Viêm đường hô hấp là căn bệnh thường gặp mỗi khi thời tiết thay đổi. Tuy nhiên, để tránh gặp phải tác dụng phụ của thuốc kháng sinh, nhiều người đã tìm đến các bài thuốc dân gian là các lá cây chữa viêm đường hô hấp. Đây là phương pháp đơn giản, không tốn nhiều chi phí và cũng mang lại những hiệu quả tốt cho người bệnh.
1. Bệnh viêm đường hô hấp là gì?
Viêm đường hô hấp là những triệu chứng gây ảnh hưởng đến khả năng hô hấp của con người, bao gồm 2 loại là bệnh viêm đường hô hấp trên với các bộ phận như họng, hầu, mũi, thanh quản và viêm đường hô hấp dưới với các bộ phận như khí quản, phế quản, phế nang.
Ai cũng có thể mắc phải căn bệnh này, đặc biệt là trẻ nhỏ và người già vì đây là 2 đối tượng có hệ thống miễn dịch yếu nên dễ bị tấn công.
Người bị viêm đường hô hấp có những biểu hiện sau:
- Xoang mũi tắc nghẽn
- Nước mũi chảy kéo dài
- Ho, đau cổ họng
- Toàn thân đau nhức, mệt mỏi, suy nhược cơ thể
- Sốt cao
- Thở khó, ngất xỉu, chóng mặt.
Nguyên nhân gây mắc bệnh viêm đường hô hấp:
- Do hít phải các chất độc hại: phổ biến như khói thuốc lá, khói thải từ các khu công nghiệp, khói bụi môi trường, hóa chất,... thường có chứa nhiều loại virus, vi khuẩn gây bệnh.
- Do bị nhiễm trùng máu nặng: là nguyên nhân chính gây ra các tổn thương trong cơ thể con người, đặc biệt là viêm đường hô hấp. Với trường hợp này, người bệnh nên kiểm tra và được điều trị kịp thời.
- Do bị nhiễm trùng nặng ở phổi: khi phổi hoạt động kém sẽ khiến cho khả năng hô hấp bị hạn chế, do đó người bệnh sẽ phải đối mặt với các trạng thái viêm nhiễm.
- Sử dụng thuốc an thần quá liều: khi sử dụng quá nhiều thuốc an thần thì các hoạt chất trong thuốc sẽ gây ảnh hưởng đến hệ thần kinh và khả năng hô hấp. Nếu lạm dụng quá nhiều thì các chất này sẽ tích tụ mỗi ngày và gây ảnh hưởng đến khả năng thở, gây ra bệnh viêm đường hô hấp.
2. Các lá cây chữa viêm đường hô hấp
Để tránh gặp nhiều tác dụng phụ khi sử dụng thuốc tây điều trị bệnh viêm đường hô hấp thì nhiều người thường tìm đến các vị thuốc dân gian. Đặc biệt các loại lá cây sẽ là thuốc trị viêm đường hô hấp cho trẻ rất tốt. Các bài thuốc y học cổ truyền chữa viêm đường hô hấp thường rất lành tính, dễ thực hiện ngay tại nhà và cần người bệnh phải kiên trì để bệnh tình được cải thiện.
Dưới đây là một số loại lá cây chữa viêm đường hô hấp hiệu quả:
- Lá húng chanh
Lá húng chanh hay còn được gọi là tần lá dày, có thành phần chính là cavaron - một loại tinh dầu quý có tác dụng chữa bệnh viêm đường hô hấp hiệu quả. Theo các bác sĩ đông y thì đây là một loại thảo dược có vị cay, tính ấm, mùi thơm, có tác dụng trừ ho, bổ phế, tiêu đờm, tiêu độc, giải cảm. Chính vì thế nên lá húng chanh được sử dụng để chữa các triệu chứng bệnh viêm đường hô hấp như viêm họng, ho hen, cảm cúm, sốt cao, sốt không ra mồ hôi.
Cách sử dụng: dùng 15-20g lá húng chanh tươi giã chung với muối để vắt được nước cốt uống. Ngoài ra, bạn cũng có thể đun sôi hoặc hấp cơm húng chanh với đường phèn để lấy nước uống từ 2-3 lần/ngày. Nếu bị cảm lạnh, bạn có thể sử dụng kết hợp lá húng chanh với gừng tươi, vỏ quýt, tía tô để sắc uống hàng ngày sẽ thấy được hiệu quả nhanh chóng.
- Lá rau họ cải
Với những loại như rau cải bắp, cải canh, cải bẹ trắng, cải xoong, ... không chỉ cung cấp đầy đủ dưỡng chất, tăng hệ miễn dịch cho cơ thể mà còn có thể sử dụng để làm các bài thuốc trị chứng viêm đường hô hấp.
- Lá hành, hẹ
Đây là 2 loại gia vị trong các món ăn hàng ngày của hầu hết các gia đình. Loại lá này có vị cay ngọt, tính ấm, có tác dụng sát trùng, giải cảm. Cách dùng: sử dụng hành hoặc hẹ tươi sắc lấy nước uống đều đặn mỗi ngày.
- Lá rẻ quạt
Lá rẻ quạt hay còn được gọi là xạ can, một loại cỏ thân rễ, sống dai, lá mọc thẳng đứng, hình mác và hơi có bẹ, dài từ 20-40cm, rộng từ 15-20 cm. Đây được coi là một vị thuốc có tác dụng điều trị các bệnh viêm đường hô hấp như tiêu đờm, khản tiếng.
Cách dùng: sử dụng 3-6g lá rẻ quạt khô hoặc 10-20g lá rẻ quạt tươi cắt nhỏ, đun sôi kỹ với nước và đường phèn để uống. Lưu ý, khi dùng sống thì lá rẻ quạt thường gây nóng rát và đặc biệt là không sử dụng cho những người đang trong quá trình mang thai.
- Lá sò huyết
Sò huyết cây cao khoảng 30-45cm, được phủ bởi bẹ lá dài 15-30cm, rộng từ 3-5cm, mặt trên lá màu lục và mặt dưới màu tía.
Cách dùng: sử dụng lá tươi, đem cắt nhỏ và sắc lấy nước uống. Để dễ uống hơn thì có thể cho thêm một ít đường hoặc đường phèn. Với trường hợp người bệnh bị ho do cảm lạnh thì khi sắc có thể thêm một lát gừng hoặc vỏ quýt.
Lưu ý, có một loại cây cảnh cũng rất giống với đặc điểm thân, lá và màu sắc với cây sò huyết nên cần phải để ý điểm khác biệt giữa hai loại cây này là Sò huyết có hoa hình con sò mọc ở nách lá còn loại cây cảnh kia thì không có.
- Lá sả
Ngoài những loại lá trên, người bệnh còn có thể sử dụng lá sả non kết hợp với mật ong, quế, hạt tiêu, nước cốt chanh và lá bạc hà để giúp thông mũi họng, dễ thở hơn và làm dịu đi các cơn ho nhanh chóng.
Hy vọng với những thông tin trên sẽ giúp cho bạn biết thêm được các lá cây chữa viêm đường hô hấp hiệu quả trong quá trình điều trị. Đây là một trong những cách điều trị đơn giản, dễ thực hiện và cũng đạt hiệu quả cao nhưng cần phải kiên trì sử dụng đều đặn. Tuy nhiên, nếu sử dụng một thời gian mà các triệu chứng không thuyên giảm thì bạn cần phải đi khám và điều trị bởi bác sĩ để tránh khiến cho tình trạng bệnh trở nên nặng hơn.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.