Các kinh nghiệm chữa trào ngược dạ dày thực quản

Có đa dạng cách chữa trào ngược dạ dày thực quản hiệu quả như thuốc, mẹo dân gian trị trào ngược,.. Trào ngược dạ dày thực quản là bệnh lý liên quan đến hệ tiêu hóa thường gặp nhất hiện nay. Để cải thiện tình trạng bệnh cũng như chất lượng cuộc sống, bệnh nhân cần hiểu rõ các phương pháp điều trị để chọn lựa cách phù hợp với tình trạng bệnh của mình.

1. Tổng quan về trào ngược dạ dày thực quản

Bệnh trào ngược dạ dày thực quản (Gastroesophageal reflux disease - GERD) là tình trạng khi dịch vị dạ dày trào ngược lên thực quản một cách quá mức, gây ra các triệu chứng bất thường trên thực quản. Trên thực tế, vẫn có lượng ít dịch axit từ dạ dày trào ngược lên thực quản sau bữa ăn nhưng đây là hiện tượng sinh lý bình thường của cơ thể.

Ở đường tiêu hóa trên, thực quản được bảo vệ bởi hoạt động của cơ vòng thực quản trên. Tuy nhiên, quan trọng hơn là cơ vòng thực quản dưới cùng nhu động của thực quản. Các cấu trúc và chức năng sinh lý này giúp ngăn thực quản tiếp xúc với các chất như thức ăn và dịch vị trào ngược từ dạ dày. Khi cơ thể tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ, các cơ chế bảo vệ này sẽ suy yếu và dẫn đến bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD).

Nguyên nhân gây ra tình trạng này bao gồm:

  • Giảm áp lực liên tục hoặc giãn tạm thời của các cơ thắt thực quản.
  • Nhu động thực quản yếu, không đủ mạnh để đẩy các chất trào ngược từ dạ dày xuống.
  • Sau phẫu thuật tại thực quản.
  • Thoát vị hoành.
  • Tăng tiết axit dạ dày, chậm làm rỗng dạ dày, ứ đọng thức ăn, tăng áp lực trong dạ dày hoặc ổ bụng.
  • Nhiễm vi khuẩn HP (Helicobacter pylori).
  • Stress, lo lắng, căng thẳng kéo dài.
  • Sử dụng thuốc kháng viêm không Steroid (NSAIDs), Steroid, Aspirin, Chẹn canxi, thuốc Chẹn Beta điều trị hen phế quản, Theophylin, thuốc kháng cholinergic, Nitrin, một số thuốc chứa Hormone (Progesteron), thuốc chống trầm cảm, thuốc an thần...
  • Thường xuyên sử dụng rượu bia, đồ uống có gas.
  • Hút thuốc lá.
  • Hạn chế hoạt động thể lực, lười vận động.
  • Thừa cân, béo phì.
  • Phụ nữ mang thai.
  • Bệnh có yếu tố di truyền.

Cần nhận biết đúng nguyên nhân gây ra bệnh để tìm được cách trị bệnh trào ngược dạ dày phù hợp, vì vậy thăm khám bác sĩ là điều cần thiết.

2. Chẩn đoán bệnh trào ngược dạ dày thực quản

Có thể chẩn đoán lâm sàng tình trạng trào ngược dạ dày thực quản dựa trên các triệu chứng tại thực quản và ngoài thực quản sau:

Các triệu chứng tại thực quản: Ợ nóng, ợ trớ, khó nuốt, rối loạn giấc ngủ (liên quan đến các rối loạn tiêu hóa).

Các triệu chứng ngoài thực quản: ho mạn tính, hen phế quản, viêm thanh quản, viêm họng tái phát, viêm phổi thùy, viêm phổi do hít phải thức ăn hoặc dịch vị, bào mòn răng, đau ngực không do tim,...

