lại của cơ thể. Được sử dụng khi các phương pháp điều trị suy tim khác không hiệu quả. Nó cũng cải thiện chất lượng cuộc sống cho những người bị suy tim khi họ chờ ghép tim.
4.6 Phẫu thuật ghép tim
Phẫu thuật ghép tim là phương pháp điều trị cuối cùng cho những người bị suy tim giai đoạn 4. Bác sĩ sẽ thay thế trái tim của bệnh nhân bằng trái tim của người hiến tặng.
Trong số các loại phẫu thuật tim, bắc cầu động mạch vành (CABG) là phổ biến nhất, tiếp theo đó là sửa chữa hoặc thay thế van tim.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.