Để chẩn đoán cận lâm sàng, có thể sử dụng các phương pháp như:

  • Chụp X-quang thực dạ dày thực quản có cản quang để phát hiện các tổn thương như viêm loét thực quản, ung thư thực quản,..
  • Nội soi dạ dày tá tràng: Dùng để đánh giá tình trạng niêm mạc thực quản và các biến chứng khác ở những bệnh nhân bị trào ngược dạ dày thực quản, từ đó có cách chữa trào ngược dạ dày phù hợp.
  • Manometry thực quản (đo áp lực nhu động thực quản) và đo pH trong 24 giờ là các xét nghiệm thường chỉ được thực hiện cho mục đích nghiên cứu.
  • Test Bernstein.
  • Xét nghiệm sinh thiết thực quản để chẩn đoán và xác định tổn thương cụ thể.

3. Cách chữa trào ngược dạ dày

3.1 Cách chữa trào ngược dạ dày không dùng thuốc

3.1.1 Thay đổi chế độ ăn

Việc lựa chọn thực phẩm phù hợp có thể giúp giảm lượng axit dư thừa trong dạ dày và hạn chế những tổn thương đối với người bị trào ngược dạ dày thực quản. Ngoài ra, việc ăn uống điều độ và lành mạnh cũng giúp kiểm soát cân nặng có thể giảm áp lực lên ống tiêu hoá, từ đó làm giảm nguy cơ mắc bệnh.

Bệnh nhân nên chia thực đơn thành nhiều bữa nhỏ, tránh ăn quá nhiều và nằm ngay sau bữa ăn.

Một số nhóm thực phẩm có lợi cho người bị trào ngược dạ dày mà các bác sĩ thường khuyến nghị:

  • Bánh mì từ ngũ cốc nguyên hạt, gạo nguyên cám và yến mạch đều giúp giảm axit và triệu chứng trào ngược dạ dày.
  • Sữa chua chứa nhiều lợi khuẩn hỗ trợ tiêu hóa, có thể kết hợp với trái cây và ngũ cốc.
  • Trái cây như táo, lê, và chuối có ít axit và thích hợp cho người bị trào ngược.
  • Thịt thăn lợn, thịt ngan, và thịt lưỡi lợn là các loại đạm dễ tiêu giúp trung hòa axit và giảm triệu chứng.
  • Cá được chế biến bằng cách nướng, hấp, hoặc nấu canh cũng là một sự lựa chọn tốt.

3.1.2 Xây dựng lối sống lành mạnh

  • Kê cao đầu khi ngủ (10-15cm) hoặc sử dụng gối chống trào ngược cũng là cách chữa trào ngược dạ dày hiệu quả.
  • Tránh mặc quần áo bó sát.
  • Tránh dùng thuốc lá.
  • Tập thể dục nhẹ nhàng, yoga, thiền, nghe nhạc thư giãn...
  • Giảm căng thẳng, stress. 
Thiền giúp thư giãn, giảm stress cũng là một cách chữa trào ngược dạ dày.
Thiền giúp thư giãn, giảm stress cũng là một cách chữa trào ngược dạ dày.

3.2 Cách trị bệnh trào ngược dạ dày theo dân gian

Dưới đây là những cách chữa trào ngược dạ dày thực quản theo dân gian nhưng vẫn mang lại hiệu quả:

3.2.1 Baking Soda

Hoạt chất này có tác dụng chống viêm, sát khuẩn, giúp làm sạch và sát trùng đường họng; trung hòa axit, giảm cảm giác nóng rát do trào ngược. Đồng thời, phương pháp này ngăn ngừa vi khuẩn hoặc dịch axit trào ngược từ dạ dày gây tổn thương niêm mạc thực quản.

  • Nguyên liệu: 1 thìa Baking Soda và 200 ml nước lọc.
  • Khuấy tan hỗn hợp và uống 2-3 ly mỗi ngày.
  • Sử dụng trong 7 ngày.

3.2.2 Nghệ tươi và mật ong

Trong nghệ tươi có chứa Curcumin, một hoạt chất hiệu quả trong việc ngăn chặn viêm loét, kiểm soát viêm nhiễm, và bảo vệ niêm mạc dạ dày. Đây là cách chữa trào ngược dạ dày thường được sử dụng.

  • Nguyên liệu: 1 củ nghệ tươi và 1 thìa mật ong.
  • Bóc vỏ nghệ, rửa sạch, để khô, sau đó giã hoặc xay nhuyễn.
  • Pha hỗn hợp với 100 ml nước ấm và 1 thìa mật ong.
  • Sử dụng hỗn hợp trước bữa ăn 15-30 phút.

3.2.3 Cách trị bệnh trào ngược dạ dày dân gian bằng tỏi và mật ong  

Hai thực phẩm này chứa nhiều chất có khả năng bảo vệ và đẩy lùi các vi khuẩn gây bệnh dạ dày thực quản.

  • Nguyên liệu: 500 g tỏi và 300 ml mật ong nguyên chất.
  • Bóc vỏ tỏi và đập dập.
  • Đặt tỏi đã đập dập vào bình thủy tinh, đổ mật ong lên trên.
  • Đậy kín và sử dụng trong 3 tuần.
  • Sử dụng từ 2-3 tép tỏi ngâm mật ong mỗi ngày, có thể dùng trước khi ăn hoặc sau bữa ăn.

3.2.4 Lá mơ  

Có tác dụng sát khuẩn, giải độc và giúp trung hòa axit trong dạ dày, củng cố khả năng hoạt động của hệ tiêu hoá. Hướng dẫn sử dụng lá mơ như sau:

  • Nguyên liệu: 200 g lá mơ.
  • Rửa sạch và để ráo.
  • Giã hoặc xay nhuyễn và lọc lấy phần nước cốt, bỏ phần bã lá.
  • Sử dụng trực tiếp hoặc hấp cách thủy.
  • Dùng nước lá mơ 2 lần mỗi ngày.

3.2.5 Lá trầu

Có tác dụng điều hòa và cân bằng nồng độ PH, làm lành tổn thương và ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn. Sau đây là hướng dẫn sử dụng lá trầu để chữa bệnh:

  • Nguyên liệu: 10 lá trầu không và 1 thìa muối hạt.
  • Rửa sạch lá trầu và ngâm vào nước muối loãng.
  • Đun sôi 15 phút trong 300 ml nước, lọc lấy phần nước cốt.
  • Sử dụng trước bữa trưa 1 tiếng.

3.2.6 Chuối xanh  

Sử dụng chuối xanh cũng là một cách chữa trào ngược dạ dày thực quản. Chứa chất xơ, vitamin và các khoáng chất giúp làm đầy niêm mạc, giảm tổn thương và kháng viêm. Hướng dẫn sử dụng chuối xanh như sau:

  • Nguyên liệu: 2 quả chuối xanh và 1 thìa muối hạt.
  • Gọt sạch vỏ, ngâm trong nước muối 15 phút.
  • Ngâm ăn kèm cơm 3-4 lần mỗi tuần.

3.2.7 Tinh bột nghệ  

Sử dụng kết hợp với mật ong hoặc pha với nước ấm và sử dụng trực tiếp.

3.2.8 Nha đam  

Chứa hoạt chất oxy hóa giúp chống viêm và bảo vệ niêm mạc dạ dày. Sau đây là hướng dẫn sử dụng nha đam:

  • Nguyên liệu: 5 nhánh nha đam, 5ml mật ong và 1 thìa muối hạt.
  • Gọt sạch vỏ và ngâm trong nước muối loãng khoảng 10 phút
  • Giã hoặc xay nhuyễn nha đam với mật ong.
  • Thêm nước ấm và bảo quản trong tủ lạnh.
  • Sử dụng 2 muỗng mỗi ngày.

3.2.9 Nước dừa  

Chứa axit lauric và vitamin giúp loại bỏ vi rút gây trào ngược và tăng cường sức đề kháng. Người bệnh có thể sử dụng trực tiếp hoặc đun sôi.

3.2.10 Lá ổi

Chứa các hoạt chất kháng khuẩn và kháng viêm như Flavonoid, Tanin, Saponin... Sau đây là hướng dẫn sử dụng lá ổi để chữa bệnh:

  • Nguyên liệu: 50 g lá ổi non, 200 g gạo lứt và 500 ml nước lọc.
  • Rửa lá ổi và để ráo nước, sau đó thái nhỏ lá ổi, xào với gạo lứt.
  • Cho thêm nước lọc và đun nhỏ lửa đến khi sôi. Sau đó, lọc lấy phần nước cốt.
  • Sử dụng khi còn ấm để cơ thể dễ hấp thu các hoạt chất.

3.3 Cách trị bệnh trào ngược dạ dày thực quản bằng thuốc

3.3.1 Thuốc ức chế bơm Proton (PPI)

Các loại thuốc giúp ức chế tiết axit dạ dày phổ biến trong thời gian gần đây: Omeprazole, Pantoprazole, Esomeprazole, Rabeprazole, Lansoprazole, Dexlansoprazole,... Các loại thuốc này được khuyến nghị sử dụng trước khi ăn khoảng 30 phút. Thời gian điều trị của thuốc thường kéo dài từ 4 đến 12 tuần.

3.3.2 Thuốc trung hòa acid và alginate

Các loại thuốc trung hòa axit dạ dày thường chứa các muối nhôm và magnesi như: Maalox, Alusi, Gastropulgite,... Alginate là một thành phần hoạt chất giúp tạo ra một lớp bảo vệ trung tính để ngăn chặn sự trào ngược của dịch dạ dày. Loại thuốc trung hoà axit phổ biến như Gaviscon thường được sử dụng cho mục đích này và thường được dùng sau khi ăn từ 1 đến 3 giờ.

3.3.3 Cách trị bệnh trào ngược dạ dày với thuốc kháng thụ thể histamin H2

Một số loại thuốc phổ biến thường được sử dụng như: Zantac, Ranitidine, Tagamet... Thuốc nên được sử dụng khoảng 15 đến 30 phút trước khi ăn.

3.3.4 Thuốc tác dụng trên chức năng vận động thực quản (prokinetics)

Thông thường, nhóm thuốc này được kết hợp với nhóm ức chế bơm proton (PPI) trong việc điều trị bệnh trào ngược dạ dày thực quản. Các loại thuốc được sử dụng phổ biến như: Metoclopramide, Domperidone, Baclofen,...

3.4. Điều trị ngoại khoa

Điều trị phẫu thuật hoặc can thiệp nội soi thường được cân nhắc khi bệnh nhân không đáp ứng tích cực với phương pháp điều trị nội khoa hoặc khi bệnh nhân không muốn phải sử dụng thuốc trong thời gian dài.

Các cách chữa trào ngược dạ dày thực quản phổ biến hiện nay bao gồm:

  • Can thiệp nội soi: Khâu cơ thắt dưới thực quản.
  • Phẫu thuật Nissen: Phẫu thuật tạo hình thực quản.
  • Sử dụng thiết bị từ tính để thắt cơ vòng thực quản.

Hiện nay, có rất nhiều cách chữa trào ngược dạ dày thực quản được sử dụng bao gồm việc sử dụng thuốc, can thiệp ngoại khoa, bài thuốc truyền thống, hoặc các biện pháp dân gian dựa trên kinh nghiệm.

Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn và hiệu quả trong quá trình điều trị, bệnh nhân cần tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa trước khi quyết định áp dụng bất kỳ cách chữa trào ngược dạ dày thực quản nào.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng. 

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe